Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 22/02/2010 15:38 (GMT+7)

Sĩ phu Thanh Hóa trong phong trào chống thuế

Mọi biến động chính trị - xã hội, mọi hoạt động kinh tế - thương mại ở mọi miền đất nước đều mau chóng liên thông qua “địa điểm trung chuyển” này. Tất cả mọi việc được chuyển đến và truyền đi các địa phương khác cũng dễ dàng thuận lợi hơn so với các tỉnh bạn.

Nói ngay như ở khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, những hoạt động của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc như phong trào Duy Tân ở miền Trung (1903 – 1908) do các chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… khởi xướng; những hoạt động của Duy Tân hội – phong trào Đông Du (1905 – 1909) do Phan Bội Châu cầm đầu; hay là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của các sĩ phu Bắc Hà phát động năm 1907 đều đã nhanh chóng lan truyền và được Thanh Hóa tích cực hưởng ứng.

Cũng như ở nhiều địa phương khác, các sĩ phu nhân sĩ yêu nước của Thanh Hóa lúc bấy giờ đã từng bắt gặp những tư tưởng tiến bộ của thời đại qua việc đọc sách báo “Tân thư, Tân văn”, đang hướng tới trào lưu cách mạng dân chủ - tư sản và đều có được nhiệt tình, nhiệt huyết tiếp thu, tích cực hưởng ứng các phong trào trên đây. Các sĩ phu Thanh Hóa chịu tác động của cả ba phong trào yêu nước: Duy Tân, Duy Tân hội – Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục và đều dấn thân tham gia sự nghiệp cứu nước như các phong trào trên đã xướng suất.

Năm 1905, phong trào Đông Du vừa phát khởi, khi Phan Bội Châu đến Thanh Hóa, các sĩ phu yêu nước ở đây đã chọn Lê Khiết (người ở Thị xã Thanh Hóa) là một trong những “du học sinh” đầu tiên qua Nhật Bản học ở Trường Đồng Văn thư viện để sau về “đánh đuổi giặc Pháp, bảo vệ và xây dựng đất nước” như chủ trương của Duy Tân hội của Phan Bội Châu. Năm 1906, Phan Châu Trinh trên đường từ chuyến đi sang Nhật Bản để bản thảo với Phan Bội Châu “đường lối cứu nước”, khi về qua Thanh Hóa, cụ đã có dịp trực tiếp truyền đạt chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân do chính cụ đề ra, đã được các nhân sĩ Thanh Hóa nhiệt tình hưởng ứng. Rồi đến năm 1907, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội lan rộng đến nhiều địa phương, thì Nguyễn Thượng Hiền, nguyên Đốc học Thanh Hóa, một yếu nhân của phong trào này cũng đã mang về cho Thanh Hóa những tư tưởng cải cách văn hoá xã hội tích cực. Thanh Hóa cũng lập ra một số trường học và cơ sở kinh tế theo mô hình “nghĩa thục”, như Hạc Thành thư xã, Phương Lâu công tyvà đây cũng chính là những cơ sở bí mật của những hoạt động tuyên truyền yêu nước, nuôi dưỡng mầm mống cách mạng trong nhân dân Thanh Hóa, để rồi một khi thời cơ đến, nó sẽ thành một “động lực” của một phong trào rộng lớn, hùng mạnh trên đất xứ Thanh nhằm phối hợp với phong trào đấu tranh của cả nước.

Truyền thống yêu nước của nhân dân Thanh Hóa lúc này được kích thích bởi các phong trào yêu nước trên đây lại được các sĩ phu có tiếng tăm, danh vọng, “đứng đầu là các bậc nho lưu” tự nhiệm gánh vác việc dẫn dắt đồng bào.

Vừa lúc đó, tiếng vang của phong trào chống thuế ở Nam Nghĩa, Bình Phú, Nghệ Tĩnh dồn dập đến với xứ Thanh, càng như giục giã Thanh Hóa cũng phải ra tay, phải kịp thời hưởng ứng công cuộc đấu tranh đòi quyền lợi với chính quyền thống trị.

Các sĩ phu tổ chức họp bí mật để bản thảo kế sách thực hiện cuộc vận động nhân dân hưởng ứng “phong trào chống thuế ở miền Trung” mà trước tiên là soạn thảo và phát tán một bản Hiệu triệu nhân dân đấu tranhđòi chính quyền miễn giảm sưu thuế. Hiện nay chúng ta chưa tìm được toàn văn bản văn lịch sử đó, nhưng theo cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại trong tác phẩm Cuộc cự sưu Trung kỳ(năm 1908, Mậu Thân) thì “Để hưởng ứng phong trào chống thuế ở Nam Nghĩa, các sĩ phu đã đưa ra bản hiệu triệu, đại ý nói:

“Dân chúng Nam – Nghĩa miền Trung đã khổ vì chung của đồng bào mà họp nhau yêu cầu giảm thuế là một việc chính đáng sẽ có kết quả tốt. Ấp Thang Mộc của ta là đất danh tiếng xưa nay, há toàn là đàn bà, không có bọn mày râu hay sao? Nếu dân tỉnh Thanh ra lãnh đạm, ngày sau được ân giảm thuế sưu, chúng ta đang hổ thẹn và có ăn năn cũng muộn rồi…” (1).

Bản Hiệu triệunày được dán khắp các nơi công cộng như đình làng, ngõ xóm, trường học, điếm canh ở nhiều xã, thôn, huyện, trấn…

Phong trào chống sưu thuế ở Thanh Hóa sẽ được phát động từ những bản hiệu triệu này. Chính quyền thống trị và bọn tay sai của chúng lồng lộn phản ứng trước tình thế nguy cấp này, bọn quan lại tỉnh Thanh Hóa cho mật thám rình rập, lùng sục truy bắt các sĩ phu để dập tắt phong trào. Từ các vị nho gia thân sĩ đến các chức viên tiến bộ có liên quan đến vụ việc đều bị bắt giải về tỉnh giam cầm, tra tấn nhục hình và mở phiên tòa xét xử kết án, tù đày.

Tại phiên tòa mở phi pháp này (vì chưa được lệnh của triều đình Huế cho phép), các quan tỉnh tìm mọi cách trấn áp, buộc tội nặng các nghi can. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhận xét trong tác phẩm Trung kỳ cự sưu, rằng:

“Bị giam khổ và nghiêm tra (chỉ có Tòa án Thanh Hóa có hình phạt dã man này, ở các tỉnh khác còn giữ lễ độ đối với các sĩ phu, kêu án mà không bị tra tấn). Ông tú Lê Nguyên Thành đứng ra nhận cả, nhưng các bạn ông cũng không khỏi kẻ tử hình, chung thân, người 9 năm và 5 năm đày ra Côn Đảo” (2).

Hơn nữa tại phiên tòa này còn tuyên xử vắng mặt cả những nhân sĩ trí thức người ngoại tỉnh như nguyên Đốc học, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và Nguyên Dư Hàm Điển tịch, quyền Huyện vụ Bát Bạt, quán xã Đông Ngạc tỉnh Hà Đông, 59 tuổi từng cư ngụ ở Thanh Hóa, ông này còn có con trai là Thông sự Nguyễn Kỷ Tín, 21 tuổi làm Thư ký Tòa án sứ Thanh Hóa.

Kết cục phiên tòa xử ngày 30 – 1 – 1909 đã được Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Tiềm tâu lên Phủ Phụ chính ở Huế như sau:

“Nguyễn Thượng Hiền (nguyên Đốc học, tại đào (3)) và Nguyễn Dư Hàm (Điển tịch, quyền Huyện vụ Bất Bạt (4), quán xã Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông, 59 tuổi) đều là người trong khoa giáp; người thì càn quấy tuyên bố là ngôn mưu toan phiến hoặc; người thì rủ người vào hội, ngụy tạo giấy tờ niêm yết. Vậy hai phạm nhân ấy, xin chiếu điều lệ luật tạo yêu thư yêu ngôn, càn quấy tuyên bố tà ngôn, viết ra trương dán, phiến hoặc lòng người, đều là vi thủ (thủ phạm, đứng đầu bọn) phải xử trảm lập quyết (chém đầu ngay), nhưng Nguyễn Thượng Hiền tại đào, chở bắt được chiếu án thi hành. (Còn lại những người khác đều) vi tùng (tùng phạm, tội đồng phạm) là:

Cử nhân Nguyễn Xứng (39 tuổi) quán xá Phương Khê.

Tú tài Lê Duy Tá (23 tuổi quán xã Nam Phố), xin xử trảm giam hậu (chém đầu sau khi được lệnh trên).

Tú tài Lê Nguyễn Thành (43 tuổi, thôn Đông Tác), đáng lẽ chiếu luật vi tùng luận tội (trảm giam hậu) nhưng tên này khi đáo cứu (đến dự xét hỏi) tự thú nhận tội trước (5) lại là người điếc ngốc, tình có chút đáng tha, vậy tên này cùng.

