Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 11/06/2014 19:43 (GMT+7)

Quan hệ giữa con người và tự nhiên trong "biện chứng của tự nhiên" với vấn đề môi trường hiện nay

  Quan hệ giữa con người và tự nhiên trong "biện chứng của tự nhiên" với vấn đề môi trường hiện nay

Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen đã phân tích sự tương tác, phức hợp và chế ước lẫn nhau trong một thể thống nhất giữa con người và tự nhiên; con người không chỉ tác động, cải biến tự nhiên mà tự nhiên cũng tác động ngược trở lại. Cho nên,  Ph.Ăngghen đã cảnh báo khoa học “không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì, cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”  1. Ph.Ăngghen chỉ dẫn một loạt nước, là những trường hợp khá điển hình, khi người ta phá rừng, khai hoang để lấy đất cày cấy, tăng nguồn lương thực, họ không nghĩ rằng khi phá rừng sẽ là tác nhân, tạo ra nguồn gốc của hiểm họa, về sau là hủy hoại các trung tâm điều hòa nước, chứa nước, giữ nước, điều đó gây nên lụt lội, hạn hán, sa mạc hóa… và hậu họa là hàng ngàn năm sau cũng khó có thể khôi phục. Cho nên “nếu chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy” 2 . Rõ ràng, con người không được phép thống trị tự nhiên giống “như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên” 3. Quyền hành và sự thống trị của con người đối với tự nhiên không vô hạn, tuyệt đối, nhất là khi con người đã trở thành một lực lượng có sức mạnh to lớn đang làm thay đổi diện mạo của trái đất.

Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen đã chỉ ra nguyên nhân gây ra sự nguy hại cho môi trường. Đó là xã hội khi có phân chia các giai cấp thống trị, các giai cấp bị áp bức, các xã hội có tình trạng người bóc lột người mà suy đến cùng là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Ph.Ăngghen viết: “Những nhà tư bản riêng lẻ sản xuất và trao đổi để thu lợi nhuận trước mắt, cho nên trước hết họ chỉ chú ý đến những kết quả gần nhất, trực tiếp nhất mà thôi. Khi đốt rừng trên các triền núi và lấy số phân tro đủ để bón cho một đồi cây cà phê đem lại một số thu hoạch rất lớn, thì những người chủ đồn điền Tây Ban Nha, ở Cu Ba có cần gì phải nghĩ rằng sau này, những trận mưa rào ở vùng nhiệt đới sẽ cuốn sạch lớp đất bên trên không có gì che chở và chỉ để lại những lớp đá trơ trụi” . Nguồn gốc sâu xa của những hành động phá hoại đó, theo Ph.Ăngghen, là lợi nhuận tư bản, lợi nhuận thu được trở thành động lực căn bản thúc đẩy các nhà tư bản hành động bất chấp quy luật, xâm nhập vào mọi ngõ ngách của giới tự nhiên, phá vỡ sự phát triển bình thường của chúng, bất chấp sự trả thù của thiên nhiên. Rõ ràng, hệ thống chiếm hữu tư nhân không thể thực hiện được những yêu cầu sinh thái tích cực. Nhà sinh thái học người Pháp P.Xanh Mắc thừa nhận trong cuốn Xã hội hóa giới tự nhiên, rằng: Sở hữu tư nhân là người canh giữ tồi của giới tự nhiên. Do vậy, để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo vệ thiên nhiên và sự phát triển bền vững của xã hội “cần phải có sự chuyển biến hoàn toàn trong phương thức sản xuất đã tồn tại cho đến nay và đồng thời, trong chế độ xã hội hiện tại” (tức là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” . 

