Nuôi cá lóc trong bể xi măng – Một mô hình giúp nông dân phát triển kinh tế hiệu quả
Kỹ sư Lê Thị Loan, chuyên viên phòng thủy sản, người trực tiếp thực hiện mô hình, cho biết: Đây là hình thức nuôi đơn thương phẩm với thời gian thực hiện trong 6 tháng, được thực hiện tại các nông hộ và phải đáp ứng các điều kiện: có thâm niên nuôi cá lóc ít nhất 1 năm, kinh tế thuộc loại khá trở lên, có sẵn bể đủ diện tích (tổng các bể khoảng 100m 2) đạt yêu cầu kỹ thuật… Nguồn nước cấp cho bể phải chủ động, không bị nhiễm phèn. Bể nuôi có diện tích từ 9 m 2trở lên. Mặt trong của bể phải trơn, phẳng hoặc lót bạt nếu bể chỉ xây gạch để tránh cá bị va đập, xây xát và đáy bể nghiêng về cống thoát nước. Nếu bể mới xây phải ngâm và thay nước mỗi ngày (khoảng 7 ngày) để tránh xi măng ảnh hưởng đến cá nuôi. Bể cũ cần phải xử lý vôi trước khi nuôi. Nguồn nước lấy vào bể nếu là nước giếng thì phải bơm nước qua bể lắng để xử lý hoặc bơm trực tiếp qua túi vôi để tăng hàm lượng O2 và pH trong nước với mực nước khoảng 40 – 50 cm. Thả cá giống có kích cỡ khoảng 4-5cm/con, đồng đều nhau, khỏe mạnh, không xây xát, không bị nhiễm bệnh với mật độ khoảng 50-100 con/m 2vào sáng sớm (8 giờ) hoặc chiều mát (sau 16 giờ).
Cá lóc là loài cá ăn động vật. Ở những vùng thiếu cá tươi thì có thể cho cá ăn bằng thức ăn tự chế biến gồm đầu cá xay nhỏ trộn bột gòn và men tiêu hóa. Nên cho cá ăn bằng sàn với khẩu phần ăn từ 5 – 10% trọng lượng cá nuôi/ ngày và thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Ngoài ra, do nuôi trong bể với mật độ cao và thức ăn có hàm lượng đạm cao nên trong quá trình nuôi định kỳ thay nước, một ngày một lần vào buổi sáng (6 giờ) để tránh gây ô nhiễm bể. Trong mùa mưa cá có khả năng phóng rất cao khoảng từ 1-1.5m, vì vậy trên thành bể phải rào lưới để tránh cá thoát ra ngoài. Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân cỡ cần cho cá nhịn ăn một ngày để cá tiêu hóa hết thức ăn trong bụng, dùng vợt phân loại chứ không bắt bằng tay. Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn của cá. Liều lượng 1kg vitaminC/100kg thức ăn, men tiêu hóa với lượng 0.5kg/100kg thức ăn nhằm tăng sức đề kháng và tiêu hóa thức ăn; 7-10 ngày bổ sung vitamin C một lần.
Cũng theo kỹ sư Loan cho biết: khi thực hiện mô hình, nông hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ thuốc chữa bệnh, hóa chất, giống (hỗ trợ 40% tổng giá trị cá giống của mô hình) cùng kinh phí tập huấn, hội thảo… với tổng số tiền là 17.375 nghìn đồng. Qua 6 tháng nuôi ước tính tỷ lệ sống là 80% (tổng số cá giống được thả là 6.250 con) và trọng lượng cá trung binh là 600g/con, thì lượng cá thu hoạch đạt khoảng 3.000 kg. Với giá bán tại ao nuôi là khoảng 33 ngàn đồng/kg thì 100m 2có thể thu về số tiền là 99 triệu đồng, sau khi trừ chi phí (71.125 ngàn) người nuôi được lợi nhuận là 27.875 ngàn đồng.
Qua tìm hiểu thực tế tại hai mô hình ở thôn Bình Đức I, xã Đức Hạnh Huyện Phước Long là hộ ông La Văn Nghinh và bà Huỳnh Thị Trắng thì đều cho kết quả tốt (cá giống chết ít, lớn đồng đều, sức ăn mạnh…) ông Nghinh cho biết: được sự hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, thức ăn… và sự hướng dẫn nhiệt tình về cách chăm sóc cá của cán bộ phòng thủy sản, sau 5 tháng thực hiện mô hình cá lớn rất nhanh với trọng lượng từ 0.5-0.7kg với loại cá như thế này là tôi có thể xuất bán được rồi với giá bán hiện nay từ 33 ngàn đồng/kg trở lên tại bể, chắc cuối năm gia đình tôi có khoản lời kha khá, không những thế, mô hình của tôi thực hiện còn được nhiều nông dân ở trong khu vực và nơi khác đến tìm hiểu, học tập. Chứng tỏ từ những mô hình thực tế sẽ đem lại hiệu quả thiết thực và là hình thức giúp nông dân học tập để phát triển kinh tế một cách tốt nhất.