Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/03/2006 14:08 (GMT+7)

Quang Trung - Nguyễn Huệ với phong trào Tây Sơn: Những di sản và bài học cho Việt Nam trong thế kỷ 20

Với TS Nguyễn Quốc Vinh khoa ngôn ngữ và Á Đông thuộc Đại học Harvard Mỹ, suốt 4 năm qua bằng nỗ lực của bản thân anh đã đi qua nhiều nước ở khu vực Châu Á để sưu tầm, nghiên cứu về Quang Trung Nguyễn Huệ, về phong trào Tây Sơn. Năm 98 anh tham gia Hội thảo Việt Nam học với đề tài khiêm tốn: giới thiệu 6 bức tranh (lưu trữ tại thư viện Houghton) với các bài thơ ngự chế của vua Càn Long và các bài hoạ của Vương Kiệt (Xưa và Nay) đã có bài giới thiệu).

Tháng 10 năm nay tại Hội thảo Việt Nam- Sự kiện thế kỷ 20anh đã có bản tham luận về ‘Quang Trung - Nguyễn Huệ với phong trào Tây Sơn: Những di sản và bài học cho Việt Nam trong thế kỷ 20”. Theo chúng tôi, đây là một trong những bài viết tổng hợp đặc biệt đề cập nhiều vấn đề quan trọng về phong trào Tây Sơn (theo cách nhìn của học giả nước ngoài).

Xưa và Nay xin trân trọng giới thiệu

Với đỉnh cao là người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, vương triều Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18 tuy ngắn ngủi nhưng đã mở ra một kỷ nguyên mới và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Thực vậy, Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn đã đóng một vai trò lịch sử quyết định vào cuối thế kỷ 18, và chính vì lẽ ấy mà ông và di sản của ông vẫn luôn được khai thác ở nhiều khía cạnh và mức độ để phục vụ lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong thế kỷ 20. Chúng tôi xin điểm qua một số thời điểm và vấn đề chủ chốt, qua đó nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục thu hút mối quan tâm và soi bước dẫn đường cho đất nước Việt Nam thời hiện đại rút kinh nghiệm tự xác định mình kể từ khi còn dưới ách thực dân hồi đầu thế kỷ cho đến những nỗ lực đổi mới và hiện đại hoá vào cuối thiên niên kỷ này.

