Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 11/09/2006 23:10 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Thanh Phương - Người tạo sức bật trong nghiên cứu thủy sản ở ĐBSCL

Đón đầu trong nghiên cứu khoa học

Mùa thu hoạch tôm càng xanh năm nay, sản lượng tôm liên tục tăng, 1 tấn/ha rồi 1,5 tấn/ha và lên đến đỉnh điểm khi Viện Lúa ĐBSCL thu hoạch được 2 tấn/ha. Những con số này khiến Phó Giáo sư Tiến sĩ (PGS TS) Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ (KTS-ĐHCT) không khỏi nức lòng. Anh nhớ lại giai đoạn cùng các cộng sự của mình bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh ứng dụng mô hình nước xanh cải tiến, anh chỉ dám kỳ vọng năng suất tôm đạt khoảng 700-800kg/ha. Thực tế, vấn đề sản xuất giống tôm càng xanh đã được nghiên cứu từ những năm 1976-1977 nhưng đến thập kỷ 90 vẫn chưa phát triển dù ở ĐBSCL, một số trại tôm giống đã đầu tư khá lớn.

Năm 1998, lấy ý tưởng qui trình kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh ở Malaysia, anh Phương cùng đồng nghiệp Trần Ngọc Hải và một vài cán bộ khác của KTS-ĐHCT bắt tay vào nghiên cứu. Khó ai ngờ rằng kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh được ứng dụng phổ biến, có kết quả tốt ở nhiều tỉnh ĐBSCL và là qui trình chủ yếu sản xuất tôm giống cho nhu cầu nuôi hiện nay được khởi nguồn từ một công trình nghiên cứu chỉ với những chiếc xô nhựa và 400.000 đồng, xin từ kinh phí Khoa. Khi những nghiên cứu, thử nghiệm nhỏ có triển vọng, anh Phương lập nhóm nghiên cứu, tiến hành nhiều đề tài qui mô rộng và sâu hơn. Hàng loạt các đề tài, do anh Phương làm chủ nhiệm, đã giúp hoàn thiện qui trình để thúc đẩy quá trình phát triển nghề sản xuất giống tôm càng xanh, được đánh giá cao, như: “Nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) theo mô hình nước xanh cải tiến” (giai đoạn 1999-2002, do tỉnh An Giang tài trợ); “Nghiên cứu hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) áp dụng mô hình nước xanh cải tiến” (giai đoạn 2001-2003, do Bộ Thủy sản tài trợ)... Đặc biệt với đề tài “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) qui mô nông hộ”, do Bộ Thuỷ sản tài trợ, hàng trăm cá nhân và đơn vị của 12 tỉnh, thành trong toàn quốc đã được tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh để đến nay, chỉ tính riêng ĐBSCL, hàng năm đã sản xuất hơn 100 triệu con tôm bột. Thế nhưng, khi nhắc về những kết quả này, anh Phương cười rất hồn hậu: “Mình cùng các đồng nghiệp chỉ nghiên cứu kỹ thuật và chuyển giao cho nông dân, phần hoàn thiện kỹ thuật là do người dân ấy chứ!”

Nhắc đến con tôm càng xanh, PGS TS Nguyễn Thanh Phương có thể nói say sưa, không mệt mỏi. Duyên cớ nào đã gắn anh với những nghiên cứu ấy? “Vào thời điểm những năm 1990, mọi vấn đề đối với thủy sản Việt Nam đều mới. Từ thực tế đời sống sản xuất của bà con, tôi tập trung nghiên cứu những vấn đề cần ưu tiên giải quyết chứ không thể theo ý thích của mình”- anh nói. Điều này được minh chứng qua sự nghiệp nghiên cứu khoa học của anh. Năm 1992, khi học tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) tại Thái Lan, anh Phương đã chọn đề tài “Ảnh hưởng của nông dược lên tôm và cá” làm luận án thạc sĩ. Đó cũng là thời điểm tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc trừ sâu trong mô hình nuôi trồng kết hợp, đang gây ảnh hưởng đến tôm, cá. Năm 1995-1998, anh thực hiện luận án tiến sĩ với đề tài “Đánh giá hiện trạng nghề nuôi cá bè và nghiên cứu cải tiến thức ăn cho con cá ba-sa”. Giai đoạn này, nuoi cá bè là vấn đề thời sự, trong khi vấn đề dinh dưỡng chưa được nghiên cứu thấu đáo. Đề tài này đã khởi đầu cho sự phát triển lĩnh vực dinh dưỡng và thức ăn thủy sản, hiện nay là một trong những lĩnh vực mạnh của KTS-ĐHCT, đồng thời góp phần phát triển thức ăn viên công nghiệp, làm giảm giá thành và giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

