Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 27/12/2006 22:52 (GMT+7)

Phong trào hội kín ở Nam kỳ

Phan Phát Sanh tự Lạc, con ông Phan Núi làm cảnh sát ở Chợ Lớn. Năm (1913) 17 tuổi làm bồi cho Tây, tự xưng là Đông cung, con vua Hàm Nghi. Trong các buổi lễ bí mật, Phan Phát Sanh mặc y phục lộng lẫy, đính những huy hiệu bằng vàng, tự coi là thiên tử được trời sai xuống làm vua nước Nam, cho in truyền đơn rải khắp Sài Gòn, Chợ Lớn kêu gọi dân chúng nổi lên chống Pháp. Phan Phát Sanh bị mật thám Pháp bắt tại Phan Thiết, rồi giải về Sài Gòn với 111 người. Toà án xử từ ngày 2 đến 12 tháng 11 năm 1913, kêu án 57 người, tha bổng 54 người, 6 người bị chung thân khổ sai: Phan Phát Sanh, Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp, còn 3 người nữa xử vắng mặt, đều bị giam nơi Khám lớn Sài Gòn (1) làm chấn động cả nước.

Trong thời gian đó, nơi Hội đồng Quản hạt quận nhì Sài Gòn, nghị viên Lê Văn Trung và 5 người Việt phản kháng thuế “Lục hạng điền” của Thống đốc Nam kỳ Ernest Outrey. Dưới chế độ cai trị hà khắc của chế độ thực dân Pháp mà các ông mạnh dạn chống đối tới cùng là một hành động yêu nước yêu dân. Trạng sư Diệp Văn Kỳ nhận định “Trong bước đầu tiên ấy, ông Lê Văn Trung là người hướng đạo rất khảng khái. Thế lực chính trị của ông mỗi ngày càng thêm lớn mạnh. Đối với cử tri là các hương chức, thì ông là người đã bảo thủ quyền lợi của nông dân, điền chủ, đối với chính phủ (thuộc địa Pháp) thì ông là một trong những người mà nhà đương cuộc khó khinh thường” (2).

Năm 1911, ông Lê Văn Trung cùng một số nhà trí thức Sài Gòn đưa ra kế hoạch thành lập nữ học đường tức trường Áo Tím (Collège de Jeunes filles) sau đổi tên trường Gia Long nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai).

Hành động tập thể chống thuế “Lục hạng điền” của ông Lê Văn Trung vang dội khắp nơi, thức tỉnh dân chúng cho thấy người Pháp không phải bất khả xâm phạm. Chính quyền thực dân không thể làm gì dân chúng, nếu ta biết đoàn kết chống lại cường quyền. Điển hình nhất là Nguyễn Văn Trước, tục gọi là bếp Trước. Từ lâu, bếp Trước bị kêu ngạo:

Ra vào làm bộ hung hăng

Xét ra mới biết là thằng dọn cơm” (3).

Nhân cơ hội này, bỏ làm bồi cho nhà hàng Pháp, ra ngoài tụ tập bọn du côn làm trùm du đãng đi quấy phá các thương hiệu Pháp kiều và dân Tây, nếu không chịu bảo kê. Vì ngưỡng mộ ông Lê Văn Trung nên tự nguyện làm bảo vệ cho ông. Y đề nghị với ông Lê Văn Trung để bọn y ám sát De la Cherotière, Thượng nghị viên ác ôn. Ông Văn Trung nhấn mạnh: mục đích của ta là đuổi Tây ra khỏi đất Nam kỳ chớ không phải chỉ giết một thằng Tây. Người có mưu sự lớn thì không làm việc nhỏ.

Năm 1913 nhân dân Nam kỳ xôn xao về vụ chính quyền bảo hộ bắt Phan Phát Sanh giam ở Khám lớn Sài Gòn (nằm trên dọc đường Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn): Nguyễn Văn Trước đề nghị tôn ông Lê Văn Trung lên làm Minh chủ đi phá Khám lớn cứu Phan Xích Long. Ông Trung nói nhỏ với Trước: Đặng Bỉnh Thành mà ông gặp tại nhà ông Trần Chánh Chiếu chính là Minh chủ Kỳ ngoại Hầu Cường Để về Nam kỳ thăm đồng bào (4). Ông Trung dặn dò ông Trước chớ để đàn em khoa trương: Phan Phát Sanh là vua, Phan Pháp Trước là tướng, hãy nhận biệt danh Tư Mắt mà anh em trong nhóm tôn vinh. Mỗi người chỉ có hai con mắt mà Trước có tới bốn con mắt, ám chỉ người sáng dạ, lẹ tay nhanh chân chạy thoát mọi cuộc bố ráp của lính Tây.

