Ngày về chiến thắng
Tháng Tám năm 1954, lại một vinh dự lớn nữa đối với chúng tôi: Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trao cho Đại đoàn 308 nhiệm vụ vẻ vang, tiến về tiếp quản Thủ đô.
Nói sao cho hết niềm vui sướng này? Vui sướng nhất, cảm động nhất là những đồng chí từng chiến đấu ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến, rồi từ Hà Nội ra đi với lời nguyền ‘ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù’. Những đồng chí chưa từng đến Hà Nội bao giờ đều tha thiết với Hà Nội, đều náo nức với “ngày về”, về nơi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nơi Người phát lệnh “Toàn quốc kháng chiến” và khẳng định kháng chiến nhất định thắng lợi.
Nhưng tiếp quản một thành phố hàng chục vạn dân, một nơi mà trong nhiều năm qua bọn xâm lược Pháp đã lấy làm trung tâm chống phá cách mạng thì đâu phải chỉ là một cuộc tiến quân về trong cờ hoa muôn sắc, kèn trống tưng bừng. Từ tháng sáu, tháng bảy, trong khi Hội nghị Giơ-ne-vơ đang tiến triển còn chưa ngã ngũ, bọn Đế quốc Pháp - Mỹ đã thúc đẩy các đảng phái chính trị phản động do chúng nặn ra, tiến hành hoạt động chống phá. Giữa tháng 7, tại Hà Nội, bọn Việt gian hô hào “quốc dân bình tĩnh”, chúng tung dư luận xảo trá “Việt Minh chia cắt đất nước, nhường Nam Việt cho Pháp để độc chiếm Bắc Việt”, chúng nặn ra cái gọi là “Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt” và cái “Trung đoàn Thủ đô” để tập hợp lực lượng phản động. Tuy nhiên, trò hề vẫn chỉ là trò hề, những cái gọi là “Ủy ban” và “Trung đoàn” ấy không sống được mấy ngày trước không khí tràn đầy phấn khởi của đông đảo nhân dân Hà Nội đang từng ngày từng giờ mong ngóng “ngày về” của đội quân cách mạng, chiến đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Cũng từ tháng bảy, ở Hà Nội mọc lên những “trại di cư”. Cả bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng thống nhất với nhau trong âm mưu cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam . Báo chí của bọn Việt gian lại một dịp làm chiến tranh tâm lý, đưa ra luận điệu “Không thể sống với cộng sản”. Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác, rỗng tuếch, một Hà Nội với đầy cạm bẫy của chúng gài lại. Như vậy, việc tiếp quản Hà Nội là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt trận chính trị, tư tưởng, kinh tế và phải có sự phòng bị về quân sự. Cuộc đấu tranh ấy không chỉ diễn ra khi ta đến, địch đi, mà từ ngày địch cuốn gói từng bước, và một khi ta đến, phải tạo ngay được một không khí mới tin tưởng, phấn khởi, vui tươi, xua tan những lo âu, mặc cảm. Trách nhiệm nặng nề đó, Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Chính vì thế mà Hồ Chủ tịch đã viết “Mấy lời căn dặn các đơn vì bộ đội vào thành”. Người dạy: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn để giành lấy thắng lợi trong hòa bình” (1) Riêng đối với Đại đoàn 308, Hồ Chủ tịch triệu tập các cán bộ từ đại đội trở lên, đến Đất Tổ, dành cho một giờ học tập mà sử sách còn ghi mãi mãi. Chúng tôi đã có một số kinh nghiệm tiếp quản. Nhưng nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội lại khác hẳn. Một mặt, phải đề phòng âm mưu tráo trở và mọi hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ tài sản của Nhà nước cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặt khác, phải mang về Thủ đô một luồng không khí phấn khởi tự hào với chiến thắng của dân tộc, một tinh thần đoàn kết, cách mạng, một phong cách sinh hoạt văn minh, lành mạnh. Đảng ủy và Bộ chỉ huy Đại đoàn xác định đây là một cuộc chiến đấu hết sức phức tạp giữa cách mạng và phản cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, ta quyết thắng và phải thắng trọn vẹn. Toàn đại đoàn phấn khởi triển khai thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này với một tinh thần khẩn trương nghiêm túc và rất cụ thể.