Sinh năm 1753 tại Bình Định trong một gia đình gốc Nghệ An đã lưu lạc vào Nam trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn từ thế kỷ trước. Nguyễn Huệ là em út trong ba anh em đã khởi nghĩa tại miềnTây Sơn thượng đạo trong những năm đầu thập niên 1770. Khi đó đất nước phải chịu bao khổ ải vì nội chiến và chia cắt đã hơn hai trăm năm kể từ khi nhà Mạc soán ngôi nhà Lê vào năm 1572. Nhưng sau khichiến thắng kẻ thù chung thì hai dòng họ Trịnh và Nguyễn đã từng chung sức trung hưng nhà Lê, ít ra là trên danh nghĩa, lại chĩa rẽ và đấu đá bất phân thắng bại trong suốt phần lớn thế kỷ 17. Rạchđôi sơn hà ở sông Gianh (vĩ tuyến 16), các chúa Trịnh nắm giữ triều chính nhà Lê từ vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc, còn các chúa Nguyễn lại tiếp tục Nam tiến theo bờ biển miền Trung vào đến đấtGia Định trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nhanh chóng lan rộng xuống các tỉnh duyên hải và xẻ đôi cơ đồ cho họ Nguyễn thì họ Trịnh quyết định lợi dụng thời cơ để tiếnđánh địch thủ của mình từ phương Bắc vào năm 1774. Quân Tây Sơn chọn chiến lược hoà hoãn với quân Trịnh rồi tập trung tiêu diệt họ Nguyễn trước khi tự lập nên triều đại mới vào năm 1778. Từ chiếnthắng đầu tiên trước quân Nguyễn vào năm 1775, Nguyễn Huệ đã sớm trở thành một ngôi sao sáng át cả hai anh trai trên chiến trường trong năm lần quân Tây Sơn liên tục tiến đánh đất Gia Định: hai vịchúa cuối cùng của họ Nguyễn bị bắt và chém đầu vào năm 1778; sau bao phen thất bại với sự trợ giúp của thương nhân Hoa kiều và lính đánh thuê Tây phương thì Nguyễn Ánh, kẻ sống sót duy nhất của họNguyễn, phải lánh nạn sang Bangkok vào năm 1784; và một đội quân xâm lược Xiêm La đã gặp thất bại ê chề trước phục binh Tây Sơn trong trận thuỷ chiến Rạch Gầm - Soài Mút vào đầu năm 1785. Sau khi đãdẹp yên mặt Nam, quân Tây Sơn bắt đầu hướng về phương Bắc để đối diện một địch thủ đã suy sút nghiêm trọng sau một trận tranh quyền kế vị gần đấy. Bạo dạn hơn sau chiến thắng chớp nhoáng đã đuổi quânTrịnh khỏi đất Nam Hà bị chiếm đóng, Nguyễn Huệ bất chấp mệnh lệnh của vua anh đã thẳng tiến ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh theo danh nghĩa tôn phù nhà Lê, nhờ đó mà ông được gả một vị công chúa nhà Lêcoi như là chút cử chỉ đền ơn. Thoát ly người anh trai ghen tị và hiềm nghi đã từng vội vã ra Bắc để hộ tống ông về Nam, Nguyễn Huệ tranh đấu để thiết lập cho mình một vùng ảnh hưởng riêng, trongthực tế đã dẫn đến tình trạng tam phân cát cứ giữa ba anh em Tây Sơn. Lợi dụng tình hình nội bộ Tây Sơn lục đục, Nguyễn Ánh rời Bangkok và tái chiếm đất Gia Định vào năm 1787 để mưu diệt kẻ thù TâySơn trong suốt 15 năm sau. Trong khi đó loạn lạc ở Bắc Hà vì sự hụt hẫng quyền lực sau khi Nguyễn Huệ rút lui đã thúc đẩy quân Tây Sơn quay trở lại can thiệp và khiến vị vua mới (và cũng là cuốicùng) của nhà Lê phải bôn đào. Lời cầu viện Thanh triều đã dẫn đến hoạ Bắc xâm vào cuối năm 1788 trên danh nghĩa ủng hộ tự hoàng Lê Chiêu Thống. Sau khi được tin, Nguyễn Huệ bèn tức vị xưng hiệu làQuang Trung, rồi bắt tay vào một chiến dịch chớp nhoáng đánh đuổi quân Thanh xâm lược trong dịp Tết Kỷ Dậu đầu năm 1789. Sau chiến thắng oanh liệt này, ở đỉnh vinh quang, Nguyễn Huệ đã khôn khéo cầuhoà với nhà Thanh để chú tâm vào công việc củng cố thế lực trên địa bàn mới mở rộng của mình (nên nhớ rằng Nguyễn Huệ chỉ mới chinh phục đất Bắc Hà của họ Trịnh và Lê được chưa đầy 4 năm). Nhờ thiêntài quân sự của Nguyễn Huệ mà trong chưa đầy 20 năm kể từ khi khởi nghĩa mà phong trào Tây Sơn đã đánh đổ các thế lực phân tranh ở Bắc Hà và Nam Hà, đồng thời đánh bại các mối can thiệp quân sự từXiêm La, phương Tây và Trung Quốc. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Quang Trung vào năm 1788, triều đại mới của ông đã vững bước trước ngưỡng cửa thống nhất đất nước.

Tiếc rằng cái chết quá sớm của ông ở tuổi 40 vào năm 1792 đã biến Nguyễn Huệ thành một nhân vật có nhiều giả thuyết “nếu như” nhất, và vì thế cũng được tranh cãi rộng rãi và sôi nổi nhất trong lịch sử Việt Nam. Chẳng những các nỗ lực kiến thiết quốc gia của ông còn dở dang và chưa được thử nghiệm trước khi bị gián đoạn và từ bỏ không đúng lúc, mà cả triều đại do ông kiến lập cũng cáo chung trong vòng một thập kỷ sau khi ông mất. Đến năm 1802 thì Nguyễn Ánh đã xoay sở đánh bại nhà Tây Sơn bằng vũ lực, nhờ đó mà hoàn tất công cuộc thống nhất đất nước, rồi sau đó trả thù bằng cách thủ tiêu có hệ thống toàn bộ gia tộc và di sản của nhà Tây Sơn. Thế là triều Nguyễn bắt đầu hơn một thế kỷ chính thức đàn áp và bôi nhọ ký ức trong dân chúng về phong trào Tây Sơn và người anh hùng Nguyễn Huệ.

