Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 20/01/2006 00:47 (GMT+7)

Quan và Lại ở miền Bắc Việt Nam: Chế độ quan trường trước thử thách trong thời thuộc địa

Từ ba thập niên trở lại đây, nếu như xã hội học lịch sử về các nền văn minh Đông Á đạt được tiến bộ đáng kể, thì chủ yếu là trong việc nghiên cứu các giai cấp bình dân hay tầng lớp tư sản lớn hiện đại. Ngược lại, đối với tầng lớp hay giai cấp thống trị xưa, trước hết là tầng lớp quan liêu nho sĩ trong thế giới Hán hoá, thì vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào có tầm cỡ kể từ Ch’uT’ungtsu, Etienne Balazs và Robert Hartwell, nếu không kể đến các công trình Trung Hoa và Nhật Bản 1.

Về chế độ quan trường Nhà nước ở Đông Nam Á, cụ thể là ở Việt Nam xưa, cách suy nghĩ của chúng ta hiện nay vẫn luôn chịu ảnh hưởng theo cách đọc và những định đề thừa kế từ nền sử học thuộc địa và theo sự đánh giá của các nhà truyền giáo, cũng như nền sử học dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Những nhận định này, trừ một vài biệt lệ và khi nhận xét một vài nhân vật của thế kỷ XVIII và XIX, thường được đánh giá theo mô hình của một chế độ quan lại thối nát và bất lực, trì trệ và xơ cứng, tê liệt trong bảo thủ, cứng nhắc và cổ lỗ. Nói chung, những cuộc điều tra về nền quan liêu Viễn Đông chỉ bó hẹp, ít ra là đến thời gian gần đây, trong phạm vi chức năng quan liêu chính thức và nhiều khi chỉ là mô tả thiết chế về đào tạo và tuyển dụng - bằng con đường thi cử hay bằng xuy cử - cũng như sự vận hành của bộ máy hành chính mà bản thân nó rất phức tạp. Kết quả của những nghiên cứu hiện có là đáng kể. Nhưng nói thật ra, những nghiên cứu có ý định khoanh lại diện mạo xã hội học của chế độ quan liêu xưa và nay, về dân sự và quân sự, vẫn còn ít, và trong trường hợp Việt Nam, chúng thường bỏ qua tầm vóc hiện đại, thực tế hơn như người ta nói. Còn những công trình tìm cách đi sâu vào cơ chế vận hành giữa quyền lực quan liêu với xã hội mà nó cai trị, đặc biệt là những viên chức nhỏ đảm nhiệm công việc hàng ngày, “cơ tầng quan liêu” mà cuốn sách này nói đến, thì lại càng hiếm hơn. Không nói đến địa dư lịch sử của nền cai trị quan liêu vẫn còn ít được biết đến, ít ra là không có gì chắc chắn.

Đấy là những chủ đề cơ bản của cuốn sách này. Nó đề cập những vấn đề nêu trên trong bối cảnh xứ Bắc Kỳ, vào buổi kết thúc nền độc lập của Đại Nam và suốt bốn thập niên đầu của nền đô hộ Pháp, giai đoạn bản lề trong việc tìm kiếm công thức chính trị của chế độ thuộc địa ở Đông Dương và hoàn thành việc chuyển tiếp từ “chế độ quan liên thời chinh phục” sang một “chế độ quan liêu thời quản lý”. Những đóng góp của công trình này là rất mới mẻ. Trước hết là sự phong phú của tư liệu cơ bản, bằng chữ Hán chữ Việt hay chữ Pháp, đã được khai thác, tập hợp và xử lý. Cụ thể là những phông đặc biệt của Kinh lược Bắc Kỳ và của Thống sứ Bắc Kỳ giữ ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia Hà Nội, mà những hồ sơ về cá nhân đã cung cấp tư liệu cho một nền xã hội học lịch sử tổng quát phong phú có một không hai về chế độ quan lại Bắc Việt Nam đầu thế kỷ. Chúng được làm luận cứ cho sự nghiên cứu chính xác, dưới ánh sáng những nguồn tư liệu của triều đình và những công trình của các nhà sử học Việt Nam gần đây, về cấu trúc phức tạp của nền quan liêu xưa, về cách thức đào tạo và tập sự, về thể thức chi lương bổng và thang bậc tiến thân, về nền văn hoá riêng biệt và truyền thống triều đình trong việc cải cách thường xuyên của các triều Lê và Nguyễn.

