Nữ kỹ sư sáng tạo ra phần mềm điều khiển máy đột dập
Đối với máy đột dập cơ khí thông thường, việc di chuyển vị trí phôi dập thực hiện bằng tay nên thời gian gia công lâu. Hơn nữa, mỗi lần muốn thay đổi khuôn dập thì phải dừng máy và thay khuôn khác, rất mất thời gian. Mỗi hình dập là một bộ khuôn nên phải bỏ nhiều chi phí để làm khuôn và khó thực hiện những sản phẩm có hình dạng phức tạp.
Kỹ sư Trần Xích Ly sinh năm 1961 tại TP Hồ Chí Minh. Chị đã từng là tổ trưởng tổ bảo trì máy may của phân xưởng may mũ giày, Công ty Giày Sài Gòn. Trong thời gian này, chị đã theo học tại chức tại trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp vào năm 1991.Năm 1993, chị chuyển sang Công ty chế tạo máy Sinco và là kỹ thuật viên xưởng cơ điện tử. Năm 1998, chị lại tiếp tục học thêm hệ cử nhân tin học, Trường ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và luôn ao ước sẽ viết được một phần mềm hữu dụng. Với chị, công việc là một niềm say mê. Có thể nói Sinco là một môi trường tốt cho những người đam mê học hỏi và nghiên cứu như chị. Là một công ty cổ phần chuyên chế tạo máy cơ khí điều khiển kỹ thuật số CNC (Computer Numerical Control) và NC (Numerical Control), Sinco đã từng đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam. Và chính kỹ sư Xích Ly cũng từng tham gia trong nhóm nghiên cứu chế tạo máy cắt dây CNC đoạt một lúc hai giải nhì Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và giải thưỏng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2000. |
Các kỹ sư của Sinco hiểu rõ những nhược điểm này. Họ nhận ra, máy công cụ vạn năng đã đến thời điểm cần được chuyển sang máy CNC, các máy NC cũ của nước ngoài mua về cần được sửa chữa và phục hồi thành máy CNC để đưa vào sản xuất với giá rẻ. Đó là thị trường đầy tiềm năng, kỹ sư Xích Ly thấy cần phải viết được phần mềm điều khiển, làm sống lại các thiết bị tưởng như phải bỏ đi. Nếu thành công thì triển vọng đầu tư cho lĩnh vực này là hoàn toàn khả thi.
Năm 2000, công ty quyết định mua về một máy dập NC cũ hỏng (Punch Press D-750). Giám đốc Ông Quang Nhiêu cùng các kỹ sư điện tử bắt tay vào mày mò sửa. Khi hệ thống điện đã được mở thì phần thao tác trên màn hình của hệ thống NC (Numerical Control) không ai biết sử dụng.
Lãnh đạo công ty đã đồng ý cho chị Xích Ly “quậy” thử. Khoảng hơn một tháng, chị mới tìm hiểu được “ông bạn to đùng” này. Các câu lệnh được chị dò ra và tìm hiểu ý nghĩa của nó. Và mặc dù không có tài liệu nhưng chị đã có thể điều khiển được cái máy dập đó thông qua các câu lệnh đã tìm ra.
Từ đó, ông Nhiêu đã đề nghị chị viết phần mềm điều khiển máy dập dựa trên các ý tưởng của máy này và đưa ra một số yêu cầu mới hơn cho phù hợp với tình hình của nước ta.
Sự kết hợp cơ khí, điện tử và tin học
Chị Xích Ly kể: “Các kiến thức về tin học và cơ khí của tôi chưa đủ để tạo sự bắt tay giữa cơ khí - tin học và điện tử. Tôi buộc phải tự tìm hiểu thêm về điện tử, về các thiết bị giao tiếp qua sách vở, đồng nghiệp, nhất là qua giám đốc Ông Quang Nhiêu. Có lúc tôi tưởng đã bỏ cuộc vì không tìm được sự liên kết này”.
Trải qua gần một năm, “ngốn” hết một đống sách về điện tử và cơ chế giao tiếp, chị mới nắm được vấn đề. Và tháng 6-2001, phiên bản đầu tiên SP01 của phần mềm điều khiển máy dập ra đời.