Mối quan tâm hàng đầu của nhà Nguyễn là hợp thức hoá và củng cố vương quyền mà mình mới đạt được. Theo thông lệ thì mỗi triều đại có san định chính sử về triều đại trước như một dạng tuyên cáo chính trị để đưa lịch sử sang trang. Triều Nguyễn cũng soạn một bộ chính sử là Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nhưng chỉ chép đến cuối nhà Lê và cố ý bỏ sót thời Tây Sơn, thế là tạo ra một khoảng trống 14 năm trong trình tự kế tục của các triều đại. Chỉ mãi sau này các vua Tây Sơn mới được chép riêng trong vẻn vẹn một thiên của bộ Đại Nam liệt truyệndưới nhan đề “Nguỵ Tây liệt truyện”. Rắc rối hơn là các chúa Nguyễn trước đây vẫn xưng thần với nhà Lê, cho dù chỉ trên danh nghĩa, nên về mặt ý thức hệ tôn quân của Nho giáo sẽ khá vướng mắc để biện minh cho sự thay đổi triều đại từ Lê sang Nguyễn. Nhưng nhờ Nguyễn Huệ đã đăng quang để kết liễu nhà Lê vào năm 1788 nên sự khai nguyên của triều Nguyễn vào năm 1802 lại được xem là việc giành lại vương quyền chính thống từ tay “bọn tiếm nguỵ” Tây Sơn. Mỉa mai thay, mặc dù nhà Nguyễn không thừa nhận sự hiện hữu của một triều đại Tây Sơn, chính triều đại của họ có danh chính ngôn thuận hay không lại dựa trên tiền lệ của một chế độ mà họ đã gạt bỏ là tiếm ngụy.

Cũng như nhà Tây Sơn đã kết thúc hiện trạng cũ, triều Nguyễn phải kế thừa hoàn cảnh rối rắm này ngay khi họ ra sức lật đổ và xoá nhoà di sản của nhà Tây Sơn. Một phần của chương trình kiến thiết quốc gia của các vua đầu triều Nguyễn là việc áp đặt một mô hình tổ chức xã hội và chính trị bảo thủ theo kiểu Hán hoá trên một đất nước mới thống nhất, nhưng nỗ lực tập quyền về trung ương của họ không mấy thành công trong việc giải quyết những mâu thuẫn lịch sử đã bùng nổ từ thời Tây Sơn. Tất cả các nỗ lực kiến thiết quốc gia này lại bất ngờ bị đánh bật khỏi quỹ đạo và cuối thế kỷ 19 khi triều Nguyễn phải uốn gối trước thực dân Pháp vào năm 1884. Tuy lòng người ở các địa phương vẫn hướng tới một khí thế anh hùng ái quốc có thể hiệu triệu chúng dân chống ngoại xâm, nhưng một triều đình thận trọng và đa phần chủ hoà ở Huế lại lo lắng nhiều hơn về hiểm hoạ của những cuộc nổi dậy theo kiểu Tây Sơn nên đã không có được phản ứng kịp thời. Và chính vì các chính sách của nhà Nguyễn từ trước đến nay vẫn nhằm ngăn chặn sự tái hiện của một cuộc khởi nghĩa quần chúng giống như phong trào Tây Sơn, nên khi thời cơ chuyển sang kêu gọi quần chúng nổi dậy chống Pháp thì hoàn cảnh khác nhau đã làm cho nỗ lực đoàn kết kháng chiến chống thực dân trở nên kém hiệu quả và vô vọng. Bởi quá chú tâm đến việc bảo vệ quyền lực của mình nên triều đình Nguyễn đã thất bại trước nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi ách thực dân.

