Tác động của biến đổi khí hậu với ngành du lịch miền Trung và biện pháp ứng phó
Các điều kiện về cơ sở hạ tầng như giao thông đường bộ đường sắt, sân bay, cảng biển cũng nhiều thuận lợi. Vì vậy, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được xác định là vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Nhiều dự án du lịch có tầm cỡ hàng trăm, hàng chục triệu đô đã đầu tư vào khu vực miền Trung có tiềm năng phát triển mạnh, như Trung tâm Hội nghị và làng Du lịch sinh thái Gami, khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn, khu đô thị Capital, khu du lịch Hòn Rơm - Mũi Né…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành du lịch miền Trung phải đương đầu với khó khăn và thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch miền Trung thời gian qua
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, tiếp giáp với biển Đông, một bộ phận của ổ bão Tây Bắc Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất hành tinh nên các tỉnh miền Trung hàng năm thường chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, nước dâng, lốc, tố, trượt đất, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn, xâm nhập mặn. Do biến động khí hậu nên thiên tai xẩy ra nơi đây ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 1951 đến 2007 khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định đã chịu ảnh hưởng của 116 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, chiếm 37% số cơn bão đổ bộ vào Việt Nam . Điều đáng chú ý là cường độ bão ngày càng mạnh, thời gian hoạt động của bão sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn, vị trí đổ bộ của bão vào phía Nam tăng dần. Cơn bão Yangsane đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 1/10/2006 có sức gió mạnh cấp 13 (137 km/h) giật trên cấp 13 đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, trong đó có ngành du lịch. Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, riêng di tích văn hóa bị thiệt hại lên tới 50 tỷ đồng. Hàng năm miền Trung chịu ảnh hưởng từ 3-5 đợt lũ. Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên số đợt lũ tăng lên đáng kể và đỉnh lũ hàng năm tăng dần. Năm 1999 miền Trung hứng chịu trận lũ lịch sử đầu tháng 11 và một trận lũ lớn đầu tháng 12 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành thương mại và du lịch bị thiệt hại trong hai đợt lũ này lên tới 48 tỷ. Gần đây nhất, trong năm 2007, do ảnh hưởng của La Nina, một đợt lũ lịch sử nữa lại xảy ra ở Quảng Nam , Đà Nẵng. Riêng ở Thừa Thiên Huế, trong vòng một tháng đã xảy ra 5 đợt lũ lớn liên tục trên báo động III, thiệt hại kinh tế lên tới 1.161 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu ở miền Trung
Theo thông báo đầu tiên của Việt Nam cho công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,1 0C/thập kỷ. Về mùa đông, nhiệt độ giảm đi trong các tháng đầu mùa và tăng lên trong các tháng cuối mùa. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè sẽ có xu thế tăng rõ rệt. Mực nước biển dâng từ 2,5 - 3,0 cm mỗi thập kỷ trong những thập kỷ qua; theo một số nghiên cứu, mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao 33 cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Việt Nam sẽ đối mặt với những trận bão nhiệt đới mạnh hơn. Trung bình hàng năm có khoảng 6 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam . Ba thập kỷ gần đây, số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta và mức độ ảnh hưởng cũng có xu hướng tăng. Bão thường xuất hiện muộn hơn.
Trong thời gian gần đây lũ lụt lớn xảy ra ở các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng hơn nửa đầu thế kỷ trước. Năm 1999 và 2007, do chịu ảnh hưởng của La Nina, ở miền Trung đã có lũ lịch sử. Biến đổi khí hậu đã và đang làm cho thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai, bão lũ, hạn hán xảy ra thường xuyên, nước ngọt khan hiếm, năng suất nông nghiệp giảm, các hệ sinh thái bị phá vỡ và bệnh tật gia tăng. Trong thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình nằm trên tất cả các vùng lãnh thổ của nước ta đều tăng. Tại khu vực miền Trung đến năm 2020 sẽ tăng 0,5 0C, đến năm 2050 tăng 1,4 0C và đến năm 2100 tăng 2,5-2,7 0C so với năm 1990. Lượng mưa từ nay đến các thập kỷ XXI đều tăng. Mức tăng ở khu vực miền Trung Bộ từ 0,67-4,45% trong thời kỳ 2010 - 2050 và từ 3,94-8,25% trong thời kỳ 2060-2100. Đặc biệt, vào thời kỳ mùa khô, phần lớn các vùng lãnh thổ nước ta có lượng mưa giảm và vào các tháng mùa mưa các vùng đều có lượng mưa tăng đáng kể. Tình trạng đó dẫn đến hạn hán và lũ lụt càng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đối với mực nước biển dâng, các tác giả ở Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đã tính toán các kịch bản trong bảng 1.