Cơ quan hậu cần lo chuẩn bị vật chất từ gạo, củi, thức ăn đến các nhu cầu lặt vặt khác, bảo đảm cho hàng vạn con người trong một tháng không phải ra mua ở ngoài phố, ngoài chợ. Cơ quan chính trị soạn thảo các tài liệu, in các điều quy định các chính sách, vùng mới giải phóng của Chính phủ để giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sỹ thấm nhuần và động viên nhắc nhở bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành. Trong khi theo dõi công tác giáo dục bộ đội, tôi đã đọc và nhớ mãi một đoạn trong tài liệu giáo dục nhắc nhở cán bộ chiến sỹ đề cao cảnh giác, tích cực rèn luyện giữ vững phẩm chất cách mạng: “Trong chiến tranh anh đã anh dũng xông pha lửa đạn, không ngã trước viên đạn bằng đồng, nhưng hãy cẩn thận trong hòa bình, nếu không giữ được phẩm chất cách mạng, anh có thể “chết” vì những viên đạn bọc đường. Trước kẻ thù hung dữ, trang bị đến tận răng, anh có thể là một anh hùng nhưng đi vào một xã hội xa hoa, phù phiếm, nếu không giữ vững phẩm chất cách mạng chưa chắc anh đã có dũng khí vượt qua…” Sự so sánh thật đối nghịch, tưởng như vô lý nhưng lại là một lời khuyên nhủ chí tình, rất thực tế. Phải tự tin, phải có bản lĩnh, nhưng tuyệt đối không lúc nào chủ quan cho mình là toàn thiện, toàn mỹ cả. Phẩm chất con người không thể chỉ đánh giá bằng năm tháng tham gia đấu tranh cách mạng mà còn là ở tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực liên tục của bản thân để vươn lên theo kịp với đòi hỏi không ngừng của cuộc sống, của nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn khác nhau. Chúng tôi phân công nhau xuống các đơn vị kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị lần cuối trước khi bước vào trận “chiến đấu đặc biệt”. Và ngày về mong đợi đã đến-về trong chiến thắng! Ngày 02/10/1954, đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu một đoàn cán bộ hành chính vào Hà Nội ký nhận bàn giao mọi mặt với đại diện Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Tiếp đó, một số phân đội của Đại đoàn 308 được lệnh vào trước để cùng canh gác với binh lính Pháp tại các địa điểm trọng yếu. Ngày 8/10, gió mùa đông bắc tràn về. Trời u ám, mưa lất phất. Về chiều mưa càng nặng hạt. Phố xá cửa đóng im lìm. Tại thành Hà Nội, quân Pháp làm lễ cuốn cờ. Cũng kèn đồng rúc inh ỏi, cũng những đội lê dương xếp hàng dọc thẳng tắp. Lá cờ ba sắc của đế quốc Pháp từ từ tuột xuống. Tướng Mát-xông, tư lệnh các đơn vị triệt thoái đứng dưới chân cột cờ sơn trắng, buồn rầu giơ hai tay đỡ lấy lá cờ, gấp lại làm tư rồi trịnh trọng giao cho viên quan năm Đắc-giăng-xơ, viên sĩ quan kỳ cựu chuyên coi đám lính gác thành này từ ngày quân Pháp khởi hấn ở thủ đô. Ngay tối ngày 8/10, quân Pháp đã chuyển các bộ phận nặng như pháo binh, xe tăng sang bên Gia Lâm, chỉ còn để lại trong Hà Nội hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp, xe vận tải. Hà Nội náo nức mong chờ đoàn quân chiến thắng trở về. Không khí ngày hội khải hoàn bắt đầu đổ về vùng ngoại thành, bên ngoài các cửa ô. Bộ đội tấp nập kéo về, người xe xếp thành đội ngũ chỉnh tề, dọc các đường cái lớn đi vào Thủ đô. Trong các làng, các thôn xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì, nhà nào nhà nấy sáng đèn, đỏ lửa, quân dân hội họp ca hát, trò chuyện thâu đêm. Ngày 9/10/1954, tại sở chỉ huy đại đoàn đặt ở bên đường Hà Đông - Hà Nội, chúng tôi vui sướng hồi hộp theo dõi từng bước đi của ba cánh quân tiến về Hà Nội theo kế hoạch đã được Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y. Mỗi cánh quân là một tiểu đoàn: Cánh thứ nhất qua ô Cầu Giấy vào vườn hoa Cửa Nam rồi quay sang trái vào tiếp nhận thành Hà Nội, nhà máy nước, phủ toàn quyền. Cánh thứ hai theo đường số 6 qua Cầu Mới vào đến Ngã Tư Sở rẽ phải vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, bệnh viện Bạch Mai, khu ga Hà Nội. Cánh thứ ba tiếp nhận các công sở từ khu vực Việt Nam học xá, Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm Đúng 16h 30 phút, khi toán lĩnh Pháp cuối cùng rút khởi cầu Long Biên cùng với viên đại tá Đắc-giăng-xơ sang Gia Lâm thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo, như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ. Băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu được cắt theo các kiểu chữ cầu kỳ: “Hồ Chí Minh muôn năm!” “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!”, “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!”