Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 19/09/2020 00:41 (GMT+7)

Nguồn nhân lực nào cho xuất bản điện tử ở Việt Nam hiện nay

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất bản, đặc biệt là xuất bản điện tử. Xuất bản điện tử đã tạo ra những tiện ích vượt trội so với xuất bản truyền thống, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, thách thức. Ở Việt Nam, nhiều nhà xuất bản và công ty sách đã mạnh dạn bước vào lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà xuất bản hiện nay là thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ am hiểu về xuất bản điện tử. Bởi vậy, cần có các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực xuất bản điện tử đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến xuất bản điện tử

“Bản chất của xuất bản điện tử là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất gắn với công nghệ đột phá như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, công nghệ di động, phân tích dữ liệu lớn... Vì thế, những thói quen mới của bạn đọc như mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng sách điện tử, sách thực tế tăng cường ảo buộc các nhà xuất bản phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu”(1).

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động toàn diện đến lĩnh vực xuất bản điện tử: từ khâu sản xuất đến phát hành. Sử dụng công nghệ số giúp quá trình xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử bao giờ cũng nhanh hơn; giá thành thấp hơn do chi phí sản xuất để chuyển sang phiên bản số hóa thấp hơn và do khâu in ấn, vận chuyển không còn nên giá thành giảm.  Bên cạnh mô hình sản xuất truyền thống đã có, giờ đây các nhà xuất bản sẽ chuyển từ vai trò từ người sản xuất tạo ra sản phẩm sang vai trò là người cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc và tác giả. Việc ứng dụng thành quả công nghệ thông tin, kỹ thuật số, công nghệ thực ảo sẽ giúp các đơn vị, tổ chức, nhà xuất bản có thể lựa chọn nhiều loại hình xuất bản điện tử hơn từ CDROM, DVROM, audio, số hóa đến sách 3D, sách 4D... Do vậy, sự phát triển của cách mạng 4.0 sẽ là cơ hội cho thị trường sách điện tử ở Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Nhờ có Cách mạng công nghiệp 4.0, quy trình xuất bản, ứng dụng công nghệ, hình thức phát hành, marketing các ấn phẩm điện tử chắc chắn sẽ thuận tiện hơn, thanh toán nhanh hơn do ứng dụng giao dịch điện tử, tự động hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp sách điện tử không bị giới hạn về nội dung và hình thức thể hiện, không giới hạn về dung lượng thông tin chứa trong nó; sách điện tử nhờ những ứng dụng công nghệ hiện đại có thể truyền đạt nội dung một cách vô cùng đa dạng, sinh động do được tích hợp thêm các dạng dữ liệu đa phương tiện từ âm thanh, video đến những hình ảnh thậm chí là hình ảnh 3D, 4D... Bằng sự xóa nhòa mọi ranh giới, giới hạn, xuất bản điện tử đã giúp giảm nhiều công đoạn trong xuất bản truyền thống. Giờ đây, các tác giả có thể đưa sản phẩm của mình dưới dạng định dạng tiện tử thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng bigdata đến thẳng với người đọc mà không cần qua công đoạn biên tập, giới thiệu của các nhà xuất bản.

Kể từ khi Tập đoàn Amazon phát triển Kindle và cho phép các tác giả cung cấp bản ebook truyện của mình để bán, được coi là dấu mốc cho sự bắt đầu của hoạt động tự xuất bản sách online. Loại hình xuất bản này có rất nhiều ưu điểm, như tác giả hoàn toàn có thể chủ động với việc xuất bản cuốn sách của mình; tiết kiệm được chi phí in ấn và vận chuyển sách trong quá trình phát hành; sách phát hành qua mạng internet nên không giới hạn về số lượng, không gian địa lý và phạm vi thị trường. Khi cần chỉnh sửa, điều chỉnh nội dung, các tác giả chỉ cần tạm thời cần tháo gỡ ebook cần chỉnh sửa xuống và thay vào một file mới rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn, do đó, nó hết sức tiện lợi, nhanh chóng. Thậm chí, có loại sách còn có thể tạo ra sự tương tác giữa người đọc và máy đọc sách theo những phương thức nhất định.