Sau năm 1885, triều đình bù nhìn thân Pháp càng cố gắng kiềm chế các cuộc nổi dậy ở địa phương. Nơi quê hương Tây Sơn ở Bình Định, tuy cuộc kháng chiến vũ trang của Mai Xuân Thường có làmnhen nhúm lại ký ức của tinh thần anh hùng Tây Sơn trước đây, nhưng cuộc khởi nghĩa này đã nhanh chóng bị triều đình Huế và bọn quan thầy thực dân đàn áp một cách dã man. Thực dân Pháp cũng chẳngthấy lợi ích gì trong việc hồi sinh ký ức về người anh hùng Nguyễn Huệ, nên chúng cũng theo chân triều Nguyễn lên án nhà Tây Sơn là phiến loạn và tiếm nguỵ. Nhưng chúng cũng thấy tiện lợi trong việclý giải thời Tây Sơn hơi khác đi để làm nổi bật tác động của phương Tây đến lịch sử Việt Nam, nhất là với vai trò được thổi phồng lên của vị giám mục người Pháp là Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine),được miêu tả như là quan thầy của vua khai sáng triều Nguyễn là Gia Long từ thuở còn lận đận thua chạy bao phen dưới tay Nguyễn Huệ (vốn bị qui kết là một bạo chúa đáng so sánh với chúa Hung NôAttila!) Thâm ý của quan điểm này cho rằng con cháu của Gia Long đã không tỏ ra “biết ơn” người Pháp đúng mức, và những chính sách bế quan toả cảng của họ là nguyên nhân dẫn đến sự chinh phục của chủnghĩa thực dân.

Sang đầu thế kỷ 20, sau khi ách thực dân đã giáng một đòn chí tử vào uy tín của triều Nguyễn, thời cơ đã chín muồi cho việc xét lại kẻ thù xưa đã bị diệt là nhà Tây Sơn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên là sau sự đầu hàng của triều đình Huế và hàng loạt thất bại vũ trang của các phong trào kháng chiến Cần Vương và Văn Thân, một dân tộc Việt Nam bị chinh phục và chia cắt lại hoài niệm về những chiến tích vẻ vang của thời Tây Sơn thuở nào. Nguyễn Huệ được khôi phục thanh danh chủ yếu trên khía cạnh này như là một anh hùng dân tộc vĩ đại nhất và một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới (đáng so sánh với Napoléon Bonaparte). Vấn đề “chính ngụy” vẫn được tranh cãi trong nhiều năm về việc có nên và nên như thế nào để đưa nhà Tây Sơn vào một dòng chảy không gián đoạn của các vương triều kế tục nhau trong lịch sử Việt Nam . Một vấn đề có liên quan khác lại nảy ra chung quanh việc có nên và nên như thế nào để giành lại công tích thống nhất đất nước khỏi tay vua Gia Long của một triều Nguyễn ngày càng mang tiếng xấu để trao lại cho Nguyễn Huệ trên cơ sở của những chiến công lừng lẫy và di sản anh hùng chống ngoại xâm của ông. Theo đà công luận ngày càng tỏ rõ tinh thần dân tộc, chẳng bao lâu Nguyễn Huệ được tôn vinh vào trong hàng ngũ các anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam, đặc biệt hùng hồn trong chuyên khảo mang tính chuẩn mốc của Hoa Bằng về tiền sử - lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ: Anh hùng dân tộcđược ra mắt vào những năm 1943 - 1944.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt vương triều Nguyễn và mở ra một nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Buổi bình minh mới của độc lập dân tộc lại thổi bùng lên cao hơn ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc và quảng bá rộng rãi hơn cho việc khôi phục thanh danh cho triều đại Tây Sơn. Tuy bắt nguồn với tính cách địa phương, ngày giỗ trận Đống Đa để kỷ niệm chiến công của Quang Trung mau chóng trở thành dịp lễ ăn mừng hàng năm của dân tộc. Một cử chỉ tượng trưng khác để khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc vừa giành lại được là việc đổi tên đường phố ở các đô thị lớn, tước đi tên tuổi của bọn thực dân và Việt gian bán nước vốn là tiền lệ phá vỡ lệ kỵ huý tên riêng trước công chúng: chẳng hạn như tên Quang Trung được đặt cho Boulevard de Jaureguiberry ở trung tâm Hà Nội (và tên Nguyễn Huệ cho Boulevard Charner ở trung tâm Sài Gòn), mở đầu một xu hướng đặt tên mà ngày nay đã phổ biến ở hầu hết các thành thị trong nước. Sau khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, những cái tên Quang Trung và Nguyễn Huệ, cùng với tên các anh hùng quân sự khác của dân tộc, thường được đặt cho các chiến khu, binh đoàn, trường sĩ quan, khu huấn luyện, và các chiến dịch quân sự để khơi gợi và động viên khí thế anh hùng trong quân đội.

