Nguyễn Văn Tố nhà nghiên cứu văn học, sử học có tinh thần dân tộc
Năm 1934 - 1935 ông được bầu làm Hội trưởng Hội tri thức.
Ở Việt Nam , đầu thế kỷ XX, danh tiếng của ông được xếp vào loại tứ danh kiệt "Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn" (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).
Đầu năm 1938, theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động một tổ chức công khai chống nạn mù chữ ( Những sự kiện lịch sử Đảng, tập I) và giao cho đồng chí Trần Huy Liệu, chủ bút báo Tin tức, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, giáo sư trường Tư thục Thăng Long tập hợp một số tri thức tiêu biểu có uy tín như Bùi Kỳ, Hoàng Xuân Hãn, Quản Xuân Nam, Lê Thước… họp tại nhà ông Phan Thanh, bàn bạc thành lập tổ chức lấy tên là Hội Truyền bá học Quốc ngữ (sau viết tắt là TBQN) và nhất trí cử Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, đặt trụ sở tại Hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt (phố Hàng Đàn cũ) số nhà 59, nay là 47.
Trong bài Bài học Nguyễn Văn Tốin trong cuốn Những văn nhân chính khách một thời(1993) nhà văn Thiếu Sơn kể lại: "Chữ ông rất đẹp, rõ ràng minh bạch như người ông. Ông còn có đặc điểm không bao giờ chịu ngồi xe cho người ta kéo, chuyên môn cuốc bộ, một ngày bốn buổi từ nhà ông ở phố Hàng Bát tới sở làm ở Trường Viễn Đông bác cổ.
Ngoài ra còn có những cuộc đi bộ khác đến hội quán Hội Trí Tri và trong công tác truyền bá Quốc ngữ. Ông không còn ngày giờ để lui tới những nơi hội hè đình đám của hạng thượng lưu tri thức giàu có những quan Tây và quan Ta.
Tóm lại, ông không thích ở trong giai cấp thống trị, mặc dầu bọn thống trị vẫn kính nể ông. Ông cũng được phẩm hàm của Nam triều và huy chương của Pháp nhưng không bao giờ đeo.
Có những cuộc tiếp tân ở dinh Toàn quyền hay Thống sứ mà ông bị mời thì ông cũng lại cho có mặt, mề đay bỏ túi. Khi lính gác hỏi giấy tờ, ông móc túi ra đưa cho coi, rồi lại bỏ túi đem về. Ông không mặc đồ Tây và quốc phục của ông cũng rất giản dị, vải vóc thô sơ, không lụa là hoa gấm".
Tuy thuộc lòng phải cho thành lập hội nhưng Pháp không ngớt o ép, gây khó khăn cho người học, người dạy. Nhưng cỗ máy TBQN đã khởi động mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Bởi vậy chỉ trong thời gian ngắn từ 1938 đến Cách mạng tháng Tám thành công, gần 7 vạn người đã thoát nạn mù chữ.
Cách mạng Tháng Tám mới thành công, bộn bề khó khăn, thù trong giặc ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Tố mới có dịp gặp nhau. Mến vì đức, trọng vì tài, Bác Hồ mời ông Tố ra giúp nước, ông Tố nhận chức Bộ trưởng Cứu Tế - xã hội (nay là Bộ LĐ-TB-XH) trong Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Sau tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu tỉnh Nam Định. Ngày 2-3-1946, trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, toàn thể đại biểu nhất trí bầu ông làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội) cho đến ngày 8-11-1946 ông Bùi Bằng Đoàn thay thế. Ngày 3-11-1946 ông lại giữ chức Bộ trưởng không Bộ trong Chính phủ Liên hiệp Quốc dân.
Nhân danh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội ông đã lên tiếng ở Đài phát thanh lên án âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Vẫn giọng nói sang sảng hùng hồn, nhưng có vẻ đanh thép, nhiệt thành, thiết tha và cảm động biết bao nhiêu.
Giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, ngày 7-10-1947, chúng cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến, ông bị chúng bắt và giết.
Qua năm 1948, sau khi đánh tan âm mưu tấn công của thực dân Pháp, Nhà nước ta đã tổ chức tang lễ truy điệu Nguyễn Văn Tố. Trong bài truy điệu, Hồ Chủ Tịch đã dành những lời trân trọng, thống thiết, sâu sắc để tưởng nhớ ông:
…. Nhớ cụ xưa
Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng
Phú quý, công danh cụ nào có biết
…
Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu
Sẽ vẻ vang bất diệt
….
Chính phủ khôn xiết buồn rầu,
Đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc.
