Phát hiện 2 loài thông quí hiếm tại Hà Giang
Trong đợt khảo sát thực địa trên sườn Đông và đỉnh núi đá vôi thuộc thôn Hapuda, xã Thài Phìn Tủng, ở độ cao từ 1.300 mét đến 1.700 mét so với mặt biển, các nhà khoa học đã phát hiện được một số cá thể Thiết sam núi đá (Tsuga chinensis Pritz. ex Diels), cao khoảng 12-15m và đường kính thân cây 0,4-0,5m, mọc xen lẫn với Thiết sam giả (Pseudotsuga sinensis Dode) tạo thành một quần thể gần như thuần loại.
Thiết sam giả trước đây phân bố trên núi đá vôi của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Đây là vùng phân bố cực Nam của chi Thiết sam giả (Pseudotsuga) ở châu Á.
Còn Thiết sam núi đá chỉ được phát hiện ở một số địa điểm trên vùng núi đá vôi thuộc hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng như khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (Hà Giang) và Nguyên Bình, Yên Lạc (Cao Bằng).
Kết quả khảo sát cho thấy tại xã Thài Phìn Tủng có 8 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 7 loài thuộc nhóm thông. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm "nóng" nhất trên thế giới về bảo tồn các loài thông này.
Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng, Đồng Văn, Hà Giang”, do Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam thực hiện, đang tiến hành bảo tồn 4 loài thuộc nhóm thông (thông đỏ, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ và dẻ tùng sọc nâu rộng).
Nguồn: tuoitre.com.vn 4/10/2005