Phùng Chí Kiên đã hy sinh như thế nào?
Từ giữa năm 1941, địch ráo riết bao vây, truy lùng lực lượng Cứu quốc quân, khủng bố ác liệt phong trào Cách mạng vùng Bắc Sơn - Võ Nhai. Để bảo toàn lực lượng, Ban chỉ huy Cứu quốc quân do đồng chí đứng đầu quyết định chia thành hai bộ phận rút lên biên giới Việt Trung. Trong quá trình di chuyển, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh anh dũng tại Ngân Sơn tỉnh Bắc Cạn vào tháng 8 - 1941.
Cho đến nay, sự kiện đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh đã được phản ánh trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, song, nhìn chung còn rất vắn tắt và có rất nhiều điểm chưa thống nhất.
Về thời gian đồng chí Phùng Chí kiên hy sinh, có sách viết là ngày 22-8-1941 (1).Có sách viết là ngày 21-8-1941 (2). Có sách viết là ngày 20-8-1941 (3).
Nhiều công trình viết đồng chí “hy sinh tại trận” hoặc hy sinh khi bị phục kích ở Khau Pan, nhưng cũng có công trình viết đồng chí bị chặt đầu sau khi bị bắt. Trong bài “ Phùng Chí Kiên - Một Đảng viên trọn vẹn trung dũng”,tác giả M.T.H. viết: “ Biết không thể khai thác mua chuộc gì, ngày 21-8-1941, Giặc Pháp đua ông ra chặt đầu và bêu đầu ở đầu cầu Ngân Sơn hòng khủng bố tinh thần Cách mạng của nhân dân ta ở vùng này”(tr 44). Sách “Nghệ An - Những tấm gương cộng sản”, có đoạn: “ Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng thì đồng chí bị sa vào tay giặc. Bọn châu đoàn gán cho Phùng Chí Kiên là “tướng cướp” để cho lũ tay sai mặc sức hành hung. Đồng chí đã bình tĩnh giải thích: Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phòng cho đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung. Lời giải thích của đồng chí đã làm xiêu lòng một số lĩnh dõng. Nhưng bọn châu đoàn gian ác đã chặt đầu đồng chí rồi đem cắm ở cầu Ngân Sơn ( 21- 8-1941) để hòng huy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân địa phương”(tr.77-78).
Vậy đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh chính xác là vào ngày nào? Đồng chí có bị địch bắt, bị hành hung rồi mới đem chặt đầu hay không? Trước khi chết đồng chí có “bình tĩnh giải thích” Nhóm của đồng chí bị địch phục kích hay truy kích?
Để góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi trên, xin giới thiệu một số thông tin có liên quan đến sự hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên qua một số tài liệu của mật thám Pháp, giúp chúng ta những hiểu biết đúng và đầy đủ về gương hy sinh anh dũng của một uỷ viên Trung ương Đảng, một cán bộ chỉ huy quân sự tài ba của nhân dân ta thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành tự do, độc lập cho dân tộc.
Trong báo cáo gửi thống sứ Bắc kỳ ở Hà Nội (29 - 8 -1941) (4), quyền công sứ Bắc Cạn là Garic đã trình bày khá chi tiết về việc đuổi bắt Cứu quốc quân ở châu Na Rì và Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Cạn từ ngày 19 đến ngày 25-8-1941, trong đó chúng đã bắn chết Phùng Chí Kiên.
