“Người thông thái”
Người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở ĐH Lomonoxop
Sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân khá giả ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình, Vũ Đình Cự thuộc thế hệ những trí thức đầu tiên được đào tạo và trưởng thành trong chế độ mới.
Những năm kháng chiến chống Pháp, ông vào Thanh Hóa học trường dự bị đại học của giáo sư Trần Văn Giàu, cùng với những bạn bè mà sau này thành những trí thức tên tuổi như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng…
Năm 1956, tốt nghiệp khoa 1 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ông được phân công về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên đặt nền móng xây dựng trường này một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất miền Bắc và cả nước sau này, đặc biệt là trong bộ môn Vật lý.
Trong 7 năm – từ 1960 - làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Lômônôxốp, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay gọi là tiến sỹ) và tiến sỹ toán – lý (nay gọi là tiến sỹ khoa học) chuyên ngành vật lý chất rắn với đề tài về màng mỏng từ tính, trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học tại trường này.
Thủy lôi và giải thưởng Hồ Chí Minh
Học thành tài về nước giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất, Vũ Đình Cự dồn hết tâm huyết vào công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa, đặc biệt là xây dựng và phát triển bộ môn Vật lý chất rắn.
Vào một ngày trong tháng 8/1972, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu gọi ông lên phòng làm việc.
Ngay khi GS Cự vừa bảo vệ thành công luận án TSKH ở Liên Xô về, GS Tạ Quang Bửu đã cho gọi lên, hỏi han cụ thể về kết quả nghiên cứu và còn yêu cầu ông đưa cuốn luận án TS cho ông đọc. Có lẽ vì GS Tạ Quang Bửu biết rõ khả năng chuyên môn về vật lý chất rắn của Vũ Đình Cự mà có cuộc gặp hôm nay.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng đã giao cho Vũ Đình Cự nhiệm vụ quan trọng: biệt phái sang Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm thành viên của tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với một số đồng nghiệp ở ĐH Bách khoa và các cán bộ của Bộ GTVT thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt của từ Giao thông – Bách khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của kẻ thù.
Đó là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Nixon và ê kíp đang ráo riết thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Một trong những đòn mà Nixon tung ra để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán Paris là cho máy bay thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc tại cảng Hải Phòng và tất cả các cửa sông, luồng lạch và các huyết mạch giao thông khác hòng làm tê liệt hệ thống giao thông thủy bộ.
Ngày 9/5/1972, Nixon tuyên bố cuộc phong tỏa miền Bắc, đồng thời ra lệnh cho máy bay ồ ạt thả bom từ trường và thủy lôi từ tính, trong đó có loại bom/thủy lôi từ trường mới nhất với cơ chế gây nổ gây nổ thông minh bằng thiết bị kỹ thuật số được quân đội Mỹ đặt cho cái tên: Kẻ hủy diệt (Destructor - DST).
Bộ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đặt vấn đề với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, cùng báo cáo xin ý kiến và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương huy động các nhà khoa học vào cuộc để cùng với ngành giao thông thực hiện việc rà phá bom, mìn, thủy lôi với nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra các giải pháp rà phá hiệu quả và đặc biệt là tránh được thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ Tổ đặc nhiệm GK1 (sau đó còn có thêm GK2, GK3) ra đời từ đây.
Nhận nhiệm vụ, Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở ĐH Bách khoa và Bộ GTVT khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến.
Trong thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” 1 quả DST được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm.
GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho cho các lực lượng rà phá.
Thiết bị nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác.
Trong quá trình tổ GK1 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gần như hằng ngày đều tranh thủ xuống gặp anh em GK1, hỏi han, trao đổi, động viên, thậm chí là cùng tranh luận những vấn đề khoa học nảy sinh.
Sau này, kết quả nghiên cứu GK1 còn được phát triển để rà phá bom mìn trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học – công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.
Những móng nhà khoa học
Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc đời khoa học của Vũ Đình Cự lại đứng trước một bước ngoặt mới.
Năm 1977, ông được điều sang làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Viện Nam , trung tâm nghiên cứu phát triển về khoa học tự nhiên và kỹ thuật lớn nhất vừa được Chính phủ thành lập (năm 1975).
Một lần nữa, Vũ Đình Cự lại trở thành người đi xây nền móng cho một ngôi nhà khoa học.
GS Trần Đại Nghĩa là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, cùng với thế hệ những nhà khoa học lúc đó như Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Vũ Đình Cự… đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Viện.
Trong thời gian làm lãnh đạo của Viện, hoạt động khoa học của Vũ Đình Cự chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ. Ông là người thành lập và trực tiếp làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam ) từ 1980 – 1991.
Từ năm 1984, ông được giao nhiệm vụ thành lập Viện Công nghệ quốc gia và trực tiếp làm Viện trưởng cho đến năm 1991.
Trong thời gian này, Viện Công nghệ quốc gia đã cho ra đời một số doanh nghiệp khoa học – công nghệ, trong đó, thành công nhất là Công ty FPT.
Từ năm 1982, Vũ Đình Cự bắt đầu tham gia Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1987, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa VIII - kiêm nhiệm).
Ngoài nghiên cứu chiến lược, lý luận và ban hành luật pháp, chính sách và các hoạt động xã hội, ông vẫn dành thời gian thích đáng cho lĩnh vực KH-CN mà mình gắn bó: CNTT, điện tử, viễn thông.
Trong nhiều năm liền, ông là Chủ nhiệm Chương trình KH,CN cấp nhà nước về điện tử, tin học, viễn thông.
Đây chính là chương trình nghiên cứu phát triển có quy mô lớn, quy tụ một đội ngũ các nhà khoa học của nhiều ngành như: Đỗ Trung Tá, Phạm Thế Long, Nguyễn Thúc Hải…, và đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều thành tựu nghiên cứu phát triển, đào tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh của ĐH Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình Kỹ thuật số.
Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, giai đoạn này Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ.
Hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả 2 lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Vũ Đình Cự. Một vị bộ trưởng khi trò chuyện với tôi đã gọi ông là “nhà thông thái”.