Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 20/09/2008 00:13 (GMT+7)

“Nhạc trưởng” tài hoa ngành tim mạch...

Tôi đã rất phân vân khi gọi điện xin ông một cuộc hẹn. Không phải ngại ông sẽ chối từ. Bởi tôi biết, một con người văn hóa, một học giả với đầy đủ sự lịch thiệp của  người sinh ra ở mảnh đất Tràng An  sẽ không gây khó dễ gì với mình. Nhưng cứ cấn cá mãi bởi như vậy tôi sẽ phải xen vào những khoảng thời gian rất quý hiếm và hữu ích của ông và người bệnh. Dành cho tôi khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ cũng đồng nghĩa với việc có vài ba bệnh nhân sẽ phải chờ đợi. Nhưng rồi chính ông đã gỡ được “thế bí” cho tôi khi chủ động đề nghị, vừa được trò chuyện vừa được khám cho bệnh nhân. Và rồi trong một buổi sáng tháng bảy nắng rót mật trên những tán cây trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, trong một hành lang tấp nập người qua lại, GS. TS Phạm Gia Khải đã có những khoảng lặng để nhìn lại cuộc đời, nhìn lại những tháng năm mà cho đến bây giờ ông mới nhận thấy, công việc cứu người mà ông theo đuổi suốt mấy chục năm, đã vận vào ông như một định mệnh...

Duyên nợ với ngành Y

“Hồi đó tôi khoảng 5 tuổi. Nhà chẳng khá giả gì nên góp nhóm mãi mẹ tôi mới mua được một con chim bồ câu về làm thịt cải thiện bữa ăn cho mấy đứa con. Khi con chim bị giết, tôi đã ôm mặt khóc ròng và lúc ấy chỉ có một mong muốn là làm cách nào để con chim có thể sống lại...”. GS Phạm Gia Khải vừa sắp xếp lại những dụng cụ y học đang ngổn ngang trên bàn làm việc, vừa kể lại kỷ niệm mà ông không bao giờ quên ấy. Cái kỷ niệm mà ông bảo, đã tác động rất lớn đến con đường lập nghiệp của ông sau này. Con đường chữa bệnh cứu người.

Sinh ra trong một gia đình ở Hà Nội mà bố mẹ đều là những người chiến sĩ đi theo kháng chiến. Trong thời kỳ thủ đô bị tạm chiếm, cùng với bạn bè, ông đã theo học trong trường Pháp. Giao tiếp, học những giáo trình của người Pháp nhưng trái tim, dòng máu, những vui buồn của ông lại của một con người chịu đô hộ mang dòng máu đỏ, da vàng.

Lên bậc phổ thông, ông đã được chọn sang Pháp học và luôn luôn là một học sinh xuất sắc. Ra trường, cùng với nhiều bạn bè, ông được chính phủ Pháp hứa tạo công ăn việc làm và những đãi ngộ rất xứng đáng với hai điều kiện: không được tham gia chính trị và phải làm cho chính phủ 10 năm.

“Bất kỳ một trí thức nào đều mong muốn có một môi trường làm việc tốt, nhưng ở đời, có những chân lý, có những sứ mệnh mà phải ở thời khắc ấy, lịch sử ấy ta mới có thể lí giải vì sao mình lại quyết định vậy. Cùng với những bạn bè cùng chí hướng, chúng tôi đã lập tức từ chối chỉ với một sự lựa chọn: Được về nước, được đem những kiến thức đã học phục vụ bà con và cuộc kháng chiến mà cả dân tộc Việt Nam đang vùng lên để giành độc lập tự do”. Ông quyết định về nước và tiếp tục theo học tại Đại học Y.

Có một kỷ niệm GS Khải còn nhớ mãi, đó là vừa về nước, chính ông đã được các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng ra đón và có những ân cần giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để ông có thể học tập và cống hiến đúng với năng lực đang có của mình.

Năm 1960, ông tốt nghiệp xuất sắc đại học Y và được phân về bệnh viện Bạch Mai làm công tác giảng dạy, điều trị suốt một thời gian dài. Ông bảo, dù đã kinh qua nhiều chức vị và công việc nhưng Bệnh viện Bạch Mai gần như là ngôi nhà mà ông gắn bó suốt đời. Đó là những khoảng thời gian ông được làm việc và cống hiến, đã được vui và buồn, đã được là ân nhân và mắc nợ của biết bao kỷ niệm. Làm người bác sĩ, là ân nhân của người bệnh thì ai cũng hiểu nhưng mắc nợ?

Đầu tiên phải kể đến mùa hè năm 1967, khi giặc Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc rất ác liệt. Hôm đó một quả bom đã được thả xuống chỗ gần khoa tim mạch bệnh viện Bạch Mai, ông chưa để ý thì có một nữ sinh viên đã nhảy tới, xô ông ngã rồi nằm che lên người ông và bảo: “Có em rồi thầy không phải lo”. Bom tan, ông thoát được cơn nguy hiểm còn cô gái đó thì bị xước hết mặt mũi những vẫn mỉm cười.