Hãy tổ chức anh em lại, bỏ những đứa du côn cướp giựt, lập một hội kín không tên, mở rộng địa bàn ra các tỉnh quanh vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và xa hơn nhằm thu hút giới nông dân, coi họ là thành phân nòng cốt.

Điều lệ hội phải nêu được những đặc điểm: phải giữ bí mật cho hội, phải có hiếu với cha mẹ, phải kính trọng anh em trong hội, phải theo đuổi lý tưởng chống Tây tới cùng, không được gây gổ với người ngoài hội, khi bị bắt thà chết chứ không khai, tuyệt đối phục tòng thượng lịnh.

Nguyễn Văn Trước làm theo lời ông Lê Văn Trung, xây dựng Hội kín gần ba năm. Để cuộc khởi nghĩa phá Khám lớn thành công, Nguyễn Văn Trước nhờ ông Lê Văn Trung thảo kế hoạch khởi nghĩa từng phần, giương Tây (quấy rối miền Tây) kích Đông (tấn công Sài Gòn).

“Đêm 14 rạng ngày 15, tụ họp tất cả chiến sĩ tại bến Belgique (Vân Đồn), từ đó chia thành 3 toán kéo vào trung tâm Sài Gòn tấn công Khám lớn, phóng thích tất cả các tù nhân, phát khí giới cho họ để tăng cường hàng ngũ đặng đánh kho đạn với sự yểm trợ của ông Mỹ Hán, với một số lính chờ sẵn sau vườn Bách Thảo. Tại kho đạn sẽ đốt lửa để báo hiệu cho các toán binh ở các tỉnh chờ sẵn ngoài ngoại ô tiến vào kho đạn đánh phá và chiếm thủ dô” (5).

* Tiền khởi nghĩa

- Đầu năm 1916, ở Biên Hoà và Trà Vinh dân chúng ngăn trở việc tuyển lính để bổ sung cho lính Pháp trong thế chiến thứ nhất, xô xát xảy ra giữa Uỷ ban tuyển mộ và những người quá khích.

- Chiều ngày 25 tháng 1, phạm nhân lao xá Biên Hoà giúp 17 người vượt ngục cướp súng bắn viên Công sứ. Tại chợ Tân Uyên có 50 người lợi dụng đêm tối kéo vào quấy phá trị an.

- Đêm mồng 2 tháng 2, ở Bến Tre 200 người võ trang dáo mác gậy tầm vông kéo nhau đánh phá 20 nhà thân Pháp tại Mỏ Cày.

- Ngày 7 tháng 2, nhân dịp Tết nghĩa binh bạo động, Công sứ Gia Định cho bắt một số người bài Pháp.

- Ngày 12 tháng 2, 100 người Cửa Lạp kéo về tỉnh lỵ Bà Rịa bị quân tuần tiễu Pháp ngăn chặn.

- Ngày 24 viên Công sứ Tân An đánh điện về Sài Gòn yêu cầu viện binh vì tỉnh lỵ sắp bị tấn công.

Viên Đại lý Cần Giuộc báo cho Công sứ Chợ Lớn biết tình hình bất an ở đó và có thể một cuộc nổi loạn sắp nổ ra.

Những cuộc nổi lên dũng mãnh đó khiến cho chính quyền thực dân hết sức kinh ngạc ý chí mãnh liệt của nhân dân ta muốn giành tự do, độc lập. Chúng sợ một cuộc tấn công lớn vào Sài Gòn, nên tăng cường canh gác ở nhiều cơ quan trọng yếu trong thành phố.

* Cuộc khởi nghĩa phá Khám lớn Sài Gòn

Phan Phát Sanh mặc triều phục được tôn làm Phan Xích Long Hoàng đế.
Phan Phát Sanh mặc triều phục được tôn làm Phan Xích Long Hoàng đế.
Vào đêm 14-2-1916, các tổ chức Hội Kín ở các tỉnh Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hoà, Chợ Lớn... kéo về Sài Gòn bí mật bố trí quanh thanh phố, ở những địa điểm đã quy định.

Cuộc tấn công anh dũng đã diễn ra vào 3 giờ sáng ngày 15 trong lúc cả thành phố còn yên giấc. Ba trăm quân nghĩa dõng từ các thuyền đậu dưới sông đổ bộ lên cầu Ông Lãnh đến cầu Khánh Hội. Họ ăn mặc giống nhau: áo cụt đen, quần trắng, khăn tay trắng quấn cổ. Mỗi người đều đem theo giáo, mác, rựa, gậy tầm vông họp thành đoàn. Người đi đầu cầm cờ đề ba chữ Phan Xích Long.