Tuy cũng có những hạn chế nhất định, và trên thực tế, loại hình này vẫn chưa thể chiếm thị phần lớn, song, rõ ràng, không thể phủ nhận được sức hấp dẫn và sự lớn mạnh nhanh chóng của loại hình xuất bản này, nhất là ở những nước có nền xuất bản hiện đại và lối sống công nghiệp. Tự xuất bản sách online đang dần dần trở thành một xu thế xuất bản mà bất kỳ một quốc gia nào

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra không ít lo ngại về việc liệu khi sách điện tử được sử dụng những công nghệ tiện lợi và hữu ích nhất thì sách giấy truyền thống có bị thay thế không? Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng, sách điện tử dù có được ứng dụng công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn sách giấy được bởi những giá trị truyền thống và cảm xúc khi được lật giở từng trang thơm mùi giấy vẫn chiếm được vị trí trong lòng của một số lớp đối tượng độc giả nhất định. Tuy nhiên, khi công nghệ 4.0 ra đời nó sẽ là thách thức đối với sách truyền thống, buộc sách truyền thống sẽ phải chia sẻ thị trường và cùng tồn tại song hành với sách điện tử.

Về công nghệ xuất bản và hình thức phát hành, do xuất bản điện tử mới ở giai đoạn phát triển khởi đầu, nên việc trang bị các thiết bị, máy móc ứng dụng của nhà sản xuất và đối tượng tiêu thụ ở Việt Nam còn lạc hậu, chưa theo kịp các nước tiên tiến dẫn đến nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc xuất bản, đồng thời chưa tạo được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, phát hành để giúp người đọc tiếp cận và sử dụng thành thạo sách của nhiều nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, việc đọc sách phải thông qua thiết bị phần cứng, phần mềm, do vậy đòi hỏi chúng phải tương thích với nhau, kéo theo công nghệ hiện đại, phần mềm cũng cần thay đổi theo, từ đó đòi hỏi ngành xuất bản muốn phát triển cần liên tục thay đổi các thiết bị, máy móc cho phù hợp với phần mềm. Trong khi đó, chi phí để đầu tư vào các trang thiết bị, phần mềm này không phải con số nhỏ. Đây chính là rào cản, thách thức rất lớn, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số phát triển như vũ bão dẫn đến hạ tầng, cơ sở vật chất cho xuất bản điện tử nhanh chóng trở lên lạc hậu hoặc không tương thích.

Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, điều đáng lo ngại nhất đối với xuất bản điện tử vẫn là vấn đề bản quyền. Khi công nghệ càng hiện đại thì tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử càng diễn ra phổ biến, trở thành rào cản với các nhà xuất bản, doanh nghiệp muốn phát triển sách điện tử.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ xuất bản bởi đặc trưng cơ bản của xuất bản điện tử là sử dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật số có sự phát triển vượt bậc buộc đội ngũ cán bộ xuất bản phải học cách thay đổi, thích nghi và luôn cập nhật, ứng dụng những tiến bộ mới của khoa học - công nghệ. Đây là thách thức rất lớn cho xuất bản Việt Nam, trong khi trình độ của người lao động và của cả nền kinh tế nước ta chưa bắt kịp với các thành tựu khoa học - công nghệ 4.0 và ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ. Nhiều nhà xuất bản nước ta còn thiếu đội ngũ cán bộ xuất bản có trình độ khoa học - công nghệ cao để quản lý, phát triển sách điện tử.

Thực trạng nguồn nhân lực xuất bản điện tử ở Việt Nam

Hiện nay, công tác đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa, công tác này còn thiếu sự đầu tư, hỗ trợ xứng đáng từ Đảng và Nhà nước, dẫn đến quy mô đào tạo còn nhỏ lẻ. Việc đào tạo chức danh biên tập viên chỉ tập trung ở một số cơ sở đào tạo, như Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Khoa Xuất bản và Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội; Khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ tiêu tuyển sinh ở các cơ sở này rất ít, chỉ vào khoảng 200 đến 300 sinh viên/năm. Về số lượng: Tính đến năm 2019, có 1.159 biên tập viên trên tổng số 5.601 lao động của các nhà xuất bản, chiếm 20,7%. Bình quân 20 biên tập viên của một nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm gần 400 đầu sách. Về chất lượng: Hầu hết các biên tập viên được các nhà xuất bản tuyển dụng chỉ được đào tạo về chuyên môn ở bậc đại học và trên đại học; chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ biên tập, vì thế ảnh hưởng nhiều đến công tác biên tập, nhất là biên tập những thể loại có nội dung chuyên sâu; trong việc xây dựng đề tài, tổ chức bản thảo và thực hiện các quy trình xuất bản...

