Nhạc tài tử Nam bộ
Bắc là những bản nhạc âm điệu rộn ràng, vui tươi, phấn khởi: Có 6 bản bắc: Lưu thuỷ, Phú Lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi và Bổ bản (thường gọi là Cổ bản); Trong đó số có 4 bản gốc nhạc Huế: Lưu thuỷ, Phú lục, Bình bán và Cổ bản.
Nam là những bài bản âm điệu buồn bã, tiết tấu chậm: có 3 bản nam: Nam xuân, Nam ai và Nam đảo (còn gọi Đảo ngũ cung). Nhạc tài tử và nhạc Huế có hai bản Nam xuân và Nam ai, nhưng âm điệu khác nhau.
Oán là những bản nhạc âm điệu bi thương, oán trách. Có 4 bản oán: Tứ đại, Phụng hoàng, Giang nam và Phụng cầu hoàng. Tứ đại của nhạc tài tử là Tứ đại oán, gốc Tứ đại cảnh của nhạc Huế nhưng mất vẻ phong lưu đài các mà lại chuyển tải tâm sự ưu tư, đau buồn ẩn kín. Đây là bản nhạc căn bản của nghệ thuật ca kịch cải lương, trước khi có bản vọng cổ thay thế.
Bài là bản nhạc nội dung nghiêm trang, trong sáng, có thể dùng để tế lễ (còn gọi là thất chính): Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá, Xàng xê.
Đa số các bản nhạc tài tử loại này đều là nhạc Huế. Bản Long đăng là bản nhạc lễ có từ thời Lý.
Nhạc tài tử có nguồn gốc từ nhạc thính phòng Huế. Cấu trúc nhạc tài tử cũng chặt chẽ, hoàn chỉnh, kỹ thuật đàn cũng tinh vi. Âm thanh nhẹ nhàng, xen lẫn vui buồn, ai oán nghiêm trang. Nhưng nhìn chung, nhạc tài tử có vẻ tự do, phóng túng và “muồi” hơn. Đa số các bản tài tử đều có ca từ nhẹ nhàng, trau chuốt, ngôn ngữ mang tính văn học. Nội dung các bản nhạc đều diễn tả tâm tư tình cảm của con người, hoặc vui mừng, hoặc đau buồn, ai oán... Cũng có những bản nhạc nội dung khích lệ tinh thần yêu nước.
Nhạc tài tử có 5 âm: Hò, xự, xang, xê, cống (và âm phụ líu). Thời chữ Hán còn thịnh, bài bản được ký âm bằng chữ Hán:
- Hò ký âm là Hiệp
- Xự ký âm là Tứ
- Xang ký âm là Thượng
- Xê ký âm là Xích
- Cống ký âm là Công
- Líu ký âm là Lục
KHoảng năm 1920 trở về sau, đa số các tài tử đều dùng chữ Quốc ngữ để ký âm, tiện lợi hơn. Khoảng năm 1945-1950, nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư ở Bạc Liêu bày ra cách ký âm mới : ò, ự, a, ê, ố và í... nhưng không phổ biến được.
Bộ nhạc cụ tài tử có 5 món gọi là ngũ tuyệt : Kìm, tranh, tỳ bà, cò, tam, nhưng chủ yếu là kìm và tranh. Sau này có trường hợp thêm các loại nhạc cụ bộ dây hoặc bộ hơi như : đoản, sến, độc huyền và dùng sanh, song loan hoặc đầu đường để gõ nhịp.
Theo quan niệm Nho giáo, mục đích của nhạc là "hoà", tức đem lại sự bình yên cho tâm hồn. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật giúp con người cảm thông với thần thánh, âm nhạc dùng để giao tiếp với bạn bè, hoặc dùng để giải trí, di dưỡng tính tình. Thế nên, âm nhạc đã là một trong 6 nghề (lục nghệ) trong chương trình giáo dục Nho giáo. Người đi học phải biết âm nhạc chính thống (tức nhạc lễ) và nhạc dân gian.
Từ nhạc Huế, loại nhạc thính phòng, do Tiến sĩ Phan Hiển Đạo (1822-1864) đưa từ kinh đô về truyền bá tại quê nhà, lúc ông làm Đốc học Định Tường. Nhạc Huế phổ biến nhanh, rồi do hoàn cảnh xã hội, tâm tình của con người, nhạc Huế phát triển thành nhạc tài tử. Tài tử là những danh sĩ ca hay, đàn giỏi. Mấy thế hệ sau Phan Hiển Đạo như Học Lạc, Nhiêu Ninh, Nhiêu Phang, Nguyễn Tri Túc, Nguyễn Tri Lạc, Trần Quang Thọ, Trần Quang Diệm đều là những tài tử ca hay, đàn giỏi.
Khoảng năm 1898-1899, khi vua Thành Thái bị truất ngôi đưa vào Nam, nhóm nhạc sĩ Lê Quang Đại (Ba Đợi) ở Cần Đước "chế" thêm 8 bản, gọi là "Bát ngự" gồm: Đường thái tông, Vọng phu, Chiêu quân, Ái tử kê, Bát man tiến cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan. Do đó các nhạc sĩ ở miền Tây đã biến đổi 10 "bản ngự" của nhạc Huế thành "thập thủ liên hườn/hoàn" : Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hườn, Bình nguyên, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.
Đặc biệt vào năm 1906, chính quyền tỉnh Mỹ Tho đã cử một ban nhạc tài tử gồm 9 tài tử nam, 5 nữ mang theo các loại đàn kìm, tranh, đoản, tam, độc huyền và hai cậu bé dùng chiêng gõ nhịp... đi trình diễn tại hội chợ các xứ thuộc địa tại Mairseille ; Trưởng đoàn là Nguyễn Tống Triều (1876-1917), tức Tư Triều ở Cái Thia (Cái Bè-Mỹ Tho). Trong đoàn còn có Huỳnh Đình Điển, người Gò Công theo đoàn làm thông ngôn. Huỳnh Đình Điển cũng là người am tường nhạc tài tử nên mấy tháng ngồi tàu lênh đênh trên biển cả, ông đã cùng Nguyễn Tống Triều đàm đạo, hoà đờn tri âm.
Khi về nước, khoảng năm 1908, Huỳnh Đình Điển đã mời ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều đến trình diễn tại Minh Tân khách sạn - cạnh ga xe lửa Mỹ Tho. Ông Phạm Đăng Hộ, chủ rạp chiếu bóng Casino tại chợ Mỹ Tho thấy sáng kiến của Huỳnh Đình Điển hấp dẫn khán giả nên thương lượng với ban Tài tử Nguyễn Tống Triều giúp mỗi tuần hai buổi tối. Sau đó, bạn của Huỳnh Đình Điển là Nguyễn An Khương (một chiến sĩ trong phong trào Minh Tân) mời ban Tài tử của Tống Triều lên sân khấu Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. Đến khoảng năm 1914, ban Tài tử này đã từng diễn ở nhà hàng Cửu Long Giang.
Từ loại nhạc thính phòng, ca tài tử được đưa lên sân khấu trở thành "ca ra bộ" rồi chuyển mình thành ca kịch cải lương. Sau giai đoạn chuyển mình (1918-1922) nghệ thuật ca kịch cải lương phát triển thì phong trào ca tài tử cũng phát triển mạnh. Hàng trăm bài bản mới ra đời, đặc biệt có bản vọng cổ của ông Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu đã thay thế bài Tứ đại oán, trở thành bản nhạc nồng cốt của nghệ thuật cải lương.