“Trong nghiên cứu khoa học, không phải chỉ biết “bắt” vào những vấn đề thời sự mà còn phải biết đón đầu. “Đón đầu”, nói thì dễ nhưng làm không phải dễ. Chúng tôi đang nghiên cứu về con ghẹ và cá biển, coi như “làm bỏ hộc bàn” chờ sẵn để khi con tôm không có “ăn” nữa thì mình có con khác thay ngay”- PGS TS Nguyễn Thanh Phương bộc bạch. Dẫn tôi vào Trại giống tôm của KTS, chỉ những bồn ươm tôm đang sục khí, anh Phương tâm đắc: “Đây là những bồn ươm giống tôm sú sạch bệnh. Tôi vừa làm việc với đoàn chuyên gia của Đức, họ có kỹ thuật lọc nước rất tốt, mình có kinh nghiệm ươm giống tôm, nếu kết hợp lại năng suất sẽ càng cao hơn. Lát nữa tôi sẽ dẫn các chuyên gia Đức vào trại tôm để họ có thể giúp mình giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nuôi tôm gây ra”. Anh Phương không khỏi lo lắng khi hiện nay, người dân nuôi tôm sử dụng quá nhiều thuốc. Anh cùng đồng nghiệp đề xuất các đề tài mới về lĩnh vực này như đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước hợp tác với Bỉ về các giải pháp cải thiện sự bền vững và an toàn trong nuôi tôm đã được lên kế hoạch và anh cùng các cộng sự sẽ bắt tay vào thực hiện trong năm 2005.

Đào tạo và tìm kiếm dự án

Năm 1986, kỹ sư Nguyễn Thanh Phương tốt nghiệp ngành Nuôi trồng Thủy sản tại Trường ĐHCT đạt loại giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại KTS. Sau gần 3 năm lăn lộn trên các đồng muối tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, tham gia vào nhóm nghiên cứu nuôi Artemia trên đồng muối. Ở Vĩnh Châu, ngoài giờ làm việc, anh Phương lao vào học ngoại ngữ. Những năm ấy, Vĩnh Châu chưa có điện, ở trạm nghiên cứu của anh có một quạt gió truyền điện xuống bình ắc-qui, tối nào, anh Phương cũng dành thời gian học và tranh thủ nói chuyện với chuyên gia để trau dồi thêm vốn liếng tiếng Anh ít ỏi của mình. Thế nhưng, năm 1991, khi sang AIT, Thái Lan, học thạc sĩ, ngoại ngữ vẫn là một trong những cản ngại lớn nhất của anh. Thêm vào đó, anh hoàn toàn “mù” tin học, không thể nào làm các bài tập trên máy vi tính như yêu cầu của giảng viên. “Tôi đến gặp giảng viên và thẳng thắn trình bày những khó khăn của mình. Lúc ấy, tôi quyết định phải dành thời gian cho phần học chuyên môn trước vì nếu không đạt điểm yêu cầu sẽ phải về nước. Tôi xin được làm bài bằng cách viết tay, và cố gắng viết chữ cho thật đẹp, thật dễ đọc”- anh Phương nhớ lại. Được chấp nhận, anh lao vào học chuyên môn. 3 tháng đầu, kết quả thi ổn, anh được nghỉ 1 tháng. “Dù được giảng viên chấp thuận cho “nợ” tin học, dù chữ viết của mình cũng khá dễ coi nhưng không thể chấp nhận mãi tình trạng “mù” tin học. Một tháng trời, trong khi mọi người đi chơi, đi tham quan, thì tôi chui vào phòng máy học miệt mài. Qua đợt ấy, trình độ tin học của tôi khá hơn, đã có thể tự làm bài tập trên máy vi tính và giúp các bạn mình nữa chứ!”- PGS TS Nguyễn Thanh Phương cười, kể. Chính ở AIT, anh được trang bị phương pháp luận nghiên cứu khoa học một cách căn cơ, bài bản để sau này có thể thích nghi ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu.