Một mối quan tâm chủ chốt cho cả hai bên trong thời chiến tranh chống Mỹ là vấn đề đất nước, hay đúng hơn là vấn đề đất nước còn chưa thống nhất, đặc biệt là sau khi Việt Nam bị tạm thời chiacắt ở vĩ tuyến 17 vào năm 1954. Một cuộc tranh luận quyết liệt (có thể gọi là bút chiến) đã nổ ra vào những năm 1962 - 1963 chung quanh vấn đề “Ai đã thống nhất Việt Nam : Nguyễn Huệ hay NguyễnÁnh?”, với các nhà học giả miền Bắc (đại diện là Văn Tân) ủng hộ Nguyễn Huệ là người bắt đầu tiến trình thống nhất, và các học giả miền Nam (đại diện là Nguyễn Phương) ủng hộ Nguyễn Ánh là người hoàntất công cuộc thống nhất đất nước. Điều dễ hiểu là một khi đã chuyển từ thái cực này sang thái cực kia, việc tôn vinh Nguyễn Huệ trong quan điểm lịch sử của những nhà sử học miền Bắc lại đi đôi vớiviệc lên án triệt để triều Nguyễn trên cơ sở nó đã thất bại và đồng loã trước ách thực dân. Giới học thuật miền Nam lại quan tâm đến việc đặt nhà Tây Sơn trong giải trình lịch sử về sự “bành trướnglãnh thổ” (như Nguyễn Phương) hay cuộc “nội chiến” (như Tạ Chí Đại Trường), hơn là về chủ nghĩa anh hùng chống ngoại xâm. Trong giai đoạn tăng tốc vào thế kỷ 17 và 18, tiến trình bành trướng lãnh thổnày đã xảy ra trong bối cảnh của cuộc nội chiến kéo dài đã gợi mở và định hình cho một thực thể chính trị và văn hoá khác biệt và riêng biệt ở miền Nam . Và theo quan điểm này thì giai đoạn sóng gióthời Tây Sơn là đỉnh điểm của mấy thế kỷ chiến tranh huynh đệ tương tàn để khẳng định những lựa chọn khác nhau về cuộc sống, tư duy, và bản sắc. Khỏi phải nói thì lập luận này rõ ràng là đi ngược lạimột cách nguy hiểm với quan điểm lịch sử của các nhà sử học miền Bắc về phong trào Tây Sơn, cho nên đã bị lên án gay gắt là phản động từ trước và kể cả sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc vào năm1975.

Việc giải phóng Sài Gòn năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ, và mặc dù đã có những nỗ lực hoà hợp và hoà giải dân tộc, dấu ấn của sự khác biệt về chế độ chính trị giữa hai miền Nam Bắc trong quá khứ chia cắt còn tạo ra không ít băn khoăn và mặc cảm cho một số người dân miền Nam, đặc biệt là giới trí thức, dưới chế độ mới. Hiện trạng này được thể hiện một cách hùng hồn qua một vở cải lương với tựa đề “ Tâm sự Ngọc Hân” của tác giả Lê Duy Hạnh. Dựa trên cuộc tình và hôn nhân giữa vị công chúa nhà Lê và người anh hùng Nguyễn Huệ, tác phẩm sân khấu này đã soi sáng khía cạnh chính trị của vấn nạn mà Ngọc Hân phải đối đầu khi bị bên nhà chồng xem là có tội trong lúc cháu mình là tự hoàng Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh để chống Tây Sơn. Chỉ có lòng tin và sự sáng suốt của Nguyễn Huệ mới giúp nàng công chúa bất hạnh vượt qua được hiềm nghi và chứng tỏ rằng mình trung thành với đại nghĩa của chồng. Ẩn dụ lịch sử này đã đem lại cái nhìn nhân bản hơn không chỉ cho nhân vật của Nguyễn Huệ, nhưng cả cho những trí thức miền Nam còn khắc khoải vì lo sợ bị nghi kỵ dưới chế độ mới. Chủ ý kết nối nhân vật Nguyễn Huệ là một minh quân của lịch sử với Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay càng được tỏ rõ qua thành tựu của một vở cải lương khác (cũng của Lê Duy Hạnh) mang tên “ Mặt trời đêm thế kỷ” được viết cho dịp Đại hội VI của Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới vào năm 1986.

