Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 22/02/2005 15:49 (GMT+7)

Nhà khoa học của đồng ruộng

Khoản đầu tư sinh lời nhất của ngân sách

Có một câu chuyện đã cũ nhưng vẫn khó có thể quên. Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam luôn trong tình trạng căng thẳng về cái ăn, phải nhập khẩu lương thực triền miên. Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng nhớ lại thời kỳ làm chủ nhiệm các chương trình khoa học kỹ thuật quốc gia về cây lương thực từ năm 1978 đến 1995: “Năm 1983, trong một hội nghị Trung ương, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng hỏi tôi là bao giờ nước ta mới đủ khả năng tự túc được lương thực. Tôi nói thật là ít nhất phải sau 5 năm nữa, vì các loại giống cây của ta vẫn còn kém. Tôi tuy là người trẻ trong hàng ngũ ủy viên Trung ương nhưng về lĩnh vực nghiên cứu cây lương thực thì lại là chuyên gia. Nghe tôi nói vậy, các cụ nhìn nhau buồn lắm. Các đồng chí lãnh đạo Đảng ta khi đấy đã tuổi cao cả rồi, biết là với thời hạn như thế, nhiều người sẽ khó mà nhìn thấy cảnh đất nước giải quyết được vấn đề cơ bản này”.

Chương trình quốc gia về cây lương thực đã tập hợp 43 cơ quan nghiên cứu và các trường nông nghiệp trong cả nước, động viên gần như toàn bộ đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vào việc phát triển giống mới, kỹ thuật canh tác và chuyển giao khoa học cho nông dân. Làm từ năm 1978, đến cuối 1980, kết quả của chương trình cũng đã chín muồi, cộng với Khoán 10 tạo nên một tinh thần mới trong người nông dân, trở thành một cú hích rất mạnh để nước ta vượt qua tình thế ngặt nghèo về lương thực, tiến tới trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vị cựu chủ nhiệm chương trình tự hào mỗi khi nhắc lại quãng thời gian công tác đó. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong một giai đoạn rất khó khăn, một chương trình đầu tư có tầm quan trọng sống còn như vậy mà kinh phí nhà nước cung cấp tính theo thời giá bây giờ cũng chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng/năm, rất ít. Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng vẫn khẳng định số tiền đầu tư cho chương trình có lẽ là khoản đầu tư sinh lợi lớn nhất của nhà nước.

Riêng với Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, những đóng góp vào thành tựu của nền nông nghiệp Việt Nam cũng đã đưa ông trở thành một chuyên gia ngành nông nghiệp tầm cỡ được thế giới thừa nhận, được phong danh hiệu Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ), Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Đó là những thành tựu lớn của một đời người và cũng lạ lùng đối với một người mà số phận có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu ông đi vào con đường văn học nghệ thuật.

Học trò của họa sĩ nhưng lại đi trồng lúa

Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật rất nổi tiếng. Cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan*, mẹ là nhà thơ Hằng Phương. Từ thuở bé, ông đã được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, rồi các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, hoạ sĩ Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Sỹ Ngọc... Thậm chí cậu học trò nhỏ tuổi còn được các danh họa hiện đại Việt Nam như Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Sỹ Ngọc trực tiếp dạy vẽ, hướng dẫn những bài học hội họa đầu đời. Cứ theo lẽ thông thường, số phận của cậu là tiếp bước con đường nghệ thuật của cha mẹ, vì bản thân cậu cũng có thiên hướng nghệ thuật và những nhà văn, nhà thơ khi tiếp xúc với Vũ Tuyên Hoàng cũng đánh giá cậu bé này có khả năng cảm thụ nghệ thuật không tồi.

Nhưng số phận Vũ Tuyên Hoàng lại ngoặt sang hướng khác. Khi tốt nghiệp lớp 9 (lớp cuối bậc học phổ thông thời đấy), được nhà nước cử đi học ở Trung Quốc, Hoàng và những người bạn cùng lứa tuổi 15,16 phải theo một chủ trương chung là theo học các ngành khoa học tự nhiên. Các ngành xã hội và nhân văn chỉ tiếp nhận những học sinh lớn tuổi, có kinh nghiệm sống hơn. Theo lời khuyên của các anh lớn tuổi, Hoàng quyết định theo học ngành sinh học tại Đại học Nông nghiệp Quảng Châu (Trung Quốc): “Tôi chọn cái nghề này cũng chỉ do nhớ trong những cuốn sách đã đọc ở nhà có sách kể chuyện về nhà khoa học Mitsurin người Nga chuyên lai tạo giống, thấy cũng mê lắm. Thế là tôi gắn bó với các loại cây trồng từ đấy”.

Hai năm... ngồi chơi

Không được gắn bó với con đường nghệ thuật như ước mơ thuở nhỏ nhưng cậu sinh viên Vũ Tuyên Hoàng vẫn lao vào học tập, vì “khoa học cũng như nghệ thuật, thành công có được không chỉ nhờ vào may mắn”. Năm 1969, sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, đến năm 1973 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài hai hệ thống gene cực mới trên quan điểm sinh học phân tử. Khi đó, đây là một đề tài rất mới trong nghiên cứu sinh học nông nghiệp nên phía bạn đề nghị ông ở lại để làm luận án tiến sĩ khoa học. Nhưng, cấp trên lại gọi về công tác.

Gọi là về nước công tác nhưng một cán bộ khoa học nông nghiệp được đào tạo bài bản như Vũ Tuyên Hoàng lại biến thành một cán bộ “cạo giấy” ở Bộ Đại học. Suốt hai năm, ngày ngày ngồi bàn giấy làm những việc linh tinh, rồi lại lấy xe đạp đi rong chơi đây đó. Cái sự có vẻ lạ lùng ấy xuất phát từ cơ chế quản lý cán bộ khi đó: Những cán bộ trẻ có khả năng nghiên cứu, học thêm lên nữa thường được đưa tạm về Bộ Đại học. Để rồi một thời gian sau có điều kiện thuận lợi lại đưa đi nước ngoài học tập tiếp. Chứ nếu đưa ngay về làm việc ở cơ quan chuyên môn, thuộc biên chế của Bộ Nông nghiệp, giả sử vì lý do này khác lãnh đạo Bộ không đồng ý cho đi học tiếp thì cũng đành chịu.

Thế là ngồi chơi xơi nước ở Bộ Đại học khoảng hai năm, Vũ Tuyên Hoàng lại sang Liên Xô học tiếp, phát triển thêm về đề tài sinh học phân tử rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Trở về Việt Nam năm 1977, quá trình nghiên cứu, cống hiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam của nhà khoa học Vũ Tuyên Hoàng thực sự bắt đầu từ đấy.

Với các đề tài nghiên cứu rất đa dạng, riêng về cây lúa, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng và các cộng sự ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu và triển khai các giống lúa thâm canh, lúa chịu hạn, lúa chịu ngập úng, lúa có hàm lượng protein cao. Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu loại khoai tây trồng bằng hạt, rồi khoai lang có hàm lượng tinh bột cao... Cả như giống táo má hồng trồng rất nhiều trong Nam đã đẩy lùi giống táo Thái Lan. Là cán bộ của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, rồi là Viện trưởng, ông cùng các cộng sự đã thực hiện 58 công trình nghiên cứu được công nhận cấp nhà nước. Một khối lượng công việc đồ sộ cho một đời người. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Và... bị ghen tỵ

Trong cuộc trò chuyện với Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng có kể lại một câu chuyện vừa hài hước, vừa có dư vị chua chát: “Lĩnh vực của tôi là lai tạo các giống cây nhưng một lần tôi còn lai tạo được một giống vật nuôi, được Hội đồng chăn nuôi Bộ Nông nghiệp công nhận là giống quốc gia năm 1990 là con vịt Bạch Tuyết. Tôi làm cùng một kỹ sư chăn nuôi nhưng áp dụng cách lai ghép của giống cây trồng. Thoạt đầu cậu ấy phản đối: “ở trường, em chẳng thấy ai lai tạo giống con như anh cả”. Lý thuyết về chăn nuôi dạy rằng để lai tạo được một giống vịt mới cần phải có đàn giống 10.000 con vịt, trong khi ruộng thí nghiệm của Viện chỉ có vài trăm con. Ít nên tôi bảo làm theo cách của dân trồng trọt. Cũng phải trải qua nhiều lần phân ly giống, từ 40 con vịt của Viện cuối cùng tôi tạo ra được giống vịt trắng toát, lớn nhanh như vịt Anh Đào và lại biết mò cua bắt ốc dưới ruộng như vịt cỏ.

Đoạn cuối câu chuyện này kết thúc không vui như đoạn đầu. “Tuy vịt Bạch Tuyết đã được công nhận là giống mới nhưng có mấy ông chuyên về chăn nuôi không phục, vì lý thuyết của họ nói rằng để tạo được giống vịt mới cần một đàn đông tới một vạn con kia mà. Có vài người ngầm bảo một cậu làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ chọn đề tài là theo dõi giống vịt mới của tôi xem sau ba năm có biến đổi không. Nếu vịt gốc vừa trắng, vừa to như vậy sau vài năm trọng lượng lại bé đi, màu lông lại chuyển sang luôm nhuôm như vịt cỏ thì ai gọi là giống mới được nữa. Việc này tôi cũng biết, nhưng cậu nghiên cứu sinh đó cứ ngấm ngầm thực hiện đề tài ấy, có dám nói với tôi đâu! Đến lúc gần xong luận án mới đến nói thật” - ông kể.

Đấy chỉ là một ví dụ. Rất nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã bị không ít ý kiến phản đối, ngay cả một số cán bộ quản lý của Bộ Nông nghiệp cũng không đồng tình. Nhưng ông chẳng ngại, cứ việc ông ông làm. Các đề tài nghiên cứu mà ông và các cộng sự thực hiện khi hoàn thành đều ra kết quả cụ thể, đều trở thành sản phẩm trên đồng ruộng.

Làm việc phải ra kết quả cụ thể

Một trọng tâm công tác được ưu tiên từ lúc Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng về làm Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Hội là phải tham gia phản biện cho các công trình, dự án lớn của đất nước. Mới đây, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã có ý kiến về di tích Hoàng thành Thăng Long. “Trước nay người mình cứ tưởng là nước mình không có mấy công trình kiến trúc lớn nhưng đâu phải vậy. Các cụ nhà mình ngày xưa cũng chịu chơi lắm, một cái đầu đao nóc điện cũng đã nặng tới 70-80 kg, chứng tỏ ngôi điện có gắn cái đầu đao ấy phải rất đồ sộ. Chỉ là một phần cung điện dành cho hoàng hậu và công chúa ở thôi tôi đã thấy quy mô của nó lớn hơn cả điện Thái Hòa ở Huế rồi”. Nhận thức được giá trị to lớn và quý giá của Hoàng thành, không thể chỉ khai quật một chút rồi lấp đất phủ lên và xây dựng Trung tâm hội nghị quốc tế ở đấy được, Liên hiệp hội, một tổ chức của 60 vạn cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam, đề nghị bảo tồn trọn vẹn di tích. Quan điểm này của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội được lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét và chấp nhận. Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng cũng thúc đẩy quá trình tham gia phản biện của các tổ chức trong Liên hiệp hội đối với dự án thuỷ điện Sơn La. Sau này, trong phương án Sơn La “thấp” đã được Quốc hội phê chuẩn có ý kiến đóng góp của Liên hiệp hội. “Có những việc mà hiệu quả của nó phải qua thời gian lâu dài chúng ta mới có thể cảm thấy hết được. Nhưng người làm khoa học phải bắt đầu công việc từ những điều cụ thể đã”. Cùng với nhiều hoạt động khác, Liên hiệp hội trở thành một tổ chức có uy tín trong xã hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng được Đại hội tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Liên hiệp hội nhiệm kỳ 2004-2009.

Trọng Hiếu
Nguồn: Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh ra ngày 7/7/2004

Thiếu nữ - Tranh: Vũ Tuyên Hoàng
Thiếu nữ - Tranh: Vũ Tuyên Hoàng

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).