Sự phát triển văn hóa ở Nghệ Tĩnh, Thăng Long thời Nguyễn
1. Bối cảnh lịch sử nước ta ở thế kỷ XIX
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, thành lập triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long. Về cơ bản, đến thời Nguyễn, Việt Nam đã trở thành quốc gia thống nhất về mọi mặt. Trên cơ sở thống nhất đó, được tạo dựng từ nhiều thế kỷ trước, nền văn hóa nước ta càng có điều kiện phát triển.
Thực tế, tình trạng kinh tế nông nghiệp suy yếu, ruộng đất chủ yếu tập trung trong tay địa chủ, vấn đề đê điều được triều đình bàn bạc thường xuyên song không mang lại hiệu quả. Chính sách hạn chế sự phát triển thương nghiệp của triều Nguyễn đã không tạo ra những nhân tố mới cho kinh tế thương nghiệp nước ta. Đời sống nhân dân lâm vào tình cảnh cùng cực, nông dân bị bần cùng hóa đã gia nhập vào đội quân đông đảo chống lại triều đình. Vì vậy, hơn 30 năm đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn luôn phải vất vả đối phó với các phong trào khởi nghĩa nông dân.
Trong bối cảnh chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng, triều Nguyễn vẫn cố gắng duy trì Nho giáo làm công cụ để cai trị xã hội. Nho giáo được triều Nguyễn phục hưng trên nhiều lĩnh vực của đời sống: giáo dục, thi cử, văn hóa,... Song cũng chính lúc đó, triều Nguyễn không thể phủ nhận được sự phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng của Thiên chúa giáo trong các tầng lớp cư dân. Khi làn sóng văn minh của chủ nghĩa tư bản phương Tây tràn sang khu vực Á Đông, Nho giáo đã dần mất đi sức hấp dẫn của nó đối với nhân dân Việt Nam . Trong giới văn sĩ nước ta đã hình thành những xu hướng tư tưởng khác nhau. Tiêu biểu là 3 xu hướng: hoài cổ, tiếc nuối quá khứ (tiếc nhớ triều Lê), ủng hộ triều Nguyễn và sự đả kích gay gắt các tầng lớp vua quan phong kiến.
Đến thế kỷ XIX, kinh đô của Việt Nam không còn là Thăng Long mà được thay bằng kinh thành Huế. Triều Nguyễn lại đặc biệt quan tâm đến 2 khu vực: từ Thanh - Nghệ - Tĩnh đến Thừa Thiên Huế - đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn; và khu vực từ Huế vào Nam là vùng đất có khối cư dân đông đảo ủng hộ nhà Nguyễn. Sự quan tâm đó thể hiện rất rõ trong chính sách giáo dục, thi cử. Các vua Nguyễn bao giờ cũng ưu tiên số lượng thí sinh thi và lấy đỗ ở hai khu vực này nhiều hơn. Bối cảnh lịch sử như vậy có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển văn hóa nước ta ở thế kỷ XIX nói chung và Thăng Long, Nghệ Tĩnh nói riêng.
2. Một số nét văn hóa tiêu biểu của Nghệ Tĩnh, Thăng Long thời Nguyễn:
a) Văn học:
Văn học thế kỷ XIX thể hiện rõ nét bối cảnh lịch sử xã hội đương thời. So với thời kỳ trước, nội dung và hình thức thể hiện đã có sự biến chuyển. Thông qua tác phẩm, các tác giả vạch trần những thói hư tật xấu của chế độ phong kiến, sự bất lực của chính họ trước thời cuộc và khát vọng thay đổi thực trạng xã hội. Lần đầu tiên trong văn học, yếu tố con người được đề cập đầy đủ, rõ nét với những giá trị mới: Chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, khát vọng được yêu thương và quyền được sống hạnh phúc.
Các tác giả dân gian ở Nghệ Tĩnh đóng góp vào nền văn học bằng nhiều tiếng nói đa dạng, phong phú. Điển hình trong nguồn văn học thành văn là sự đan xen của các luồng tư tưởng khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong việc thể hiện tâm tư tình cảm của các tác giả. Xu hướng đầu tiên thể hiện rõ nhất là sự tiếc nuối những giá trị văn hóa, truyền thống đã mất của một số nhà thơ. Nguyễn Huy Hổ (1788-1841) người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, Nghệ Tĩnh. Ông là con của Nguyễn Huy Tự (tác giả Truyện hoa tiên) với Nguyễn Thị Đài, là tác giả của "Mai Đình mộng ký". Tác giả ghi lại giấc mơ của Nguyễn Huy Hổ trong một lần du ngoạn sông Lam, không may lạc vào một lâu đài, ông nói chuyện với một góa phụ đã 10 năm; hai người hẹn sẽ gặp lại nhau sau khi tác giả đã công danh thành đạt. Tác phẩm thật sự là: "Một áng văn chương tuyệt diệu, không lời nào non, không vần nào ép... Tác giả đặt câu với những chữ rất thường mà ý tứ dồi dào, lời lẽ ly kỳ, bóng bẩy, lưu loát,..."1.