Điểm thứ hai phải nhấn mạnh là tính độc đáo của cách tiếp cận vấn đề và phương pháp tiến hành nghiên cứu. Càng đọc chúng ta càng thấy những phát hiện đáng ngạc nhiên. Nếu như vấn đề các quan được triều đình bổ nhiệm ít có gốc gác tại địa phương thường được nêu rõ, thì sự xuất hiện những tỉnh có truyền thống làm quan lâu dài (bốn tỉnh Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh và Hải Dương) và cả một số làng làm quan, thì việc tuyển dụng quan trường lại rất tập trung, cụ thể là năm huyện xung quanh kinh thành. Có biết bao phát hiện về cả một khu vực địa lý, đã tồn tại từ xưa nhưng được tiếp tục dưới thời thuộc địa, từ gốc gác những người thi đỗ và những dòng họ làm quan cũng như xuất xứ những thuộc lại. Điều đó khẳng định rằng dưới sự cai trị của người Pháp đã có sự “Bắc Kỳ hoá” trong tuyển dụng, ngược với xu hướng nặng nề của thế kỷ trước. Vấn đề không kém phần mới mẻ là cái nhìn lịch sử xem lại chế độ quan liêu Việt Nam, về tính hai mặt trong sự dung hợp với chế độ thuộc địa và về tương lai lịch sử của quan trường, mà cuốn sách đã khai thác tỉ mỉ hàng loạt hồ sơ tiến thân của các quan ở Bắc Kỳ trong giai đoạn đó.

Thật vậy, chế độ quan liêu của triều đình đã thay đổi như thế nào một khi đối diện với vấn đề lịch sử mới do chế độ thuộc địa thiết lập? Ở đây, tôi chỉ nêu một vài câu trả lời mà Emmanuel Poisson đã giải đáp câu hỏi đó. Thứ nhất là sức sống liên tục của quan trường từ chế độ này sang chế độ kia, tính liên tục năng động của nó. Vì chế độ quan trường châu Á không có nghĩa chỉ là nặng nề, đè nén xã hội. Nó không phải hay không giống với chế độ quan liêu của Sa hoàng nước Nga, với thế giới nhỏ hẹp của các quan thanh tra mà Gogol thích miêu tả, thường được trí thức Nga thế kỉ XIX lên án. Ở Việt Nam, bộ máy hành chính của triều đình tương đối nhẹ hơn (dù cho nó có dày đặc hơn Trung Quốc), dưới thời thuộc địa nó vẫn như vậy, ít ra là đến năm 1920. Con đường tuyển dụng, việc bắt buộc phải trải qua “lò luyện nhân tài” của trường học cổ điển sinh động và nổi tiếng, ngay cả ở một số làng, các thầy học vẫn truyền cho học sinh những công thức lập luận không thể xoá mờ, vẫn không thay đổi cho đến khi chế độ thi hương bị bãi bỏ năm 1918. Kết quả là giống như những người tiền nhiệm, các quan thời đô hộ ở Bắc Kỳ gồm hai phần ba là những người đỗ đạt qua những kỳ thi đáng sợ đó, mà như người ta nói là họ không hề bị cắt rời khỏi thực tế. Công trình này còn đưa ra ánh sáng sự liên tục của chiến lược nhân sự và tính truyền thống cách ứng xử của giới quan trường, cũng như sức mạnh của các thuộc hạ bên trong hệ thống quan liêu. Từ đấy có thể thấy rằng hình ảnh của tên thông ngôn tầm thường hay viên thư lại được đề bạt làm quan lớn do có công phục vụ kẻ thống trị ngoại bang, thường được phổ biến trong nhiều xuất bản phẩm thuộc địa cũng như phần lớn tác phẩm của những tác giả chống thực dân, là điều tương đối nhầm lẫn. Trong giới quan trường đầu thế kỷ XX, những thuộc viên đắc lực phục vụ công cuộc xâm lược, những kẻ chuyên nghề đàn áp, rõ ràng chỉ chiếm số ít. Những người ra làm quan theo con đường cổ điển chiếm số đông.