 GS Khải bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đó và bảo, chính cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc thử lửa, là môi trường để ông có thể trưởng thành. Chính vì vậy mà bắt đầu từ năm 1969, ông đã tình nguyện xung phong vào Bắc Trị Thiên, tham gia với tư cách của một người bác sĩ đi bên cạnh những chiến sĩ.

Mái tóc bạc trắng, GS Khải rưng rưng kể lại câu chuyện xảy ra khi mái tóc ông vẫn còn xanh. “Người bệnh nhân đó là một chàng trai 17 tuổi bị suy tim nặng. Một buổi tối, em khẩn thiết gọi tôi đến và bảo: “em biếu bác sĩ gói thuốc lá”. Cả đời tôi ít hút thuốc  nên tất nhiên tôi sẽ từ chối nhưng chàng trai đó lại bảo: “em biết bác sĩ không hút thuốc nhưng xin bác sĩ hãy cầm nó như một kỷ niệm. Em biết bệnh của em không qua khỏi được nhưng bác sĩ cần gói thuốc em tặng, mỗi khi thấy nó, bác sĩ lại nhớ đến em, từ đó mong bác sĩ có thể suy nghĩ và tìm ra cách cứu được những người bị như em sau này”.

Rồi một đêm Hà Nội mưa rất lớn, một bệnh nhân ở bãi Phúc Xá bị đau nặng, chàng sinh viên Phạm Gia Khải mới ra trường đội mưa đến nơi, khám thấy cháu nhỏ 16 tháng tuổi bị viêm phổi, tình hình đã rất nguy kịch, người mẹ không đủ can đảm để bế đứa con nữa mà cứ để yên đứa trẻ trên tay người thầy thuốc trẻ. “Sau đó ít phút thì cháu qua đời, tôi cứ để mặc nước mắt chảy ròng vì sự bất lực của bản thân, vì sự thiếu thốn của điều kiện máy móc. Những ám ảnh đó là động lực và mục đích suốt đời sau này của tôi. Giá như trong điều kiện bây giờ thì những trường hợp đó tôi hoàn toàn có thể cứu được”.

“Sự thông minh của trái tim”

GS. TS Phạm Gia Khải đang khám cho một bệnh nhân.
GS. TS Phạm Gia Khải đang khám cho một bệnh nhân.
Có thể nói không quá rằng, sự nghiệp của GS Phạm Gia Khải gắn liền với sự phát triển của những tiến bộ y học trong việc phát hiện, điều trị và khống chế những căn bệnh liên quan đến tim mạch.Ông là một giáo sư hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực này. Những danh hiệu mà ông được nhân dân và bạn bè đồng nghiệp ghi nhận như Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ y học... đềutừ những thành công mà ông đã dành hết thời gian, công sức và lao lực trong việc phát hiện, điều trị để cứu chữa cho những bệnh nhân liên quan đến vấn đề tim mạch.

Một trong những đóng góp của ông không thể không nhắc: từ kết quả nghiên cứu của ông, lần đầu tiên ở Việt Nam , ngành y thực hiện chẩn đoán bằng siêu âm các bệnh về tim, tạo bước đột phá về điều trị tim mạch, đẩy mạnh điều trị nội khoa và ngoại khoa (thời gian 1974 - 1978).

Sự phát triển của xã hội công nghiệp kéo theo không ít trường hợp bệnh nhân mắc những căn bệnh liên quan đến tim mạch. Ông kể rằng, trước năm 1995, nước ta chưa có cơ sở nào thực hiện kỹ thuật nong động mạch vành, nong van hai lá, đốt các đường dẫn truyền gây rối loạn nhịp tim. Vì thế, tính mạng của những bệnh nhân bị bệnh van hai lá, tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thông liên thất, thông liên nhĩ, rối loạn nhịp tim... luôn bị đe dọa.

GS Khải nhận thấy cùng thời gian đó trên thế giới, kỹ thuật tim mạch can thiệp đã hình thành và có nhiều ưu điểm vượt trội trong điều trị, cứu sống được nhiều người bệnh. Nhằm bắt kịp với y học thế giới, ngay khi nhận chức Viện trưởng (năm 1995), lập tức ông đã đưa phương pháp Tim mạch can thiệp vào Việt Nam để áp dụng và trở thành một bước đột phá mới về phương pháp chữa trị tim mạch ở nước ta.

Những thành tựu trong việc điều trị dị tật tim, van tim hẹp bẩm sinh, hẹp eo động mạch chủ, thăm dò điện sinh lý tim, đưa năng lượng sóng radio vào đốt... là những thành tựu mà quãng thời gian làm Viện trưởng viện Tim mạch, bằng nỗ lực và tấm lòng của mình, GS Khải và đồng nghiệp đã làm chủ được.