Theo báo cáo này thì vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 19-8-1941, 7 chiến sĩ Cứu quốc quân (chính quyền thuộc địa gọi là “những kẻ phiến loạn”) mang súng lục tự động Mauser từ châu Bình Gia đi vào địa phận tổng Lương Thượng (châu Na Rì, Bắc Cạn) thì bị 5 tuần đinh làng Văn Học chặn lại. Bọn tuần đinh kiểm soát thẻ thì chỉ có 4 người có thẻ được cấp trong năm 1940-1941, 3 người còn lại không có thẻ. Khi tên chánh tổng Nông Văn Thượng tới, để đánh lừa y và bọn tuần đinh, Hoàng Doãn Tô (tức Tạo) - một trong 7 chiến sĩ Cứu quốc quân và đã từng có thời gian làm gạch ở làng Văn Học tự nhận là những người buôn lậu đến từ Cao Bằng và đang trên đường đi Ngân Sơn. Tuy nhiên lời nói của đồng chí không qua mặt được tên chánh Thượng. Trước tình hình đó, các chiến sĩ Cứu quốc quân liền chủ động đánh địch, bắn bị thương tên chánh Thượng và 1 tên tuần đinh, bắn chết một tên tuần đinh khác rồi di chuyển về hướng Vũ Loan (Châu Na Rì - Bắc Cạn). Trong chiến đấu, 1 chiến sĩ Cứu quốc quân bị thương, phải bỏ lại hành lý, địch thu được gồm: 1 bao súng tự động Mauser cỡ 7,63; 2 kẹp đạn với 20 viên đạn cỡ 7,63; 1 ống nhòm Huét kiểu quân đội; 2 viên đạn Smith và Wesson cỡ 32; 1 tờ báo “Quân du kích”, số 1 ra ngày 1-6-1941.
Những tin tức trên nhanh chóng được báo đến quyền công sứ Bắc Cạn là Garic. Nhận định đây là lực lượng Cứu quốc quân ở vùng Bắc Sơn, Bình Gia đang tìm cách thoát khỏi vòng vây để lên biên giới. Y lập tức điều động các lực lượng đàn áp ở Bắc Cạn tiến hành truy kích. Đơn vị lính bản xứ đóng ở Yên Lạc (Na Rì, Bắc Cạn) và đơn vị Gadon đóng ở Na Rì được huy động đến lùng sục ở vùng Vũ Loan; viên đồn trưởng Ngân Sơn chỉ huy 10 lính bản xứ và 15 lính dõng tiến về phía Lương Thượng; tri châu Ngân Sơn được lệnh bố trí 20 dân binh chốt giữ ở đường đèo Giàng để kiểm soát các đường phụ, đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ tất cả các đường từ Thượng Quan đến Bằng Khẩu. Quyền công sứ Bắc Cạn Garic cũng điện yêu cầu viên chỉ huy Đạo quan binh II đóng ở Cao Bằng thiết lập các trạm gác ở vùng địa giới Bắc Cạn, trên các con đường từ Ngân Sơn đi Nguyên Bình và Thạch An để đề phòng các chiến sĩ Cứu quốc quân thoát khỏi sự truy lùng của chúng ở Bắc Cạn. Đích thân tên Garic cùng tên Bố chánh Bắc Cạn đến Ngân Sơn để chỉ huy việc truy lùng.
Đến Ngân Sơn lúc 9 giờ ngày 22-8-1941, Garic nhận được tin báo: Chập tối ngày 21-8-1941, các chiến sĩ Cứu quốc quân ở xóm Khau Long (xã Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Cạn). Qua phân tích, địch suy đoán vị trí của lực lượng Cứu quốc quân có thể đang ở tại Khau Pan (xã Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Cạn), cách Khau Long khoảng 10 km. Tên Garic lập tức điều động lực lượng triển khai bao vây và lùng sục vùng Khau Pan. Hai đội lĩnh dõng do chánh tổng và phó đoàn Ngân Sơn chỉ huy được điều ngay đến xóm Lũng Vài. Garic cùng bố chánh Bắc Cạn đến Bằng Khẩu (Ngân Sơn) tổ chức tất cả lính cơ và lính dõng đang đóng ở đây thành 3 đội, do châu uý Bằng Khẩu , quản cơ Bắc Cạn, tổng đoàn Ngân Sơn chỉ huy. Chúng nhanh chóng tiến về Khuổi Mang. Từ vị trí này, 3 đội lính dõng và lính cơ nói trên dàn hàng ngang càn quét vùng Khau Pan theo hướng từ Tây Bắc đến Đông Nam . Đồng thời, địch cũng điều một lực lượng khác từ Ngân Sơn càn quét vùng Khau Pan theo chiều ngược lại. Địch hy vọng hai cánh quân nói trên sẽ dồn lực lượng Cứu quốc quân vào dãy núi mà các đồng chí đã ở chập tối hôm trước để tiêu diệt. Các lực lượng địch ở Lương Thượng gồm: Dân binh của châu Ngân Sơn và đơn vị lính chính quy Célestine cũng được điều động tới để bao vây vùng Khau Pan.
