Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/11/2008 15:43 (GMT+7)

Những cậu bé sáng tạo vì cuộc sống

Không như cậu bé con nhà khá giả Lê Trung Minh Quân đầu tư gần 100 triệu đồng để chế tạo robot sơn tường dự thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm ngoái và đoạt giải đặc biệt, trong lễ trao giải cuộc thi năm nay vừa diễn ra tối qua tại Hà Nội, các thí sinh đoạt giải cao đều là những học sinh nghèo ham sáng tạo.

Vì đất quế Trấn Yên cần máy chẻ


Hà Hoài Nam sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Đầm Vông (Âu Lâu, Trấn Yên, Yên Bái). Với tỉnh  miền núi Yên Bái, quế là một cây công nghiệp chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trongtỉnh. Huyện Trấn Yên quê Nam cũng là một vùng trồng nhiều quế.

Namvà bạn bè đã nhiều lần đi chẻ quế thuê kiếm tiền giúp bố mẹ. Và ý tưởng về một máy chẻ quế giúp người dân ở quê em tăng năng suất lao động, tránh được tai nạn trong lao động đã hình thành.

Chỉ với hai triệu đồng, và trong vòng một tháng, Nam đã chế tạo thành một thiết bị hoàn chỉnh. Khung máy lắp các thiết bị giúp cho ống quế được chẻ ra từng mảnh, các thiết bị là mô-tơ, hệ chuyển động giúp pít-tông di chuyển trong ống xi lanh. Đầu ống xi lanh được gá các lưỡi dao. Khi pít-tông được đẩy thì ống quế sẽ đi qua lưỡi dao và được chẻ làm nhiều mảnh. Trên ống xi lanh được lắp thêm hai thanh gạt để giúp ống quế đi xuống.

Năng suất của máy chẻ quế này bằng 20 lao động làm việc trong một ngày. Người lao động thủ công chẻ quế bằng dao chỉ được từ 100 đến 120kg/ngày, trong khi máy chẻ quế của Nam đạt công suất 300kg/giờ.

Tại cuộc thi năm nay, Ban giám khảo đánh giá cao máy chẻ quế của Nam và trao giải đặc biệt trị giá 7 triệu đồng cho em cùng Huy chương vàng WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Nam nhận giải. Cuộc thi này tổ chức ba lần thì cả ba lần Nam đều tham gia, lần đầu đoạt giải ba và lần thứ hai đoạt giải nhất.

Công trình máy thái sắn, rồi robot điều khiển bằng điện trong những lần thi trước cũng đều được em chế tạo vì muốn giúp đỡ bố mẹ bớt nặng nhọc hơn trong công việc hằng ngày.

Kính hiển vi làm từ webcam


Cùng được nhận Huy chương vàng WIPO như Nam và đoạt giải nhất của cuộc thi, Kính hiển vi làm từ webcam của em Giang Thiên Phú, ởĐông Anh, Hà Nội, là một sản phẩm phục vụ giảng dạy môn sinh học, đồng thời cũng là món quà dành cho các nhà sinh học trẻ.

Là một học sinh yêu môn sinh học và muốn học bằng dụng cụ trực quan, ước mơ của Phú là có một kính hiển vi và quan sát các sinh vật ngay tại nhà mình. Thêm nữa, ở trường học hiện nay thiết bị dạy học rất thiếu, và Phú muốn góp phần làm phong phú thêm những giờ giảng sinh học khô quan qua sách giáo khoa.

Khi bắt đầu có ý tưởng, Phú viết ngay phần mềm trên máy tính. Rồi sau đó, chỉ cần vài ba buổi xử lý chiếc webcam, em đã có ngay kính hiển vi mình cần.

Khác với kính hiển vi quang học, hiện phổ biến trong các phòng thí nghiệm, “Kính hiển vi làm từ webcam” khi kết nối với máy tính, trên màn hình có thể dễ dàng quan sát các vi sinh vật cực bé và nhiều người cùng quan sát một lúc. Sản phẩm này có thể quay phim, chụp ảnh hoạt động của các vi sinh vật, quan sát được các hình ảnh cấu tạo vi mô, các phiên bản thực vật.


Đặc điểm cơ bản của thiết bị là đặt vật cần quan sát ở tiêu điểm của thấu kính hội tụ, ta sẽ thấy hình ảnh rất lớn trên màn ảnh củawebcam, webcam sẽ chuyển hình ảnh này thành tín hiệu để truyền về máy tính.

