Nhà vật lý trẻ tài năng
Khám phá mới của một nhóm nhà khoa học
Giáo sư Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội. 30 năm sau, năm 1999, anh trở thành giáo sư giảng dạy môn vật lý thuộc Trường Đại học Columbia, Mỹ. Từ năm 2002 cho tới nay, anh là giáo sư Trường Đại học Washington. Ngoài thời gian giảng dạy, anh làm công tác nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu vật lý hạt cơ bản, vật lý hạt nhân, và khá quan tâm tới một số bộ môn vật lý khác. Hiện anh đang nghiên cứu trạng thái của vật chất ở nhiệt độ rất cao, có thể lên tới hàng nghìn tỷ độ C, một trạng thái đã từng tồn tại trong những khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ. Anh cùng các cộng sự muốn tìm cách tái tạo lại nó trong phòng thí nghiệm, cũng như tìm hiểu chi tiết hơn về trạng thái này. Cách đây chưa lâu, công trình khoa học về lỗ đen trong không - thời gian 10 chiều của anh và các cộng sự đăng tải trên tờ Physical Review Letters, một tờ tạp chí vật lý hàng đầu của Mỹ đã gây được tiếng vang trong ngành vật lý thế giới. Anh và các cộng sự đã nghiên cứu độ nhớt của các chất lỏng tồn tại trong không gian 3 chiều, sử dụng vật lý các lỗ đen trong không gian 10 chiều như một công cụ toán học. Từ lý thuyết lỗ đen, anh và các cộng sự phát hiện thấy chất lỏng lý tưởng nhất cũng phải có một độ nhớt nhất định, không phải muốn nhỏ bao nhiêu cũng được. Điều này rất quan trọng trong việc nghiên cứu các trạng thái mới của vật chất. Đó chính là lý do công trình khoa học này từ năm 2005 đã được giới nghiên cứu vật lý đặc biệt quan tâm, khi Phòng thí nghiệm Brookhaven ở Mỹ tuyên bố tìm ra một loại chất lỏng gần như lý tưởng, có độ nhớt gần bằng giá trị mà anh và các đồng nghiệp tiên đoán. Nếu theo đúng tiên đoán của anh và các cộng sự thì điều đó sẽ dẫn đến một định luật mới có tính phổ quát trong ngành vật lý học.
Những trăn trở về khoa học và giáo dục nước nhà
Khi đề cập đến việc xây dựng quê hương, GS Đàm Thanh Sơn cho rằng, phần lớn các nhà khoa học người Việt xa xứ không đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu. Không ít trong số họ rất muốn trở về làm việc tại quê nhà trong bối cảnh đất nước đang quan tâm thu hút nguồn lực trí thức từ nước ngoài. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến đội ngũ các nhà khoa học này chưa về nhiều là do ở Việt Nam chưa có môi trường nghiên cứu khoa học phù hợp. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, một công trình khoa học được đánh giá cao dựa trên ý kiến nhận xét của những chuyên gia đầu ngành, nhưng điều này ở Việt Nam vẫn chưa làm được. GS Đàm Thanh Sơn còn cho biết, ở cấp phổ thông trung học, kiến thức sơ đẳng của học sinh Việt Nam không thua kém nhiều so với học sinh ở các nước phát triển, nhưng ở bậc đại học khoảng cách đó đã trở nên rất xa. Trong điều kiện hiện nay, việc cần làm nhất là tập trung xây dựng một trường đại học thật tốt, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm thu hút sinh viên, các giáo sư, nhà nghiên cứu giỏi, để rồi đào tạo ra những nhân tài, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Việt Nam cũng đã đến lúc phải có cơ chế giúp tài năng trẻ phát huy năng lực, cùng với đó là chế độ lương hợp lý. Làm như vậy họ mới đủ tận tâm nghiên cứu, đóng góp các công trình khoa học có giá trị cho nước nhà...