Quốc hiệu Việt Nam: Ý chí độc lập, tự do của dân tộc
Quan niệm phổ biến từ trước và nhiều kết quả nghiên cứu gần đây thường khẳng định quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ đầu thời Nguyễn, bởi vì sử của cả nước ta và Trung Quốc đều đề cập đến việc này.
Thực ra, không phải đến tận đầu thời Nguyễn, cái tên Việt Nam mới xuất hiện. Tên gọi Việt Nam được biết đến ít nhất từ thế kỷ 14, thường thấy trong nhiều thư tịch đương thời: Việt Nam thế chícủa Hồ Tông Thốc, Lịch triều hiến chương loại chícủa Phan Huy Chú, Dư địa chícủa Nguyễn Trãi, Trình tiên sinh quốc ngữ văncủa Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vân đài loạingữ của Lê Quý Đôn... Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cũng sưu tầm được các văn bia (với niên đại trước thế kỷ 18) có khắc tên gọi Việt Nam,tại những địa điểm khác nhau ở miền Bắc: bia chùa Bảo Lâm (năm 1558, Hải Phòng), bia chùa Cam Lộ (năm 1590, Hà Tây), bia chùa Phúc Thành (năm 1664, Bắc Ninh), bia Thủy Đình Môn (năm 1670, Lạng Sơn). Tên gọi Việt Namcó lẽ mang ý nghĩa kết hợp nòi giống và vị trí cư trú địa lý của dân tộc ta (Việt Nam- có ý nghĩa là nước của người Việt ở phía Nam ), thể hiện niềm tự tôn, tinh thần độc lập và phủ nhận sự áp đặt, miệt thị của phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, nó chưa thể trở thành quốc hiệu vì chưa được các triều đại phong kiến nước ta tuyên bố hoặc ghi nhận bằng pháp luật.
Tên gọi Việt Namlần đầu tiên chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta vào năm 1804. Nó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng (chiếu)của Nhà nước Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ ba (cách đây 201 năm) và đã được thông báo cho nhà Thanh. Trong Dụ Am văn tậpcủa Phan Huy Ích có chép nguyên bản bài Tuyên cáo về việc đặt quốc hiệu mớicủa vua Gia Long (Nguyễn Ánh) vào năm 1804, nội dung như sau:
"Xuống chiếu cho thần dân trong thiên hạ đều biết:
Trẫm nghĩ, xưa nay các bậc đế vương dựng nước, ắt có đặt quốc hiệu để tỏ sự đổi mới, hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp, xét trong sử sách chứng cớ đã rõ ràng. Đến thời Đinh Tiên Hoàng gọi là Đại Cồ Việt nhưng người Trung Quốc vẫn gọi là Giao Chỉ. Từ thời Lý về sau, quen dùng tên An Nam do nhà Tống phong cho ngày trước. Tuy thế, vận hội dù có đổi thay nhưng trải bao đời vẫn giữ theo tên cũ, thực là trái với nghĩa chân chính của việc dựng nước vậy. Trẫm nối nghiệp xưa, gây dựng cơ đồ, bờ cõi đất đai rộng nhiều hơn trước. Xem qua sổ sách, trẫm xét núi sông nên đặt tên tốt để truyền lâu dài... Ban đổi tên An Namlàm nước Việt Nam ,đã tư sang Trung Quốc biết rõ.
Từ nay trở đi, cõi viêm bang bền vững, tên hiệu tốt đẹp gọi truyền, ở trong bờ cõi đều hưởng phúc thanh ninh...".
Trong lịch sử nước ta có một hiện tượng phổ biến là quốc hiệu và tên gọi đất nước (quốc danh) có lúc không thống nhất. Chẳng hạn, năm 1054, nhà Lý đổi quốc hiệu là Đại Việt,quốc hiệu đó liên tục tồn tại đến hết đời Trần (1400), thế nhưng chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh ngày 10-1-1226 lại mở đầu bằng câu: "Nước Nam Việtta từ lâu đã có các đế vương trị vì". Nhà Hồ (1400-1407) đổi quốc hiệu là Đại Ngu(sự yên vui lớn), nhưng đa số dân chúng vẫn gọi là Đại Việt,còn người Trung Quốc gọi là Giao Chỉ.Thế kỷ thứ 15, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi có viết: "Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Namlà tổ Bách Việt", nhưng trong Bình Ngô đại cáo,ông lại viết: "Như nước Đại Việtta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Đời Gia Long (1802-1820), quốc hiệu là Việt Nam,nhưng một bộ phận dân chúng vẫn quen gọi là Đại Việt,còn người Trung Quốc và phương Tây thường gọi An Nam...
Sau khi lên nối ngôi vua Gia Long, vua Minh Mạng lại cho đổi quốc hiệu là Đại Nam(1838), nên cái tên Việt Namkhông còn thông dụng như trước nữa. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hai tiếng Việt Namđược sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước: Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử(năm 1905) rồi cùng Cường Để thành lập Việt Nam Công hiến hội(năm 1908), Việt Nam Quang phục hội(năm 1912); Phan Châu Trinh viết Pháp-Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam,Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược,Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội(năm 1925) và Việt Nam độc lập đồng minh hội(năm 1941)...
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, trao danh nghĩa cai quản cho Bảo Đại, Bảo Đại đổi lại quốc hiệu từ Đại Namthành Việt Nam.Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập,khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.Hiến pháp năm 1946 của chế độ mới đã chính thức thể chế hóa danh hiệu này. Từ đấy, quốc hiệu Việt Namđược sử dụng phổ biến, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng, toàn diện nhất.
Nguồn: cpv.org.vn 20/8/2005