Người nắm giữ nhiều “hành trang” của Hà Nội
Những ngày cuối năm 2008 này, ông đang dốc sức hoàn thành cuốn “Địa chí Tây Hồ”, vùng đất mà ông bảo có nhiều điều thú vị lắm. Riêng các đầu sách viết về Hà Nội, ông đã có tới 13 cuốn, 4 cuốn chủ biên và 3 cuốn đồng chủ biên.
Không hiểu sao, mỗi lần gặp ông, tôi cứ có cảm giác những đau đáu về mảnh đất kinh kỳ trong ông không bao giờ vơi cạn, dù rằng ông nói “Địa chí Tây Hồ” sẽ là cuốn cuối cùng, nhưng tôi tin đó chưa là dấu chấm hết trong sự nghiệp nghiên cứu về Hà Nội của ông.
1. Trai Hưng Yên, nhưng thuở thiếu thời vì phải di chuyển theo cha làm nghề dây thép nên ông đã sống ở nhiều vùng đất: Thanh Hóa, Huế, Nha Trang, cũng có đôi khi ở Hà Nội. Thủ đô thực sự đón chàng trai trẻ Nguyễn Vinh Phúc từ mùa đông năm 1954 và ông trở thành công dân đích thực của thủ đô từ bấy đến nay.
Giống như đa phần những người làm nghề truyền chữ những năm đầu hòa bình lập lại, nhất là ở các trường tư, mỗi giáo viên thường phải đảm trách vài môn.
Thời đó, ông Nguyễn Vinh Phúc cũng phải dạy văn, sử, địa, tiếng Pháp. Mãi tới khi quốc lập hóa năm 1963, ông mới chuyên dạy văn. Những tiết giảng văn ông dạy cho học sinh phổ thông thời đó dẫu đã cách đây 50 năm, họ vẫn nhắc lại một cách hào hứng và ông cũng công khai hãnh diện vì quãng thời gian tâm huyết truyền nghề đó đã ám ảnh, trở thành một phần trong con người ông.
Những bài giảng về Truyện Kiều, về thơ Hồ Xuân Hương, về thơ Hồ Chủ tịch… học sinh có thể ngây ngất ngồi nghe ông phân tích cả tiết không chán. Ngay cả khi dạy ở trường tư và sau này dạy ở trường cấp III Lý Thường Kiệt, người ta đã biết đến thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc như một hình mẫu của giáo viên văn khối cấp III.
Ngày đó, giới dạy văn miền Bắc vẫn hào hứng bình luận Nguyễn Vinh Phúc là “tay” dạy văn thuộc loại “mả” và những bài giảng văn mẫu của ông khiến dân trong nghề “tâm phục khẩu phục”.
Thời hoàng kim đó, cái duyên của anh giáo “kháu trai” trên bục giảng, cái bản lĩnh sang trọng trong nghề nghiệp và cái đèm đẹp hút hồn trong từng câu chữ từ những bài giảng của ông khiến không ít đồng nghiệp nữ và nữ sinh kín đáo yêu thương. Thế nhưng “ván đã đóng thuyền” từ trong kháng chiến, bà nhà là “o-ri-din” Thanh Hóa, cháu nội của Trần Xuân Soạn.
2. Nguyễn Vinh Phúc thuộc “típ” người không thụ động. Dạy văn, dạy sử, dạy địa mà sách giáo khoa sơ sài, không chính xác thì không thể yên tâm được. Từ trẻ, ông đã khôn nguôi đau đáu về điều đó. Ông ao ước có những tiết giảng thực sự yên tâm, phong phú, chính xác và hấp dẫn.
Ông vạch vòi trong sách báo, nhọc công tìm tòi trong đời sống để tìm ra những thông tin chính xác nhất đưa vào trong bài giảng. Như khi giảng về địa lý Hà Nội có kể tới con sông Tô thật lãng mạn “Sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”. Vậy phải xem từ bao giờ sông Tô đen ngòm và ô nhiễm như hiện nay.
Rồi từ sông Tô lần ra sông Kim Ngưu, cái tên của con sông mà người ta gọi là Kim Ngưu chỉ là một “sáng tạo” mới có từ ba bốn chục năm trở lại đây, do dân tứ chiếng đặt ra. Hoặc khi giảng về lịch sử, tài liệu năm 1955 – 1956 ghi về cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ 19 có kể là Garnier đánh vùng Cầu Giấy, vào làng Hạ Yên Khê.
Nghe cái tên lạ quá, ông liền đi thực địa thì hóa ra đó là do sự phiên âm cẩu thả của Tây thực dân. Tên đúng của nó là Hạ Yên Quyết, tức làng Cót. Rồi cũng từ cái làng Hà Yên Quyết đó, ông đã tìm ra Ngã Ba Ụ, nơi Hoàng Kế Viêm và Tôn Thất Thuyết cho đặt đại bác bắn trại lính Pháp ở nội thành.
Ngay cả khi giảng văn, ông cũng muốn có thêm kiến thức bổ sung vào bài giảng cho phong phú. Khi nói đến bài Thề non nước của Tản Đà ra đời ở nhà ả đào Vân Anh phố Hàng Giấy.
