Sinh vật chuyển gen ở Việt Nam - Biến thách thức thành cơ hội
Người ta có thể chuyển gen chịu lạnh của loài cá đang sống ở vùng Bắc Cực vào cây nhiệt đới để tạo ra giống cây trồng được ở vùng lạnh, hay chuyển gen diệt sâu ở một loại vi khuẩn vào cây bông để tạo ra giống bông kháng sâu trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển...
Nhiều nhà khoa học có uy tín đã lên tiếng, rằng những nguy cơ tiềm ẩn của sinh vật chuyển gen là không có cơ sở khoa học, và người dân hãy cứ yên tâm sử dụng. Tuy nhiên nỗi lo đó vẫn tồn tại cho đến hôm nay, bởi nhiều lý do: người tiêu dùng chưa quen với loại sản phẩm mới, thiếu những thông tin đáng tin cậy và cập nhật, lại luôn phải đối mặt với những luồng thông tin ngược chiều thường xuyên đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng và do thiếu hiểu biết chung về hệ thống sản xuất thực phẩm hiện đại.
Sự chấp nhận của xã hội chính là cơ hội để việc nghiên cứu và tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học này trong sản xuất thực phẩm và cả trong nền nông nghiệp.
Năm 1994 đánh dấu mốc sản phẩm chuyển gen đầu tiên được trồng và tiêu thụ ở một số nước đang phát triển, đó là giống cà chua mang đặc tính chậm nẫu. Ngay lập tức, nhiều luồng dư luận đã hình thành một cách mạnh mẽ. Các nhà khoa học tập trung vào nguy cơ tiềm tàng của cây chuyển gen trong khi người khác lại nhấn mạnh lợi nhuận mà công nghệ này mang lại. Các quan điểm trái ngược nhau xoay quanh nhiều vấn đề, rằng, sự biến đổi di truyền các cây trồng có thực sự gây hại cho bản thân chúng về lâu dài hay không; rồi thực phẩm chế biến từ sinh vật biến đổi gen có thực sự an toàn không, hậu quả sẽ như thế nào đối với người nếu ta sử dụng chúng; Cây trồng biến đổi gen có làm giảm tính đa dạng sinh học; vấn đề ô nhiễm di truyền; xét về mặt đạo đức, việc chủ động biến đổi các sinh vật là đúng hay sai...
Vấn đề được đẩy đến đỉnh điểm khi Tổ chức Hòa bình xanh chính thức công bố ngừng các nghiên cứu về thao tác gen cho đến khi các nhà khoa học chứng minh rõ trắng đen công nghệ biến đổi gen là hoàn toàn vô hại.
Liên hợp quốc cũng chính thức vào cuộc từ năm 1995 bằng cách chi kinh phí và tổ chức một loạt các cuộc hội nghị chuyên đề về sử dụng và chuyển giao an toàn các sinh vật chuyển gen và các sản phẩm từ chúng. Ðầu năm 2000, với việc soạn thảo và thông qua một văn bản chính thức gọi là Nghị định thưCartagenavề an toàn sinh học áp dụng cho toàn cầu. Tính đến ngày10-1-2004, đã có 79 nước phê chuẩn.
Ở ViệtNam, người trực tiếp tham dự các cuộc họp quan trọng để đi đến việc ra Nghị định thưCartagenalà Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ðình Lương, hiện làm ở Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ViệtNam. Ðề cập đến vấn đề này, Giáo sư Lương là người có cách nhìn khá lạc quan. Theo ông, trong một sản phẩm biến đổi gen, chỉ tiếp nhận một đến vài gen từ ngoài vào trong số 30 đến 40 nghìn gen sẵn có trong mỗi tế bào. Số lượng gen không đáng kể đó trước khi cấy lại được các nhà khoa học biết chắc chắn các thông số về nó. Chính vì thế, vấn đề an toàn với sản phẩm đó là hoàn toàn kiểm soát được.
Giáo sư Lê Ðình Lương nhấn mạnh, các nhà khoa học tạo ra giống cây trồng tốt khi mục đích tốt. Với mục đích xấu, họ có thể tạo ra thậm chí cả vũ khí sinh học hết sức nguy hại. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển như nước ta hiện nay, nguy cơ đó hầu như không đáng kể để phải đặt lên bàn cân giữa nguy hại và lợi ích mà sinh vật chuyển gen mang lại. Nói cách khác, hại hay không không phụ thuộc vào kỹ thuật mà phụ thuộc vào mục đích của người tạo ra sản phẩm đó.
Lý giải vì sao lại dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ ở châu Âu với sản phẩm chế biến từ sinh vật chuyển gen, Giáo sư Lương cho rằng, bởi cuộc sống của họ đã hoàn toàn no đủ, phồn vinh với nền nông nghiệp kinh điển. Họ không phải chấp nhận những rủi ro có thể có khi chấp nhận thử nghiệm công nghệ mới. Ðiều đó cũng hoàn toàn có lý trong điều kiện của họ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới này một cách rộng rãi và đã giải quyết được về cơ bản vấn đề an ninh lương thực. Nước ta chính thức cho phép sử dụng sản phẩm từ sinh vật chuyển gen với mục đích cứu đói cho dân, nhưng phải trải qua một loạt các khâu kiểm tra, kiểm nghiệm.
Có ý kiến cho rằng, nên thành lập hẳn một trang trại mới để kiểm nghiệm sinh vật chuyển gen. Giáo sư Lương cho rằng, thực hiện theo hướng này đòi hỏi đầu tư lớn, quá tốn kém nhưng ít hiệu quả vì khoa học công nghệ thì phát triển như vũ bão, trong khi để xây dựng được một trang trại như thế trang thiết bị phải hiện đại, cập nhật. Luồng ý kiến thứ hai, chiếm sự ủng hộ của khá đông các nhà khoa học, không nhất thiết phải lập một hệ thống mới mà ta cứ dùng ngay hệ thống sẵn có; việc kiểm nghiệm sinh vật chuyển gen cũng được tiến hành như với các sản phẩm khác từ bên ngoài nhập về. Vấn đề ưu tiên ở chỗ, trước khi nhập sản phẩm, ta nên có bước thẩm tra, sản phẩm này hiện đang trồng ở nước bản địa, người dân bản địa đang dùng...
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Doãn Diên, nguyên Viện trưởng Viện công nghệ sau thu hoạch, nhấn mạnh lợi ích cơ bản và thiết thực mà sinh vật chuyển gen mang lại. Tuy nhiên, theo ông, tất cả các hoạt động trong khoa học đều ẩn chứa những nguy cơ. Chúng ta không phủ nhận sinh vật chuyển gen bởi lợi ích từ sản phẩm này mang lại quá lớn. Tuy nhiên, trong nông nghiệp nên tạo định hướng, đầu tư trọng điểm. Mặt khác, nhà khoa học cũng như người sản xuất nên cung cấp thông tin cập nhật đến người tiêu dùng, chẳng hạn, nên đề rõ trên bao bì "Sinh vật chuyển gen" để người tiêu dùng lựa chọn...
Ði tắt đón đầu là một trong những cách ngắn nhất để phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ một cách có chọn lọc, chủ động nắm bắt và vận dụng cái mới - đó là quan điểm của những nhà khoa học và cũng là một cách tiếp cận thế giới.
Nguồn: nhandan.com.vn19/5/2006