Các chính sách đổi mới, bắt đầu từ năm 1986 là nhằm đưa đất nước theo đường lối cải cách kinh tế chuyên tâm vào các nhiệm vụ xây dựng đất nước và hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên trong một thời gian đầu thì tác động của quá trình cải cách này cũng đem lại sự đổi mới tư duy, cởi mở về công luận, và thậm chí còn vô tình khơi gợi lên ít nhiều tư tưởng đối kháng. Những cái nhìn xét lại hay thậm chí là báng bổ về lịch sử Tây Sơn đã nảy sinh bên lề sử học trong trí tưởng tượng hư cấu của văn học nơi mà lịch sử có thể khoác lên cho mình những nét dung túng và thậm chí là lạm dụng trên danh nghĩa sáng tạo. Sau những “phát đạn” đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp trong bộ ba các truyện ngắn “Kiếm sắc - Vàng lửa - Phẩm tiết” ra mắt vào năm 1988, bỗng nhiên cả từ trong lẫn ngoài Việt Nam người ta có thể hạ bệ tầm vóc huyền thoại của thần tượng người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lịch sử dân tộc qua những hư cấu tiểu thuyết về những khuyết tật rất “con người” chẳng hạn như tự ti, nghi hoặc, nghi kỵ, nhỏ nhen, ghen tị, ghen tuông, thịnh nộ, bạo quyền và thậm chí là bạo dục! Theo một hướng tích cực hơn để minh hoạ cho những chính sách đổi mới thì nhân vật Nguyễn Huệ cũng được đề cao như là một điển hình cho tinh thần cải cách trong quan tâm nội trị của ông sau khi hoà hiếu với Trung Quốc. Và đến những năm cuối thập niên 1990, khi Việt Nam phải đối mặt với những thách đố ngày càng khó khăn của việc hội nhập toàn cầu, thì Nguyễn Huệ lại được nêu gương mới, gần đây nhất bởi Thủ tướng Phan Văn Khải trong dịp kỷ niệm 210 năm chiến thắng Đống Đa, để động viên cả dân tộc hãy kế thừa di sản anh hùng của Quang Trung làm động lực hoá thân trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Tuy ký ức về ông đã bị huỷ hoại và bôi nhọ trong thế kỷ 19 bởi triều Nguyễn, nhưng sang đến thế kỷ 20 thì Quang Trung - Nguyễn Huệ đã trỗi dậy như một anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc để đem lại nguồn động viên và sự suy xét rất cần thiết trước các thử thách mà đất nước Việt Nam thời hiện đại phải đối mặt. Ông đã trở thành một trung tâm điểm để tham khảo và tranh cãi về các vấn đề hệ trọng vẫn luôn được quan tâm trong thế kỷ 20 chẳng hạn như: vấn đề nội chiến, thống nhất đất nước, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa anh hùng quân sự, kháng chiến chống ngoại xâm, ngoại giao và nội trị, đấu tranh giai cấp, sự nghiệp cải cách và cách mạng xã hội – kinh tế - chính trị - văn hoá, uy tín và chính thống trong chính trị và đức trị, công cuộc xây dựng và hiện đại hoá đất nước. Nhưng vì có khá nhiều ý kiến khác nhau về những di sản và bài học của ông trên phương diện các vấn đề hiện đại kể trên, việc khảo sát tính chất và công dụng trong lịch sử của nhân vật Nguyễn Huệ của phong trào Tây Sơn có thể soi sáng thêm không chỉ về bản thân nhân vật này như là một yếu tố và sản phẩm lịch sử, nhưng cả về những động lực lịch sử đã tương tác trong suốt quá trình lịch sử tiếp nhận nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong bài sơ lược này chúng tôi chỉ mong điểm qua vấn đề và thu hút quan tâm đến giá trị của công tác nghiên cứu như vậy, bởi lẽ cách tiếp cận này đối với nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ có thể soi sáng không chỉ cho cái thế giới của ông vào cuối thế kỷ 18 mà quan trọng hơn là cho cả thế giới hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Nguồn: Xưa và Nay, số 84 + 85, tháng 1, 2 - 2001, tr 14 -17, 22

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.