Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở Việt Nam - Thực trạng và một số kiến nghị
Theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải và Thông tư liên tịch số 125/2003/TTL-BTC-BTN&MT, kể từ ngày 01/01/2004, các tổ chức, hộ gia đình phải nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt (NTSH) và nước thải công nghiệp (NTCN). Ngày 06/9/2007, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT ban hành Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT/ BTC-BTN&MT sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ các Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định tờ khai nộp phí của các doanh nghiệp cũng như giúp các doanh nghiệp có thể tự kê khai. Nguồn phí thu được này sẽ được sử dụng để đầu tư trở lại cho các công trình, dự án BVMT, đầu tư xây dựng mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương.
Triển khai Nghị định số 67/2003/NĐ-CP, hầu hết các Sở TN &MT trên cả nước đã phối hợp với Sở Tài chính lập đề án thực hiện việc thu phí BVMT đối với nước thải. Nhiều địa phương đã ích cực triển khai các hoạt động liên quan đến quá trình thu, nộp phí, tổ chức tập huấn cho các Sở, ban, ngành liên quan. Tuy nhiên, việc thu phí BVMT đối với nước thải từ năm 2004 đến nay đạt khá thấp. Theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP, trong năm 2004 cả nước đã thu được hơn 75 tỷ đồng, trong đó phí NTCN là gần 7 tỷ đồng (chiếm 9%) và NTSH đạt gần 69 tỷ đồng (91%). Trong năm 2005, cả nước đã thu được khoảng 29 tỷ đồng NTCN (tăng gấp 4 lần so với năm 2004). Đối với NTSH, đã thu được 100 tỷ đồng.
Báo cáo của Chi cục BVMT Hà Nội cho biết đã nhận được hơn 300 tờ khai về phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trong các năm từ 2007 đến năm 2009. Chi cục đã tiến hành thẩm định số phí BVMT cho các cơ sở đã nộp tờ khai. Tổng số cơ sở đã được thẩm định là 82 cơ sở. Tổng số phí đã thẩm định và gửi thông báo nộp phí năm 2009 gần 870 triệu đồng, nhưng Quỹ BVMT chỉ thu được chưa tới 520 trệu đồng. Như vậy, số phí thu được chỉ đạt xấp xỉ 60% so với số phí đã thẩm định.
Sau 6 năm thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP, đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã thu phí nước thải sinh hoạt nộp ngân sách gần 560 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền thu phí nước thải công nghiệp từ năm 2004 đến nay không đáng kể. Bình quân mỗi năm chi cục thu hơn 4 tỷ đồng, cao nhất là năm 2009, đạt 9,3 tỷ đồng. Con số trên so với hơn 170 tỷ của thu được từ nước thải sinh hoạt thật là nhỏ bé. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 30 nghìn cơ sở, doanh nghiệp phải nộp phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 67, nhưng chỉ có 958 doanh nghiệp đóng phí, số còn lại không trả, hoặc nợ dây dưa. Nhiều doanh nghiệp sử dụng khối lượng nước lớn, nhưng khai ít đi để giảm phí môi trường.
Tại Thành phố Hải Phòng, Sở TN&MT cho biết trong năm 2009, Sở tổ chức tập huấn Nghị định 67/2003/NĐ-CP tới hơn 300 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp phí mới khoảng 100 đơn vị.
Về nguyên tắc, nước thải càng chứa nhiều hợp chất gây ô nhiễm môi trường, phí thu càng nhiều và ngược lại. Nước thải từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có mức độ gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn so với nước thải sinh hoạt, nhưng hiện nay người dân nộp phí bảo vệ môi trường đầy đủ hơn. Nghịch lý này cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Phí nước thải công nghiệp được tính căn cứ vào tổng lượng nước thải với nồng độ chất ô nhiễm, trong đó tổng lượng nước thải do doanh nghiệp tự kê khai dựa vào đồng hồ nước hoặc lượng nước đầu vào. Theo quy định, sai số được phép dao động trong khoảng 30%. Do vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình kê khai thấp để giảm mức phí phải đóng. Trong khi đó, các công cụ phục vụ hỗ trợ công tác thu phí chưa đầy đủ. Các Chi cục bảo vệ môi trường chưa được trang bị, xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, theo dõi quá trình thực hiện việc kê khai, nộp phí của doanh nghiệp. Lực lượng phục vụ công tác này ở mỗi Chi cục chỉ có vài người.