Bảng 1. Mực nước biển dâng ở Trung Bộ (cm) qua các thập kỷ của thế kỷ XXI so với năm 1990 ứng với 6 kịch bản phát thải cao (A1Fl,A2), vừa (AIB, B2) và thấp (A1T, B1)
Kịch bản phát thải | 2010 | 2020 | 2030 | 2040 | 2050 | 2060 | 2070 | 2080 | 2090 | 2100 |
Cao - A1Fl | 1,6 | 2,6 | 3,6 | 5,5 | 7,6 | 10,3 | 13,1 | 16,1 | 19,1 | 22,0 |
Vừa - B2 | 1,6 | 2,6 | 3,9 | 5,4 | 7,1 | 8,9 | 10,7 | 12,5 | 14,2 | 15,9 |
Thấp - B1 | 1,6 | 2,6 | 3,7 | 5,1 | 6,8 | 8,5 | 10,0 | 11,4 | 12,6 | 13,6 |
Kết quả trong bảng 1 cho thấy mực nước biển dâng ở miền Trung thấp hơn miền Bắc và miền Nam, đến năm 2020 là 2,6cm, đến năm 2050 từ 6,8-7,6cm và đến năm 2100 từ 13,8-22,0cm so với năm 1990.
Chưa có kịch bản đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến mức độ ngập lụt cho toàn khu vực miền Trung, riêng lưu vực sông Hương các nhà khoa học đã sử dụng mô hình MIKE 11 để mô phỏng diễn biến thủy lực trên hệ thống sông Hương và dùng MIKE 11 GIS để lập bản đồ ngập lụt. Trận lũ lịch sử tháng 11/1999 trên lưu vực được chọn là kịch bản nền. Kết quả tính toán theo kịch bản phát thải cao được thể hiện trong bảng 2.
Bảng 2. Diện tích ngập lụt lớn nhất có thể xảy ra trên lưu vực sông Hương theo kịch bản phát thải cao
1999 | 2030 | 2050 | 2070 | 2090 | 2100 | |
Đỉnh lũ (m) | 5,81 | 5,96 | 6,08 | 6,16 | 6,27 | 6,44 |
Diện tích ngập (km 2 | 388,4 | 404,5 | 419,2 | 438 | 448,8 | 453,7 |
Kết quả cho thấy dưới ảnh hưởng của mực nước biển dâng, nếu có trận lũ như năm 1999 thì đỉnh lũ không phải là 5,81 mà là 6,08m nếu xảy ra năm 2050 và 6,44m, nếu xẩy ra 2100. Diện tích ngập lụt từ 388,4 km 2trong năm 1999 lên 453,7,m 2năm 2100.
Tuy nhiên, trong tính toán kịch bản này các tác giả chưa tính đến tác dụng cắt giảm lũ của các hồ đập đa chức năng ở thượng nguồn hệ thống sông Hương. Theo thiết kế các hồ đập này có khả năng giảm đỉnh lũ xuống 1m. Như vậy, dù có tác động bởi biến đổi khí hậu thì đỉnh lũ lớn nhất vào năm 2100 trên hệ thống sông Hương cũng không cao bằng năm 1999.
Đánh giá tác động của BĐKH đối với ngành du lịch miền Trung
Định hướng phát triển du lịch của miền Trung là du lịch biển, đảo và ven biển, chủ yếu theo tuyến du lịch ven biển dọc quốc lộ 1A. Các tuyến du lịch xây dựng dựa vào khai thác giá trị du lịch của các di tích lịch sử, văn hóa, di tích chiến tranh và di sản thế giới. Đồng thời, xây dựng mới hiện đại một số khu hội chợ, hội nghị, hội thảo quốc tế, khu thể thao tổng hợp ở các khu vực Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí quốc tế, nhất các môn thể thao đặc thù trên biển…
Theo dự báo, cường độ và tần suất bão, lũ và các thiên tai như lũ quét, trượt đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, cháy rừng gia tăng do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến du lịch theo hướng làm hư hại cơ sở hạ tầng, làm xấu đi môi trường cảnh quan du lịch, do đó làm giảm lượng khách đến, ảnh hưởng đến các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch mạo hiểm…
Do nước biển dâng cao, một số vùng ven biển của các tỉnh miền Trung bị ngập, trong đó có các cơ sở du lịch, nếu không kịp thời điều chỉnh. Một số nhà nghỉ gần biển sẽ bị hư hại do sạt lở, các bãi tắm bị xâm thực mạnh. Các tour du lịch sinh thái trong vùng đầm phá không thực hiện được do bị ngập sâu, một số điểm du lịch sinh thái rừng ngập mặn như Rú Chá, cửa sông Bu lu, dọc sông Ô Lâu có khả năng biến mất.