Bà Huyện Thanh Quan (1804 - 1847), một phụ nữ đất Thăng Long nổi tiếng với các bài thơ chữ Nôm: "Thăng Long thành hoài cổ", "Qua đèo Ngang", "Chùa Trấn Bắc", "Bạch Đằng Giang", "Chiều hôm nhớ nhà",... đã thể hiện nỗi lòng xót xa của tác giả trước bối cảnh xã hội thế kỷ XIX.
Hay Vũ Tông Phan, một sỹ phu quê gốc Hải Dương, sống tại Thăng Long (1800 - 1851) đã thể hiện tư tưởng hoài cổ, luyến tiếc ở những vần thơ:
Giặc Ân gieo nạn thuở sơ khai
Một trận Vũ Ninh động đất trời
Núi Sóc ngày nào về cưỡi gió
Uy danh Lãng Bạc để muôn đời
(Đền Sóc Thiên vương ở Minh Tảo)2
Cùng thời điểm đó là xu hướng của một số văn sỹ đả kích chế độ phong kiến nhà Nguyễn thối nát, sâu mọt. Trong đó có các đại diện tiêu biểu như: Nguyễn Du, Hoàng Phan Thái, Trần Tấn, Đặng Như Mai, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu,...
Nguyễn Du (1766 - 1820) là tác gia lớn về văn học của quê hương xứ Nghệ. Ông nổi tiếng với những sáng tác về chữ Hán, chữ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều, người đọc thấy rõ bộ mặt của chế độ phong kiến đầu triều Nguyễn với tất cả những bất công của nó. Với 3.254 câu thơ, ông vạch trần mặt trái của vua quan phong kiến, chế độ coi đồng tiền là sức mạnh vạn năng, phá hủy những giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội.
Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) là nhà thơ đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân dân thời bấy giờ. Qua những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi, ông đã phản ánh rất rõ nỗi thống khổ của quần chúng nhân dân lao động vì ách sưu cao, thuế nặng, đồng thời bộc lộ sự bất lực của mình trước thời cuộc:
Bắc Kỳ đương khổ lụt
Cõi Tây vẫn còn chiến tranh
Kinh truật có ích gì?
Đêm khuya nhìn lên sao Bắc Đẩu3
Dù mang tâm trạng chua xót, nhưng hầu hết các nhà Nho vẫn giữ một tấm lòng yêu nước sắt son.
Ở thời Nguyễn, giá trị nhân văn của con người và quyền được yêu thương, được hưởng hạnh phúc được các tác giả đề cao. Chủ đề này tập trung ở các bài thơ của nữ sỹ Hồ Xuân Hương. Tác giả bộc lộ khát vọng được sống hạnh phúc của người phụ nữ qua những vần thơ mạnh mẽ: "Chém cha cái kiếp chồng chung/ kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng"...
Như vậy, trên lĩnh vực văn học, các tác giả Nghệ Tĩnh, Thăng Long đều hòa mình trong không khí của bối cảnh đương thời, nói lên khát vọng đổi thay thực trạng xã hội, đề cao quyền tự do, hạnh phúc của con người. Văn học thể hiện tấm lòng trung quân ái quốc, sự xót thương và cảm thông của các tác giả đối với nhân dân lao động.
b) Nghệ thuật:
Trong lịch sử phát triển, Nghệ Tĩnh là nơi ít chịu ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa bên ngoài. Về cơ bản, tính chất bản địa của nền văn hóa vẫn được bảo tồn mạnh mẽ cho tới tận thế kỷ XIX. Tính bản địa thể hiện cụ thể trong nghệ thuật của văn hóa Hồng Lam.
Loại hình mỹ nghệ trang trí đồ dùng đã có ở thời kỳ trước, đến nay vẫn tiếp tục phát triển, phổ biến hơn là các loại đồ dùng trong đền, miếu: lư hương, bàn ghế, theo công thức: mai, trúc, rồng, phượng, bát tiên,... Có thể thấy, cấu trúc rất vững chắc, đường nét khỏe mạnh tạo nên khối lớn.