Sau 60 năm tròn, ngày 10-7-2007 một đoàn đại biểu gồm đại diện Văn phòng Quốc hội Tỉnh Bắc Cạn, Hội sử học, Ban liên lạc Hội Truyền bá Quốc ngữ được sự trợ giúp của nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng đã tìm thấy di hài Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố tại một khu rừng núi bao la thuộc xã Nguyên Phú huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn.
Nguyễn Văn Tố là một nhà nghiên cứu và phê bình văn học cổ nổi tiếng trong giai đoạn 1932 - 1945.
Trên báo Tri Tân, Nguyễn Văn Tố phê bình bộ Việt Nam văn học sửcủa Ngô Tất Tố, nói Ngô Tất Tố dịch câu "Sử Bình Lỗ chư hậu vạn thế di tu" trong Hịch tướng sĩcủa Trần Quốc Tuấn: "sau khi dẹp yên quân giặc, các người sẽ phải thẹn muôn dời" là sai, vì Bình Lỗ đây là thành Bình Lỗ, ông dẫn chứng:
"Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mụcquyển 8 tờ 31, chép lời Trần Hưng Đạo như sau này: "Về đời Đinh Lê chọn được người hiền lương đất Nam cõi mới, phương Bắc nhọc mệt, trên dưới cùng lòng, lòng dân không chán, đắp thành Bình Lỗ mà phá quân Tống".
Ngô Tất Tố trả lời lại:
"Sử cũ không nói thành Bình Lỗ ở đâu, xây từ đời nào. Việt sử khâm địnhchép đời Lý có đào con sông Bình Lỗ để lên Thái Nguyên cho tiện. Vậy thành Bình Lỗ có lẽ về vùng Thái Nguyên - Việt Nam sử lượctuy dịch là: "Trận Bình Lỗ, nhưng chưa rõ trận nào. Xét trong lịch sử chống ngoại xâm của ta từ đời nhà Trần về trước, không có lần nào đánh nhau ở vùng Thái Nguyên, không hiểu vì sao sách này gọi là trận Bình Lỗ".
Nguyễn Văn Tố trả lời:
"Vì ngày trước ông Lý Thường Kiệt phá quân nhà Tống ở đấy. Ông Ngô Tất Tố không hiểu là tại ông không đọc hết câu trên kia chép trong sách Việt Nam sử lượccủa ông Trần Trọng Kim, tập nhất, trang 110, in lần thứ nhất năm 1920. Bộ Khâm định Việt sửquyển 8, tờ 36, dẫn quyển Dư địa chí của ông Nguyễn Trãi như sau này: "Triều Lý đào sông Bình Lỗ, để tiện đường đi lại trong lộ Thái Nguyên".
Trên báo Tri Tânsố 150, Nguyễn Văn Tố phê bình quyển Xã hội của Lương Đức Thiệp như sau:
"Mới đọc qua vài chục trang trên đã thấy nhầm lẫn nhiều lắm. Tác giả lại hay gán tục nước ngoài làm tục nước mình.
Như trang 23 có câu: "Trong xã hội thị tộc Mẫu hệ, quyền gia trưởng quy cả vào tay người đàn bà có cả một bầy con khác bố, sống chung dưới một mái nhà, người đàn bà được quyền chung chạ với nhiều người đàn ông".
Ông Lương Đức Thiệp thấy sách nào chép xã hội ta ngày nay như thế? Các nhà chuyên khảo về xã hội học Âu Á đều nói ở Đông Dương chỉ có vài tốp dân mọi ở phía Nam Trung kỳ như mọi Rađê, mọi Côn ru… là theo chế độ mẫu hệ, nhưng không nói "chung chạ" như ông Lương Đức Thiệp.
Ở bán đảo Mã Lai và mấy vùng xung quanh cũng có dân theo chế độ mẫu quyền, nhưng cũng không thấy chép người đàn bà được quyền chung chạ. Cả những sách ta, sách Tàu và sách Tây cũng không quyển nào chép xã hội ta ngày xưa làm thế, chỉ có ông Lương Đức Thiệp xem sách không hiểu, hoặc không biết so sánh, nên mới bịa ra mà nói.
Chính ngữ "Mẫu quyền" ông cũng không rõ nghĩa. Tự vị chỉ chép có dân Thái cổ cho đàn bà có quyền nhiều hơn đàn ông, gia tài thì đàn bà được quyền chia chứ không phải đàn ông, mà các con đều theo họ mẹ. Chỉ thế thôi, chứ không nói "Đàn bà được quyền chung chạ".
Chế độ "nhất phu đa thê" ở Tây Tạng mới có, mà dân Tây Tạng sở dĩ có phong tục như vậy cũng là hoàn cảnh bắt buộc chứ không phải được quyền".
