Những mô hình thâm canh tăng vụ cho hiệu quả kinh tế cao
Cánh đồng củ đậu trên 200 triệu đồng/ha
Với những điều kiện thuận lợi về đặc điểm đất đai, cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân huyện Kim Thành đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu từ sản xuất vụ đông. Tại các xã Đồng Gia, Tam Kỳ, Cẩm La, Bình Dân, Kim Tân… sản xuất vụ đông phát triển rất mạnh. Nhiều loại cây trồng như dưa hấu, dưa lê, ớt ngọt, cà chua…, đặc biệt cây củ đậu là loại cây trồng cho giá trị kinh tế rất cao.
Xã Cẩm La có diện tích canh tác hơn 180 ha thì diện tích trồng củ đậu chiếm hơn 100 ha. Vụ đông năm 2010, diện tích củ đậu của Cẩm La đạt 130 ha. Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm La cho biết: Loại cây này gắn bó với người dân Cẩm La và được trồng rộng rãi khoảng 15 năm trở lại đây. Củ đậu thích hợp với đồng đất Cẩm La, bình quân mỗi sào củ đậu cho năng suất từ 2,5 đến 3 tấn. Với giá bán 3.000 – 4.000 đồng/kg, trung bình bà con nông dân lãi 7 – 8 triệu đồng/sào/vụ. Như vậy mỗi ha củ đậu vụ đông có thể cho thu nhập 200 triệu đồng.
Để trồng củ đậu vụ đông, người dân Cẩm La áp dụng công thức luân canh phù hợp như: lúa – rau – dưa – củ đậu; hay dưa xuân – lúa mùa sớm – củ đậu… Năm 2009, sản xuất nông nghiệp đã góp tới 50% cơ cấu kinh tế của xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/năm.
Tại xã Đồng Gia, để tăng hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích, bà con nông dân cũng đưa cây củ đậu vào cơ cấu cây trồng vụ đông, áp dụng công thức luân canh: lúa chiêm – lúa hè thu – củ đậu – rau xanh; hoặc lúa chiêm – rau hè thu – củ đậu – rau gia vị. Nhờ đó, hệ số sử dụng đất ở Đồng Gia đạt 4,5 lần. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,3 triệu đồng/năm.
Vùng chuyên cây cà rốt cho thu nhập 150 – 200 triệu đồng/ha
Cây cà rốt là loại cây có thể canh tác được cả hai vụ trong năm, sản lượng đạt 2 tấn/sào. Gia đình ông Trần Văn Viết, thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng là một trong những hộ nông dân mạnh dạn đầu tư cải tạo đồng ruộng để trồng cây cà rốt. Do đặc tính của cây cà rốt là phù hợp với đất phù sa nên nông dân Cẩm Giàng phải đầu tư để chuyển đất phù sa ngoài bãi ven sông vào trong nội đồng để thâm canh cà rốt. Trong điều kiện như vậy, mặc dù tăng thêm chi phí hàng chục tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận từ trồng cà rốt khá cao, lại dễ tiêu thụ nên diện tích trồng cà rốt ở hai xã Cẩm Văn, Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) ngày càng mở rộng, từ 207 ha năm 2006 lên hơn 350 ha năm 2010. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, cây cà rốt ở xã Đức Chính mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Với giá bán 4.000 đồng/kg, mỗi sào cà rốt có giá trị thu nhập 8 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ha cà rốt cho thu lãi 150 – 200 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình khiến nhiều hộ nông dân Cẩm Giàng không những trồng cà rốt trên đồng đất quê mình mà còn đầu tư thuê đất ở huyện khác để thâm canh loại cây này.
Cây hành ở Kinh Môn
Hành tỏi là một trong 3 loại sản phẩm gia vị xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam . Ở Hải Dương có 3 huyện trồng hành, tỏi chính là Kinh Môn, Kim Thành và Nam Sách, trong đó Kinh Môn là huyện có vùng chuyên canh hành tỏi lớn nhất. Vụ đông năm 2009 – 2010, huyện Kinh Môn trồng 3.365 ha rau màu các loại, trong đó riêng hành tỏi chiếm 71,6% tổng diện tích. Trong khi các cây trồng khác như bí xanh, dưa chuột cho thu nhập 62 – 70 triệu đồng/ha thì cây hành tỏi có giá trị đạt 110 – 115 triệu đồng/ha.