Tranh vẽ thời Nguyễn phổ biến trên tường ở một số kiến trúc như đền Ông, chùa Diệc, đền chùa ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, mang công thức chung chung, khô và lạnh. Trong khi đó, tượng thần ở đền, miếu lại mang đậm tính địa phương; tượng Phật ở đền Tiên Đồng của dân tộc Thổ (Tân Kỳ) tạc bằng gỗ, xếp chữ ngũ, 2 tay phật lần tràng hạt; tượng quan Hoàng Mười sơn màu vàng bóng trong đền Củi,... Ngoài những bức phù điêu bát tiên tứ quý, còn có một số miêu tả cảnh sinh hoạt lao động của người dân. Có những cảnh kéo co, cày cấy, chăn trâu ở đình Hoành Sơn và Tam Tạng (huyện Nam Đàn) thể hiện tính chất đồng nội rõ rệt.
Kiến trúc ở Nghệ Tĩnh thể hiện trên các loại hình thành quách, đền miếu, nhà cửa,... Nghệ Tĩnh có 182 thành lũy lớn nhỏ: thành Lam (Hưng Nguyên), Nam (Con Cuông), Trài (Diễn Châu),... Cấu trúc thành bên ngoài có ao sâu, bờ tre bảo vệ; nhiều thành có cạnh vuông thẳng góc, thành kiểu chữ A có nhiều tử giác (góc chết) thẳng tắp. Thành Phượng Hoàng Trung Đô được Quang Trung xây dựng năm 1788, đến các thời vua Gia Long, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, thành tiếp tục được trùng tu (Yên Trường); thành cổ Nghệ An được Minh Mệnh xây dựng năm 1831 với diện tích 420.000m2, xung quanh có hào rộng, chủ yếu bằng đá ong theo kiểu Vô Băng.
Đó là những công trình quy mô, đúc kết kinh nghiệm của cha ông ta trên nhiều mặt như: quân sự, kiến trúc, thẩm mỹ. Nghệ thuật tương đối giản dị, mộc mạc, không hoa mĩ, rất phù hợp với vùng đất và con người Nghệ Tĩnh.
Khác với Nghệ Tĩnh, Thăng Long là miền đất hội tụ, lan tỏa văn hóa, chủ yếu nhất là nghệ thuật. Nghệ thuật tạo hình được xem là thành công nổi bật của nghệ nhân Thăng Long. Các công trình chùa chiền là minh chứng cụ thể: Năm 1842, triều Nguyễn cho xây chùa Liên Trì bên Hồ Gươm; năm 1865, tu tạo đền Ngọc Sơn, dựng đài Nghiên, tháp Bút,... Đặc biệt, kiến trúc Thăng Long đã được thể hiện rõ nét qua những công trình khai quật khảo cổ học ở khu vực Ba Đình. Có rất nhiều cung điện với diện tích từ 5,8 - 6m, những tòa lầu lục giác với những nét chạm trổ tinh xảo tài hoa, những cống dẫn nước xây bằng gạch chuyên dụng. Trong đó, vật liệu gạch ngói được sử dụng có khắc chữ Vĩnh Ninh Trường đã chứng tỏ nơi đây thu hút được số lượng thợ khéo tay đông đảo ở các miền đất nước, trong đó có Thanh - Nghệ - Tĩnh.
c) Giáo dục:
Đến thế kỷ XIX, Thăng Long vẫn được đặt làm trường thi của Bắc Thành. Nơi này đã thu hút khối lượng Nho sinh đông đảo đến ôn luyện và chờ ngày ứng thi. Là vùng đất nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, nhất là vùng Phú Thị, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (hay gọi là Sủi, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã cung cấp một số lượng không nhỏ các Nho sĩ trí thức cho triều đình. Vùng đất này đã sản sinh ra nhân tài thơ văn Cao Bá Quát (1808 - 1854, gốc Thanh Hóa), với tư tưởng nhân đạo sâu sắc, được coi là danh sĩ của đất Thăng Long.
Nghệ An từ lâu là vùng đất có truyền thống hiếu học. Một số tên làng như: Bút Trận, Bút Điền, Văn Vật, Văn Tập... ở Diễn Châu; Tam Khôi, Văn Thai ở Quỳnh Lưu đã phản ánh truyền thống trọng học, trọng khoa cử ở các địa phương trên nói riêng và Nghệ An nói chung. Theo thống kê trong "Quốc triều Hương khoa lục" của Cao Xuân Dục từ khoa thi Đinh Mão (1807) đến khoa thi Tân Mão (1891) tổng cộng là 32 khoa thi lấy đỗ 615 người. Đội ngũ Nho sĩ đỗ đạt dưới triều Nguyễn khá đông đảo, nhiều người giữ trọng trách ở triều đình và các địa phương.
d) Phong tục:
Chế độ phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng về mọi mặt khiến đời sống nhân dân càng thêm cực khổ. Nhưng chính bối cảnh đó lại khiến người dân xứ Nghệ trở nên gắn bó thân thiết với nhau hơn. Họ thường tổ chức thành những hội làm việc, lợp nhà, cấy gặt, phường ghép sân, ghép mảng, chăn trâu bò,... Họ thay phiên giúp đỡ nhau khi có mùa màng. Nếu ai không tuân thủ quy tắc đã đề ra của hội thì sẽ trở thành người đơn độc trong làng xóm. Đây là nét đẹp văn hóa còn lưu giữ được ở địa phương, thể hiện tinh thần cộng đồng thực sự của cư dân xứ Nghệ.