Ngày nay việc chuyển đổi cơ cấu sách in sang sách điện tử là một xu hướng phát triển của xuất bản hiện đại. Tuy nhiên, nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này đang thiếu, không phải nhà xuất bản nào cũng có thể đầu tư đào tạo, tuyển dụng được đội ngũ lao động có trình độ cao đáp ứng được việc chuyển giao công nghệ xuất bản, phát hành hiện đại của các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao này lại giữ vai trò quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông minh để xử lý dữ liệu làm nên các ấn phẩm điện tử có giá trị, cũng như có vai trò quan trọng trong việc điều khiển và làm chủ công nghệ để ứng dụng cho các hoạt động xuất bản, kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản điện tử. Đây là một hạn chế đến sự phát triển xuất bản điện tử của hoạt động xuất bản hiện nay và trong thời gian tới.

Dưới góc độ đào tạo xuất bản, chương trình đào tạo chuyên ngành xuất bản ở nước ta mới chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu của thực tế, nghĩa là mới làm tốt việc đào tạo nghề xuất bản theo hướng truyền thống. Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc ở các cơ sở đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa chủ yếu các trường vẫn sử dụng phương thức đào tạo truyền thống, nặng về lý thuyết, ít thực hành, thiếu sự gắn kết với thực tiễn khiến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn hay nói cách khác nguồn nhân lực xuất bản sau khi đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà xuất bản.

Ở các đơn vị xuất bản chủ yếu những người làm xuất bản điện tử là cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin, họ có kỹ năng, trình độ về ứng dụng công nghệ nhưng kiến thức về trình độ biên tập, độ nhạy cảm chính trị còn rất hạn chế. Hoặc ngược lại, nhiều biên tập viên có chuyên môn, nghiệp vụ biên tập tốt, nhưng lại không thành thạo về công nghệ. Chính vì vậy, khó khăn lớn nhất của các đơn vị làm sách điện tử ở nước ta là đang thiếu một đội ngũ nhân lực xuất bản điện tử chất lượng cao, đúng chuyên ngành.

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản”, xác định: Xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản, đảm bảo về quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, các tác giả, cộng tác viên trong cả ba khâu xuất bản, in và phát hành ngoài quốc doanh.

Luật Xuất bản năm 2012, Điều 7 quy định: Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản.

Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực được xác định: Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

Kết luận số 19/TB-TW ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Có kế hoạch cụ thể về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoạch định về nhu cầu đầu tư cho đào tạo nhân lực của toàn ngành; Đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới; Tăng cường hạ tầng, thiết bị và chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo; Tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và các đơn vị trong ngành xuất bản”. Đó là những định hướng lớn về chính sách đào tạo nguồn nhân lực xuất bản, nhất là đội ngũ biên tập viên. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo cần sớm kiện toàn, thống nhất mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo các ngành xuất bản, in và phát hành nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực xuất bản đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0.

Xu hướng xuất bản điện tử sẽ giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Với xu thế chuyển dịch này, xuất bản điện tử ở Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế phát triển, sẽ có tác động lớn đến hoạt động của các nhà xuất bản và thị trường xuất bản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, quy trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử không triệt tiêu quy trình xuất bản hiện tại, nó sẽ tồn tại song song trong một nhà xuất bản. Đây là một hướng phát triển nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với việc quản lý, sử dụng nhân lực hợp lý, hiệu quả của nhà xuất bản.

Xuất bản Việt Nam đã tham gia các tổ chức xuất bản trong khu vực và thế giới. Vì vậy, hoạt động xuất bản của Việt Nam cũng phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo cam kết và thông lệ quốc tế, đồng thời phải chủ động tham gia vào các hoạt động xuất bản quốc tế.