Suốt một thời gian dài làm việc trên nhiều cương vị khác nhau: Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Tim mạch - trường đại học Y Hà Nội, chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam... ông được các đồng nghiệp và giới khoa học suy tôn gọi ông là “Người nhạc trưởng tài ba”.

Chia sẻ điều này với ông, ông cười mà bảo rằng: “Ngoài những phương pháp điển hình cụ thể, người bác sĩ còn phải giỏi cả ngoại khoa lẫn nội khoa. Và thành công về Tim mạch Can thiệp là một phương pháp mà ở đó cả nội và ngoại khoa đều đã được áp dụng”. Các nước trên thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao Việt Nam qua phương pháp này. Đây là cái mốc để chúng ta có thể hội nhập với các nước tiên tiến trên thế giới trong phương pháp điều trị và khống chế những căn bệnh liên quan đến tim mạch.

Nghề y gắn liền với khoa học, với sự chính xác nhưng với sự chiêm nghiệm trong cả một đời gắn liền với tấm áo blu, với lời thề Hyporat, GS Khải còn phát hiện ra một điều: một người thầy thuốc giỏi phải là một người thầy thuốc có tâm hồn mơ mộng và nhạy cảm. Bởi vì đôi khi con người bước qua được sự tuyệt vọng, bước qua được cõi chết còn bởi sự lãng mạn và đức tin về khát vọng sống ở đời. Và nữa, nhìn sắc mặt, tâm tư tình cảm của người bệnh, việc khám và điều trị sẽ dễ dàng và đúng hướng hơn. Và bản thân ông gọi đó là “sự thông minh của trái tim”.

Học suốt đời

Suốt một đời hành nghề cứu người, GS Khải sớm nhận ra một điều, làm người chữa bệnh thì bản thân người bác sĩ, trong một khoảng thời gian cụ thể chỉ cứu được một người còn dạy chữa bệnh thì có thể hướng dẫn một lớp người có thể chữa bệnh. Từ chân lý đó, người bác sĩ, vị viện trưởng có  từ tâm ấy đã tạo điều kiện cho rất nhiều học trò của mình có cơ hội đi sang những nước có nền y học phát triển để có thể tu nghiệp và trưởng thành. Tất cả đều từ những mối quan hệ và sự kính trọng của bạn bè quốc tế dành cho ông. Họ đều thành tài và đều đã trở về, nhiều người bây giờ đang nắm giữ những trọng trách trong các bệnh viện lớn ở Việt Nam .

Để chuyên ngành tim mạch phát triển ngang tầm các nước trên thế giới, ông đã cùng đồng nghiệp tham gia biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa, sách chuyên ngành tim mạch có giá trị như cuốn Bệnh học nội, Điều trị học, Thực hành bệnh tim mạch... phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, tham khảo.

Tiếp nối những thói quen có từ thời tuổi trẻ, bây giờ đã 72 tuổi nhưng GS Khải vẫn không quản ngại đến những nơi xa xôi, những bệnh viện khắp cả nước để có thể, giúp được một chút gì trong khả năng của mình (như lời ông nói). Đã hết thời làm người quản lý nhưng bây giờ, sáng sáng, căn phòng nhỏ của GS Khải trong Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn sáng đèn. Cán bộ, công nhân viên của Viện Tim mạch vẫn cần ông, những người bệnh vẫn cần ông. Đó là lí do khiến người thầy thuốc nhân hậu ấy, dù cả đời đi chữa những căn bệnh về tim mạch, bây giờ tuy trái tim tuổi cao của chính mình đang bị “hẹp động mạch vành” nhưng vẫn tự khắc phục để đến chữa cho người bệnh.

Người giáo sư đức cao vọng trọng ấy bảo tôi, cuộc đời ông là một hành trình với 3 nhiệm vụ: dạy học, viết sách, làm nghề cứu người. Bản thân ông cũng tự đặt ra cho mình quy tắc: “Học cả đời. Còn sống là còn học”. Chính vì vậy, hằng ngày, ông vẫn âm thầm làm quen, tiếp cận với công nghệ thông tin và đến bây giờ, “công nghệ mới” ấy đã bị ông chinh phục và sử dụng thành thạo.

Và một điều nữa ông tâm sự với tôi, làm một người thầy thuốc, ngoài lòng ham học thì sự từ tâm và khiêm tốn là những tính cách mà ông coi là “kim chỉ nam”. Điều này ông luôn nói, không chỉ với đồng nghiệp mà còn với hai người con gái, đều là những bác sĩ trẻ, đang tiếp bước con đường mà người cha, GS, TS Phạm Gia Khải, đã đi.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.