Hiện nay, Phú đang theo học năm thứ nhất tại Trung tâm lập trình viên quốc tế Aptech. Và em đang tiếp tục hoàn thiện công trình bằng một phần mềm chỉnh tiêu cự tự động.

Theo Phú, kính hiển vi của em có tính thương mại cao và em mong muốn nó được các nhà đầu tư hợp tác để sản xuất đại trà. Giá của kính hiển vi này chỉ khoảng 300 nghìn đồng nên rất nhiều học sinh có thể mua được.

Điều duy nhất Phú không hài lòng với công trình của mình là đây chỉ là một công cụ học tập, giá tiền rẻ, nên hình ảnh không được nét như những kính hiển vi hiện đại. Nhưng nếu nâng cao độ phân giải lên thì giá thành sẽ cao lên rất nhiều, vì kính hiển vi điện tử ở trong phòng thí nghiệm hiện nay có giá hàng triệu USD.

Đây cũng là lần thứ ba Phú tham gia cuộc thi này. Hai lần trước em đoạt giải nhất và giải ba. Chiếc máy vệ sinh chuồng gà nhằm giúp đỡ mẹ một công việc nặng nhọc đã giúp Phú đoạt giải nhất cuộc thi năm đầu tiên. Và năm ngoái, em lại đoạt giải ba cuộc thi này với Máy bay chạy bằng động cơ đốt trong điều khiển từ xa.

Phú nói, với em được nghiên cứu khoa học là một niềm vui lớn, em mong mình sẽ có đủ kiến thức để tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích này.

Hai cậu bé không muốn học chay môn vật lý


Em Phùng Văn Tùng.
Em Phùng Văn Tùng.
Cùng ý tưởng sáng tạo phục vụ học tập với Giang Thiên Phú là Nguyễn Ngọc Khoa và Phùng Văn Tùng đang là học sinh lớp 12 ở thị trấn phố Lu, Bảo Thắng, Lào Cai.

Em Tùng cho biết, trường của em có rất ít bộ thí nghiệm để quan sát mà chủ yếu là học chay. Trong chương trình vật lý lớp 12 có bài dạy về hiện tượng giao thoa sóng dừng và giao thoa sóng nước, nhưng nhà trường chưa có bộ thí nghiệm để học sinh quan sát trực tiếp hiện tượng giao thoa này.

Từ đó, Khoa và Tùng đã quyết định tạo ra bộ thí nghiệm để quan sát hiện tượng sóng và giao thoa sóng.

Bộ thí nghiệm gồm một giá cao 1m, chiếc đồng hồ rung điện được gắn trên đầu giá, một dây dài không dãn được gắn vào đầu của cần rung điện, phần dưới được cố định và có cái móc để treo giá, khi đồng hồ rung điện hoạt động sẽ tạo ra hiện tượng sóng dừng.

Với bộ thí nghiệm này, khi quan sát, học sinh còn thấy rõ sự phụ thuộc của vận tốc truyền sóng vào các yếu tố của môi trường truyền sóng như tính đàn hồi, mật độ vật chất của môi trường…

Tùng cho biết, bộ phận quan trọng nhất là cần đồng hồ rung điện, nhưng rất may ở phòng thí nghiệm của trường có sẵn và thầy giáo vật lý đã cung cấp cho em. Chi phí cho những khoản còn lại chỉ hết khoảng 300 nghìn đồng. Khó khăn duy nhất của các em là khi sáng tạo, Tùng và Khoa chỉ mới học hết lớp 11 nên phải tham khảo sách giáo khoa của lớp 12 mới làm ra được bộ thí nghiệm này.

Sản phẩm này được hai em làm trong một tháng hè, nên Tùng rất tiếc vì các bạn học sinh ở trường em chưa được sử dụng. Đang là học sinh lớp 12, ước mơ của Tùng là trở thành một thầy giáo dạy vật lý và sáng chế thêm nhiều thiết bị dạy học giúp học sinh dễ hiểu bài hơn.

Đây là lần đầu tiên Lào Cai tham gia cuộc thi và bốn sản phẩm dự thi thì có ba sản phẩm đoạt giải, trong đó có một giải nhất là Bộ thí nghiệm sóng dừng của hai em.

Robot giúp con người trong môi trường độc hại


Trên báo đài thường nói đến công việc nguy hiểm của những người luôn phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại, và Lê Văn Lợi, họcsinh lớp 12 ở Mỹ Đức, Hà Tây đã quyết tâm chế tạo ra một robot chuyên giúp đỡ con người làm việc trong môi trường độc hại. Tên “Robot Help” mà em đặt cho chú robot này là xuất phát từ đó.