Tháng 5-2004, TS Nguyễn Thanh Phương được giao nhiệm vụ Trưởng KTS, ở tuổi 39, anh là một trong những trưởng khoa trẻ của ĐHCT. Anh tâm sự: “Tôi đã tham gia công tác quản lý từ năm 1990, với vai trò là Phó Bộ môn, nhưng thật sự khi ấy, qui mô đào tạo còn nhỏ, công việc không nặng nề lắm. Nhờ tham gia công tác quản lý từ lúc còn rất trẻ nên tôi cũng tích lũy được một số kinh nghiệm”. Và một trong những kinh nghiệm ấy là: nói đi đôi với làm, phải xắn tay xông vào công việc. Làm công tác quản lý nhưng anh vẫn dành thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu, viết báo cáo khoa học, viết bài, thảo luận với anh em. Quan điểm của anh là làm việc theo nhóm, đào tạo lẫn nhau. Và với anh, công tác đào tạo là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

KTS-ĐHCT có 112 cán bộ nhưng trong biên chế Nhà nước trả lương chỉ khoảng trên 40 người, số còn lại KTS phải “nuôi” để phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của khoa. Để chăm lo cho bộ máy như thế, với vai trò là Trưởng khoa, việc tìm kiếm các dự án, đề tài hợp tác đè nặng trên vai anh Phương. Trong đội ngũ cán bộ giảng viên của KTS, hiện có 10 tiến sĩ, 28 thạc sĩ. Trong 28 thạc sĩ, có 17 người đang và sắp học tiến sĩ. Anh Phương tự tin khẳng định: “Đến năm 2007, KTS sẽ có trên 20 tiến sĩ. Để có được một lực lượng như vậy, hiện nay, chúng tôi phải gồng gánh công việc lẫn nhau”. Đa số cán bộ của KTS là cán bộ trẻ và hầu hết có sự góp sức đào tạo, chăm bồi của anh. Từ năm 1989 đến nay, qua 15 khóa, số sinh viên do anh Phương hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp khoảng 40 người thuộc chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản và Nông học. Với bậc cao học ngành Nuôi trồng thủy sản, anh Phương đã hướng dẫn 6 học viên các khóa đầu tiên bảo vệ thành công luận án và đang tiếp tục hướng dẫn 3 học viên của các khóa tiếp theo. Anh cũng tham gia hướng dẫn phụ 3 nghiên cứu sinh đang theo học tại các trường đại học nước ngoài.

Dấu ấn của PGS TS Nguyễn Thanh Phương còn in đậm trong quá trình tham gia cải tiến chương trình đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản từ 1996 đến nay. Và dấu ấn ấy còn thể hiện trong nhiều chương trình đào tạo mới của KTS, như chương trình đào tạo chuyên ngành Bệnh học thủy sản năm 2002, chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý nghề cá năm 2004.

***

Một ngày của PGS TS Nguyễn Thanh Phương: trực tiếp giảng dạy, đọc tài liệu, nghiên cứu, trao đổi email, thư từ, tiếp các đoàn khách quốc tế để tìm kiếm dự án, làm việc với các cộng sự để triển khai việc nghiên cứu các đề tài... và một khoảng riêng rất nhỏ: dành những phút giây rảnh rỗi hiếm hoi trong ngày để đưa đón con trai đi học, tâm sự với con, chăm sóc cho gia đình trong những ngày vợ anh đang làm luận án tiến sĩ tại Nhật.

Nguồn: baocantho.com.vn 28/11/2004

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…