Vào lúc 18 giờ ngày 22-8-1941, cánh quân địch càn từ hướng Tây Bắc xuống do hai tên chỉ điểm người Mán (Dao) và người Thổ dẫn đường phát hiện lực lượng Cứu quốc quân đang di chuyển trên một con đường mòn trong rừng cách Khau Pan 3 km. Chúng liền tổ chức bao vây lực lượng Cứu quốc quân trên cả 3 mặt. Mũi thứ nhất do châu úy Bằng Khẩu chỉ huy phía dưới khe; mũi thứ hai do phó quản cơ tiến theo sườn đồi; mũi thứ 3 do tổng đàn chỉ huy tiến trên đỉnh đồi rậm. Khi đã áp sát đến cự ly ngắn, chúng nổ súng vào lực lượng Cứu quốc quân. Tuy bị địch tấn công bất ngờ từ nhiều hương song lượng Cứu quốc quân đã nhanh chóng tìm các vị trí ẩn nấp và bắn trả mãnh liệt vào đội hình địch. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã bắn hết cả băng đạn về phía địch, bị trúng đạn và ngã xuống. Vì quân địch đông nên quân ta vừa chiến đấu vừa rút vào rừng rậm. Do đêm tối và cơn mưa rào ập xuống nên địch chỉ truy đuổi khoảng nửa giờ rồi rút lui, mang theo xác đồng chí Phùng Chí Kiên về điếm canh. Theo mô tả của địch thì lúc đó đồng chí Phùng Chí Kiên ăn mặc kiểu Tàu, trước khi chết đã nói mấy câu không đầu đuôi và không rõ ràng nhưng cũng đủ để bọn chúng nhận ra đồng chí là người Trung kỳ. Trong hành lý mang theo của đồng chí, địch thu nhiều được tài liệu: bản đồ Lạng Sơn, Cao Bằng tỷ lệ 1/400.000, bản đồ châu Âu in ở Thượng Hải, thẻ cộng sản, truyền đơn ký tên Nguyễn Ái Quốc, sơ đồ cắt dọc quả lựu đan, sổ tay chép bài hát cộng sản, các bài học đánh du kích, 1 nhật ký đi đường và một cuốn sổ tay ghi chép nhiều điều quan trọng. Garic viết trong báo cáo: “Tên phiến loạn (tức đồng chí Phùng Chí Kiên – TG) bị bắn chết ở Khau Pan mang 1 súng lục Mauser 10 phát cỡ 7.63 và 60 viên đạn để trọn trong 6 băng đựng trong 3 túi đạn, trước khi chết, hắn đã bắn hết cả băng đạn vào dân binh chúng ta (tức bọn lính cơ và lính dõng – TG) vì phải cấp tốc đuổi theo bọn còn lại nên không chụp ảnhhắn được (…) hình như hắn không phải là một tên tầm thường”(5). Nhận dạng sơ bộ và các tài liệu tìm thấy trên người đồng chí Phùng Chí Kiên được gửi cho mật thám Bắc Sơn theo yêu cầu của công sứ Lạng Sơn rồi được chuyển về Sở mật thám Trung ương.