Hiệu năng của quan lại không hề bị giảm sút, nó còn được cải tiến bằng sự cấy ghép truyền thống và khoa học hành chính Pháp lên trên nền quan liêu Việt Nam. Các quan còn lâu mới là những kẻ bù nhìn tham nhũng, dù cho họ không đặt lại vấn đề cáo buộc chế độ thuộc địa. Họ thường có một kinh nghiệm thực hành lâu dài trên trường xã hội và công việc, đa dạng và cụ thể, tiếp thu được bằng quá trình thăng tiến trường kỳ qua các bậc thang hành chính. Ngoài ra các Công sứ Pháp phải chú trọng phối hợp tốt với quan chức Việt Nam, cố gắng hết sức giữ quan hệ hợp tác với họ. Giữa hai bên không thiếu gì mâu thuẫn, nhưng chế độ Bảo hộ buộc phải luồn lách một cách thực dụng vào trong các cấu trúc quan liêu, đồng thời tìm cách hợp lý hoá và hiện đại hoá nền quan liêu đó, cụ thể là việc thành lập trường Hậu bổ năm 1897, còn ở miền Thượng du thì dựa vào các thủ lĩnh dân tộc và các dòng họ lớn người Tày, người Thái. Người Pháp không thể cai trị chống lại tầng lớp thượng lưu thuộc địa, như các quan chức cao cấp sáng suốt đã nhìn thấy, từ Jean Louis do Lanessan đến Albert Sarraut. Nhưng tầng lớp ưu tú trong quan trường không dễ gì bị chế độ thuộc địa biến cải thành kẻ thừa hành kỹ thuật, trở thành một công cụ ngoan ngoãn, điều đó đi liền với sự chấp nhận chế độ thuế khoá nặng nề, mà họ đã minh chứng một cách lâu bền, vì lẽ họ đã được tự chủ hơn đối với triều đình Huế. Đấy là hai chiều kích của thiết chế lịch sử mới của quan lại, nó vừa không thể tách rời và mâu thuẫn nhau, và chính trong sự căng thẳng thường xuyên đó mà quyền lực thuộc địa đã được vận hành.

Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên thuộc địa, quan trường trở thành người trọng tài, tất nhiên là không hề vô tư, của vô số vụ xung đột quyền lợi địa phương, họ là người điều chỉnh của đời sống nông thôn. Đôi khi, họ biểu hiện có đầu óc cải cách, tìm cách hiện đại hoá công việc xã hội và phong tục, khai thác chức năng hiện đại hoá có chọn lọc và có giới hạn có lợi cho xã hội thuộc địa mà chế độ thuộc địa không thể từ bỏ vì lợi ích của nó. Một số lớn đã tham gia một cách thận trọng vào các hoạt động cải cách trong phong trào dân tộc đầu thế kỷ. Quả thật là đã có một xu hướng cải cách quan trường, đôi khi phối hợp với chủ nghĩa quốc gia tân tiến trong những năm 1905-1914, do đó vì sao mà chính quyền Pháp không ngừng nghi ngờ các quan lại chơi trò hai mặt. Nhưng thực tế là sự cải cách hành chính thuộc địa kết hợp với sự cải cách của triều đình đã có từ trước. Kết quả là cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, sự kết hợp giữa tầng lớp ưu tú trong quan trường với các tầng lớp xã hội trên thực tế không bị gián đoạn.