Quan điểm biện chứng và khoa học của Ph.Ăngghen trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, là cơ sở lý luận trực tiếp cho chúng ta nhìn nhận một cách đúng đắn, chính xác về thực tế quan hệ môi trường đã và đang diễn ra. Có thể nói rằng, cùng với những thành công về kinh tế - xã hội, những thắng lợi đạt được trong giải quyết mối quan hệ con người với tự nhiên; thì con người đang phải trả giá cho những sai lầm trong quan hệ này. Đó là sự thiệt hại về người và của cải do thiên nhiên gây ra ngày càng lớn. Theo các số liệu đã công bố của các nhà nghiên cứu, trong thời gian từ năm 2000-2012, thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại 1,7 ngàn tỉ USD và tác động lên 2,9 tỉ người. Cùng thời gian này 1,1 triệu người đã thiệt mạng do thảm họa thiên nhiên. Riêng thiệt hại do thiên tai năm 2011 trên thế giới với 371 tỉ USD, trong đó có 154 trận lũ lụt, 16 trận hạn hán và 15 đợt nắng nóng gay gắt. Năm 2012 trên toàn thế giới có 905 tai ương, bao gồm các trận bão mạnh, hạn hán, lốc xoáy, động đất, lũ lụt, mưa đá, bão rất mạnh, cháy rừng và bão lớn, thiệt hại do thiên tai trên toàn thế giới vượt quá 100 tỉ USD; các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, động đất khiến ít nhất 32,4 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Theo AFP, thảm họa thiên nhiên trong năm 2013 ước tính gây tổng thiệt hại khoảng 130 tỉ USD. Trong số những “cơn thịnh nộ của đất trời”, siêu bão Haiyan quét qua Philippines hồi đầu tháng 11 là thảm họa gây tang thương và mất mát nhiều nhất, với khoảng 7.000 người thiệt mạng. Đây là nguyên nhân chính khiến số lượng người chết do thảm họa trong năm 2013 lên đến 25.000 người, tăng đáng kể so với năm 2012 (14.000 người). Các chuyên gia môi trường cảnh báo số người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ tiếp tục gia tăng do biến đổi khí hậu gây hiện tượng thiên nhiên bất thường ngày càng nhiều.

Ở Việt Nam, ngay từ khi tiến hành cách mạng khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế. Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tích cực bảo vệ môi trường và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên; cho nên chưa gặp nhiều những khó khăn nghiêm trọng về môi trường. Tuy vậy, sản xuất của chúng ta tỷ lệ không nhỏ theo quy trình cũ và thiết bị lạc hậu, cùng với công tác tổ chức, quản lý đang từng bước hoàn thiện, tâm lý xã hội đi từ nền sản xuất nhỏ…. do đó dẫn đến những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong quan hệ với tự nhiên đáng lo ngại. Nạn rác thải, nước thải, khói bụi, tiếng ồn, dịch bệnh ở một số trung tâm công nghiệp, làng nghề, đô thị, cả không ít những vùng nông thôn, trường học, bệnh viện… đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng. Những bãi vàng thổ phỉ; những máy, công trường nghiền và khai thác đá ngày đêm tàn phá và làm rung chuyển núi rừng, dẫn đến những thay đổi kết cấu địa chất đã và đang xuất hiện những tai họa. 

Thiên nhiên đang giận dữ và trực tiếp trút tai họa xuống con người khi con người không đồng hành với quy luật của nó. Cùng với những lợi ích vô cùng to lớn của thủy điện phải kể đến những thách thức và những mối đe dọa về môi trường từ hệ thống này. Theo đó, rừng đầu nguồn bị phá chặt, khai thác bừa bãi, đã kéo theo những hiện tượng thiên nhiên bất thường ở khắp nơi. Trong những năm gần đây, hạn hán, bão lũ dội xuống miền Trung; lốc xoáy, lũ quét tàn phá nhiều tỉnh miền núi phía Bắc; TP Hồ Chí Minh, Bình Dương bất ngờ ngập lụt, trong khi người dân vựa lúa, vựa cá Đồng bằng sông Cửu Long khắc khoải chờ lũ về; Thủ đô Hà Nội có lúc "phố cũng như sông", còn vùng cao, nhiều dòng suối cạn đến trơ đáy... 

Có thể nói, vấn đề môi trường sinh thái nói chung, ở nước ta nói riêng hiện nay rất phức tạp và cấp bách. Trước tình hình ấy, những tư tưởng của Ph.Ăngghen, một mặt, giúp chúng ta có phương hướng hợp lý để vừa khai thác, sử dụng thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội, vừa xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên, coi “tự nhiên như người mẹ”, môi trường sống, là “thân thể vô cơ” của mình. 

Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa những biện pháp có tính chiến lược lâu dài vì sự phát triển bền vững và những biện pháp tình thế; giữa việc phát huy nội lực (luật pháp, chính sách, quản lí giáo dục…) với hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sống. Dưới đây, bài viết đề cập tới một số giải pháp có tính phương pháp luận.

