PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, phó viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp: "Không có chồng để chăm sóc, tôi tìm đến cây lúa"
Khỏa lấp những ngày tháng trống trải
Không xuất thân từ nông dân, nhưng cả cuộc đời bà đã gắn bó với cây lúa. Ở tuổi 66 nhìn lại, điều gì đã khiến bà dành cho cây lúa nhiều tình yêu đến vậy? Chắc không phải là con số 10 tỷ đồng kia?
Ban đầu, nghiên cứu lúa là công việc, tôi làm khoa học thì phải có đối tượng và tôi chọn cây lúa. Năm 1991, chồng tôi mất. Khoảng trống, hẫng hụt quá lớn trong cuộc đời. Từ đó tôi không có chồng để chăm sóc nữa và tôi tìm đến cây lúa. Tôi khỏa lấp những tháng ngày buồn trống trải bằng những khoảng thời gian dài lặn lội đi theo cây lúa. Tôi lên những vùng núi xa xôi để khảo nghiệm giống, trồng thử nghiệm. Nhiều giống lúa mới ra đời từ những phút giây muốn trốn chạy và quên đi nỗi buồn. Chẳng ai làm khoa học mà lại đặt mục tiêu rằng mình sẽ thu được bao nhiêu tiền từ công trình ấy.
Nghĩa là việc bán TH3-3 với giá 10 tỷ không có nhiều ý nghĩa với bà?
Không hẳn thế, hợp đồng chuyển giao này không đơn giản chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời làm khoa học của tôi. Số tiền đó không phải đút gọn vào túi tôi mà tôi chỉ được khoảng 30% trong số đó theo quy định, còn lại thuộc về Viện và các bộ phận liên quan khác.
Bà sẽ làm gì với số tiềnđó?
(Cười) Tôi lại tiếp tục công việc của mình thôi.
Còn Viện nơi bà làm việc, số tiền thu được từ thương vụ chuyển giao này chắc không nhỏ?
Có thể Viện sẽ mua một chiếc ô tô để tiện công tác, các khoản chi cụ thể thế nào thì vẫn chưa có kế hoạch.
Bà có nghĩ rằng với đam mê nghiên cứu khoa học thì bất kể người làm khoa học nào cũng nên hy vọng rằng mình có thể mua được xe ô tô riêng như bà?
Có thể tin tưởng lắm chứ!
Sức người có hạn, đã đến lúc bà nên chuyển tình yêu cây lúa đến một người nào đó để vui vầy tuổi già?
(Lại cười lớn) Ý của bạn có lẽ là tìm một người đàn ông cho cuộc đời. Tôi có hai đứa con và đã có cháu ngoại, cuộc sống gia đình tôi khá yên ấm và hạnh phúc, đó là niềm vui tuổi già của tôi. Tình yêu với cây lúa thì không gì có thể đánh đổi được.
Bán "con" nuôi "bố mẹ"
Mua bản quyền giống lúa với giá chuyển nhượng kỷ lục, nhiều người cho rằng ông Đoàn Văn Sáu phiêu lưu mạo hiểm...
Giống lúa TH3-3 đã đạt mức giá chuyển nhượng rất cao đối với một giống cây trồng, những giống lúa đã được mua bán bản quyền trước đây giá trị cao nhất cũng chỉ đạt 700 triệu đồng. Vì vậy nhiều người đánh giá thương vụ nhượng bản quyền giống lúa TH3-3 là bước đột phá trong khâu nghiên cứu giống lúa của Việt Nam . Anh Đoàn Văn Sáu dám bỏ 10 tỷ đồng ra mua bản quyền 1 giống lúa là một việc làm táo bạo nhưng không phiêu lưu. Làm chủ một doanh nghiệp, anh Sáu cũng đã phải tính toán rất kỹ trước khi đầu tư. Tôi tin là sẽ thu hồi được vốn trong một thời gian ngắn và sẽ sinh lợi nhuận cao.
Quá trình thỏa thuận diễn ra như thế nào, bà có bị doanh nghiệp "ép giá" không?
Đầu năm 2008, anh Sáu có đề nghị tôi bán với giá 5 tỷ đồng nhưng tôi không đồng ý. Sau đó một thời gian ngắn anh tiếp tục đề nghị với số tiền gấp đôi lần trước là 10 tỷ đồng. Quá bất ngờ với số tiền lớn như vậy, tôi quyết định bán với thỏa thuận là anh Sáu phải liên tục tăng diện tích canh tác hàng năm là 30%. Với lại "bán con" đi để bố mẹ tiếp tục "đẻ" ra những đứa con khác, bán "con" để nuôi bố mẹ và cả họ hàng, thì cũng là việc nên làm.
Sau khi giống lúa lai TH3-3 đã được chuyển giao bản quyền, trách nhiệm của bà đối với giống lúa và Công ty Cường Tân sẽ như thế nào?