.v.v… Cổng chào mọc lên san sát suốt dọc các phố lớn, phố nhỏ, lối vào một ngõ ngang khuất nẻo cũng có cổng chào, giăng đèn kết hoa. Vẫn biết Hà Nội hướng về kháng chiến, vẫn biết Hà Nội ngày đêm mong đoàn quân chiến thắng trở về, vẫn biết trong những ngày này Hà Nội đang may cờ, sắm hoa đón ngày chiến thắng nhưng những cái biết trước đó dẫu có mạnh đến đâu cũng không bằng sự sinh động đang diễn ra trước mắt đoàn quân trở về. Mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh với những lo âu, mặc cảm, cửa từng nhà đóng kín, thì sau đó ít phút, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt. Đêm hôm đó, Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giới nghiêm của Ủy ban quân chính thành phố. Nhưng cũng là một đêm giới nghiêm đặc biệt, ra ngoài khuôn khổ từ này. Đường phố sáng rực những dây đèn kết hoa cờ bay phấp phới, nhân dân không ai ra khỏi nhà, nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có đội tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé, bà con trìu mến nhìn bộ đội ta hiền lành, giản dị, dễ thương. Đã hơn ba nghìn đêm kể từ tháng 9 năm 1945, quân Tưởng vào, rồi tháng 3/1946 quân Pháp đến, cho đến bây giờ Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược nên ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình êm ả của đêm giải phóng, ai cũng mong có được một đêm nay để làm kỷ niệm trong đời mình đã từng sống ở Thủ đô.
Sáng nay, sở chỉ huy đại đoàn di chuyển vào sân bay Bạch Mai cùng với các đơn vị bộ binh cơ giới, pháo binh, pháo cao xạ. Phía Tây, Trung đoàn Thủ đô tập trung ở trại Quần Ngựa. Phía Đông Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 tập trung ở Việt Nam học xá. Đại đoàn tiến vào Hà Nội theo ba hướng, tất cả gặp nhau ở Hồ Gươm. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là Trung đoàn 36, Trung đoàn 88. Hôm qua, Hà Nội rợp bóng cờ. Hôm nay, Hà Nội là rừng cờ và hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội “sẽ trở về”, lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật “Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, lời thề còn đây”. Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên như thả những đàn bươm bướm muôn màu nhỏ li ti bay sà vào những chiếc xe trận đang từ từ lăn bánh đi qua. Nhân dân hò reo phất cờ, vẫy hoa. Bộ đội đi giữa rừng cờ, rừng hoa, rừng người tươi như hoa… Từ Hồ Gươm, đoàn quân chiến thắng tiến qua phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân lên Cửa Bắc, vào thành Hà Nội, tập trung tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội. Cả Hà Nội dồn về Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Đã 70 năm kể từ ngày Hà thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, cột cờ do nhà Nguyễn xây dựng hết phải treo cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu Tưởng rồi lại cờ Tây, giờ đây mới được mang cờ Tổ quốc. Tối qua, bộ đội công binh của đại đoàn đã lắp lên đó một ống thép nặng hai tạ, cao 12 mét, cao vút, nâng lá cờ Tổ quốc sừng sững hiên ngang. 15 giờ, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, người nhạc trưởng già quen thuộc với nhân dân Hà Nội. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng -cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trú, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể!” (2) Lời Bác thân mật, tha thiết. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Hồ Chủ tịch muôn năm… Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô. Tôi nén xúc động đọc tiếp thư Bác. Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy “đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” (3) Thư Bác đọc vừa chấm dứt thì tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lại đồng thanh vang động trong sân vận động, qua loa truyền thanh truyền lan qua các đường phố, mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới thanh thản vui tươi, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước. Nguồn: Nhân Dân 09/10/2004. ----- |