Người nông dân với giống lúa mang tên Hồng Ngọc
Qua bữa cơm trưa gặp gỡ nhiều nông dân cùng với ông Dưỡng, trong đó có những nông dân trước đây đã được tập huấn chọn tạo giống lúa như ông Dưỡng nhưng họ nói rằng không thể làm được như ông Dưỡng vì ngoài năng khiếu ra, họ không có tính kiên trì như ông Dưỡng để rồi từ tính kiên trì, lòng yêu công việc mình làm, cộng với sự may mắn “khoa học” nhất định ông Dưỡng đã thành công tạo ra một số giống lúa đưa vào sản xuất được nông dân trong vùng và nhiều nơi công nhận.
Ông Dưỡng cho rằng được sự quan tâm của Hội Nông dân huyện, từ đầu năm 2006 ông được tham dự lớp tập huấn nâng cao và cuối năm đó được cử tham dự lớp đào tạo “giảng viên nông dân” do Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức về chuyên đề “Kỹ thuật chọn tạo giống và sản xuất giống lúa”. Sau đó, ông được Phòng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn huyện cử tập huấn lại cho hàng trăm nông dân khác và 3 Tổ Hợp tác sản xuất giống đã được hình thành, trong đó có tổ do ông phụ trách. Là một nông dân bình thường, nhưng ông Dưỡng có ý chí và quyết tâm lớn, ông mơ ước biến những kiến thức đã học thành hiện thực thông qua việc chọn tạo ra những giống lúa đặc sản cho quê hương Óc Eo của mình. Và thật sự ông đã thành công khi đến nay ông đã tạo được nhiều giống lúa có đặc tính tốt, trồng thử nghiệm vào sản xuất như: giống lúa “Óc Eo 2”, có đặc tính cứng cây, thời gian sinh trưởng trên dưới 90 ngày, vụ Đông Xuân năng suất 7-9 tấn/ha, vụ Hè Thu và Thu Đông đạt năng suất từ 6-6,5 tấn/ha, thích nghi sản xuất cả 3 vụ, có gạo trắng và thơm. Giống lúa “Óc Eo 3” cũng có thời gian sinh trưởng, và năng suất, phẩm chất tương đương giống “Óc Eo 2”. Còn giống lúa mang tên “Hồng Ngọc Óc Eo” mới thực sự ấn tượng với tôi và với giống lúa này, sự đóng góp của ông Dưỡng thật có ý nghĩa vào bộ giống đặc sản cho vùng ĐBSCL. Giống này gây ấn tượng với tôi vì từ nhỏ ở quê tôi cũng có giống lúa mùa có gạo lức màu đỏ tía và có gạo trắng màu hồng và cơm có hương vị không phải chỉ theo như ông Dưỡng mô tả mà tôi cũng đã được thưởng thức là có vị ngọt, thơm và cơm dẻo, xốp rất hấp dẫn. Theo tôi nghĩ nó có hương vị tuyệt vời không thua gì chất lượng gạo Basmati của Ấn Độ hay của Pakistan mà tôi đã được vinh dự thưởng thức trong thời kỳ du học ở New Delhi, Ấn Độ và gần đây, được bạn đồng nghiệp Ấn Độ mang sang biếu trong một hợp tác nghiên cứu về lúa gạo xuất khẩu. Và điểm đặc biệt là giống lúa Basmati Ấn Độ cho rằng đó là “của thiên nhiên ban tặng” cho họ mà không có nơi nào có thể có. Thực sự như vậy, Basmati chính gốc nếu đem trồng nơi khác, sẽ không có được hương vị thực sự như được trồng ở một số tiểu bang “chỉ dẫn địa lý” mà là quê hương của Basmati. Còn Pakistan là một nước được chia tách từ Ấn Độ sau khi giành được độc lập khỏi sự đô hộ của người Anh (15/8/1947).