Sản xuất kinh doanh lúa lai nếu không đảm bảo đúng quy trình khoa học sẽ rất dễ đi đến thoái hóa giống. Trước đây giống lúa TH3-3 thuộc chủ quản là Viện sinh học Nông nghiệp, nay đã chuyển sang chủ quản mới là Công ty TNHH Cường Tân, nhưng tác giả vẫn là tôi. Vì là tác giả nên tôi vẫn có trách nhiệm duy trì nguồn giống bố mẹ và tổ hợp lai đó, nhằm giữ gìn phẩm chất giống, có như vậy mới giữ được uy tín cho mình và đảm bảo lợi ích kinh doanh phía đối tác. Chúng tôi sẽ giúp công ty Cường Tân đào tạo cán bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất hạt lai F1, chuyển giao quy trình kỹ thuật duy trì dòng bố mẹ để họ tự duy trì. Trong thời gian Công ty Cường Tân chưa đủ điều kiện duy trì dòng bố mẹ thì chúng tôi có trách nhiệm sản xuất hạt giống bố mẹ cho công ty hàng năm.
Cuộc đời là nối dài của những "cuộc trình diễn"
Thưa bà, trình tự để cho ra đời một giống lúa mới sẽ phải như thế nào?
Lại mất rất nhiều công sức, phải đầu tư công phu, tổ hợp nhiều vật liệu chung để lai để tạo ra những biến dị có lợi. Để có kết quả đó, mình phải trải qua quá trình trồng thử, quan sát trực tiếp trên đồng ruộng, có thể quan sát bằng mắt thường, có thể phải đem về phòng thí nghiệm... Quan sát xong rồi trồng lại, nếu năm sau vẫn xuất hiện những tính trạng ấy, giữ được tính trạng ấy, sau khoảng 8 vụ liên tục thì được coi là đã thuần và đưa đi khảo nghiệm quốc gia. Khảo nghiệm quy định trồng ít nhất qua 3 vụ mới được chấp nhận. Các điểm khảo nghiệm phải nằm ở các vùng sinh thái khác nhau. Nếu có kinh nghiệm, biết đưa đến những vùng nào có khả năng thích ứng, thành công cao thì đạt được kết quả mà không tốn kém. Còn nếu không có kinh nghiệm, đưa đi khảo nghiệm ở tất cả các vùng sẽ rất tốn kém và có thể không cho kết quả tốt.
Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, sau 3 vụ mà thành công, tác giả sẽ làm một báo cáo khoa học.
Có vẻ như đó là một quá trình lâu dài, mất khoảng 4 - 5 năm mới cho ra đời 1 giống lúa?
Đúng vậy, bạn bè tôi vẫn thường đùa tôi là người "thích trình diễn". Trình diễn ở đây không phải là biểu diễn nghệ thuật mà là phải chứng minh những tính năng theo đúng lý thuyết mình đưa ra trước hội đồng khoa học. Cứ đi hết cuộc trình diễn này lại đến cuộc trình diễn khác, cuộc đời tôi là nối dài của những cuộc trình diễn như thế.
Và TH3-3 đã ra đời như thế nào thưa bà?
Cũng giống như những "đứa con" khác thôi, năm 2000 thì tôi tìm được tổ hợp lai TH3-3 tương đối toàn diện với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất khá, chất lượng gạo thơm ngon.
Từ đó đến nay, đã có ai trả giá cho "đứa con" đó chưa?
Tại Techmark Hà Nội đầu tiên năm 2001, Trung tâm giống cây trồng Hà Tây đã thỏa thuận muốn mua TH3-3 với giá 1 tỷ đồng nhưng tôi không bán.
Vì bà mong muốn nó sẽ có giá cao hơn thế nhiều?
Không phải, vì lúc đó tôi mới chỉ nghiên cứu xong chứ chưa dám khẳng định những gene được lai mang tính ổn định. Chẳng may trong quá trình sản xuất mà nó có vấn đề gì thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của một nhà khoa học.
Chứ không phải là vì nghĩ rằng sẽ có lúc bà bán được "đứa con vàng" ấy với giá 10 tỷ đồng như hiện nay?
(Cười lớn) Tất nhiên là không rồi!
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo nhận định của anh Đoàn Văn Sáu, giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, mỗi kg giống lúa TH3-3 sẽ cho lợi nhuận 7.000đ, chỉ cần bán được 2.000 tấn là đủ bù đắp chi phí mua bản quyền. Hiện nay mỗi năm giống lúa lai này được bán ra khoảng 1.000 - 1.500 tấn giống, với tốc độ này đến năm 2010 có thể mở rộng lên 60.000 - 70.000ha, tương đương 1.500 - 2.000 tấn giống, chiếm khoảng 1/10 diện tích lúa lai mà Bộ NN&PTNT đề ra. Công ty TNHH Cường Tân nhận định sẽ thu hồi vốn trong vòng 2 năm. So với các giống lúa lai nổi tiếng của Trung Quốc, TH3-3 năng suất thấp hơn nhưng lại có nhiều ưu thế phù hợp với đồng ruộng Việt Nam : thời gian sinh trưởng ngắn (105 - 110 ngày), sức chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo thơm ngon... Năng suất bình quân của giống lúa lai TH3-3 đạt 7 - 8 tấn/ha trong vụ xuân, 6 tấn/ha trong vụ mùa. Được công nhận giống quốc gia vào năm 2005, đến nay có khoảng 30 tỉnh, thành phố đưa TH3-3 vào gieo cấy với diện tích khoảng 20 - 30 ngàn ha. Hiện tại nước ta mới chỉ có 5 giống lúa lai được công nhận giống quốc gia, đó là TH3-3, TH3-4, HYT83, Việt lai 20 và Việt lai 24. |
Nguồn: KH&ĐS, số 79, 1/7/2008, tr 14