Đoàn người chia làm ba toán, tiến vào trung tâm Sài Gòn bằng 3 đường: Mac Mahon, Nemesie, Marchaise.

Toán theo đường Mac Mahon có 80 người đi tới số nhà 36 thì gặp xe hơi chở hai Pháp kiều là Bailly và Cachereau. Chiếc xe liền bị tấn công, một bánh xe bị nổ, phải dừng lại. Nghĩa binh tiến lên đâm chém loạn đả. Tên Bailly bị thương nặng, còn Cachereau lấy súng nhắm bắn nhưng súng chưa nạp đạn. Thấy thế, nghĩa binh dang ra, tên tài xế đạp ga chạy đến cảnh sát cuộc báo tin.

Quân nghĩa dõng đuổi theo xe la to: “Diệt Tây, giết Tây”, rồi tiếp tục kéo đến ngã tư đại lộ Quảng Đông và Mac Mahon. Họ gặp hai cảnh sát tuần tiễu tên là Amielh và Nguyễn Văn Nghiêm. Hai tên này nổ súng giết chết hai nghĩa quan, làm vài người khác bị thương. Nhưng họ vẫn tiếp tục tiến đến đại lộ Bonnard (Lê Lợi) rồi họp với hai toán kia đi theo đường Philippine xuống Khám lớn.

Nghe tiếng la ó vang vọng, tên chỉ huy đội lính gác Khám lớn cho một lính gác chạy ra do thám. Tên lính này bị quật ngã và bị đâm nhiều vết thương. Tên chỉ huy nghe tin dữ, vội đóng cửa sắt Khám lớn và phát đạn cho lính. Tên chỉ huy sơ hở bị nghĩa quân thọc giáo qua song sắt đâm bị thương ở cằm.

Bọn lính Tây phản công, làm hai nghĩa quân chết, nhiều người bị thương mỗi lúc mỗi lên cao. Số còn lại phải rút lui về các thuyền còn neo ở bến sông. Độ 80 người khác chạy dọc theo đường kinh về hướng Chợ Lớn bị trung đội Hiến binh rượt theo bắn một loạt đạn làm 4 nghĩa quân chết tại Xóm Dầu, sồ còn lại băng qua đồng ruộng hay nhảy xuống kinh trốn thoát. Nhiều người chậm chân bị bắt. Cuộc khởi nghĩa tan rã. Mũi đột kích phá Khám lớn thất bại. Những người bố trí mật chung quanh thành phố Sài Gòn phải rút lui.

Cũng trong ngày đó, các tỉnh đều có những cuộc nổi dậy, đánh phá nhiều nơi theo kế hoạch đã định trước.

Ở Tây Ninh, các phạm nhân lao xá tỉnh lỵ phá ngục giúp 49 tù nhân thoát thân cướp 29 súng trường và 1 súng sáu.

Ở Long Xuyên hơn 50 người biểu tình la ó khẩu hiệu “Diệt Tây”.

Ở Châu Đốc nhiều vụ biểu tình ở Tri Tôn và Tịnh Biên chống bắt lính.

Cuộc khởi nghĩa phá Khám lớn Sài Gòn của Hội kín, thực chất là phong trào nông dân chống Pháp, biểu hiện khả năng cách mạng của nông dân Nam kỳ. Họ biết lợi dụng sự suy yếu của Pháp trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), nổi dậy đập tan xiềng xích đô hộ mà giành độc lập cho nước nhà.

Cuộc khởi nghĩa phá Khám lớn Sài Gòn to lớn và rộng khắp như vậy, G. Conlet cho rằng phải có một thủ lĩnh đưa ra kế hoạch (6). Nhà văn Sơn Nam đáp lời: “Đích thân Tư Mắt chỉ huy, khá can đảm để cứu vị minh chúa... Ông Tư dám làm chuyện “quốc sự” chống Tây. Biết chuyện khó thành nhưng ông vẫn làm” (7).

La Laurette et Vilmont trong tập phúc trình về Đạo Cao Đài xác nhận Nguyễn Văn Trước là thủ lĩnh Thiên Địa Hội (8).

Vậy Nguyễn Văn Trước là ai? Tư Mắt là ai?

Tư Mắt tên thật là Nguyễn Văn Trước (1885-1930) người làng Phú Thọ, tỉnh Chợ Lớn, trước lập tiệm hớt tóc ở số nhà 200 đường Thuỷ Binh (đường Đồng Khánh) lấy bảng hiệu là Nam Hữu Mai. Làm ăn không khá, ông đi làm bồi cho Tây, rồi làm trùm du đãng.

