Ôxy hóa - căn bệnh thời đại
Hiện nay khi con người mãn nguyện với các thành tựu khoa học kỹ thuật thì thật oái oăm, cơ thể lại càng lúc càng dễ già trước tuổi. Trong cuộc sống căng thẳng, các tế bào con người bị đầu độc liên tục nên nhanh chóng già đi. Không chỉ kiệt lực vì ngày đêm phải đối đầu với độc chất của môi trường ô nhiễm, độc tố của vi sinh, các tế bào còn bị đánh gục một cách phũ phàng bởi một hoạt chất vốn không thể thiếu cho sự sinh tồn của con người, đó là dưỡng khí (ôxy).
Các nhà khoa học ví hiện tượng ôxy hóa như một loại thuế giá trị gia tăng đánh vào sức đề kháng của con người. Bắp thịt càng vận động, não càng tính toán, tâm càng mưu sự thì tình trạng tích lũy đủ loại phế phẩm của quá trình biến dưỡng gọi chung là chất ôxy hóa càng nhanh. Chất ôxy hóa càng tăng, con người càng hoạt động nhiều thì tế bào càng mau già, dù người đó có thể còn rất trẻ nếu tính trên giấy khai sinh.
Danh sách bệnh chứng do bàn tay ngấm ngầm phá hoại của chất ôxy hóa càng lúc càng dài, từ cườm mắt, tiểu đường, cao huyết áp... cho đến ung bướu ác tính. Bệnh do sự hiện diện của chất ôxy hóa đã từ lâu chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách các bệnh thời đại. Không có gì khó hiểu khi cơ chế sinh bệnh là hậu quả của việc có vay có trả. Đã dùng dưỡng khí thì phải chịu cảnh ôxy hóa! Dùng nhiều thì cơ thể càng mau sứt mẻ. Thêm vào đó, stress, thói quen lạm dụng độc chất (thuốc lá, cà phê, dược phẩm), dinh dưỡng sai lầm... là yếu tố tích cực tiếp tay cho tình trạng bội tăng chất ôxy hóa. Còn dẫn chứng nào hùng hồn hơn khi số bệnh nhân tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, ung thư... ngày càng nhiều hơn và trẻ hơn.
Chất kháng ôxy hóa, giải pháp chống lão hóa
Nhưng trong rủi cũng còn có may. Độc chất thuộc nhóm ôxy hóa có một nhược điểm, đó là tuổi thọ rất ngắn! Nếu sửa nhẹ cấu trúc của các chất ôxy hóa để chúng không kịp triển khai tác dụng, thì chỉ trong khoảnh khắc chúng đành chấp nhận theo đường đào thải mà trở về với thiên nhiên. Hoạt chất có khả năng trung hòa chất ôxy hóa được gọi một cách dễ hiểu là chất kháng ôxy hóa. Vì thế, có thể phòng tránh nhiều căn bệnh nghiêm trọng một cách hiệu quả và tương đối đơn giản bằng cách tiếp tế kịp thời cho cơ thể các chất kháng ôxy hóa như tiền vitamin A, vitamin C, E hoặc khoáng tố như selen, kẽm, vanadium hay hoạt chất trong thực vật như flavon.
Kết quả của hàng trăm nghiên cứu quy mô là cơ sở khoa học để chất kháng ôxy hóa trở thành nhân tố không thể thiếu trong phác đồ dự phòng nhiều loại bệnh thoái hóa hay ác tính trong thập niên gần đây. Trong số đó phải kể đến khuynh hướng ứng dụng nhóm hoạt chất flavon trong rau quả, cây thuốc, các loại đậu, nhất là trong vỏ hạt đậu xanh, một tặng phẩm thiên nhiên.
Tuy là một thực tế chua cay đành phải chấp nhận ở thế kỷ 21, nhưng hiện tượng ôxy hóa không hẳn là vấn đề nan giải. Biết cách dùng chất kháng ôxy hóa qua chế độ dinh dưỡng hay dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (với người lao động nặng, làm trong môi trường ô nhiễm, nạn nhân của stress, bệnh mạn tính...) chính là bí quyết trì hoãn tuổi già.
Không nên đồng hóa biện pháp kháng ôxy hóa với mục tiêu đơn thuần chỉ nhằm kéo dài tuổi trẻ. Ai cũng muốn trẻ, dù trẻ ngoại hình hay trẻ tuổi đời, nhưng quan trọng hơn nhiều là làm sao giữ được nét tươi trẻ cho tế bào. Đó chính là giải pháp chủ động và tối ưu để phòng bệnh ở ngay mức độ cơ bản là đơn vị của sự sống.
Phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản, an toàn và hiệu quả hơn trị bệnh! Phòng bệnh do chất ôxy hóa vì thế cần được bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay khi chưa bệnh, từ ngày hôm nay!
Cần tăng cường chất kháng ôxy hóa ngoại sinh
Do có những điện tử độc thân không ghép đôi mà chất chống ôxy hóa (gốc tự do) có hoạt tính rất mạnh, mang tính “hủy hoại”. Chúng sẵn sàng thực hiện phản ứng ôxy hóa cướp điện tử với chất mà nó tiếp xúc, khiến chất này bị thương tổn nặng nề.
Trong cơ thể khỏe mạnh, chất ôxy hóa sinh ra có giới hạn, không quá thừa để gây hại vì có một hệ thống chất chống ôxy hóa “nội sinh” để cân bằng lại. Khi chất ôxy hóa sinh ra quá nhiều có thể gây hại (do ô nhiễm, tia cực tím, khói thuốc lá, viêm nhiễm, dùng dược phẩm) thì người ta phải nhờ đến các chất kháng ôxy hóa ngoại sinh (từ bên ngoài đưa vào cơ thể) nhằm mục đích phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.
Có thể ngăn ngừa sự tăng sinh các chất ôxy hóa có hại bằng cách chống ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng đúng cách (nhiều rau quả, trái cây, không thừa năng lượng), vận động hợp lý, bỏ rượu, thuốc lá, sống lạc quan, yêu đời...
Nguồn: vnexpress.net 15/9/2005