Chỉ trong hai tháng hè, Robot Help đã ra đời. Robot Help của Lợi có thể giúp đỡ con người di chuyển các đồ vật nguy hiểm như bom mìn, chất phóng xạ, chất độc hóa học, thuốc trừ sâu độc hại hoặc trợ giúp con nguời thực hiện một số việc trong phòng thí nghiệm.

Mô hình được gắn hai động cơ khỏe, hệ thống băng tải xích và bánh lái trợ giúp để có thể di chuyển trên mặt đường gồ ghề. Taymáy có sáu khớp cử động, có thể nhấc được vật nặng 3 kg. Tại vị trí cố định, robot có thể xoay 360o để cầm và thả đồ vật dễ dàng.

Để chế tạo được robot, Lợi phải tìm kiếm thông tin trên các website. Với Lợi, chế tạo robot như là một thú vui mà em thường làm trong lúc rảnh rỗi.


2 triệu đồng để làm chú robot này được gia đình và bạn bè hỗ trợ. Lợi cho biết, vì không có nhiều tiền nên em đã làm chú robot củamình bằng tay, nhưng nhờ đó mỗi chi tiết trên chú robot này đều được trau chuốt cẩn thận và tỉ mỉ. Những bộ phận không thể làm được bằng tay thì em mới mượn dụng cụ để hàn. Nguyên liệu để làm robotLợi phải đến những bãi rác thải để tìm kiếm.

Nếu được đưa vào ứng dụng trong thực tế, Lợi cho biết em sẽ cải tiến thêm một số ứng dụng như bộ phận cảm nhận hình ảnh bằng camera và điều khiển được bằng tự động hóa để có thể sai khiến được robot bằng lập trình.

Kết cấu hợp lý, kiểu dáng đẹp và chắc chắn của Robot Help đã giúp cho Lợi không chỉ được nhận giải nhất mà còn nhận thêm giải mô hình đẹp nhất của Ban tổ chức.

Sáng tạo phần mềm ở tuổi 13


Trong số năm giải cao nhất cuộc thi năm nay, em Trương Ngọc Đại ở Hà Nội là thí sinh nhỏ tuổi nhất đang học lớp 8.

Đại cho biết, vấn đề giao thông hiện nay đang rất nóng bỏng và em quyết định viết phần mềm này để giúp mọi người có ý thức hơn khi tham gia giao thông. Chỉ trong hơn ba tháng, Phú đã hoàn thành phần mềm.

Phần mềm “An toàn giao thông” Safe Traffic E3s của em Ngọc Đại là hệ thống trợ giúp cho việc đào tạo và khảo thí để lấy bằng lái xe. Nó mô phỏng các tình huống mà luật giao thông cho phép và chạy được trên các thiết bị điện tử thông dụng như điện thoại, máy tính. Dễ hiểu, dễ sử dụng dùng làm công cụ giảng dạy cho các trường học phổ thông rất tốt và cho cả những người không có thời gian ngồi một chỗ để học thì có thể tra cứu trên điện thoại.

Đây là lần đầu tiên Đại tham gia cuộc thi này. Em mong muốn phần mềm này khi ứng dụng trên thực tế sẽ giảm được tai nạn và ùn tắc giao thông hiện nay. Và với phần mềm này, Đại đã được giải nhất cuộc thi và nhận Huy chương vàng WIPO.

Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc quỹ VIFOTEC, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cuộc thi:

Chất lượng các công trình cuộc thi năm nay khá hơn mọi năm và có nhiều công trình gắn với cuộc sống. Sau cuộc thi này, chúng tôi sẽ đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ cho một số công trình đoạt giải và chọn một số công trình có khả năng ứng dụng cao lên sàn giao dịch Ý tưởng Việt Nam để những doanh nghiệp quan tâm đầu tư hoàn thiện. Máy sơn tường tự động của em Lê Trung Minh Quân đoạt giải đặc biệt năm ngoái đã được đưa lên sàn và có một số công ty chào giá đầu tư.

Điểm mới năm nay là Thông tư 52 của Bộ Tài chính mới ban hành ngày 22-7 quy định hỗ trợ 6,5 triệu đồng cho một công trình của các em khi đăng ký bằng phát minh, sáng chế. Điều này sẽ khuyến khích các em đăng ký sáng chế của mình.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.