Phát hiện lớp mới trong lòng Trái đất
Phát hiện mới này cho phép các nhà địa vật lý đo được những biến đổi về nhiệt độ bên trong Trái đất ở ranh giới giữa lớp Manti đá và lớp nhân ngoài ở trạng thái lỏng với độ sâu gần 2.900 km dưới bề mặt đất.
Cùng với các cộng sự ở trường Đại học California Los Angeles, Ts. Thomas đã phát triển một mô hình sử dụng sự thay đổi về pha mới được khám phá gần đây (là trạng thái mà nguyên tử được nén thành dạng tinh thể trong điều kiện áp suất cao) ở phần sâu nhất của lớp Manti. Các nhà khoa học này đề xuất rằng những thay đổi về nhiệt độ ở khu vực này có thể dẫn đến sự hình thành hai lớp địa chấn gần ranh giới giữa nhân Trái đất và lớp Manti, trong đó Ts. Thomas là người phát hiện ra lớp địa chấn thứ hai.
Hai lớp địa chấn có thể được xem là “máy đo nhiệt” cực nhạy, để từ đó các nhà khoa học có thể xác định được nhiệt độ của vùng sâu nhất trong lớp Manti. Các lớp này còn giúp cho các nhà khoa học có thể xem xét lớp thạch quyển lạnh (vùng lạnh nằm bên dưới các mảng kiến tạo có thể gây động đất) có kéo dài tới ranh giới giữa nhân và lớp Manti không? Và có phải lượng vật chất nóng trào lên từ khu vực này.
Các nhà khoa học còn nhìn thấy được các sóng địa chấn đi xuyên qua Trái đất bắt nguồn từ hai lớp địa chấn mới phát hiện, nhưng không thấy dấu hiện của vật chất nóng ở khu vực này. Đây có thể là bằng chứng rõ ràng về chuyển động đối lưu của toàn bộ lớp Manti - vấn đề còn gây nhiều tranh cãi trong lĩnh vực khoa học Trái đất. Ts. Thomas cho rằng phát hiện mới này sẽ là dấu mốc đặc biệt trong nghiên cứu khoa học Trái đất vì phát hiện này khiến chúng ta có thể kiểm tra vấn đề còn gây tranh cãi trên về chuyển động đối lưu của toàn bộ lớp Manti, là dòng nhiệt hầu như không hề giới hạn từ nhân Trái đất lên tới lớp Manti và đặc điểm lớp thạch quyển lạnh.
Nguồn: Terra News, 2005