“Trong bọn du côn, ai chịu làm đàn em của đại ca Tư Mắt thì đại ca không bao giờ bỏ “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly”. Ai không tiền đại ca cho tiền, không áo cho áo. Khi bị tù thì có người nuôi ăn, bệnh thì cấp thuốc. Khi nào đại ca cần đến phải tuân hành, sống chết không kể thiệt thân. Tư Mắt đi đến tỉnh nào thì đàn em ủng hộ, bái nghinh. Tư Mắt bước vào quán nước nào thì người khác hội kín nên lui chân.

Lính tráng kiêng dè nể mặt, cò bót miệng ngập sáp cũng làm lơ. Lịnh sai tróc nã tìm (Tư Mắt), không có ai dám sanh cầm Tư Mắt, không khéo có ngày mang thẹo, ăn dao của đàn em út anh Tư” (9).

Thời buổi Pháp đô hộ, những người có tiền biết tiếng Pháp, muốn có quyền thế thì mua Pháp tịch. Tư Mắt thì chọn lối sống giang hồ mã thượng, chịu làm bảo vệ để bàn kế sách chống Tây với ông Lê Văn Trung. Vì thế, ông Trung phải lấy tiếng tăm của mình mà bảo vệ mạng sống cho Nguyễn Văn Trước.

Sau cuộc khởi nghĩa thất bại, ông Lê Văn Trung báo với Nguyễn Văn Trước là có vài lính kín thấy ông trong cuộc tiến công vào Khám lớn. Ông Trung khuyên ông nên lánh mặt về quê vợ một thời gian. Mật thám lùng sục khắp nơi để tìm ông mà không thấy tăm hơi. Chúng bèn đưa các can phạm trong vụ phá Khám lớn ra Toà án Quân sự xét xử trong 4 phiên toàn, ngày 20, 21 tháng 2 và 13, 14 tháng 3 năm 1916. Tất cả 51 án tử hình, 18 án khổ sai hữu hạn.

- 38 người bị xử tử tại Đồng Tập Trận và bị bắn ngay ngày hôm sau 22-2-1916 (10).

- 13 người nữa bị xử bắn ngày 16-3-1916 (11). Tất cả chôn ở Đất Thánh Chà (đường Võ Thị Sáu) nay bị phá ra bình địa.

Vương Hồng Sển (sđd, tr. 271) gọi 57 vị anh hùng (ông kể luôn 2 người hy sinh trong trận tử chiến và 4 người bị hạ sát ở Xóm Dầu) danh thơm còn mãi trong trí nhớ người yêu nước.

Vào lễ giỗ 100 ngày của nghĩa quân đã hy sinh, Nguyễn Văn Trước trở về thăm mồ mả đồng đội thì bị bao vây. Nguyễn Văn Trước bị lính kín bắt. Ông không vùng vẫy, trong lòng ông đang đau buồn và nảy sinh một ý gì đó trước sự hy sinh to lớn của 57 vị anh hùng.

Thống đốc Nam kỳ ra lệnh lập thủ tục đưa Nguyễn Văn Trước ra toà trong 48 giờ. Dù vậy, ông Lê Văn Trung vẫn hay tin, mướn trạng sư triệu tập nhân chứng Edouard. Dân chúng truyền miệng việc Tư Mắt ra Toàn án quân sự. Họ kéo đến rất đông. Lính lê dương tay lăm lăm khẩu súng. Cảnh sát cản ngăn không cho dân chúng đến gần, sợ đàn em Tư Mắt giải cứu đại ca và gây náo loạn làm gián đoạn phiên toà.

Tư Mắt bước lên vành móng ngựa dáng vẻ hiên ngang. Ông mập lùn, với bộ râu theo thời trang lúc ấy, mép vuốt sáp như trái ấu. Quan toà chất vấn ông hai điều: 1) Ủng hộ Cường Để. 2) Chỉ huy phá Khám lớn giải cứu Phan Xích Long. Ông đều phủ nhận. Nhân chứng Edouard xác nhận: hôm chiều 14-2-1916 có thấy Nguyễn Văn Trước tại nhà ông Lê Văn Trung không tham dự cuộc khởi nghĩa (số là Nguyễn Văn Trước sau khi bố trí nghĩa quân về báo tin và xin thêm chỉ thị, nhưng thấy ông Trung có khách nên bỏ đi).

Không có lý do rõ ràng để kết tội tử hình Nguyễn Văn Trước. Toà khép Tư Mắt vào tội “gia nhập Hội kín, ám trợ Cường Để” (Vương Hồng Sển, sđd, tr. 272), một năm tù treo (vì các quan toà sợ đàn em Tư Mắt trả thù nên đã nơi tay).