Như vậy, sau một thời gian thực hiện phí BVMT đối với nước thải, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn những tồn tại bất cập trong công tác nộp phí và thu phí. Thực trạng đó có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do việc ban hành các quy định hướng dẫn còn chưa cụ thể nên việc triển khai không đạt kết quả tốt. Ở nhiều địa phương, mặc dù Sở TN&MT đã trình đề án thu phí song HĐND và UBND cấp tỉnh vẫn chưa ban hành Quyết định cho phép triển khai thực hiện, đặc biệt là đối với NTSH. Đối với việc thu phí NTCN, vướng mắc lớn nhất là Thông tư hướng dẫn tính toán khối lượng các chất gây ô nhiễm chưa được ban hành cụ thể và hợp lý để giúp các Sở TN &MT thẩm định tờ khai của các doanh nghiệp. Việc thẩm định tờ khai của các doanh nghiệp chỉ dựa trên ước lượng chưa có cơ sở khoa học, đặc biệt là các cơ sở sản xuất theo thời vụ rất khó thẩm định tờ khai. Mặt khác, các Sở TN &MT còn gặp nhiều khó khăn trong việc phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định đến cộng đồng doanh nghiệp. Phương pháp thu phí rườm rà chưa xác định được lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải. Bên cạnh đó, mức phí thải công nghiệp quá thấp làm giảm vai trò, ý nghĩa của phí BVMTđối với nước thải.
Thứ hai, nhân lực và kinh phí thiếu thốn khiến cho việc triển khai thu phí kém hiệu quả. Lực lượng cán bộ của các Phòng Quản lý môi trường thuộc các Sở TN&MT vừa thiếu số lượng vừa yếu về trình độ, trong khi phải đảm nhận một khối lượng lớn các công việc liên quan từ việc xây dựng chính sách, chiến lược BVMT của địa phương, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm cho đến thực thi các hoạt động cụ thể như kiểm soát ô nhiễm, thanh tra môi trường, giải quyết sự cố, bảo tồn đa dạng sinh học...
Thứ ba, ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng nộp phí còn thấp. Nhiều doanh nghiệp né tránh, không chịu kê khai hoặc kê khai thấp hơn nhiều so với thực tế. Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo đánh giá của các địa phương, vẫn là các doanh nghiệp kê khai rất ít, chưa có ý thức chấp hành việc nộp phí.
Thứ tư, do thiếu các biện pháp hỗ trợ như chưa có danh sách các tổ chức có thẩm quyền phân tích nước thải, Nhà nước cũng chưa có các biện pháp chế tài đủ mạnh để cưỡng chế các doanh nghiệp chây ỳ không chịu nộp phí. Chẳng hạn, phạt từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng với hành vi không nộp phí, lệ phí có giá trị dưới 10 triệu đồng, từ 5 đến 10 triệu đồng với hành vi không nộp phí có giá trị từ 50 đến 100 triệu đồng... Mức phạt cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng, thấp hơn mức phí mà doanh nghiệp phải nộp nên họ chấp nhận nộp phạt, thay vì nộp phí. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, quản lý giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm. Cụ thể là, khi phát hiện những doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp phí, Chi cục Bảo vệ môi trường ở các địa phương thường làm công văn gửi Sở Tài chính yêu cầu thực hiện xử phạt, nhưng Sở Tài chính lại cho rằng, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường phải do thanh tra chuyên ngành về môi trường phụ trách. Trong khi đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nghị định 81 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT không quy định được phép xử phạt đối tượng có hành vi trốn nộp phí nước thải công nghiệp. Còn Nghị định 63 về việc xử phạt doanh nghiệp có hành vi trốn nộp phí nước thải công nghiệp thì lại không quy định thanh tra chuyên ngành môi trường có quyền xử phạt.