Giống “Hồng Ngọc Óc Eo” được ông Dưỡng cùng Câu lạc bộ Nông dân Thị trấn Óc Eo đặt tên vừa mang tên địa danh vừa gây ấn tượng… Cái tên thật dễ thương và có vẻ quý phái theo kiểu một thôn nữ hiền lành vùng Óc Eo trìu mến chứ không phải theo kiểu kiêu sang như một số cô gái ở chốn thị thành. Tôi hỏi tại sao chọn đặt tên Hồng Ngọc, Ông Dưỡng vui vẻ trả lời: “Hồng” vì nó có màu hơi đỏ hồng sau khi xay chà và “Ngọc” vì gạo là hạt ngọc của trời đất”. Lý do chọn tên gọi thật đơn giản nhưng hàm chứa một ẩn ý sâu xa!
Ông Dưỡng vốn tính thật thà và khiêm tốn cho rằng việc chọn tạo ra giống này là một duyên may mà thôi. Tôi nói với ông rằng, nhiều thành công trong khoa học từ duyên may đó, nhưng mà duyên may có căn cơ khoa học. Sở dĩ, giống Hồng Ngọc có hương vị mà tôi có thể so sánh với Basmati của Ấn Độ là vì nó được lai tạo theo một “ý đồ khoa học” của một người nông dân có ý tưởng khoa học khi nó được hình thành sau nhiều công đoạn và một công đoạn là một tổ hợp các giống gốc mà các giống gốc là “bố”, “mẹ” của “Hồng Ngọc” vốn đã có phẩm chất “vang bóng một thời” và đương thời như giống lúa nổi Tàu Binh hiện nay đã gần như vắng bóng trên đồng ruộng và giống Jasmine 85 hiện đang có phẩm chất “siêu hạng” khó giống nào địch lại. Trong những tổ hợp lai đó còn có những giống từ Viện Lúa Ô Môn có những phẩm chất cần thiết cho ý đồ chọn tạo giống của ông Dưỡng, để rồi cho ra đời “đứa con” đặt tên Hồng Ngọc được xã hội “cưng chiều” khi nhiều nơi ở ĐBSCL đã đến đặt hàng mua lúa chế biến gạo phẩm chất cao cho tiêu thụ đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập khá và cho những nông dân khác có giống để trồng nhằm ngày càng sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng cao.
Hiện nay nói riêng ở các vùng lân cận Óc Eo (các huyện trong tỉnh An Giang), diện tích trồng giống lúa Hồng Ngọc đã lên đến hơn 200 ha. Một sự lan tỏa đáng ghi nhận. Suy nghĩ của tôi là muốn góp phần cùng ông Dưỡng và Hội Nông dân huyện Thoại Sơn làm cho giống Hồng Ngọc ngang tầm với nó và ghi nhận công lao của ông Danh Văn Dưỡng một cách xứng đáng cũng như góp phần ý kiến làm cho luật về “bản quyền tác giả” trở thành công bằng giữa các nhà khoa học trong các Viện nghiên cứu và các “nhà khoa học nông dân”.
Để thể hiện lòng mến khách và giúp cho khách xác định chất lượng gạo Hồng Ngọc thực sự không chỉ nghe, mà thấy và còn được “nếm thử”. Vì thế, sau khi đi thăm đồng về, chúng tôi được gia đình ông Dưỡng tiếp đãi một bửa cơm thân mật với gạo ngon Hồng Ngọc và rượu quý cùng tên được sản xuất từ hạt gạo Hồng Ngọc. Những gì ông Dưỡng mô tả về chất lượng gạo Hồng Ngọc thật không ngoa, tôi không muốn nói thêm nhiều. Điều đặc biệt là rượu cũng ngon chưa từng thấy, nhưng rượu rất dễ uống với tính chất “nhậu” chứ không phải uống thưởng thức như uống rượu bổ dưỡng làm từ một số loại nếp không phù hợp cho “dân nhậu chính hiệu”. Qua bửa tiệc, tôi đã thực sự “say” không phải chỉ say vì rượu Hồng Ngọc có hương vị độc đáo mà còn say với nhiều cảm xúc khác, trong đó có cảm xúc tự hào về những người nông dân Việt Nam .