Về tinh thần đoàn kết này, có thể thấy nét tương đồng trong các làng nghề truyền thống ở Thăng Long. Các làng như: gốm Bát Tràng, làng hoa Ngọc Hà, làng Láng trồng rau xanh, làng Vòng làm cốm,... dù nền kinh tế đã bị những yếu tố mới của chủ nghĩa tư bản xâm nhập song họ vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống của mình. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt so với Nghệ Tĩnh, là đến thế kỷ XIX văn hóa, tư tưởng ở Thăng Long không hoàn toàn mang tính chất thuần nhất, mà có sự pha tạp, xen kẽ giữa ý thức hệ của các tầng lớp cư dân khác nhau. Nhất là thương nhân, thợ thủ công ở Thăng Long, do tiếp xúc sớm với nền kinh tế hàng hóa phương Tây, khi kỷ cương của chế độ phong kiến đã không còn sức mạnh như trước nữa, họ nhanh chóng trở thành những thành phần tiêu biểu cho lối sống "đô thị hóa". Nhưng phong tục của cư dân Thăng Long vẫn thể hiện được sự khéo tay, hay làm và nét thanh lịch vốn có từ xưa.
3. Một số nhận xét:
- Trong bối cảnh lịch sử đất nước đầy biến động, chế độ phong kiến khủng hoảng, nhà Nguyễn từng bước đầu hàng chủ nghĩa thực dân, văn hóa Nghệ An, Thăng Long một mặt vừa phản ánh chế độ, mặt khác vừa thể hiện tính chất bản sắc văn hóa vùng miền rõ rệt. Dù mang giọng điệu châm biếm với những hình thức thể hiện khác biệt nhưng văn thơ của nhà Nho là tiếng nói phát ra từ nỗi niềm chua xót trước tình cảnh khổ cực của người dân lao động, thể hiện tấm lòng yêu nước tha thiết, khát vọng xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp. Các tác phẩm thơ văn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử văn học nước nhà.
- Do tiếp thu, ảnh hưởng nhiều yếu tố văn minh phương Tây trong giai đoạn giao thời giữa cái cũ và cái mới, nghệ thuật của Nghệ An, Thăng Long có sự pha trộn nhiều loại hình khác nhau. Tuy nhiên, nét nổi bật ở nghệ thuật kiến trúc Nghệ An đó là theo một công thức chung chung, sắc màu khô, lạnh. Còn ở Thăng Long, sắc thái của kiến trúc không bó hẹp trong công thức định sẵn, do vậy nó dễ dung hòa các yếu tố kiến trúc ở các địa phương khác nhau. Có thể khẳng định, nghệ thuật của Thăng Long có "xu hướng mở" mạnh hơn.
- Trong không gian nước Việt Nam vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XIX, văn hóa Nghệ An và Thăng Long có sự giao thoa rõ rệt. Hướng giao thoa chủ yếu là từ phía Nghệ Tĩnh đối với Thăng Long, hay nói cách khác là "từ ngoài vào trong". Các công trình kiến trúc của Thăng Long đã chứng minh cho tài năng khéo léo của nghệ nhân xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh. Đặc biệt, trong văn học, yếu tố tương đồng của hai vùng rất rõ. Xứ Nghệ đã góp cùng Thăng Long tiếng nói đả kích chế độ phong kiến đương thời. Thăng Long lại trở thành hiện thực khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ. Nếu như không có những cảnh đẹp ở Tây Hồ, cuộc sống da dạng ở chốn đô thành, có lẽ Nguyễn Du sẽ không làm nên những áng thơ miêu tả tuyệt tác trong Truyện Kiều.
- Như vậy, có thể thấy văn hóa Nghệ Tĩnh là một trong những yếu tố để Thăng Long hội tụ và phát triển, tạo nên sắc thái đa dạng cho vùng đất được coi là nghìn năm văn hiến của dân tộc².
Chú thích:
(1) Mai Đình mộng ký, Nguyễn Huy Hổ, Nxb Song Nhi, Hà Nội, 1951, tr.13 - 14
(2) Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001, Tr.81
(3) Cao Bá Quát, danh sĩ đất Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Minh Tường, Nxb Quân đội Nhân dân, 2000, tr.79.