Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/12/2008 22:00 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova: Phụ nữ làm khoa học thì phải hy sinh nhiều thứ

Không ngồi đợi Nhà nước cho tiền

Thực tế có rất nhiều nhà khoa học không thể đưa sản phẩm mình đã nghiên cứu ra thị trường dù đề tài có hay, có tính ứng dụng. Làm thế nào để vừa là nhà nghiên cứu khoa học, vừa là nhà kinh tế, thưa bà?

Nghiên cứu là một chuyện, ứng dụng nó lại là chuyện khác. Tôi phải bán cả nhà, xe máy để lấy tiền cho nghiên cứu khoa học. Nhiều người nghiên cứu xong là bằng lòng, hoặc nhà nước không cho tiền là đành chịu. Còn tôi, nhà nước không cho tiền thì tôi bỏ tiền túi ra làm, quyết tâm làm bằng được và tin chắc rằng cái mình làm ra là có ích cho xã hội. Lựa chọn cái xã hội cần, thiết thực và quyết tâm đi đến cùng, tôi tin là nhà khoa học nào cũng sẽ thành công.

Lúc bán nhà, bán xe để lấy tiền mua vé máy bay sang Mỹ học hỏi, bà nghĩ gì?

Khi đó tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một thương hiệu Kova hùng hậu như bây giờ. Tôi làm như một bản năng say mê khoa học, nghiên cứu xong là muốn ứng dụng ngay. Tôi làm những đề tài nhỏ để có tiền nuôi những đề tài lớn. Đề tài Vật liệu mài cao cấp của tôi được Nhà nước cho vay 200 triệu đồng để làm. Chuyển sang làm vật liệu chống thấm thì tôi phải tự bỏ tiền ra. 5 năm liền xây dựng Kova, tôi không có lương, tôi sống bằng lương giáo viên, chỉ trả lương cho công nhân bằng hợp đồng. Tôi lĩnh lương giáo viên ở ĐH Bách Khoa TPHCM mấy trăm ngàn một tháng, con tôi cũng dạy ở trường có 270.000đ tiền lương. Nhà trường không có tiền nhưng họ ủng hộ mình bằng tiếng nói. Làm khoa học thì đừng có nghĩ đến tiền. Hỏi tôi giá thùng sơn này bao nhiêu thì tôi chịu, chỉ biết nó là sơn gì và sử dụng như thế nào thôi.

Điều gì đã tạo ra bước ngoặt từ một giảng viên thành một nhà khoa học tự tách mình ra khỏi hệ thống biên chế để thành lập tập đoàn kinh tế?

Năm 1992 tôi vinh dự được nhận giải thưởng Kovalepxkaia. Năm 1993, tôi đi Mỹ. Nhờ có giải thưởng tôi được gặp các nhà khoa học, sinh viên, giám đốc các tập đoàn lớn... sau đó tôi đi khắp nước Mỹ, Canađa, Mexico... lặn lội khắp các hang cùng ngõ hẻm để hiểu thấu đáo cuộc sống của con người và tiếp tục làm nghiên cứu. Không có giải Kovalepxkaia thì có lẽ tôi đã không có những thành quả như ngày hôm nay.

Tôi không có thời gian để buồn

Bà lập gia đình khi đang học lớp 10, có thể coi là "tảo hôn". Vậy có bao giờ bà ân hận vì quyết định đó?

Tôi lấy chồng từ năm 17 tuổi. Đó là một lầm lỡ của tuổi trẻ. Lúc ấy bố tôi còn định nhảy xuống sông tự tử. Sau đó tôi sinh liền 3 đứa con trong 3 năm. Đó là nỗi đau của một người làm khoa học khi làm điều không khoa học.

Và bà vật lộn như thế nào trong mấy năm đại học khi có 3 con nhỏ?

Hồi đó tôi đi học đại học còn bồng con đi theo, may thay lúc đó tôi được trời phú cho sự thông minh. Khi ấy nghèo lắm. Vào phòng thí nghiệm cũng địu con theo như chuột túi. Tôi không dám nghĩ sức mình lại có thể làm được nhiều việc đến thế.

Chồng - hình như đó là nhân vật ít được nhắc đến nhất trong những câu chuyện về cuộc đời làm khoa học của bà?

Tôi ly dị năm 1992. Anh ấy là một người tốt nhưng muốn vợ phải bỏ khoa học để về nông thôn làm trang trại, sống cuộc đời yên hàn. Anh ấy là người chồng tuyệt vời, không muốn vợ phải khổ sở vì làm khoa học, nhưng tôi đã trót nặng lòng với khoa học, không thể bỏ được. Cuối cùng anh ấy về làm trang trại, còn tôi tiếp tục hành trình.

Có phần chua xót, nhưng hình như đó là điều kiện cần và đủ để bà sống trọn đời cho khoa học, hy sinh suốt đời vì khoa học?

Đúng vậy! Ly dị xong tôi mới có thời gian đi các nước, nếu có chồng làm sao đi như thế được. Có lúc tôi cảm ơn thượng đế cho tôi và ông xã ly dị nhau để tôi làm khoa học. Ngày xưa cứ làm đến 12h là phải về nhà nấu cơm. Ly dị rồi tôi thấy sung sướng hơn. Tôi có thể làm thâu đêm trong phòng thí nghiệm. Lúc đầu tôi có đau buồn, nhưng sau một thời gian lại thấy thế là may quá!

Nói như thế có nghĩa là phụ nữ muốn làm khoa học thực sự thì phải quên đi hạnh phúc của riêng mình?

Không hẳn như thế, nhưng để thành công trong khoa học thì người phụ nữ buộc phải hy sinh nhiều thứ.

Thời điểm ly hôn mới hơn 40 tuổi, bà có nghĩ đến chuyện đi bước nữa?

Không! Tôi luôn mong làm sao có nhiều thời gian hơn nữa để làm việc, nghiên cứu.

Thời gian của bà là nối dài của những chuyến đi, nối từ phòng thí nghiệm này sang phòng thí nghiệm kia, từ chi nhánh Kova này sang chi nhánh kia... có khi nào bà buồn?

Tôi không có thời gian để buồn.

Bà có phải là người hạnh phúc không?

Soi chiếu dưới quan niệm hạnh phúc của mọi người là phải đi du lịch, ăn ngon mặc đẹp... thì tôi là người bất hạnh. Bản thân tôi tự thấy hạnh phúc vì làm được nhiều việc. Công việc là hạnh phúc, là cuộc sống của tôi.

Xin cảm ơn vì cuộc trò chuyện này.

Từ nhỏ, rồi học đến cấp phổ thông, Hóa học đã là niềm đam mê của tôi. Tôi quan tâm đến tất cả những cái nhỏ nhất trong cuộc sống liên quan đến Hóa học. Lấy chồng, có con, tôi đem cháu vào phòng thí nghiệm từ khi ở trong bụng mẹ, sau này cả 3 đứa đều theo nghiệp mẹ là làm Hóa học.

Vài nét về PGS.TS Nguyễn Thị Hòe

Năm 2005: Nằm trong danh sách 100 phụ nữ thế giới được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình. Hiện đã có trên 50 công trình nghiên cứu tại các trường đại học ở Việt Nam .

Năm 1998: Thành lập Tập đoàn sơn Kova, đến nay đã có 10 chi nhánh ở 5 quốc gia là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Singapore. Tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trong nước.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.