Xu thế tăng lượng mưa trong thời kỳ mưa lũ và giảm lượng mưa trong thời kỳ ít mưa đặt ra vấn đề tính toán cấp thoát nước trong khu du lịch. Cao độ nền móng, khẩu độ cống rãnh thoát nước phải điều chỉnh cho phù hợp. Tình trạng hạn hán sẽ gay gắt hơn. Nguồn cấp nước trong mùa khô phải được tính đến, nhất là vùng Nam Trung Bộ, nơi mà tình trạng sa mạc hóa đang đe dọa. Các sân golf liền kề cả trăm héc ta đất ven biển sẽ tác động đến môi trường khi các khu rừng dương phòng hộ bị chặt bỏ, các cồn cát được san lấp không còn tác dụng ngăn chặn sóng thần, nước dâng, hóa chất được sử dụng để duy trì những đồi cỏ sẽ tác động đến mạch nước ngầm.
Nhiệt độ tăng làm cho đa dạng sinh học giảm, một số loài sinh vật đặc hữu tại một số địa điểm du lịch sinh thái có thể bị biến mất, các rạn san hô có thể bị thoái hóa làm giảm sự hấp dẫn. Các món ăn truyền thống cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu có thể làm cho môi trường du lịch bị suy giảm, ô nhiễm nước biển tại các bãi tắm tăng lên.
Tác động lâu dài của BĐKH sẽ gây ra dịch bệnh, đói nghèo, mất an ninh lương thực, mất ổn định chính trị thu nhập của người du lịch sẽ giảm, tất yếu sẽ làm giảm lượng khách du lịch.
Các biện pháp thích ứng
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành và tính xã hội hóa cao. Muốn phát triển du lịch bền vững phải tính đến điều kiện tự nhiên như: địa hình, khí hậu, cảnh quan, môi trường sinh thái và chất lượng các dịch vụ. BĐKH mà chủ yếu do nhiệt độ trái đất nóng lên và nước biển dâng cao đã và sẽ tác động đến ngành du lịch đầy tiềm năng của miền Trung. Để ứng phó với BĐKH cần tiến hành tổ chức đo đạc, khảo sát những biến đổi khí hậu đã từng xảy ra trên những vùng du lịch trọng điểm. Đánh giá chi tiết, cụ thể về BĐKH đối với lĩnh vực du lịch cho từng vùng. Xây dựng các kịch bản về BĐKH để đánh giá định lượng tác động của BĐKH như độ cao của mực nước biển, diện tích ngập, độ sâu ngập, độ mặn, suy giảm của môi trường, đa dạng sinh học… Khi đánh giá tác động của BĐKH đến các dự án du lịch, đặc biệt chú ý đến các vùng nhạy cảm, các vùng trọng điểm phát triển, như: ven biển, vùng đầm phá, hải đảo, vùng núi đang bị lũ quét đe dọa, vùng khô hạn có dấu hiệu hoang mạc hóa, trên cơ sở đưa ra những biện pháp thích ứng trong quy hoạch. Chẳng hạn, những vùng ven biển nhất thiết phải để lại những cồn cát chống ngập mặn, chống nước dâng, sóng thần. Có hành lang bảo vệ ven biển bằng rừng phòng hộ hoặc đê kè chắn sóng…. Đồng thời, những điều chỉnh trong quy hoạch hiện hành cần tính đến tác động của BĐKH, tránh xa những địa điểm xói lở, trượt đất lũ quét.
Đối với những cơ sở du lịch đã xây dựng, cần nghiên cứu những công trình nào, hoặc hạng mục nào của công trình có thể sẽ chịu tác động của BĐKH trong quá trình tồn tại, từ đó đề ra giải pháp cần thiết. Việc điều chỉnh thiết kế công trình, đánh giá lợi ích kinh tế của phát triển du lịch cần tính đến các tác động của BĐKH, đồng thời, phát triển du lịch vùng, bảo vệ môi trường du lịch phải áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp bền vững, gắn với tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH.