Nhà sáng chế mới... học xong lớp 7
Sáng chế từ cuộc sống
Có lẽ, tôi và anh có duyên tại tòa soạn khi anh rụt rè muốn giới thiệu hệ thống bơm nước tiết kiệm điện năng lượng. Thú thực, lúc đầu, tôi nghĩ, anh chắc thuộc dạng “huyễn hoặc” mà mình đã gặp khá nhiều trong nghề làm báo. Tuy nhiên, với lá thư tay giới thiệu đầy tâm huyết của GS Lân Dũng, cùng với cách diễn giải khá hấp dẫn của đề tài, tôi đã bị thuyết phục.
Gặp tôi lần này, anh vẫn vậy. Lần này, anh đến để khoe, “Mình vừa sáng chế ra thiết bị sạc pin dùng cho đèn chiếu sáng”. Tôi hỏi tại sao anh có những ý tưởng táo bạo như vậy, anh chỉ cười: “Thực ra, có gì là ghê gớm đâu, tất cả đều bắt nguồn từ cuộc sống. Chỉ cần quan sát cuộc sống, có rất nhiều điều thú vị đang chờ khám phá. Ví dụ như “hệ thống đưa nước lên cao tiết kiệm năng lượng” được hình thành từ một lần gia đình đào giếng. Nhìn thấy những người thợ lấy tay xóc xóc đoạn ống một lúc, nước bật lên – trong đầu anh chợt lóe lên một ý tưởng: tại sao không sử dụng chính cách này để bơm nước. Trong suốt 3 năm, làm đi làm lại rất nhiều thí nghiệm, mô hình với nhiều nguyên lý như lực đòn bẩy, đối trọng... cuối cùng, anh phát hiện ra, chẳng cần phải kiến thức quá cao siêu, chỉ là kiến thức vật lý lớp 7: hệ thống bơm nước sử dụng những quy luật của tự nhiên (lực hút Trái đất, quán tính, masát...). Điều này cũng tạo nên hiệu suất lớn cho hệ thống bơm.
Gàn nhưng có ích
“Có người đã từng nói thẳng vào mặt tôi: người ta bằng này bằng nọ còn chẳng ăn ai, huống hồ loại vô danh tiểu tốt như anh, học không hết cấp hai thì làm được gì. Nhưng không hiểu sao cái máu tìm tòi nghiên cứu, ham làm khoa học dường như ngấm vào người mất rồi nên không bỏ được”- anh Dũng tâm sự.
Tôi còn nhớ, mình đã chúc mừng khi nhận được tin “Hệ thống bơm nước tiết kiệm năng lượng” của anh tham gia Chợ Công nghệ TechMart 2005 diễn ra tại TP HCM với danh nghĩa là một trong những đại diện cho các nhà khoa học “chân đất” của Thủ đô”. Lúc đó, đã có rất nhiều bài báo viết về công nghệ trên và nhiều lời đề nghị chuyển giao công nghệ từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Anh nhận lời hết nhưng với tuyên bố: “Chỉ chuyển giao chứ không bán”. Khi đó, anh rất háo hức khi đưa sản phẩm nghiên cứu đến cho vài vị giáo sư đầu ngành đánh giá và cho ý kiến để biết đâu: “sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi”. Nhưng rồi, chính thái độ và cả những lời nói không mấy nhiệt thành, thậm chí hơi phần kẻ cả của người được xem là có học đã đốt cháy những hy vọng trong anh. Lần gặp này, tôi hỏi thăm về sản phẩm máy bơm, anh lắc đầu ngán ngẩm: “Cho qua đi, mình phải lạc quan để làm những sản phẩm khác có ích chứ”.
Chia tay, tôi hỏi: nếu sau khi bài báo giới thiệu về sản phẩm của anh, tôi biết chỉ cho họ địa chỉ và điện thoại thế nào để họ liên lạc. Ngẫm ra một lúc, anh nhăn nhó: “Hay gửi thư cho tôi. Thư kín chắc chẳng ai để ý đâu. Chứ giờ điện thoại di động vợ cũng cấm sử dụng rồi, không thể liên lạc được đâu”. Tôi chợt bật cười trước vẻ ngô nghê nhưng rất chân thành của anh. Chợt thấy, khoa học là vậy, ranh giới giữa sự thà nhận giá trị và sự cho là “hâm hâm dở dở” thật mong manh. Nếu như không có những nhà khoa học như Platon, Newton, Anhxtanh dũng cảm với những thuyết khoa học đi ngược khẳng định của thời đó thì làm sao có định luật hấp dẫn, làm sao khẳng định rằng Trái Đất xoay quanh Mặt Trời... Biết đâu, các nhà khoa học cũng có một chút “không bình thường” thì xã hội sẽ còn có thêm nhiều sản phẩm hữu ích nữa.
Hiện nay, anh Tống Văn Dũng còn sở hữu khá nhiều ý tưởng như ý tưởng phân luồng giao thông Ngã Tư Sở trong SEA Games 23 bằng giải pháp phân cách mềm. Ý tưởng này đã được một tiến sĩ của Học viện kỹ thuật quân sự giới thiệu trên báo Giao thông vận tải và sau đó được áp dụng phần nào vào thực tế. Hay ý tưởng cho vận động viên thở oxy phục hồi sức khỏe, “trị thủy sông Hồng” cách khơi thông, mở rộng dòng chảy... |
Nguồn: Báo KH&ĐS, số 79 (2006), 31/8/2007, tr 4