Để làm được việc này, ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước thì cần phải có nguồn nhân lực đủ điều kiện về chuyên môn, ngoại ngữ, thông thạo luật pháp quốc tế.

Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong công tác quản lý. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý xuất bản theo từng giai đoạn, đảm bảo sự kế thừa và phát triển, tránh sự thiếu hụt. Có chính sách ưu đãi thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn giỏi vào làm việc tại các nhà xuất bản, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý xuất bản chuyên nghiệp, thành thạo ngoại ngữ, sử dụng tốt các phương tiện, thiết bị điện tử, viễn thông liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật số.

Xây dựng quy trình biên tập theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn ISO 9001:2008, nhằm giúp các nhà xuất bản quản lý hồ sơ, dữ liệu theo đúng quy trình, đồng thời giúp chuẩn hóa công tác biên tập theo các khâu và thể hiện rõ trách nhiệm của biên tập viên theo quy trình xuất bản. 

Xác định tiêu chí tuyển chọn biên tập viên có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phù hợp với thể loại xuất bản phẩm theo chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản nhằm phát huy được sở trường của các biên tập viên. Mặt khác, tập trung phát triển chuyên sâu theo lĩnh vực sẽ giúp nhà xuất bản xây dựng được thương hiệu mạnh về thể loại xuất bản phẩm mình đã lựa chọn.

Thực hiện chính sách đãi ngộ đối với nguồn nhân lực làm công việc đặc thù này như cải thiện và nâng cao thu nhập; điều kiện làm việc; đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị; khen thưởng, bổ nhiệm... Việc thực hiện định mức khoán đối với biên tập viên phải khoa học, phù hợp, không để biên tập viên chạy theo định mức khoán mà tác động xấu đến chất lượng công việc biên tập cũng như chất lượng nội dung sách được xuất bản.

Tổ chức đảng tại các nhà xuất bản cần quan tâm, tạo điều kiện, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên về chính trị, tư tưởng; quan tâm đến công tác phát triển đảng viên đối với đội ngũ biên tập viên; tạo môi trường sinh hoạt, làm việc gắn kết giữa chuyên môn và công tác đảng.

Cùng với việc không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, đội ngũ cán bộ xuất bản phải chủ động, sáng tạo, có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, đạo đức nghề nghiệp, những kiến thức về khoa học - công nghệ cần thiết để có thể tiếp cận với những ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động quản lý chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới.

Cần đổi mới phương pháp dạy và học cũng như mục tiêu giảng dạy ở các trường có chuyên ngành xuất bản. Với các trường đào tạo xuất bản, khi xây dựng chương trình đào tạo cử nhân cần chú ý đến các yếu tố:

Bám sát thực tiễn: Thay vì đào tạo theo chỉ tiêu, số lượng một cách chung chung, các cơ sở đào tạo xuất bản nên thực hiện chiến lược đào tạo thích ứng với xu thế thời đại, đổi mới chương trình học sát với thực tiễn để đáp ứng được nguồn nhân lực xuất bản điện tử. Xuất bản điện tử bao gồm 3 mảng kiến thức cơ bản cần trang bị cho người học, đó là: mảng kiến thức về công nghệ, mảng kiến thức về nghiệp vụ biên tập xuất bản điện tử và quản lý về xuất bản điện tử.

Tích hợp, toàn diện: Cần đổi mới phương pháp dạy và học cũng như mục tiêu giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành xuất bản. Đào tạo về xuất bản điện tử song hành với xuất bản truyền thống, tức là đào tạo đồng thời, lồng ghép giữa quy trình xuất bản truyền thống và xuất bản điện tử, tức là giữa đào tạo phương thức làm sách in và phương thức sản xuất sách điện tử.

Kỹ năng thực hành: Các cơ sở đào tạo cần gia tăng số tiết học thực hành ở các đơn vị xuất bản, với công nghệ thông tin và thiết bị ứng dụng hiện đại. Mục tiêu của đào tạo xuất bản điện tử là đào tạo biên tập viên làm công tác biên tập trong môi trường số hóa. Cho nên, vấn đề đào tạo kỹ năng làm việc thực tế là một ưu tiên trong nội dung đào tạo.

PV.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.