Ngoài báo cáo của Garic, trong các báo cáo hàng tháng “ Về hoạt động chính trị của người bản xứ ởBắc kỳ” trong năm 1941, Sở mật thám Bắc kỳ cũng nhiều lần để cập đến sự hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên. Trong báo cáo tháng 8-1941, chúng viết: “ Ngày 19-8, 30 tên phiến loạn mang vũ khí tự động đã chạm trán với tuần đinh làng Văn Học, châu Na Rì (Bắc Cạn), một lính dõng bị giết, 1 hàolý bị thương, bọn phiến loạn bị thương 1. Trong cuộc đuổi bắt sau đấy, lính dõng ở Ngân Sơn đã bắn chết 1 tên mang súng lục 10 phát và nhiều đạn, 1 bản đồ và ít truyền đơn”(5) . Báo cáo tháng 9-1941 của chúng có đoạn: “ Trong số giấy tờ lấy đượctrong người tên phiến loạn bị bắn chết ở Khau Pan, châu Ngân Sơn (Bắc Cạn)…có 1 bản thống kê, theo đó thì số lượng đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương ở châu Bắc Sơn có 37 người, 23 chính thức, 14 dự bị và 202 cảm tình. Con số đó ăn khớp với những tin tức thu được của mật thám” (5) . Đến cuối tháng 10-1941, mật thám Pháp mới bước đầu đoán định nhân thân của người bị chúng bắn chết ở Khau Pan. Trong báo cáo “ Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc kỳ từ 1 đến 25-10-1941”.Mật thám Bắc kỳ khi đề cập về việc đàn áp ở Bắc Sơn đã liệt kê danh sách gần 30 chiến sĩ Cứu quốc quân và viết “ Một tên chưa xác định được, có thể là “Phùng” đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương bị bắn chết ở Khau Pan (Bắc Cạn)”.Tiếp đó, trong báo cáo “ Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc kỳ từ 25-10 đến 25-11-1941”.Sở Mật thám Bắc kỳ ghi: “ Một nhóm gồm có Huy còm, 3 người Tàu, 7 người Thổ Cao Bằngvà Hoàng Doãn Tạo rời Bắc Sơn ngày 8-8, qua Bắc Cạn đi về phía biên giới Trung Quốc. Ngày 19-8, trong một cuộc chạm trán của chúng với tuần đinh Po Kim, châu Na Rì (Bắc Cạn), tuần đinh Bế Văn Lễ bị giết, chánh tổng Nông Văn Thượng bị thương, một tên phiến loạn bị thương được đồng bọn đưa đi. Bị lực lượng cảnh sát Bắc Cạn truy đuổi, bọn phiến loạn chạy đến Khau Pan. Châu Ngân Sơn. 1 tên bị thương, 1 tên bị giết không rõ được lý lịch, có lẽ là 1 đại biểu hội nghị hải ngoại (tức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5-1941-TG) tên là Phùng” (5).