Vụ đông năm 2010, gia đình chị Phạm Thị Bảy, thôn Bích Sơn, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn trồng 1 mẫu hành, tỏi. Chị Bảy cho biết, với giá bán hành tươi 12.000 đồng/kg, năm ngoái mỗi sào trồng hành chị thu lãi gần chục triệu đồng. Năm 2010, gia đình chị mở rộng diện tích trồng hành tỏi lên tới 1 mẫu ruộng. Trên diện tích chuyên canh hành, nông dân Kinh Môn áp dụng công thức luân canh: lúa xuân – rau vụ hè thu – hành vụ đông, cho giá trị sản xuất đạt 150 triệu đồng/ha đất canh tác mỗi năm.
Gia Lộc, Tứ Kỳ - chuyên canh theo mùa
Gia Lộc được biết đến là một trong những địa phương có trình độ thâm canh, với những cánh đồng chuyên canh các loại cây rau màu hàng hóa cho thu nhập cao. Đây là huyện có diện tích vụ đông lớn nhất trong tỉnh, với những vùng chuyên canh rộng lớn ở các xã như: Gia Xuyên, Gia Lộc, Hoàng Diệu, Nhật Tân… Các loại cây rau màu vụ đông được trồng phổ biến ở Gia Lộc gồm: cải bắp, su hào, ngô giống, cải dưa, bí xanh… để phục vụ sản xuất hàng hóa, cho thu nhập 67 triệu đồng/ha. Sang đến vụ xuân, nông dân Gia Lộc trồng các loại dưa hấu, dưa chuột, ngô giống. Vụ hè thu lại chuyển sang vụ dưa hấu, dưa lê, đỗ tương.
Năm 2010, huyện Gia Lộc đã quy hoạch 53 vùng chuyên canh rau quả với tổng diện tích 571 ha. Những vùng chuyên canh áp dụng công thức tăng vụ tới 4 – 5 vụ/năm để nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị sản xuất, đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Tại huyện Tứ Kỳ, tính đến tháng 10/2010, hầu hết diện tích trồng cây hàng năm hiện có đều đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tứ Kỳ hiện có 197 khu, cánh đồng với tổng diện tích trên 2.600 ha, trong đó có khoảng trên 1.475 ha đạt giá trị thu nhập từ 70 triệu đồng/ha/năm. Công thức luân canh áp dụng chủ yếu trên diện tích này là 2 lúa + 1 màu và 2 màu + 1 lúa. Cá biệt có một số cánh đồng áp dụng được công thức luân canh 4 vụ ( 3 màu + 1 lúa) hoặc 3 màu + 1 vụ đông, như một số khu đồng, cánh đồng thuộc thôn Ô Mễ, Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo), xã Ngọc Kỳ và rải rác một số khu đồng thuộc các xã Tân Kỳ, Tái Sơn, Minh Đức, Nguyên Giáp. Những diện tích áp dụng được công thức này thường cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy những lợi thế về đất canh tác của từng địa phương, nhất là kinh nghiệm của người dân trong việc thâm canh các loại cây trồng, giá trị sản xuất của một đơn vị diện tích được nâng lên rõ rệt. Hiệu quả kinh tế từ thâm canh tăng vụ rau màu ngày càng cao đã góp phần thay đổi đáng kể mức thu nhập của nông dân Hải Dương. Như vậy, có thể khẳng định việc “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa”, “Xây dựng cánh đồng có giá trị trên 50 triệu đồng/ha” đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nền sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, việc nhân rộng những cánh đồng hiệu quả kinh tế cao đã được nhiều địa phương quan tâm. Huyện Nam Sách đã triển khai dự án “Phát triển vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung theo hướng bền vững”. Hay Đề án “Quy hoạch vùng chuyên canh rau quả cho giá trị kinh tế cao” tại huyện Gia Lộc. Huyện Kim Thành cũng triển khai Dự án Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tam Kỳ.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó, có một số điểm cần lưu ý trong việc nhân rộng mô hình. Đó là việc tập trung giải quyết quá trình xây dựng những mô hình cánh đồng cho thu nhập cao, như: bài toán đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến thực trạng một số nông sản sản xuất ra rồi bị ứ đọng, hoặc bị ép giá gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, cần chú ý việc xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao phải phù hợp với tiềm năng và điều kiện của từng địa phương. Phát triển sản xuất gắn liền với việc tiêu thụ nông sản và chú trọng phát triển công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản xuất của cây rau màu. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi để tạo điều kiện cho địa phương có khả năng áp dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, mở rộng thâm canh tăng vụ tới cả những xã vùng sâu vùng xa của từng địa phương. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nên chú trọng là phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tăng vụ phải gắn bó với bảo vệ và giữ gìn tài nguyên đất canh tác, hạn chế ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật. Có như vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp mới đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững.