Rác thải y tế tấn công môi trường: Kỳ 1: Chất thải không xử lý
LTS: Công tác quản lý và xử lý chất thải bệnh viện ở nước ta hiện nay được quan tâm như thế nào? Ngành y tế đã được đầu tư trang thiết bị cho việc xử lý rác thải thế nào, hiệu quả hoạt động đến đâu? Bắt đầu từ số báo này KHDS sẽ lần lượt đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên.
Từ các chất thải rắn
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tính đến năm 2005 cả nước có hơn 1047 bệnh viện với khoảng 140.000 giường bệnh và hơn 10.000 trạm y tế. Trung bình mỗi ngày đêm, mỗi giường bệnh thải ra môi trường khoảng 2,5 kg rác thải, chất thải trong đó từ 10-15% là chất thải độc hại, dễ gây nguy hiểm cần được xử lý theo quy định đặc biệt, bao gồm các chất tiết dịch, bông băng, bơm kim tiêm và các vật sắc nhọn, dược phẩm, hoá chất, các chất phóng xạ và cả các bộ phận của cơ thể người bệnh bị cắt bỏ sau phẫu thuật.
![]() |
Để tìm hiểu điều này phóng viên KH&ĐS đã đến Trung tâm y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngay trong khuôn viên bệnh viện hàng loạt các hố xử lý rác thủ công cháy nham nhở bốc mùi khét lẹt. Ông Bùi Xuân Thuý, Giám đốc Trung tâm bức xúc: “Vẫn biết xử lý bằng phương pháp thủ công sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng nếu đốt bằng lò hiện đại thì kinh phí Trung tâm không thể kham nổi”.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Thái Bình cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng trên 2000 giường bệnh, trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 1000 -3500kg rác thải y tế, trong đó có khoảng 20% là chất thải nguy hại. Khi được hỏi về vấn đề xử lý rác, ông Bình cho biết, hiện các đơn vị vẫn phải xử lý theo cách chôn lấp tại chỗ. Đơn vị nào có lò đốt thủ công thì sử dụng lò thủ công. Ngoài ra sở cũng liên kết với Công ty môi trường đô thị để xử lý rác.
Đến nước thải
Hiện nay hầu hết các bệnh viện mới chỉ đầu tư cho việc xử lý chất thải rắn bằng hệ thống các lò đốt. Đốt với chất thải lỏng mới chỉ dừng lại ở công đoạn thu gom. Trong khi đó nước thải bệnh viện có đến 20% là chất thải nguy hại. đặc biệt với các loại thuốc điều trị bệnh ung thư hoặc sản phẩm chuyển hoá của chúng, nếu xả thải ra bên ngoài không qua xử lý, có khả năng gây quái thai, ung thư cho người tiếp xúc.
Kết quả khảo sát của Viện y học Lao động và vệ sinh môi trường cho thấy, nước thải bệnh viện ô nhiễm nặng gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn, tổng số coliform trung bình là 2 x 107 MPN/100ml cao hơn 20.000 lần tiêu chuẩn thải.
Bác sĩ Hoàng Đức Tế, phó phòng nghiệp vụ kế hoạch, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, mỗi ngày TTYT huyện xả ra ngoài môi trường khoảng 200m3 nước thải. Lượng nước thải chưa được xử lý này thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Đây là tình trạng chung của các bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước. Theo báo cáo của Bộ y tế, hiện nay mới chỉ có khoảng 1/3 số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Các bệnh viện có quy mô nhỏ nên hầu như không có đơn vị vận hành chuyên biệt trạm xử lý nước thải. Hầu hết các công nghệ xử lý rác thải đều không hoạt động hiệu quả do nhiều lý do, một phần là do thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên, một phần do hoạt động không tuân theo các yếu tố công nghệ yêu cầu và phần còn lại là do hệ thống không đảm bảo yêu cầu để xử lý đạt tiêu chuẩn.
Tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn tồn tại những lò đốt rác thải trị giá hàng tỷ đồng đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Lò hiện đại, xử lý thủ công và thậm chí bỏ không. Xin mời độc giả đón đọc KH&ĐS số tới.
Nguồn: KH&ĐS Số 85 Thứ Hai 23/10/2006