Nghiên cứu sản xuất protein bằng kỹ thuật di truyền trên tế bào cây thông và bèo tấm
Hiện nay, số lượng các tác nhân gây bệnh cho người và gia súc, gia cầm ngày càng tăng, buộc con người phải quan tâm đến các phương pháp phòng bệnh. Việc phòng bệnh bằng vaccin đã trở thành một hoạt động quan trọng và là mục tiêu hàng đầu của ngành y tế và thú y của cả nước. Các nghiên cứu trong vài năm qua cho thấy tiềm năng ứng dụng của vaccin uống sản xuất thông qua hệ thống thực vật chuyển gen là rất lớn, không những góp phần giảm giá thành vaccin mà còn mở ra những triển vọng mới của việc ứng dụng công nghệ sinh học thực vật trong nông nghiệp và y học.
Trong các loài thực vật được nghiên cứu để sử dụng làm hệ thống sản xuất vaccin, các loài họ bèo tấm (Lemnaceae) đang được đặc biệt chú ý bởi các đặc tính sau: có tốc độ nhân vô tính rất nhanh, có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao, rất dễ nuôi trồng, không cần các điều kiện đặc biệt như: bảo quản lạnh, chế độ vô trùng... Do các đặc điểm trên, việc nghiên cứu sản xuất vaccin bằng các đối tượng này hứa hẹn rất nhiều triển vọng.
Đề tài bước đầu chuyển thành công gen mã hóa virus gumboro VP2 vào bèo tấm; đánh giá được khả năng miễn dịch khi cho gia cầm ăn bèo tấm có protein nói trên; thiết kế vector mang gen có vỏ protein virus gumboro biểu hiện ở thực vật; xây dựng hệ thống tái sinh và nhân sinh khối ở bèo tấm (Lemna sp.; Wolffia sp.); xây dựng quy trình chuyển gen đạt hiệu quả cao vào bèo tấm (Lemna/Wolffia); chuyển gen vỏ virus gumboro vào Wolffia/Lemna; phân tích cây chuyển gen. Thử nghiệm sản phẩm chuyển gen trên gia cầm...