Trước hết, nâng cao nhận thức của các đối tượng về việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Để tạo nên quan hệ hữa cơ giữa con người và tự nhiên - nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội, con người phải có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của giới tự nhiên, về vị trí của con người trong hệ thống tự nhiên - xã hội - con người; cần phải nâng cao sự hiểu biết về cái “thân thể vô cơ” - cái thân thể mà thiếu nó, cũng không có sự tồn tại, phát triển của con người, đồng thời tự giác điều chỉnh hành động của mình phù hợp với quy luật của giới tự nhiên. Cần quán triệt và giáo dục với mọi đối tượng trong nhân dân quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, tự nhiên, về mối quan hệ con người với tự nhiên, quan điểm sống hài hòa với thiên nhiên như một giá trị văn hóa. Tích cực tuyên truyền, phát huy giá trị truyền thống của việc thích ứng, ứng xử, giao hòa tốt đẹp với thiên nhiên của con người Việt Nam.

Cần xây dựng, hoàn thiện và đầu tư các môn học về vấn đề môi trường cho hệ thống các nhà trường, cho các hình thức học tập, bồi dưỡng của các đối tượng. Đề cập một cách trực tiếp đến vấn đề nóng bỏng như “con người và môi trường”, “môi trường và phát triển bền vững” “kinh tế và môi trường”, “Môi trường và tăng trưởng”, “Môi trường và sự hợp tác”, “Môi trường và sức khỏe”, “Môi trường thân thiện”, “Môi trường xanh, sạch, đẹp” . Tích cực, đầu tư, nhân rộng phương pháp, mô hình dạy học trực quan, dạy học thực hành, dạy học qua thực tế… phù hợp các lứa tuổi, bậc học của học sinh, sinh viên và học viên. 

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiệt hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện về môi trường. Với mục tiêu tạo ra một hành lang pháp lý đồng bộ, cụ thể trong công tác môi trường trên mọi lĩnh vực hoạt động hiện nay. Phải làm cho những điều luật trong văn bản trở nên thực thi một cách nghiêm túc, rộng rãi và công bằng đối với mọi người, đối với mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Theo đó, mọi người phải được quán triệt, thông suốt trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ môi trường. Trong đó, cơ quan và đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách về môi trường cần được đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn bảo vệ, gìn giữ môi trường. 

Thứ ba, quán triệt, vận dụng một cách sâu rộng quan điểm phát triển bền vững. Bảo đảm sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan về sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội, mục tiêu bảo vệ môi trường. Nếu tuyệt đối hoá yêu cầu bảo vệ môi trường đến mức cực đoan, hoặc là chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế đều không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường phải được thể hiện một cách phổ biến, sâu rộng từ quan điểm của Đảng, luật pháp của nhà nước, tới nhận thức và thực thi trên các lĩnh vực và các thành phần trong xã hội. Một sự tất yếu khách quan, con người không thể tự lựa chọn hoặc là cái này, hoặc là cái kia, mà luôn có sự kết hợp, gắn liền mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên, hướng vào sự chung sống hoà bình và cùng phát triển. 

Thứ tư, đấu tranh phê phán các quan điểm và khuynh hướng sai trái về vấn đề này. Trong đó, phê phán khuynh hướng đề cao đến mức, tuyệt đối hoá con người trong mối quan hệ với tự nhiên. Những quan niệm đó là cơ sở cho sự nảy nở và phát triển triết lý con người chinh phục theo kiểu "thống trị", "tước đoạt" tự nhiên như một người sống bên ngoài giới tự nhiên trong suốt một thời gian dài, để lại những hậu quả môi trường to lớn mà ngày nay, con người đang phải nỗ lực tìm cách khắc phục. Với nhãn quan biện chứng, cùng với thái độ, trách nhiệm trong ngăn cản sự phá hoại môi sinh, luôn đồng thời đặt ra sự khôi phục khả năng tái sinh của thiên nhiên và bảo vệ môi tường tự nhiên, kết hợp khai thác với bảo vệ và phục hồi khả năng của tự nhiên là cách hiệu quả nhất đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững./.  

1C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQGST, H.1994, tr.654.

2C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQGST, H.1994, tr.655 - 656.

3C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H.1994, tr.655.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.