Người giành “giải đúp” Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Bắc Giang
Sáng tạo nhờ đam mê học hỏi
Ý tưởng sáng tạo “ Hệ thống điều khiển thiết bị tự động đa chức năng” bắt nguồn từ một lần xem chương trình tivi nói về một nhóm sinh viên nước ngoài tạo ra các sản phẩm điều khiển từ chiếc điện thoại di động. Từ những linh kiện thu lượm, em đã lắp thành một mạch điều khiển từ chiếc điện thoại di động. Không dừng lại ở đó, em còn thiết kế thêm các chức năng kích hoạt như kích hoạt bằng cảm ứng chạy tay, kích hoạt bằng remost hồng ngoại, kích hoạt bằng cảm biến ánh sáng đầy đủ 4 chức năng kích hoạt chính và một nút test bằng tay. Toàn bộ linh kiện đều được thiết kế trên một board gọn gàng.
Ứng dụng của sản phẩm được phân theo từng chức năng. Chức năng kích hoạt bằng điện thoại di động, (ở đâu có sóng của nhà mạng là có thể điều khiển được) được sử dụng vào việc điều khiển các thiết bị từ xa khi chủ nhân vắng nhà như bơm nước lên bồn chứa, chăm sóc vườn ươm bằng các loại giàn phun, bón phân hoà tan, phun thuốc sâu...
Chức năng kích hoạt bằng cảm ứng chạm tay điện dung (kích hoạt ở vị trí gần) thường được dùng để điều khiển các thiết bị điện gia dụng như quạt điện hẹn giờ cảm ứng (thay cho chiếc quạt hẹn giờ cơ khí vừa không chính xác lại gây tiếng ồn trong quá trình hoạt động), lắp đèn cầu thang thông minh, đèn cổng, đèn cửa thông minh, thiết bị chống trộm khi kết hợp với loa chíp kêu.
Chức năng kích hoạt bằng cảm biến ánh sáng là khả năng tự động tắt hoặc bật đèn khi trời sáng hoặc tối được ứng dụng điều khiển hệ thống chiếu sáng tự động như đèn công cộng, đèn vườn.
Còn chức năng kích hoạt bằng romost hồng ngoại được ứng dụng ở vị trí dưới 25 m, ứng dụng chức năng này có thể vừa xem tivi mà vẫn điều khiển được quạt bằng chính chiếc điều khiển đó.
Với "Đèn chiếu sáng thông minh", Thái cho biết: “Đây là ý tưởng bắt nguồndo một lần lên mạng tìm kiếm về một số loại linh kiện điện trong đó có công nghệ LED chiếu sáng”.
Sản phẩm này có khả năng tự động bật, tắt đèn dựa vào ánh sáng trong phòng. Tức là đèn sáng khi ánh sáng yếu và ngược lại, tự động chuyển sang tích trữ năng lượng ở pin khi mất điện. Đèn này có ưu điểm là sáng nhưng không toả nhiệt, tiêu thụ năng lượng thấp và có thể sử dụng như một chiếc đèn pin…. “Vừa rồi nhà em mất điện, em sử dụng đèn này rất sáng mà cho cả hàng xóm mượn nữa. Chiếc đèn này rất đơn giản. Em cắt phần trên của chiếc chai nhựa, bởi đoạn này có ren xoáy như chiếc đèn pin, tiện dụng khi cầm nắm rồi gắn các bóng LED và thiết bị nạp pin” – Thái nói.
Vượt khó để đạt được ước mơ
Vũ Văn Thái sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm ruộng, các anh, em đều phải thôi học cao đẳng vì hoàn cảnh gia đình. Nhận thức được điều đó, em đã cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ. Nhiều năm trở lại đây, Thái đều là học sinh tiên tiến của trường Yên Dũng số 1 – Bắc Giang, em học đều các môn nhưng nghiêng về các môn tự nhiên hơn và ước mơ sau này thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội để cùng các bạn tham gia cuộc thi Robocom hàng năm.
Hai mô hình sản phẩm đoạt giải được Thái thực hiện từ rất lâu và “tác chiến” một mình. Để hoàn thiện sản phẩm, Thái đã vò nát không ít bản vẽ trên giấy không ưng ý và tìm hướng di khác. Bằng ý trí, nghị lực và đặc biệt là lời động viên của mẹ, em đã kiên trì mầy mò làm đi làm lại nhiều lần và cuối cùng đã thành công. Em cho biết: “Một hôm hai mẹ con em đi xới lạc, em đã nói ý tưởng này với mẹ. Mẹ em bảo thấy cũng có lý nhưng làm thế nào được đây. Không có tiền, mẹ bán vài chục cân thóc cho em mua một số linh kiện mới nhưng bảo đừng nói với bố bởi bố em nóng tính, lại nghĩ khó có thể thành công nên khi nào xong hãy nói với bố sau. Em đành giấu bố đi mua những thứ mà mình cần. Khi thành công em đã reo lên ôm chầm lấy mẹ, mẹ em thấy con thành công cũng mừng rơi nước mắt”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Trường – bố em cho biết: “Thái là một thanh niên hiền lành, ít nói. Hàng ngày, đi học về cháu thường ra đồng phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Cháu là người ham mê sáng tạo từ nhỏ. Những năm học lớp 2, lớp 3 đã sưu tập những mô tơ của chiếc đài chạy băng hỏng để lắp vào chiếc xuồng bằng giấy chạy trên nước hoặc sáng chế ra thành chiếc cần cẩu từ những củ khoai lang,…. lắp các đồ điện tử rất nhanh mà người lớn phải mất khá nhiều thời gian mới lắp được. Từ ngày Thái bắt tay vào làm sản phẩm, tôi cứ nghĩ là cháu chỉ làm sửa chữa vài thứ đồ lặt vặt cho gia đình hoặc là đồ chơi. Nhưng khi biết đó là mô hình mang đi dự thi thì tôi không tin, nghĩ là viển vông. Một thời gian sau, trên tỉnh gọi điện về là 2 sản phẩm của cháu đoạt giải Nhất và giải Ba toàn tỉnh và đã được gửi đi tham dự toàn quốc tôi rất bất ngờ và đã ôm chầm lấy cháu. Giờ thì tôi đã tin và luôn ủng hộ, con trai tôi thật tuyệt vời”.