Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu
Thuốc làm tăng bài tiết một số muối và nước; đồng thời do mất nước và do các cơ chế khác nhau mà làm hạ huyết áp. Khi dùng không đúng chỉ định, chúng có thể làm mất cân bằng nước - điện giải, gây hạ huyết áp đột ngột.
Ngoài ra, một số thuốc lợi tiểu còn làm giảm magiê huyết, giảm canxi huyết góp phần làm rối loạn cân bằng các ion, tạo nên các triệu chứng bất thường do thiếu các chất này; làm tăng axit uric huyết dẫn tới triệu chứng gút.
Tác dụng phụ khi dùng phối hợp
- Kết hợp hai thuốc lợi tiểu:Sự kết hợp thuốc lợi tiểu “bài tiết” kali và thuốc lợi tiểu “tiết kiệm” kali sẽ làm tăng tính lợi tiểu, giảm sự mất cân bằng kali (do bù trừ). Tuy nhiên, tùy theo tình trạng kali huyết của người bệnh mà cơ thể vẫn có thể nghiêng về tăng hay giảm kali (tuy không nghiêm trọng, vì đã điều chỉnh) nhưng cần theo dõi.
- Kết hợp với thuốc khác:Thuốc ức chế men chuyển vốn làm tăng kali trong máu; khi phối hợp với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali sẽ làm tăng kali huyết. Cần tránh sự phối hợp này. Trong trường hợp cần và có thể phối hợp được (như người có trạng thái giảm kali huyết) thì phải cẩn trọng. Thuốc chữa đái tháo đường thuộc nhóm sulfunylure vốn làm tăng bài tiết natri cần tránh phối hợp với các thuốc lợi tiểu làm giảm natri máu. Hơn nữa, phải tính liều để khỏi làm cạn kiệt natri.
Tác dụng phụ khi dùng trong một số bệnh
- Với người bệnh tim mạch:Lợi tiểu là thuốc điều trị bước đầu, cơ bản trong suy tim, song chúng cũng có thể gây hại tim. Ví dụ: Hydrochlorothiazid làm giảm kali máu, giảm magiê máu dẫn tới loạn nhịp tim. Để tránh, có thể dùng các chất bổ sung kali hay phối hợp với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Spironolacton khi dùng đơn độc, hiệu quả yếu, nhưng nếu tăng lên liều cao có thể gây tăng kali máu. Thường hay dùng liều thấp, nếu cần phối hợp với hydrochorothiazid hay furosemid theo tỷ lệ thích hợp để tránh tác dụng phụ do sự phối hợp này gây ra.
- Với người bệnh suy thận:Thuốc lợi tiểu bài tiết natri và kali (hydrochlorothiazid, furosemid) có thể dẫn đến tình trạng giảm natri, kali, chlorid máu, gây nên tình trạng mất cân bằng điện giải - nước, mất cân bằng axit – baz, nhiễm axit, nhiễm nitơ máu. Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (amiclorid, spironolacton) làm tăng kali máu, báo hiệu sự suy thận; khi suy thận thì thuốc bị giữ lại trong cơ thể lâu hơn, làm cho việc tăng kali máu càng thêm nghiêm trọng.
- Với người bệnh xơ gan:Hầu hết thuốc lợi tiểu với liều cao có thể gây mất cân bằng điện giải. Người bệnh có xơ gan cổ trướng không chịu được sự mất cân bằng điện giải đột ngột này. Khi dùng, cần kiểm tra kali máu, cân bằng điện giải và cho lợi tiểu dần dần. Một số thuốc lợi tiểu có thể gây nên các bệnh não do gan, nếu có biểu hiện bệnh này (run, rối loạn, hôn mê) cần ngừng thuốc ngay.
- Với người bệnh đái tháo đường:Dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali cho người đái tháo đường (đặc biệt có kèm bệnh thận mạn hoặc tiền nitơ máu) dễ làm tăng kali máu, dẫn tới tăng glucoz máu. Vì vậy nếu cần dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali thì phải cẩn trọng; chỉ được dùng sau khi đã xác định tình trạng chức năng thận, trong quá trình dùng phải kiểm tra chu đáo kali máu.
Thuốc lợi tiểu được dùng chống ứ nước trong nhiều bệnh, nhưng thầy thuốc sẽ căn cứ vào bệnh, tình trạng từng người mà có chỉ định thích hợp. Người bệnh không nên đơn giản chỉ biết đến tính chống phù mà tự ý dùng, quên mất các tác dụng phụ khác. Theo qui chế kê đơn mới, thuốc lợi tiểu thuộc nhóm chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.