Đã không hiểu "Mẫu quyền" là gì mà dám nói là người đàn bà ta hồi xưa "được quyền chung chạ".
Đối với bậc anh thư cả nước tôn sùng cũng nhiều câu gàn dở như thế (trang 21) tác giả nói rằng:
"Như ngọn lửa trước khi tắt hẳn còn bùng lên một lần chót, nhưng lực lượng mang tàn của thị tộc mẫu hệ Việt Nam vùng dậy đã kết tinh. Trong hai người đàn bà, hai lực lượng còn sót của chế độ mẫu hệ đã nghiêng lay đến tận nền tảng "Trưng Trắc, Trưng Nhị".
Tác giả xem sách nào mà nói bậy đến như thế? Các sử đều chép rằng hai bà là con gái Lạc Tướng Mê Linh, bà Trưng Trắc lấy chồng là Thi Sách, còn quan lạc tướng Chu Diên. Bấy giờ thái thú Tàu là Tô Định bạo ngược tàn ác, nên hai bà khởi binh đuổi về Tàu, lấy lại Lĩnh Nam , tự lập làm vua - Được ba năm bên Tàu sai Mã Viện sang đánh, hai bà thua lui về Cẩm Khê rồi mất. Dân ta cảm động công đức lập đền thờ… Thế mà tác giả dám nói hai bà là ngọn lửa mẫu hệ có quyền chung chạ với người đàn ông. Nói bậy đến thế mà có người đem ra in thì lạ thật. Không những chép hai Bà Trưng còn chép cả Bà Triệu nữa như trang 16 có câu: "Lần này cũng như lần trước, cuộc nổi loạn chống lại người Tàu cũng lại do một người đàn bà chỉ huy Triệu Ẩu, một đại biểu, một viên kiện tướng cuối cùng của thị tộc Mẫu hệ Việt Nam đã chụt, đồ hẳn dưới kinh tế nông nghiệp đã tới thời toàn thịnh.
Có phải là gàn dở không? Các sử đều chép bà Triệu Ẩu là người quận Cửu Chân, thấy dân ta bị người Tàu áp chế, nổi lên đánh lại, cũng mong theo gương hai bà Trưng để cứu dân ta khỏi vòng lao lung, nên đến lúc mất, dân cũng lập đền thờ… Thế mà tác giả dám nói Bà Triệu là đại biểu, là hiện tượng của chế độ Mẫu hệ Việt Nam . Thật là bậy bạ hết sức".
Trên báo Tri Tânsố 142 ngày 15-1-1944, Nguyễn Văn Tố phê bình quyển Trung Quốc sử lượccủa Phan Khoang.
"… Lời văn giản dị, dùng chữ thường thường ai nghe cũng hiểu, thật đúng là lối văn chép sử, tuy có vài đoạn hình như bắt chước sử Tàu như trang 7,9 có câu:
"Sai Lộ Bác Đức, Dương Bộc bình nước Nam Việt".
Đến trang 331 lại có câu: "bình nước An Nam".
Hai chữ "bình" ở hai câu ấy không nên dùng vì "bình" có nghĩa là "dẹp yên". Người Tàu chép khoe với nhau chứ chưa chắc đã là thật, cứ sự thật mà nói không thiên vị bên nào thì nên dùng chữ "giành" mới phải. Còn chữ "An Nam" cũng không nên dùng, vì hai chữ ấy là người Tàu nói dẹp yên nước Nam . Trong khi Bắc thuộc, nước ta không có chủ quyền, nên phải chịu vậy. Về sau ta tự chủ được thì gọi là "Đại Việt". Từ đời Minh Mạng đến nay ta đã có tên hiệu là "Đại Nam " việc gì lại phải dùng chữ "An Nam" là chữ họ khinh miệt mình?
Đến trang 223 lại có câu: Bấy giờ con cháu nhà Trần là Giản Định Đế, Trần Quý Khoáng nổi lên mưu việc khôi phục, nhưng rồi cũng bị Trương Phụ dẹp tan cả. Chữ "dẹp" ở câu ấy cũng không nên dùng. Thiết tưởng người mình chép sử Namhay sử Tàu, phải giữ lấy bản lĩnh là người Nam , chớ nên bắt chước Tàu quá!
Ấy chính Lê Tắc là người Nam đầu hàng bên Tàu về đời Nguyên, khi ở Tàu có viết quyển An Nam chí lượcchép đến đời Hai Bà Trưng cho là "giặc", thành ra bia miệng ngàn năm".
Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan viết:
"….Những bài gần đây nhất của Nguyễn Văn Tố là những bài đăng trong tạp chí Tri Tân (xuất bản ở Hà Nội). Những bài này đều có tính cách khảo cổ hoặc về lịch sử, hoặc về văn chương, khi thì phê bình khi thì đính chính lại những điều sai lầm….
Có thể nói lối phê bình của Nguyễn Văn Tố là một lối đặc biệt, vì ông chỉ phê bình có một mặt, nghĩa là chỉ tìm những cái dở, cái xấu, cái khuyết điểm trong một quyển sách, chứ không bao giờ kể đến phân hay.
Nhưng thật ra chức vụ của nhà phê bình có phải như thế không? Nhà phê bình cũng là một nhà văn, cũng là một "nghệ sĩ", vậy sao nhà phê bình lại không đi tìm cả cái hay, cái đẹp để cho người đời hiểu một văn phẩm, một thi phẩm hơn nữa? Đó mới thật là giúp cho sự tiến hóa của văn chương nghệ thuật một cách đầy đủ; những nhà văn mới mong có người nâng đỡ cho tác phẩm của mình được thấy ánh sáng mặt trời.
Vậy chỉ đính chính những cái sai lầm, chỉ bới những cái dở không, không đủ.
Trong cuốn Nhà văn phê bình(Nxb Văn học 1996) Mộng Bình Sơn và Đào Đức Chương viết:
"Nhận xét của ông Vũ Ngọc Phan trên đây đi ngược lập trường và quan điểm phê bình của ông Nguyễn Văn Tố.
Trên báo Tri Tânsố 62 ngày 8-9-1942, trong cuộc tranh cãi với ông Ngô Văn Tố, ông Nguyễn Văn Tố đã minh định lập trường phê bình của ông như sau:
"Sự bình phẩm sách người nước ta không ưa. Phần nhiều đồng bào ta không hiểu cái chức vụ của nhà bình phẩm và thường lẫn lộn "cảm giác phê bình" với "khoa học phê bình".
Theo ông Nguyễn Văn Tố thì có hai lối phê bình:
1. Cảm giác phê bình là lối phê bình theo chủ quan, theo ý thích của mình, không căn cứ vào điều kiện khách quan, mọi suy tư để phê bình đều bắt nguồn từ nghĩ riêng rẽ của cá nhân.
2. Khoa học phê bình là lối phê bình theo khách quan, không lệ thuộc vào ý thích của mình, phải lệ thuộc vào chứng cớ của sự việc.
Ông Nguyễn Văn Tố đã đứng vào lập trường "khoa học phê bình" tức là mọi suy luận đều vượt ra ngoài cảm giác chủ quan, chỉ căn cứ vào những chứng liệu để bình phẩm những cái hay cái dở của tác phẩm.
… Còn nếu bảo ngòi viết ông Nguyễn Văn Tố là ngòi viết phê bình một chiều chỉ tìm những cái dở, những cái xấu, cái khuyết điểm trong một cuốn sách để phê phán thì cũng không đúng lắm.
Ví dụ: Trên Tri Tânsố 77 ngày 24-12-1942, phê bình vở kịch Hai Bà Trưng ông khen nhà soạn kịch đã nghiên cứu đúng sử liệu "Nhà soạn kịch đã trích một đoạn trong Nam sử diễn cavà có chua một câu: Theo chỗ khảo cứu của các giáo sư trường Bác cổ Viễn Đông thì Lãng Bạc là vùng đồi ở Tiên Du Bắc Ninh bây giờ, chứ không phải là vùng Hồ Tây như trong Nam sử diễn cachép. Cứ đơn cử một câu ấy cũng đã đủ biết rằng người soạn vở kịch này đã chịu khó sưu tầm, tốn công kê cứu làm mới được…
Thực tế, vở kịch soạn ra rất hợp với những điều đã chép trong sử, khiến cho ai nấy cũng bồi hồi trong lòng bàng hoàng phảng phất như sinh vào thời bấy giờ được mắt thấy tai nghe.
Tóm lại, ông Nguyễn Văn Tố là một người yêu nước, yêu dân tộc, bảo vệ quốc túy, quốc hồn, ông có công lớn trong sự nghiệp văn học Việt Nam, hết lòng lo lắng cho tiền đồ tổ quốc".
Đáng tiếc là tất cả sự nghiệp nghiên cứu của ông chưa được in thành sách, trừ cuốn Phong cảnh và di tích ở Bắc Kỳviết bằng chữ Pháp, dày 22 trang, in năm 1942.
Năm 1997, Hội Khoa học lịch sử Việt Namđã cho in hai công trình là Đại Nam dật sựvà Sử ta so với sử Tàu(sách dày 500 trang) nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn Văn Tố.