Ngay sau đó, đội ngũ các kỹ sư cơ khí và điện tử cũng tích cực lao vào hoàn thiện máy dập CNC đầu tiên. Khi đã có phần mềm điều khiển để giao tiếp với phần điện tử, họ cùng thiết kế và chế tạo mạch giao tiếp, bộ phận điều khiển, rồi thiết kế và lắp đặt tủ điều khiển, chế tạo lại các phần cơ khí cho phù hợp để đi đến kết nối các phần mềm, phần điện tử và phần cơ khí.
Máy đột dập CNC của Sinco gồm có ba phần. Phần mềm có dung lượng khoảng 280KB, chỉ cần được cài đặt trên một máy tính có cấu hình thấp - Pentium 166 trở lên, Ram 32MB , giao diện phần mềm dễ sử dụng.
Phần tủ điện chứa các board mạch, bộ phận điều khiển..., có chức năng nhận các tín hiệu điều khiển từ phần mềm máy tính để xử lý và truyền các tín hiệu từ máy dập về cho phần mềm xử lý.
Phần cơ khí giống như những máy dập thông thường nhưng được cải tạo và lắp ráp thêm một số bộ phận cho phù hợp với hai phần trên như động cơ servo, bộ truyền visme bi, các senso, các switch hành trình,….
Sau khi chế tạo thành công ba máy đột dập và đưa vào sản xuất các tấm lưới cho dây chuyền sản xuất gạo vào tháng 12-2002, công ty tiến hành đăng ký đề tài Tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tháng 11-2003, đề tài được xét duyệt hạng Xuất sắc và công ty chỉ kịp dự thi Giải Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, còn giải thưỏng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm đó đã khóa sổ từ tháng 9-2003.
Hiện đại hóa công nghệ đột dập
Với việc kết hợp giữa tin học, điện tử và cơ khí để hiện đại hóa thiết bị, máy đột dập CNC của Sinco đã khắc phục được những nhược điểm của loại máy đột dập thông thường. Nhờ có phần mềm điều khiển, việc gia công nhanh hơn và chính xác hơn rất nhiều. Việc thay khuôn được thực hiện một cách tự động, các khuôn được lắp sẵn vào vị trí, khi cần đến khuôn nào, phần mềm sẽ điều khiển các động cơ để chuyển khuôn đó vào vị trí dập.
Người sử dụng cũng không phải chế tạo khuôn một cách thủ công, mà chỉ cần một số bộ khuôn tiêu chuẩn bao gồm các hình dạng cơ bản như hình tròn, chữ nhật, vuông..., phần mềm sẽ thiết kế những khuôn hình phức tạp theo bản vẽ.
Với việc đưa công nghệ tự động hóa CNC vào công nghệ đột dập, công trình của kỹ sư Xích Ly - kỹ sư Ông Quang Nhiêu và tập thể công ty Sinco đã được Ban tổ chức hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đánh giá cao ở tính mới, tính sáng tạo và có nhiều triển vọng áp dụng rộng rãi cho các cơ sở chế tạo cơ khí vừa và nhỏ.
Giá thành của máy này thấp hơn so với máy nhập khẩu cùng loại cả chục lần. Sau khi nghiên cứu và chế tạo thành công, Sinco đã bán được ba máy cho các đơn vị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Công ty THT ở TP Hồ Chí Minh chuyên sản xuất đồ điện công nghiệp là một trong những đơn vị đã bỏ ra 200 triệu đồng để mua máy đột dập CNC của Sinco. Anh Huỳnh Minh Trí, giám đốc công ty cho biết, anh đã mua máy về để đột dập tôn từ gần một năm nay. Máy hoạt động rất tốt, được bảo hành một cách chu đáo và đặc biệt là rẻ hơn rất nhiều so với máy cùng loại của nước ngoài.
Khi được hỏi về những hạn chế cần khắc phục trong công trình của mình, chị Xích Ly tự tin trả lời: “ Tôi nghĩ rằng theo thời gian, khi cần có những tính năng mới hơn thì không những phần mềm - phần cơ mà cả phần điện tử sẽ phải có những phiên bản mới cho phù hợp. Còn hiện nay thì đang tạm ổn….” Và chị cho biết, điều khiển các thiết bị công nghiệp như máy công cụ CNC luôn là niềm mơ ước của chị.
Hồng Vân
http://www.nhandan.com.vn03/07/2004