Sau phiên toà, dù thân thể được tự do, nhưng tinh thần Nguyễn Văn Trước bị suy sụp. Đàn em bỏ đi sống nơi khác. Chính quyền Pháp ra tay đàn áp nông dân các tỉnh. Bất cứ đàn ông, đàn bà ai mặc áo cụt đen, quần trắng là lính bắt không cần tra hỏi. Hội kín dần dần tan rã.

Kịp khi đạo Cao Đài khai mở (1926) ông Lê Văn Trung thọ phong Đầu Sư rồi lên Quyền Giáo Tông; Nguyễn Văn Trước thọ chức Lễ Sanh rồi lên Chưởng Nghiêm Pháp Quân (tương đương phẩm Giáo sư bên Cửu Trùng Đài). Ông Lê Văn Trung khuyên Tư Mắt xây dựng ở Phú Thọ một Thánh Thất, dưới làm nhà ở trên thờ Thiên Nhân gọi là Trước Lý Minh Đài (12).

“Tôi đã vài lần đến tận chùa này để xem, kiểu kiến trúc độc đáo. Nền đúc khá cao, bốn phía mở bốn cửa lớn, ngụ ý đón nhận cả đông tây nam bắc... Trong nhà gọi là chùa còn có ảnh ông trong lễ phục chức sắc của Đạo” (Sơn Nam , sđd, tr.60, 61).

Một đêm, Tư Mắt ngủ trong nhà. Không rõ vì lẽ nào, cái đèn Manchon phát nổ, phựt cháy luồn xuống cái bơm dầu bắt lửa qua cháy cái chăn. Hạ bộ của ông bị phỏng nặng, hoả nhập, nên vừa đưa đến bệnh viện thì ông qua đời (1930). (Thuở ấy, ở Chợ Lớn các nhà sang trọng dùng đèn Manchon treo giữa nhà, cái bơm hơi chuyền xuống đất mà Tư Mắt nằm gần cái bơm này).

Nhà văn Sơn Nam nhận định về Nguyễn Văn Trước với lời lẽ đơn giản nhưng vô cùng thâm thuý, khiến ta phải suy nghĩ và suy xét lại.

“Tư Mắt là người mà các nhà viết sử thời Phan Xích Long đều nhớ... Tên ông (ngày nay) ít ai nhắc nhở (?) nhưng thành phố ta (TP.HCM) có tên đường Phan Xích Long chắc ông cũng ngậm cười nơi chín suối” (Sơn Nam , sđd, tr. 62). Ý Sơn Nam muốn nhắn nhủ điều gì?

_______________

(1) Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, NXB. TP.HCM 1997, tr. 270. Ông Sển nói: 1918, Phan Phát Sanh 20 tuổi (?).

(2) Hội thánh CĐTN, Tiểu sử QGT Lê Văn Trung, Tây Ninh 1973, tr. 149-151.

(3) Thơ Nam kỳ(in lần thứ 6), Sài Gòn, Nhà in Tân Định 1903.

(4) Bao la Cư sĩ, Việt Nam trên đường giải phóng, Sài Gòn, Văn Hoá Nguyệt San số 53, tr. 919.

(5) Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam , Sài Gòn, Nguồn Sống 1960, 54. 532.

(6) G.Conlet, Les Sociétés secrètes en terre d’Annam, Saigon, Ardin 1926.

(7) Sơn Nam , Tuổi già, TP.HCM, NXB Văn Nghệ 2000, tr. 60, 61.

(8) La Laurette et Vilmont, Le Caodaisme, Saigon1933.

(9) Vương Hồng Sển, sđd, tr. 272.

(10) Vè 30 người xử bắnngày 22-2-1916, ĐTB bản in De l’Union 1916.

(11) Vè 30 người xử bắnngày 16-3-1916, ĐTB bản in De l’Union 1916.

(12) Trước Lý Minh Đài giáng cơ “Đại Thừa Chơn Giáo” mà phái Chiếu Minh dùng để tịnh luyện.

Nguồn: Xưa & Nay, số 260,5/2006

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Ấn tượng Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ môi trường trong học đường với chủ đề “Ngôi trường xanh”
Sáng ngày 28/12/2024, Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ môi trường trong học đường với chủ đề “Ngôi trường xanh” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức đã chính thức diễn ra tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở HWS (Hanoi Westminster School), Hà Nội. Gần 150 thí sinh từ các miền tổ quốc đã trực tiếp đến nhận giải.
Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
An Giang: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ
Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tại An Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) đã khẳng định vai trò là "người dẫn đường", kết nối và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức.