Nhà khoa học “chân đất” trên cao nguyên Mộc Châu
HTX 19/5 là đơn vị sản xuất và làm dịch vụ phát triển nông nghiệp kiểu mới, theo mô hình cổ phần. Ngoài tổ chức sảnxuất trong nội bộ, HTX còn làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ trong vùng. HTX 19/5 và người chủ nhiệm được đánh giá cao chính là nhờ có sự nhạy bén về thị trường và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) có hiệu quả. Ở Sơn La, HTX 19/5 là đơn vị đầu tiên phát hiện ra lợi thế của Mộc Châu và đã đi vào trồng hoa, rau sạch, cây ăn quả sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch (nhà lưới, tưới nhỏ giọt, chế phẩm vi sinh…) từ cách đây gần 10 năm. HTX có quan hệ chặt chẽ với Hội làm vườn Việt Nam, với nhiều tổ chức KH&CN và nhà khoa học ở Hà Nội trong lĩnh vực rau quả, chế biến thực phẩm; với Tổ chức ASODIA (một tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Pháp). Từ vài trăm triệu đồng ban đầu, hiện nay HTX đã có gần 10 tỷ đồng vốn lưu động và những tài sản giá trị khác như máy ủi, ô tô tải, ô tô con… Thực tế, HTX 19/5 là đơn vị tiên phong của Sơn La trong việc tạo dựng được thương hiệu rau sạch đối với thị trường Sơn La và Hà Nội từ nhiều năm nay. Rau sạch của HTX đã được tặng Huy chương vàng và Cúp vàng tại Hội chợ thực phẩm chất lượng Việt Nam năm 2003, 2004. Chủ nhiệm Mai Đức Thịnh, trụ cột và linh hồn của HTX là một con người rất năng động, ham học hỏi, say mê nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN (lúc thì anh cầm vô lăng chở hàng về Hà Nội, lúc thì giao dịch với khách hàng qua mạng Internet, lúc thì ở ngoài vườn rau, vườn cây ăn quả, lúc thì mặc áo bờ lu trắng trong phòng thí nghiệm…). Tuy vất vả, nhưng trông anh trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi 40.
Vùng mận hậu nổi tiếng của Mộc Châu hiện đã phát triển trên 3.000 ha, với sản lượng khoảng 35.000 tấn quả/năm. Những năm gần đây, đầu ra rất khó khăn (lúc chín rộ giá chỉ còn 800-1.000 đồng/kg). Một trong những phương án góp phần tháo gỡ đầu ra cho vùng mận hậu là chế biến. Anh Thịnh và tập thể lao động HTX 19/5 đã nhiều năm mày mò nghiên cứu chế biến siro, nước giải khát, ô mai, mứt mận… nhưng chất lượng và giá cả chưa được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, HTX đã thành công trong việc sản xuất rượu vang từ quả mận. Ở miền Nam , có nơi đã chưng cất được rượu mận với độ cồn 40-450, nhưng đạt nồng độ cao (80-90 o) thì chưa ở đâu làm được. Mấu chốt nằm ở công đoạn lên men. Được một số nhà khoa học (kể cả chuyên gia Pháp) tư vấn, anh Thịnh và HTX đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ lên men. Phải mất 5 năm (2001-2005), tốn bao công sức, tiền của, cuối cùng, anh cũng đã tìm ra bí quyết lên men tự nhiên (chỉ dùng men, dùng nhiệt để điều chỉnh mà không hề dùng đường hay bất cứ một phụ gia nào khác). Với phương pháp chưng cất và lọc thủ công bằng thiết bị tự chế, HTX 19/5 đã sản xuất được rượu mận đạt nồng độ cồn trung bình 52-600, sau khi pha chế thành rượu đạt 30-350, cơ bản vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Mặc dù đạt được kết quả như vậy, nhưng mới dừng ở quy mô nhỏ, thủ công. Vấn đề là phải chưng cất được rượu nguyên liệu nồng độ 80-850 và phải lọc rượu sạch hơn, bảo đảm hương vị đặc trưng hơn. Đích cuối cùng của việc nghiên cứu là tổ chức sản xuất, tạo dựng thương hiệu. Đó là lý do ra đời của Dự án sản xuất thử nghiệm rượu mận quy mô 200 lít/ngày của HTX 19/5 do anh Mai Đức Thịnh làm Chủ nhiệm Dự án. Dự án sử dụng công nghệ chưng cất truyền thống của Cộng hoà Pháp, công nghệ lọc, hiệu chỉnh hiện đại của Đức và công nghệ lên men của chính HTX. Mục tiêu của Dự án là tạo ra được sản phẩm rượu mận chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, hạch toán có lãi.
Một dự án có xuất xứ như vậy, của những con người tâm huyết như vậy rất xứng đáng nhận được sự giúp đỡ. Chính vì thế mà Hội đồng KH&CN tỉnh Sơn La đã đặc cách tuyển chọn để thực hiện trong 2 năm 2006-2007. Nói là đặc cách vì theo quy định hiện hành của Nhà nước, chủ nhiệm đề tài/dự án KH&CN phải là người có trình độ đại học chuyên ngành tương ứng trở lên. Còn ở đây, Chủ nhiệm Dự án là anh Mai Đức Thịnh có trình độ học vấn trung học phổ thông. Các thành viên Ban quản trị HTX cũng không ai có trình độ đại học. Hàng năm, tỉnh Sơn La đầu tư trên 15 đề tài/dự án KH&CN với trên dưới 5 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới chỉ có Dự án này là trường hợp đầu tiên được tuyển chọn đặc cách.
Dự án được tuyển chọn đặc cách, nhưng cơ chế quản lý và đầu tư tài chính vẫn không thay đổi. Đối với dự án KH&CN cấp tỉnh, cơ chế đầu tư hiện chỉ có phương thức là thực hiện theo Thông tư liên tịch số 85/2004/TTLT/BTC-BKHCN của liên Bộ Tài chính và KH&CN: Hỗ trợ theo hình thức cho vay một phần kinh phí (tối đa không quá 30% tổng kinh phí đầu tư) và thu hồi 60%. Tổng vốn đầu tư của Dự án gần 5 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản là 2,5 tỷ đồng, chủ yếu là vốn của HTX; vốn sự nghiệp khoa học chỉ hỗ trợ 541,6 triệu đồng, trong đó thu hồi 324,96 triệu đồng. Thực chất, HTX 19/5 chỉ được hỗ trợ 216,64 triệu đồng.
Kết quả của Dự án đã thành công ngoài mong đợi. Nguyên liệu đầu vào được xử lý làm sạch và ngâm dung dịch nước ôzôn. Công nghệ ủ lên nhiệt và lên men tĩnh được hoàn thiện thêm một bước. Rượu được chưng cất bằng công nghệ truyền thống của vùng Midipyrene (Cộng hoà Pháp) đạt nồng độ 80-850. Nhiên liệu đốt là nhiên liệu sạch và rẻ, đó là thân cây ngô sẵn có. Công nghệ chưng bằng với sinh hàn đã bảo đảm cho rượu giữ được hương vị đặc trưng. Sản phẩm đầu ra được lọc qua tháp hiệu chỉnh nên tuyệt đối sạch. Nồng độ, hương vị và kiểu dáng bình đựng được điều chỉnh theo ý kiến của khách hàng. HTX đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ lên men, chưng cất và lọc hiệu chỉnh.
Trong 2 năm sản xuất thử nghiệm (khoảng 50.000 lít), rượu mận Mộc Châu đã được đưa ra thị trường Sơn La và Hà Nội để thăm dò ý kiến khách hàng. Qua nhiều lần hiệu chỉnh, về mặt cảm quan, khách hàng đã đánh giá cao rượu mận Mộc Châu. Theo kết quả điều tra lần cuối cùng của Dự án, phần lớn khách hàng ghi nhận rượu có nồng độ tương đối cao (300), nhưng êm dịu, không gây đau đầu và mang hương vị đặc trưng của mận chín. Giá bán lẻ khoảng 65.000-70.000 đồng/bình (0,5 lít).
Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thuộc Viện Hoá học công nghiệp (Hà Nội) đã xác nhận, rượu đã được lọc sạch an đê hít, kim loại nặng và các chất độc hại khác. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc (thuộc Sở Y tế Sơn La) xác nhận, rượu đạt các chỉ tiêu chất lượng theo TCVN. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La xác nhận, rượu đạt tiêu chuẩn vệ sinh về mặt lý, hoá. Rượu đã được Hội chợ triễn lãm hàng thực phẩm chất lượng Việt Nam tặng Huy chương vàng (2006) và Cúp vàng (2007) vì sức khoẻ cộng đồng. Rượu mận Mộc Châu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và cấp mã số mã vạch; đã đem qua Pháp giới thiệu, được khách hàng Pháp và Tổ chức ASODIA đánh giá ngang với chất lượng rượu mận Pháp. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Chí Thức và anh Mai Đức Thịnh đã được Tổ chức ASODIA mời sang Pháp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. HTX 19/5 đã được sử dụng Logo của vùng sản xuất rượu nổi tiếng của Pháp là Midi pyrene để in trên nhãn sản phẩm rượu của HTX và được trưng bày giới thiệu tại quầy hàng tầng 2 của tháp Eiffel nổi tiếng.
Trong 2 năm sản xuất thử nghiệm, Dự án đã chế biến 780 tấn mận, sản xuất được 74.000 lít rượu tiêu chuẩn (quy ra rượu 300). Ngoài sản phẩm chính là rượu, bã quả mận đã được HTX chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh và phân nước, vừa tạo nguồn phân bón cho rau, hoa, cây ăn quả, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Theo phương án hạch toán, cứ 10 kg mận chế biến ra 1 lít rượu có lãi khoảng 4.000-5.000 đồng, ngoài ra còn lãi khoảng 1.500 đồng từ sản phẩm phân bón. Tính ra, 2 năm sản xuất, nếu bán hết sản phẩm, HTX thu hồi được phần khấu hao theo định mức và có lãi khoảng 400 triệu đồng. Theo quan điểm của HTX, lợi nhuận cao chưa phải là mục tiêu hàng đầu trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm mà vấn đề quan trọng là tạo ra chỗ đứng trên thị trường để mở rộng quy mô sản xuất sau này.
Đối với một Dự án sản xuất thử nghiệm thành công như vậy, thì việc nghiệm thu chỉ còn là thủ tục. Có điều, “nhà khoa học chân đất” thực hành thì tốt, nhưng khả năng viết báo cáo tổng kết lại hạn chế, không viết được dài và trơn tru, chuẩn tắc như nhà khoa học chuyên nghiệp. Anh Thịnh thật thà: “Bảo tôi đi trồng rau, chiết cây, pha chế rượu thì tôi làm được, chứ viết báo cáo cho hay thì chịu”. Tháng 11.2007, Hội đồng KH&CN của tỉnh Sơn La không tổ chức nghiệm thu Dự án tại Sở KH&CN như thường lệ, mà đã tổ chức kiểm tra và nghiệm thu tại chỗ (cơ sở sản xuất). Các thành viên Hội đồng đã được trực tiếp chứng kiến những người nông dân cùng “nhà khoa học chân đất” miền cao nguyên chưng cất rượu đặc sản; chứng kiến vườn rau (giống nhập ngoại), vườn dâu tây quả chín đỏ…, tất cả được bón bằng phân vi sinh được chế biến từ bã quả mận hậu. Tuy Dự án còn có đôi điều thiếu sót, nhưng Hội đồng đã bỏ phiếu nghiệm thu với số điểm khá cao (86,5/100 điểm).
Dự án đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, cho nên nhiều chi phí phải tính đến như bao bì, nhãn mác, quảng cáo, tiếp thị…, đặc biệt vẫn phải chịu đầy đủ thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt. Có thể nói, hành trình đi đến thành công trong việc sản xuất rượu mận của anh Thịnh còn dài và chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Chúng ta tin rằng, với những con người năng động, dám đương đầu với thách thức để ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất như anh Thịnh thì đích đến sẽ sớm đạt được.