Cuối cùng Emmanuel Poisson đã đem lại một ánh sáng mới về tầm quan trọng chưa được biết đến của quyền lực không chính thức trong tay các thuộc lại, những “con người phải luồn lách” của hệ thống quan liêu bên dưới và vô vàn đường dây của nó, bắt rễ sâu vào trong nền tảng địa phương. Vai trò mà nó chia sẻ với các quan lại cấp dưới, những quan phủ, quan huyện, có tính quyết định đối với sự thực thi hữu hiệu công việc của Nhà nước thuộc địa trong việc quản lý thường ngày của 10 nghìn làng ở Bắc Kỳ, như vị trí lịch sử mang tính chiến lược của nó, nằm ở bản lề giữa làng xã với quan chức cấp tỉnh, vào giao điểm của quyền lực thuộc địa, quyền lực quan liêu và kỳ hào làng xã, của cái mà ta có thể gọi là sự thoả hiệp lịch sử - một sự thoả hiệp không bình đẳng - của chế độ thuộc địa Đông Dương.

Cuốn sách này cho thấy sự lo lắng của chính quyền để hoàn thiện không ngừng khả năng huy động xã hội bên dưới, không phải là xuất hiện từ thời thuộc địa. Mối quan tâm cải cách hành chính là thường xuyên đối với các vua Việt Nam thế kỷ XIX. Nó được chuyển sang cho các quan chức Pháp của chế độ Bảo hộ, bản thân họ đã đến với sứ mệnh khai hoá, đặc biệt trong 20 năm đầu của thế kỷ XX, trong thời gian đó cải cách quan chế là đề tài chính vì nó quyết định việc chế độ thực dân có nắm được hay không xã hội thuộc địa. Quả thật đã có ở Đông Dương thuộc Pháp một sự lên án liên tục chế độ quan trường và lề lối cai trị xã hội của nó. Nền thuộc địa, rõ ràng đã thắng thế, vẫn bị buộc phải sử dụng sự quản lý của chế độ quan liêu, sự hợp tác của quan lại của triều đình, ít ra là đến những năm 1920, điều đó không phải là theo một hướng duy nhất. Phải chăng chúng ta còn phải nhấn mạnh đến sự vận hành kéo dài của quan trường trong hai vùng đất bảo hộ của Đông Dương thuộc Pháp là Bắc Kỳ và Trung Kỳ, là trường hợp duy nhất ở Đông Á? Phải chăng đây là trường hợp duy nhất của những nền quan liêu châu Á đã được duy trì, dù có khó khăn hay có thuận lợi, không những ở trên cao, mà cả trong từng tế bào của xã hội cho đến khi nó bị thủ tiêu hoàn toàn với sự thất trận của Nhật Bản và với cách mạng năm 1945? Nó có được thay thế không? Đấy là những câu hỏi chủ yếu mà cuốn sách này đã đặt ra.

---

1.Ch’u T’ung-tsu, Chính quyền địa phương Trung Hoa dưới đời Thanh, Cambridge, 1962. Balazs, E. Nền quan liêu thiên đình,Paris, 1968. Hartwell, R.M. “Kiểm chứng tài chính, Kiểm tra và Qui định trong chích sách kinh tế thời Bắc Tống Trung Quốc”, Journal of Asian Studies, 1971. Will, P.-E. Quan liêu và nạn đói ở Trung Quốc thế kỷ XVIII, Paris, 1980. Smith, P.J. Kho vựa thu thuế của triều đình: ngựa, chế độ quan liêu và sự thủ tiêu công nghệ trà ở Tứ Xuyên, 1074 - 1224, London, 1991, Lamouroux, Ch. Thuế khoá, chính sách tài chính và kế toán công cộng thời Bắc Tống - chương 179 của Tống sử, Paris, 2003.

Nguồn: Xưa và Nay, số 215, tháng 7/2004

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.