Nhà nông say mê sáng tạo và những chiếc máy bóc vỏ lạc, vừng
Ông đã cho xuất xưởng khoảng 50 máy bóc vỏ lạc cho các khách hàng từ Quảng Nam đến Nghệ An. Máy bóc vỏ lạc của ông, từ kiểu hai trống đập tách vỏ lạc được đóng bằng gỗ đến loại máy hai trống cánh xiên cải tiến, chế tạo bằng thép đạt công suất 20 tấn lạc mỗi ngày, tỷ lệ lạc được bóc sạch gần như đạt mức tuyệt đối, tỷ lệ hạt vỡ chỉ 1%.
Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn, ông đã hình thành ý tưởng và tự chế ra máy bóc vỏ hạt vừng.
Người ta ước tính, mỗi năm, khu vực miền Trung và Tây Nguyên sử dụng hàng chục nghìn tấn vừng (nhiều nơi gọi là mè) làm nguyên liệu chính để sản xuất kẹo gương, kẹo mè xửng các loại…Để sản xuất kẹo, vừng phải được bóc lớp vỏ mỏng bao bọc xung quanh hạt. Theo phương pháp thủ công, hạt vừng được cho vào chậu, rồi dùng chân đạp cho tróc vỏ. Khi vỏ đã tróc phần lớn thì đưa ra phân loại, rồi tiếp tục chà cho đến khi vừng bị tróc vỏ hoàn toàn. Với cách bóc vỏ vừng như vậy, năng suất rất thấp. Một công lao động trong 8 giờ chỉ bóc vỏ và làm sạch được khoảng 30 - 50 kg hạt.
Dựa vào nguyên lý của máy xay xát gạo, ông Lành làm thử máy bóc vỏ hạt vừng với hệ thống chà bằng cao su tiếp xúc với máng sàng lỗ dài. Vừng hạt được cho vào một đầu qua cửa nạp và xả ra cuối buồng xát qua cửa xả. Lần đầu làm thử (đầu năm 2005), ông đã thất bại do sản phẩm bị ra dầu. Mất bao đêm trằn trọc suy nghĩ để tìm nguyên nhân và sau nhiều lần thử nghiệm (tiêu tốn hàng tạ hạt vừng và thêm 4 mẫu máy không như mong muốn), ông đã xác định được thời gian cần thiết để bóc vỏ cho một mẻ hạt trong buồng chà xát vỏ với một kết cấu và chế độ động học phù hợp.
Bộ phận làm việc chủ yếu của máy là một trục có gắn các răng bản bố trí trên các đầu ren và đặt nghiêng một góc nhất định so với đường sinh. Bộ phận này được đặt trong buồng chà xát có đường kính và chiều dài định trước. Tốc độ quay của trục được xác định cụ thể. Sau khi chà xát mỗi mẻ trong thời gian 3 phút thì xả hỗn hợp ra ngoài để phân loại bằng sàng. Bộ phận ra sản phẩm dùng một cử xả phía dưới buồng xát và có thể kết hợp với một trục vít tải. Dẫn động cho toàn máy bằng một động cơ điện 1 pha.
Qua thời gian chạy thử và hiệu chỉnh máy cũng như lựa chọn được chế độ làm việc thích hợp, ông đã chế tạo thành công mẫu máy vào ngày 30/8/2005.
Năng suất bóc vỏ hạt vừng của máy đạt 10 kg mỗi mẻ trong 3 phút, tương đương 1,5 - 2 tạ/h, tức gấp 20 - 40 lần lao động thủ công. Sản phẩm sau khi chà xát bóc vỏ đạt 95% và bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng: hạt không bị nứt gãy, còn nguyên dạng, không ướt dầu; không bị ép hoặc thoát dầu vừng ra trong khi chà xát bóc vỏ; màu sắc hạt sau khi bóc vỏ trắng ngà (nếu bị chảy dầu sẽ có màu vàng và ướt dầu); tỷ lệ tạp chất nhỏ hơn 0,01%. Dựa vào nguyên lý làm việc của máy, có thể chế tạo các mẫu máy mới với năng suất cao hơn từ 30kg/mẻ, 50 kg/mẻ hoặc 100 kg/mẻ…
Nhiều bà con nông dân chấp nhận và đặt hàng cho ông chế tạo. Từ tháng 8 năm 2005 đến nay, ông Lành đã chế tạo và xuất xưởng gần chục máy bóc vỏ hạt vừng cho các hộ chế biến hạt vừng ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị…với giá khoảng 6 triệu đồng. Các chủ máy đều đánh giá cao và khẳng định máy bóc vỏ hạt vừng “Hữu Lành” mà họ đang sử dụng có năng suất cao, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, giúp họ thu lợi đến hàng triệu đồng mỗi ngày.
Một sản phẩm khác mà hầu hết các chủ máy kéo nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều biết đến là máy cày xá nhỏ cho các loại máy kéo có công suất 12 - 24 mã lực của ông. “Máy cày ông Lành” có nhiều ưu điểm như vừa cắt cỏ, vừa cày xới và lật đất đã được xới cỏ, năng suất cao.
Với 4 - 5 người thợ làm việc thường xuyên và khoảng vài chục người làm việc theo thời vụ, xưởng của ông đã chế tạo được vài chục chiếc máy cày có lưỡi phù hợp với các loại đồng đất của địa phương, hàng chục máy sàng lắc để làm sạch và phân loại lạc và các loại đậu, đỗ…
Với trình độ văn hóa chỉ hết cấp hai và không qua một trường lớp kỹ thuật nào, không có bất kỳ một bằng cấp nào, song ông đã qua hơn 30 năm lăn lộn với nghề cơ khí và tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp để không ngừng cải tiến và sáng tạo.
Tháng 6 năm 2007, được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng với Phân hội Cơ khí nông nghiệp miền Trung và Tây Nguyên khuyến khích và giới thiệu, ông Lành đã đưa 3 loại máy là máy bóc vỏ hạt vừng, máy cày và máy bóc vỏ lạc sàng phân loại tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ II (năm 2006 - 2007). Các mẫu máy của ông đã được đánh giá cao và máy bóc vỏ hạt vừng được trao giải Nhì, máy bóc vỏ lạc sàng phân loại được trao giải Khuyến khích.
Ông Lành còn vinh dự được mời dự Hội nghị đại biểu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Hà Nội ngày 22/8/2007. Đó là sự khẳng định và tôn vinh những đóng góp của ông cho quê hương và nghề cơ khí nông nghiệp.