Để phí BVMT đối với nước thải thực sự phát huy được hết vai trò của nó là một công cụ kinh tế quan trọng trong quản lý và BVMT, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, phải tập rung vào nhiều giải pháp đồng bộ đó là:
Thứ nhất, nên phân cấp, ủy quyền thu phí BVMT đến quận, huyện đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình. Đối với NTCN, các Sở TN &MT cần chủ động triển khai thu phí thông qua các hoạt động kiểm tra, đôn đốc, vận động các cơ sở công nghiệp kê khai và nộp phí. Thực tế cho thấy, một số địa phương với quyết tâm và phương pháp thực hiện triệt để, sáng tạo đã đạt kết quả tốt. Các Sở TN&MT có thể vận dụng linh hoạt các cơ chế quản lý tài nguyên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương mình để yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp phí.
Thứ hai, trong thời gian qua, nhiều địa phương do muốn thu hút đầu tư nên đã đưa ra các ưu đãi, đơn giản mọi thủ tục cho các nhà đầu tư, nên trong quá trình cấp phép đã thiếu kiểm tra, xem xét. Do vậy, một số doanh nghiệp đã không tuân thủ đầy đủ các công đoạn xử lý chất thải hoặc thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong KCN, KCX đổ rác thải sang hàng rào của nhau, hoặc đem đổ ra đường quốc lộ. Do đó, đối với các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) bắt buộc phải có khu xử lý chất thải tập trung. Nhà đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, KCX nên "nghiên cứu tổng thể, đầu tư phân kỳ". Tức là vẫn thiết kế theo dự toán đầu tư, nhưng lúc đầu xây dựng nhỏ, sau khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư và đi vào hoạt động sẽ nâng dần công suất lên theo từng công đoạn, từng thời kỳ, như vậy sẽ tránh được hiện tượng lãng phí, công suất lớn nhưng vận hành không đạt hiệu quả.
Ngoài ra, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ về tài chính cho việc xây dựng các công trình xử lý chất thải tập trung đối với các địa phương không đủ điều kiện. Có thể xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải tập trung trong KCN, KCX hoàn thành hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu trước khi thu hút đầu tư.
Thứ ba, giải pháp thu phí môi trường hiện nay còn nhiều bất cập về mức phí, cách thu và quyền lợi của doanh nghiệp (người trả phí). Đến nay, tại phần lớn các tỉnh, thành phố chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể thực hiện giải pháp này. Các doanh nghiệp đã đóng phí thì cho rằng họ không phải xử lý nước thải, trách nhiệm này thuộc về cơ quan thu phí. Trong khi cơ quan môi trường lại cho rằng, phí đó quá thấp, chỉ là phí quản lý không đủ đề đầu tư xử lý. Sự thiếu nhất quán trong cách hiểu và thực hiện lại nhiều địa phương đang làm giảm đáng kể hiệu quả triển khai giải pháp này. Do đó, cần xây dựng mức phí phù hợp hơn, trong đó làm rõ trách nhiệm của bên đóng phí và bên thu phí, cách tính phí và thu phí theo lượng, thành phần chất thải. Không nên đánh đồng việc phải nộp phí BVMT đối với NTCN như nhau giữa các doanh nghiệp, như mức phí nước thải của ngành giấy, ngành hóa chất cũng bằng mức phí nước thải ngành thực phẩm, dù tác hại, chi phí xử lý khác xa nhau.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và của các đối tượng nộp phí nói riêng trong việc kê khai nộp phí BVMT. Các doanh nghiệp trốn tránh việc kê khai, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, không đầu tư các trang thiết bị hiện đại BVMT là do chưa ý thức hết được tầm quan trọng của môi trường sống, chưa thấy được tác hại khủng khiếp do môi trường ô nhiễm gây ra. Vì vậy, vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức có thể thông qua các biện pháp cơ bản như: tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến rộng rãi các tài liệu hướng dẫn BVMT, xử lý nước thải; đưa giáo dục môi trường vào các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc gia, củng cố, tăng cường năng lực cho các trường, các cơ sở đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực quản lý môi trường. Khi ý thức của người dân cũng như của cộng đồng các doanh nghiệp được nâng cao, chúng ta có thể tin tưởng vào một môi trường xanh sạch đẹp trong một tương lai không xa.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể thực hiện các biện pháp khác như xây dựng các mô hình tự chủ, tự quản về BVMT, tăng cường vai trò cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về BVMT nói chung và công tác thu phí nói riêng ở địa phương, cơ sở, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để sử dụng phí BVMT một cách hiệu quả, ra các văn bản thu phí BVMT và tổ chức giám sát thực hiện theo điều kiện của từng địa phương.