Cửu phẩm Lê Văn Tấn (51 tuổi, xã Đại Bối).

Cử nhân Hoàng Văn Khải (32 tuổi, xã Ngô Xá).

Tú tài Nguyễn Lợi Thiệp (42 tuổi, xã Phương Khê).

Cử nhân Nguyễn Soạn (35 tuổi, xã Phương Khê).

Thông sự Nguyễn Chí Tín (21 tuổi, con của Nguyễn Dư Hàm).

Cử nhân Lê Trọng Nhị (28 tuổi, xã Cổ Định), xin giảm một bậc, đều xử thượng 100, đày 3.000 dặm, cải khổ sai 9 năm (theo như luật Vi tùng, trảm giam hậu)” (6).

Như vậy là trong số người bị kêu án trảm giam hậu, trừ Thông sự Nguyễn Chí Tín người tỉnh ngoài (Hà Đông, là con rể vị Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục Lương Văn Can ra), còn lại 8 người đều là sĩ phu Thanh Hóa. Các vị này đều là bị đày biệt xứ ra đảo Côn Lôn. Bị giam cầm tại Côn Đảo – nơi bị coi là “địa ngục trần gian” này, các tù nhân vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại đòn roi đánh đập tàn bạo của Chúa đảo và của lũ lính coi tù mặt người dạ thú ở đây. Trong số tù nhân là sĩ phu Thanh Hóa vì đấu tranh kiên cường nên có 2 vị đã phải bỏ mạng trước họng súng của bọn chúng. Đó là ông cử Xứng và ông Tú Thiệp đã anh dũng hy sinh và trở thành liệt sĩ tù Côn Đảo. Còn lại 6 vị sĩ phu Thanh Hóa tùy theo hạn tù 5 năm hoặc 9 năm đã lần lượt trở về quê nhà. Các vị này cũng như nhiều vị “đồng tù Côn Đảo”, là sĩ phu của các tỉnh bạn từng hiện diện ở nơi ngục tù Côn Đảo. Họ là những nhà yêu nước từng trải trong các cuộc đấu tranh với kẻ thù, cũng là đồng chí đồng học với nhau ở cái “trường học Thiên nhiên” (chữ dùng của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong tác phẩm Thi tù tùng thoại) này và đã trở nên cang cường rắn rỏi, bền vững ý chí yêu nước căm thù giặc. Trước khi rời đảo, các bạn tù đã cùng nhau làm thơ “tiễn biệt”. Những câu thơ (theo điệu “ca trù”) thật chan chứa nghĩa tình đầy hùng khí:

Xuân năm khác thế nào, nào có biết

Tách gừng quế, càng già càng mãnh liệt

Trải đường dài mới biết ngựa hay

Thân còn, tâm huyết còn đây!(7).

Kết cục vụ việc các sĩ phu yêu nước Thanh Hóa hưởng ứng phong trào chống thuế diễn ra đầu đuôi là như thế. Sự vụ đã bị chính quyền thống trị bóp chết từ trong trứng, các sĩ phu cầm đầu đều bị xử án tù đày cực khổ khi công việc “vận động đồng bào hưởng ứng” chưa tiến hành được bao lăm. Tuy vậy, nó cũng để lại vài bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, trong kế hoạch vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh, có tính đến các bước đi khá bài bản, như soạn thảo lời hiệu triệu, khêu gợi lòng yêu nước và nhiệm vụ đấu tranh của mọi người, của các bạn mày râu.

Thứ hai, trong “Bộ chỉ huy” (tạm gọi là như thế) phong trào đấu tranh đã qui tụ được nhiều người có danh vọng, có uy tín, sẽ dễ thu phục lòng người hăng hái tham gia.

Thứ ba, truyền bá tư tưởng yêu nước cứu dân qua các phương tiện bố cáo diễn thuyết tại các lớp học của “nghĩa thục”, “thư quán”, “công ty” để huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân làm thành một “tổng lực” đấu tranh lật đổ ách thống trị.

Chính nhờ có sự vận động hưởng ứng phong trào chống thuế này mà nhân dân được giác ngộ thêm về quyền lợi dân tộc, dân quyền, dân chủ và về nghĩa vụ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc chung của cả nước thoát khỏi cuộc đời nô lệ lầm than cực khổ. Cuộc vận động này đã góp phần làm cho người dân Thanh Hóa càng hăng hái tham gia các phong trào yêu nước trong giai đoạn tiếp theo như hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (tức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội), của Đảng Tân Việt, rồi đến Việt Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng được thuận lợi và phát triển ở Thanh Hóa, để rồi đến khi làn sóng Tổng khởi nghĩa – Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Thanh Hóa đã cùng với nhân dân cả nước rầm rập tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân, rồi cùng chung sức với cả nước bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa vinh quang hiện nay của chúng ta.

Chúng ta được biết: sau khi ra tù trở về Thanh Hóa, các cụ vẫn tiếp tục giữ vững chí khí và tỏ rõ bản lính “Tính gừng quế, càng già càng mãnh liệt; Trải đường dài mới biết ngựa hay; Thân còn, tâm huyết còn đây!” Đúng như vậy, về lại với quê hương bản quán, các cụ vẫn giữ được bản chất yêu nước, kiên trì hoạt động trong mọi lĩnh vực chính trị - xã hội – văn hóa – giáo dục – kinh tế có lợi cho dân cho nước đến lúc mãn chiều xế bóng của cuộc đời.

Chúng ta cũng vui mừng được biết: các cháu nội ngoại, dâu rể của các cụ, kể từ ngày đó vẫn nối dõi tâm chí của các bậc cha ông, tiếp tục sự nghiệp yêu nước và cứu nước của các cụ. Rất nhiều người thuộc hậu duệ của các cụ đã có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, là tướng tá trong quân đội… đang nối bước cha anh phát huy truyền thống của gia đình, dòng tộc của các cụ tù Côn Đảo ngày ấy. Công tích của gia đình các cụ rất đáng được ghi nhận và tôn vinh để nêu gương cho mọi người.

Gần đây, ông Lê Ngọc Lập đã có công biên soạn cuốn sách Lê Trọng Nhị - nhà canh tân yêu nước(8) là một đóng góp quý giá đối với lịch sử Thanh Hóa, giúp mọi người tưởng nhớ từng có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước.

Cũng như cụ Lê Trọng Nhị, có cụ Hoàng Văn Khải, sau khi ra tù, vẫn tiếp tục hoạt động trên nhiều phương diện trong phong trào đấu tranh dân tộc dân chủ, kể cả khi cụ được nhân dân bầu làm đại biểu của Viện Dân biểu Trung kỳ và khi cụ giữ chứcViện trưởng của Viện này, cụ đã lợi dụng diễn đàn hợp pháp đấu tranh trực diện với chính quyền thuộc địa và quan lại Nam triều vào những kỳ họp năm 1937 – 1938, đòi chúng phải miễn giảm sưu thuế và bãi bỏ những luật lệ hà khắc. Nhà nghiên cứu Phan Vịnh trong cuốn Hồi ký nhan đề Phan Thanh, anh là ai?(9) đã nói khá kỹ về những đóng góp của vị Dân biểu Hoàng Văn Khải khả kính, là một sĩ phu yêu nước của Thanh Hóa. Tài liệu của cháu nội cụ là ông Hoàng Văn Đại trong Hồi ức về cụ Hoàng Văn Khảiđã góp phần phục hưng chân dung cụ Cử Ngò, giúp chúng ta hiểu biết thêm về nhân vật lịch sử của xứ Thanh từng lừng danh một thuở.

Tưởng nhớ đến những đóng góp của các sĩ phu yêu nước Thanh Hóa trong phong trào đấu tranh đầu thế kỷ XX, chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu thêm về những hoạt động yêu nước của các vị nhằm củng cố thêm niềm tự hào của các thế hệ con cháu và của người dân xứ Thanh nói chung.

Chú thích:

1. Vương Đình Quang,thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965, tr 171.

2. 3. Theo Vương Đình Quang,Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, sdd, tr 172.

4. Ở thời diểm này, Nguyễn Thượng Hiền đã trốn về ở làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, Hà Đông để chuẩn bị xuất dương sang Nhật cùng với Phan Bội Châu hoạt động trong Duy Tân hội lãnh đạo phong trào Đông Du.

5. Theo Huỳnh Thúc Kháng, Lê Nguyên Thành đã đứng ra nhận hết tội lỗi về mình để cứu các bạn khác (sdd).

6. Nguyễn Thế Anh,Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các Châu bản triều Duy Tân, Nxb Văn học tái bản, Hà Nội, 2009, tr 172 – 173.

7. Huỳnh Thúc Kháng,Thi tù tùng thoại, Nxb Nam Cường – Sài Gòn, 1951, tr 81.

8. Lê Ngọc Lập,Lê Trọng Nhị - nhà canh tân đất nước, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.

9. Phan Vịnh,Phan Thanh, anh là ai? – Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.