Nhà khoa học phải biết biến “chưa” thành “có”
- Để có được một sản phẩm như thế, chắc chắn phải trải qua quá trình thử nghiệm công phu?
Không thể đếm được những lần chúng tôi thử nghiệm các vật tư mua về để biết chính xác có dùng được cho máy 500kV hay không. Phòng thí nghiệm phải làm việc liên tục. Gia công các bán thành phẩm đều phải thí nghiệm kiểm tra nghiêm ngặt mới được chuyển đến bộ phận tổng hợp lắp ráp. Riêng tôi có khoảng 750 bản vẽ, chưa kể các bản vẽ phần vỏ máy. Một chuyên gia nước ngoài sang thẩm định có nói với mọi người rằng: ở bên họ, công việc nghiên cứu thiết kế này phải có tám “người khổng lồ” (chuyên gia hàng đầu về máy biến áp cao áp) và 34 kỹ sư hỗ trợ, làm đi làm lại hàng năm trời mới xong trong khi bên mình chỉ có mỗi một bà già bơi lội (cười).
- Cá nhân bà chắc phải chịu nhiều áp lực của việc nghiên cứu?
Công trình nghiên cứu của tôi thường mất vài năm. Trong quá trình nghiên cứu tôi ngủ rất ít. Mọi người nói tôi “ăn biến áp, ngủ biến áp, đi đường cũng biến áp” là đúng. Ai thấy tôi vừa đi vừa khua khoắng tay chân thì tưởng tôi thần kinh, chứ mọi người ở xưởng thì quen rồi. May là tôi không biết đi xe máy, chứ biết đi xe chắc tôi bị tai nạn liên tục!
Trên thế giới, máy biến áp loại 220kV hiện nay có khoảng 20 nước chế tạo, còn loại 500kV có khoảng 12 nước (tính cả Việt Nam). Đây là máy biến áp “siêu cao áp”, về kết cấu rất phức tạp, đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Máy biến áp 500kV “made in Vietnam ” có giá thành 118 tỉ đồng (trước đây giá nhập khoảng 150 tỉ) sẽ được lắp đặt tại trạm Nho Quan – Ninh Bình vào tháng 9 tới. So với các máy của châu Âu, giá máy có thể giảm khoảng 10%. |
- Nghiên cứu một loại máy mà Việt Nam chưa ai làm đã khó, tìm nơi lắp đặt lại càng khó hơn. Những lúc như vậy, lãnh đạo công ty phải làm thế nào để thuyết phục mọi người tin và ủng hộ mình?
Đúng là khi công ty tôi đăng ký làm máy thì hầu hết những người ở ngành điện không ai ủng hộ vì họ không tin nhà máy có thể làm được. Chế tạo xong rồi tìm chỗ lắp ráp cho máy, không chỗ nào dám nhận. Mãi sau tập đoàn, tổng công ty điện lực phải ép trạm Vĩnh Yên, ông trạm trưởng cũng là bạn học của tôi nên tạo điều kiện để bọn tôi thực hiện công việc của mình.
- Cảm giác của bà như thế nào khi máy được đóng điện thành công?
Tôi như trút đi được hàng ngàn cân nặng. Tôi đã giám sát cẩn thận từng công đoạn, nên rất tin tưởng việc mình làm, phòng KCS có mấy chục người giám sát, các khâu thử nghiệm qua các công đoạn cũng rất nghiêm ngặt, nhưng bản tính của người thiết kế bao giờ cũng lo, giống như bà mẹ luôn lo cho đứa con của mình vậy!
- Trước khi làm máy 500kV, dường như bà chưa từng được tiệm cận loại máy này?
Tôi chưa lần nào được nhìn thấy kết cấu ruột máy này. Vì máy biến áp truyền tải, tự ngẫu 500/220/35 kV khác hoàn toàn với máy biến áp nguồn. Tôi đã đọc nhiều tài liệu của nước ngoài, trao đổi với các chuyên gia, và học ở họ rất nhiều.
Hồi làm máy 110kV, tôi phải thực hiện tất cả các bản vẽ bằng tay, rồi sau đến máy 220kV, máy 500kV thì đã có vi tính hỗ trợ. Tôi đã học được cách lập trình và vẽ trên vi tính. Các nước bạn đã có máy biến áp từ những năm 1920, mình đi sau họ gần 100 năm nên được tiếp cận học hỏi công nghệ của họ.
Tuy nhiên, tiếp thu thừa hưởng công nghệ không đồng nghĩa với sự rập khuôn. Bởi chúng ta không có công nghệ, và máy móc đầy đủ như nước ngoài. Khi làm, đầu óc luôn luôn phải tính tới các tình huống. Phải “thiên biến vạn hoá” để phù hợp với công nghệ của mình. Mục tiêu chất lượng là trên hết.
- Trong thời gian nghỉ hưu, có khi nào bà nghĩ mình sẽ dừng lại hoặc ai đó khuyên bà nên nghỉ ngơi thay vì phải nhọc công vào những công trình tưởng như… không tưởng?
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt. |
Cứ mười người bạn thì chín người bảo tôi về nghỉ thôi, làm mãi cũng có được thêm quyền lợi gì đâu. Đúng là cái nghề của tôi không thể giàu được, lại rất vất vả. Nhưng tôi xác định nghề là nghiệp, không làm không chịu được. Dân khoa học chúng tôi nó thế. Chúng tôi làm theo lương tâm, danh dự và bằng sự đam mê của nghề nghiệp, chứ không để vì được mới làm. Tôi xác định làm khoa học phải biết hy sinh và cống hiến.
- Nhưng hiện nay có không ít nhà khoa học kêu thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn vốn đầu tư, đòi hỏi lợi ích trước khi làm. Bà nghĩ sao về điều này?
Người làm khoa học phải biết biến cái chưa có thành cái có, biết khắc phục, không có thì mình phải nghĩ ra, nếu cái gì cũng có sẵn rồi thì cần gì nhà khoa học nữa. Làm khoa học phải có tâm, biết yêu mọi người, yêu cơ quan mình sống, nếu cứ so đo tính toán thì sẽ không làm được gì cả.
- Nhưng sự đãi ngộ dường như vẫn chưa tương xứng với cố gắng của các nhà khoa học?
Phải nói một câu rằng chưa ở đâu trên trái đất này, giá trị chất xám rẻ như ở Việt Nam . Cực kỳ rẻ! Trước đây lương tôi đi làm chỉ bằng 2/3 lương công nhân, mặc dù mình đang nghiên cứu các công trình cấp Nhà nước, là kỹ sư lâu năm… Bây giờ chúng tôi đã có ông giám đốc mới, có quan điểm tiến bộ. Chúng tôi cũng đỡ tủi thân.
- Vậy theo bà, có gì cần cởi bỏ trong bài toán đãi ngộ các nhà khoa học?
Cần phân biệt giữa những người có đóng góp nhiều và đóng góp ít. Phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nhà khoa học đúng theo cái họ nghiên cứu ra.