Nhớ lại kỉ niệm với Giáo sư Trần Đại Nghĩa!
Đêm trước ngày Đại hội Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1986), GS. Trần Đại Nghĩa có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được, Ông gọi tôi sang phòng, pha một ấm trà, hai thầy trò nói chuyện với nhau đến rất khuya. Câu chuyện bắt đầu từ viêc sửa sang, chỉnh lý lại 2 bài phát biểu để ông và tôi ngày mai sẽ đọc tại Đại hội. Sau đó là những câu chuyện về khoa học và đất nước…
Tại Đại hội đại biểu Liên hiệp hội TP.HCM lần thứ Nhất (năM 1986) từ trái qua hàng trên cùng: GS. Trần Đại Nghĩa người ngồi thứ 5; GS Nguyễn Thiện Phúc người ngồi thứ 9)
Tìm địa điểm làm trụ sở cho Liên hiệp hội
Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) ra đời muộn hơn khoảng một năm so với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội (LHHHN). Vì thế tôi với trách nhiệm là chủ tịch LHHHN, đã có cơ hội để tích cực tham gia tạo các cơ sở vật chất ban đầu cho hoạt động của LHHVN. Tôi đã cùng bác Lê Khắc, trưởng ban vận động thành lập LHHVN gặp gỡ một số cơ quan của Hà Nội. Chúng tôi luôn luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Hà Nội, nhất là của phó chủ tich UBND Thành phố, đồng thời là phó chủ tịch LHHHN - GS.Trương Tùng.
Một địa chỉ chúng tôi đã liên hệ đầu tiên là ngôi nhà ở góc phố Quang Trung và phố Thợ Nhuộm. Lúc đó đây là Câu lạc bộ Giáo dục, trước đó nơi đây là Câu lạc bộ phổ biến Kiến thức của Hà Nội.
Cuối cùng Thành phố đã quyết định giao ngôi nhà 30B Bà Triệu, gần sát bờ hồ Hoàn Kiếm, làm trụ sở đầu tiên của cơ quan LHHVN. Hồi đó tôi thường xuyên lui tới địa điểm này, tham gia từ những việc nhỏ cùng ban thư ký và cả những lúc GS Trần Đại Nghĩa gọi đến trao đổi công việc. Ông làm việc rất say sưa, có hôm đến tận chiều tối mới ra về lúc đường phố đã trở nên vắng vẻ. Có lần Ông nói tôi cùng lên xe ngồi trao đổi tiếp câu chuyện đang dở dang cho đến khi về đến nhà Ông ở phố Hàng Chuối. Tôi cứ nhớ mãi về những lời căn dặn của ông trong công tác làm khoa học….
Kết nghĩa với Hội Kiến thức
Ý thức rằng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ra đời là để tập hợp, đoàn kết các cán bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ công tác xây dựng Thủ đô. chúng tôi chọn mảng công việc đầu tiên là “Đưa kiến thức khoa học đến quần chúng”. Để học tập kinh nghiệm, chúng tôi chủ động kết nghĩa với Hội Kiến thức của thủ đô Matxcơva. Tôi được cử tham gia đại diện trong Ban Tự động hóa và Cơ khí hóa đồng bộ, thuộc Hội đồng khoa học Khối SEV (hợp tác tương trợ kinh tế của các nước XHCN), định kỳ đươc sang Liên Xô dự họp Hội đồng nên có điều kiện xúc tiến công việc kết nghĩa. Kinh nghiệm của bạn cho tôi thấy rằng, trọng tâm công tác của các hội khoa học là phổ biến kiến thức. Công tác này sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều cho xã hội.
Tôi còn nhớ một ngày sát Tết âm lịch, chúng tôi mời GS Trần Đại Nghĩa và đồng chí tham tán sứ quán Liên Xô cùng ăn tết sớm tai một nhà hàng cổ kính trên phố Hàng Buồm. Trong buổi gặp mặt ấm cúng đó chúng tôi đề nghị đồng chí tham tán giúp đỡ xúc tiến việc kết nghĩa giữa LHHVN với Hội Kiến thức Liên Xô, như đã từng giúp LHHHN kết nghĩa với Hội Kiến thức Matscơva trước đó.
Một thời gian sau LHHVN đã chính thưc kết nghĩa với Hội Kiến thức toàn Liên bang Xô viết. Tiếp theo đó hai bên đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ khoa học qua lại trao đổi, học tập kinh nghiệm và triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác…
Tại Triển lãm hoạt động của Hội Kiến thức Matxcơva tổ chức tại CLB Thanh niên, HN (Từ trái qua: Tham tán sứ quán Liên Xô tại VN; GS. Trương Tùng; PCT Hội Kiến thức Matxcơva; GS. Nguyễn Thiện Phúc; GS Vũ Hoan)
Sự nghiệp đưa kiến thức khoa học đến quần chúng
Trong quá trình hợp tác đó, tôi được chứng kiến, với các ấn tượng rất tốt đẹp, trong nhiều cuộc tọa đàm giữa GS. Trần Đại Nghĩa và các nhà khoa học cũng như các nhà hoạt động hội khoa hoc kỹ thuật của Liên bang Xô viết. Ông thường nhắc chúng tôi phải học tập kinh nghiệm của bạn trong hoạt động phổ biến nâng cao kiến thức khoa hoc cho quần chúng và cần nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của quần chúng lao động, những người trực tiếp biến các thành tựu khoa học thành của cải vật chất cho xã hội .
Tôi cũng có nhiều dịp được tháp tùng Ông đến dự đại hội thành lập Liên hiệp hội một số địa phương. Lần đi dự đại hội ở Liên hiệp hội Hải phòng, tôi thấy Ông rất trăn trở về vấn đề quản lý kinh tế ở các địa phương. Ông thường đem theo bộ sách quản lý kinh tế của Tây Âu và giới thiệu với họ. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày cùng đi với Ông vào dự đại hội thành lập Liên hiệp hội Tp.Hồ Chí Minh.
Đêm hôm trước ngày đại hội, Ban Tổ chức đã đến báo cáo tình hình chuẩn bị với GS Trần Đại Nghĩa, tôi cũng ngồi tham dự. Sau buổi làm việc đó Ông có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được. Ông gọi tôi sang phòng, pha một ấm chè và hai thầy trò nói chuyên với nhau đến rất khuya. Câu chuyện bắt đầu từ viêc sửa sang, chỉnh lý lại 2 bài phát biểu để Ông và tôi sẽ đọc vào sáng mai tại Đại hội. Sau đó là những câu chuyện về khoa học và đất nước…