Ông bảo, từ thời tôi lớn lên chỉ nghe nói ả đào ở Khâm Thiên, Vạn Thái… còn Hàng Giấy thì không. Tìm hiểu thì mới biết Hàng Giấy chính là một dãy phố cầm ca có truyền thống. Ít ra từ thời Tây Sơn, ở đây đã có nhiều ca quán với bao danh cầm kỹ nữ mà ông nghè Ninh Tốn đã có thơ ngợi ca…
Cứ thế, thành một đam mê, ông mải miết “đi tìm Hà Nội”, càng đi càng thấy thú vị. Bên cạnh cái lý do rất cá nhân như ông bảo, vì là giáo viên dạy tư nên phải “cạnh tranh”, bằng mọi cách giảng hay để thu hút học sinh, nhưng cũng chính qua đó thêm cơ hội quan sát sự vật, hiện tượng bằng con mắt nhìn công tâm để có những trang viết, những công trình nghiên cứu về Hà Nội một cách tỉ mẩn, kỹ lưỡng cho hôm nay và cho hậu thế.
Dạo những năm 1960 – 1970 hàng trăm bài báo của ông viết về di tích, con người, cõi đất, con phố Hà Nội…đã được đăng đều đặn trên báo Thủ Đô và Hà Nội. Ông đắm mình trong những con phố của “Hà Nội một dáng kiều thơm” để phát hiện ra nhiều điều mà lâu nay mọi người dường như không để ý.
Chẳng hạn như các đường phố Hà Nội hiện nay vốn đều chạy qua các làng: như phố Hàm Long chạy qua làng Hàm Khánh hay phố Vọng Đức chạy qua làng Vọng Đức… Càng đi sâu vào những cái quá khứ đó, ông càng thấy nó vấn vít với mình và rồi ông say mê theo đuổi tìm về những miền quá khứ đó để ngẫm ngợi, suy tư.
Năm 1979 cuốn Đường phố Hà Nội của ông ra đời và cũng từ đó, bạn bè đã gọi ông là nhà Hà Nội học. Chẳng có quy định của một cấp nào, nhưng cái danh xưng mà dân gian phong cho ông đã như chiếc vòng nguyệt quế tặng cho người biết dành trọn vẹn tình yêu với nó.
3. Những năm sau này, khi đã nghỉ dạy học, những khát vọng nghiên cứu sâu về Hà Nội của ông càng có nhiều cơ hội hơn. Với ông, cõi đất Hà Nội thật là đáng yêu, dòng sông dài rộng, mỹ lệ, con người thanh lịch, văn minh – trong lòng Hà Nội còn chứa chất nhiều điều kỳ thú mà không bao giờ có thể khai thác hết được.
Liên tục những cuốn sách về Hà Nội, khi là tác giả, khi là chủ biên, Nguyễn Vinh Phúc bỗng nhiên trở thành cuốn “từ điển sống” về Hà Nội. Không chỉ thông tỏ về các di tích, đường phố, sự kiện của Hà Nội, mà các văn nhân kinh kỳ ông cũng biết một cách tường tận.
Bạn bè ông, văn nghệ sĩ rất nhiều, quan chức cũng không thiếu. Họ có thể là bạn vong niên, là trò ngoan thành đạt, dịp lễ tết đều nhớ đến thầy, như thế là ông vui rồi.
Vốn tính khẳng khái, không thể chấp nhận kiểu người “đem bục công an đặt giữa trái tim người” (Lê Đạt), trong tâm hồn của ông không có chỗ cho sự gượng ép, thói xu nịnh hay muôn lẽ gì khác trong đời sống mà khiến ông khác mình đi.
Vì thế, đương thời ông chẳng giữ chức vụ gì. Đúng phong thái của mình, một “anh giáo viên chân trắng” luôn tham công tiếc việc, ở tận tuổi này, ông vẫn ôm đồm nhiều việc.
Viết sách, viết báo, công trình nghiên cứu, chưa kể còn giữ vai trò ở nhiều tổ chức quần chúng: từng là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Pháp, người đàn ông tài hoa này vẫn đầy hấp dẫn bởi tâm hồn nồng hậu, vẫn say đắm và lãng mạn trước vẻ đẹp và vẫn sống một đời sống phóng khoáng.
Mới đây, gặp lại những trò năm xưa, dù rằng giờ đây cũng đã thuộc loại “lão sinh”, trong ông vẫn rung lên những cảm xúc một thời: Cảm ơn các bạn đã cho tôi /Những giờ phút đẹp để rồi không quên/Nay dù đã cạn nguồn duyên/Mà sao hồn bướm mơ tiên vẫn còn(11/2008).
Là người duy nhất được phong danh nhà Hà Nội học, nhưng cho đến lúc này, ông cũng chỉ nhận mình là một nhà nghiên cứu về một địa phương, mới giới thiệu được một phần nào đó trong bề dày lịch sử của Hà Nội.
Hà Nội còn nhiều điều phải nói, phải khơi dậy. Bởi thế ông luôn luôn chạy đua với thời gian, lúc nào cũng tư duy và làm việc, chẳng bao giờ chịu cho thời gian đứng yên. Điều ông băn khoăn nhất lúc này là chưa tìm được ai nhiệt tình với “món” Hà Nội học này.
Ông chỉ lo rằng, một mai hàng vài nghìn cuốn sách quí của ông sưu tầm, tích cóp bao nhiêu năm lại theo các bà chè chai ra phố!