Thật ra đồng chí Phùng Chí Kiên không phải là nhân vật xa lạ gì với mật thám Pháp. Ngay từ năm 1930, trong thông tư số 5595-SG của Sở mật thám Đông Dương gửi các phái viên chính phủ bảo hộ tại Xiêng Khoảng, Thà Khẹt, Savanakhẹt, các công sứ Pháp ở Vinh, Thanh Hoá, các chánh các sở cảnh sát và mật thám Trung kỳ, Lào, Bắc kỳ về việc theo dõi và truy bắt 47 người tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Đảng cộng sản theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương thì đồng chí Phùng Chí Kiên (tên trong tài liệu của Pháp là Mạnh Văn Liễu) đứng thứ 8. Trong hồ sơ này, ngoài bức ảnh bán thân chụp thẳng từ phía trước, chúng ghi trích yếu lý lịch và các đặc điểm nhận dạng của đồng chí như sau: “ Mạnh Văn Liễu tức Nguyễn Hào, tức Như Bách, 26 tuổi, nguyên quán ở Bắc kỳ, nói giọng Ninh Bình, cựu học sinh trường quân sự Hoàng Phố, tham gia Đảng Thanh niên, rời Quảng Tây đến Nam Kinh vào tháng 10-1929, hiện không rõ cư trú ở đâu, cũng có thể đang ở Đông Dương. Đặc điểm nhận dạng: chiều cao trung bình, khá vạm vỡ, da mặt nâu, mắt đen, miệng rộng., môi mỏng, tai to” (5).Trong công văn số 5701-SG (26-11-1938) gửi các chánh sở cảnh sát địa phương Hà Nội, Hếu, Sài Gòn,Chánh thanh cha mật thám Debord thông báo rằng ngày 25-10-1938, cảnh sát Hồng Kông đã lục soát nơi ở và bắt giữ Mạnh Văn Liễu, tức Nguyễn Hào, sinh 1901 tại Mỹ Quảng Thượng, phủ Diễn Châu, Nghệ An. Y viết: “Có lẽ Mạnh Văn Liễu đã lãnh đạo Ban chỉ huy ở ngoài từ khi quay trở lại Hồng Kông sau khi Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương(tức hội nghị lần 8 Ban chấp hành Trung ương tháng 5-1941-TG) sở mật thám Bắc kỳ nhiều lần nhắc đến một đại biểu tham dự tên là “Phùng hoặc Lý”. Chúng viết: “Lý tức Mã Hữu Giác, người Trung Kỳ, lưu vong sang Trung Quốc từ lâu và theo học trường quân sự Hoàng phố, có thể là tên lưu vong quenthuộc tức Mạnh Văn Liễu”(5). Đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh là một tổn thất lớn cho Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta. Hai năm sau, trong bài “Nhớ tiếc anh Phùng” báo Cờ giải phóng- cơ quan ngôn luận của ĐCSĐD, số 2(26-8-1943) viết đồng chí Phùng Chí Kiên “bị chết tại trận”và “cái chết của anh thật…thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo…nỗi thương tiếc cho các đồng chí! Anh Phùng đã khuất. nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông cây cỏ. chúng ta càng nhớ đến anh càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”.
Qua các tài liệu trên, có thể thấy rằng đống chí Phùng Chí Kiên đã bị bắn trọng thương vào lúc 18 giờ ngày 22-8-1941 và hy sinh ngay sau đó, chứ không phải địch bắt đồng chí, biết không khai thác được mới đem chặt đầu; trước khi tắt thở, đồng chí có nói mấy câu nhưng địch nghe không rõ, không có chuyện đồng chí bình tĩnh giải thích làm xiêu lòng một số lính dõng; đích thân tên công sứ Bắc Cạn điều động và chỉ huy các lực lượng đànáp ở địa phương gồm: quân đội, mật thám, lính cơ, lính dõng, tuần đinh, chỉ điểm...bao vây truy kíchvà bắn chết đồng chí Phùng Chí Kiên chứ không phải bọn châu đoàn phục kíchvà bắn đồng chí như nhiều sách đã viết.
________________
(1) Ban nghiên cứu Lịch sử khu tự trị Việt Bắc: Lịch sử Cứu quốc quân, Nxb. Việt Bắc, 1975, tr 42-43; Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Cạn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Cạn, Tập I ,Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2000, tr. 61-62.
(2) Tiểu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ An: “Nghệ An- những tấm gương cộng sản”.Nxb Nghệ An,1998,tập I tr.78;M.T.H: “Phùng Chí Kiên - Một đảng viên trọn vẹn trung dũng”, Tạp chí Xưa & Nay, số 83 tháng 1-2001, tr. 44.
(3) Nguyễn Đình Nhơn- Đức Vượng: Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, H.1987, tr. 38)…
(4) Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
(5) Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
Nguồn: Xưa và Nay, số 244, 9/2005, tr 15-17