Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 17/11/2009 05:03 (GMT+7)

Nếp nhà sàn người Thái

Người Thái có khoảng hơn một triệu người gồm Thái đen, Thái trắng, Man Thanh, Tày Mười, Tày Thanh… tập trung ở Tây Bắc: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An. Người dân sống trên những căn nhà sàn cao ráo, nhà một gian hai chái, thông thoáng, tuy đơn sơ song rất trang nhã. Trong nhà có thể một hoặc nhiều gia đình cùng sống. Mỗi bản Thái có chừng 50 nếp nhà sàn san sát nhau.

Nhà của người Thái đầy tính biểu tượng, liên hệ mật thiết với thuyết âm dương – ngũ hành, tứ thời. Nhà được làm bằng gỗ, tre, nứa cách mặt đất khoảng 1,5m, không dùng đinh mà dùng các loại dây buộc, đòn dầm xuyên qua lỗ cột, sàn lót ván, vậy mà vẫn bền chắc hàng trăm năm.

Người Thái đen có mái nhà hình mai rùa dựa theo chuyện kể rùa thần đã dạy dân cách làm nhà, và ở hai đầu hồi trang trí hai thanh gỗ bắt chéo hình chữ X gọi là khâu cút tượng trưng cho chiếc sừng trâu, biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước; trên đó còn chạm khắc nhiều hoa văn đẹp mắt như hoa sen, chồi non, trăng khuyết… cũng là biểu tượng của mùa vụ. Riêng người Thái trắng, ngoài một bộ phận dùng nhà mái hình mai rùa, còn lại đều dùng mái phẳng gấp góc. Mái nhà sàn có thể lợp cỏ, gỗ, ngói, nhựa hoặc xi măng.

Cửa sổ của nhà sàn khá to, rộng để mùa hè đón nhiều gió mát, và mùa đông che tấm phên tránh được khí hậu lạnh. Trên các bậu cửa sổ luôn tạc một đôi thuồng luồng (cá sấu) - biểu tượng của nước, sự sinh sôi và hạnh phúc; trên các tấm phên cũng có các hình quả trám, hoa ban, chồi non… thể hiện sự tươi trẻ, ngọt ngào.

Sàn nhà bằng gỗ hoặc bương chắc chắn. Đây là nơi diễn ra các hội hè vui chơi. Là nơi các chàng trai ngồi đan lát, thổi kèn; các cô gái dệt vải, thêu thùa; các cụ già kể chuyện và dạy dỗ con cháu học tập…

Quảnlà phần đầu hồi phía trước căn nhà, là nơi thờ cúng tổ tiên, phòng ở của cha mẹ và con trai, ngoài ra còn có một buồng gọi là khơi để chàng rể ngủ ở đây trước khi được phép động phòng cùng vợ. Trong gian thờ có một cột thiêng treo hình rùa thần, ba bông lúa, ba bông thìa là, các gói hạt rau cải, linh vật phồn thực, gương gỗ trừ tà… tượng trưng cho trời đất, sản vật che chở nuôi sống con người. Chanlà phần đầu hồi phía sau, là chỗ sinh hoạt của phụ nữ, cơm nước giặt giũ. Mỗi khu có một bếp lửa giữa sàn để sưởi ấm hoặc đun nấu khi cần thiết. Nam nữ đi theo lối riêng. Nam đi ở cầu thang Tang Quản có bảy bậc ứng với bảy vía, và nữ đi ở cầu thang Tang Chan với chín bậc ứng với chín vía.

Vào thăm phòng ngủ của người Thái, sẽ thấy những tầng đệm, chăn, mền nhồi bông chất cao ngất, và là của hồi môn của các cô con gái. Ở gian của người phụ nữ chính đặt một khung cửi bên cửa sổ nhiều ánh sáng tiện cho việc dệt vải. Ngay dưới sàn nhà cũng có khung dệt là nơi phơi các đồ thổ cẩm rực rỡ gồm cả chiếc khăn piêu vừa để che đầu vừa để quàng cổ, múa trong điệu múa xoè quyến rũ. Chạy quanh nhà sàn là những hàng cau, chè, râm bụt thơm mát. Gần chân cột nhà, nhiều khi có một cái ao nhỏ để nuôi cá đánh bắt được ở suối.

Khác với nhà ở miền xuôi, nhà sàn của người Thái luôn rộng mở đón khách, trong đó có cả chuyện tình riêng tư của trai gái. Khi hai bạn trẻ hẹn hò, đêm tối chàng trai sẽ tới nhà cô gái, đứng dưới sàn đoán chỗ cô gái ngủ và lấy gậy gõ vào đó, điều này đã thành lệ gọi là chọn sàn, cô gái sẽ ra mở cửa và hai người tâm sự thâu đêm. Để phục vụ các bạn trẻ kết giao, người dân còn dựng lên giữa bản một cái nhà sàn không mái, đôi lứa sẽ tâm tình ở đấy.

Người Thái rất hiếu khách. Khi đến thăm bản, khách sẽ được mời uống rượu, ăn cơm lam, măng chua, rau đắng, cá hấp và thịt nướng. Rượu cất bằng ngô/lá quả rừng. Cơm lam làm bằng gạo nương/lúa nước nướng trong ống tre non sau đó chấm với muối vừng và ăn với cá hấp hay thịt trâu/lợn nướng, hun khói. Thích nhất là món xôi nếp thơm lừng nóng dẻo sau khi đồ đổ ra nong, dùng tay vo thành từng nắm. Món xôi đã đi vào trong thơ của thi sĩ quân đội Quang Dũng: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Khi no say, khách có thể ngả lưng ngay bên bếp lửa hoặc nằm trên đệm bông êm ái phóng tầm mắt ngắm những mái nhà ẩn trong vòm cây, bên vách núi mây mờ, bên dòng sông con suối và các thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ. Lắng tai nghe tiếng hát, tiếng khèn và tiếng mõ trâu đâu xa về bản.

Đêm ở bản Thái vào ngày lễ hoặc khi có khách đều như ngày hội. Chỉ cần một hai gia đình có khách là cả bản đến thăm, ngồi kín các gian phòng. Gia chủ sẽ tổ chức khoản đãi. Bếp lửa được nhen giữa nhà sàn, vò rượu to ngày thường để bên vách nhà nay mang ra đón mời. Các thức ăn có gì bày nấy, song cũng đủ món, thứ để trong đĩa, thứ gói lá, thứ kẹp que. Chủ khách cứ thế tay bốc (cũng dùng đũa), thoải mái tự nhiên. Đêm càng xuống, chén rượu càng thêm đậm đà. Ai cũng như mê say trong ánh lửa bập bùng, ngả nghiêng cùng những cô gái Thái duyên dáng trong bộ áo cóm, khăn piêu đắm đuối trong điệu xoè hoa, múa sạp và những câu hát mời rượu nồng nàn. Uống đã ngà ngà mà người cứ tiếp mãi, với những lời đẹp đâu nỡ chối: Em lựa hạt nếp thơm/ ủ tình em thành rượu/ Mời anh xin uống cạn/ Men rượu hương tình em/ Đựng sợ say hãy uống/ Đây là chén rượu tình/ Đón khách phương xa tới/ Nâng chén đi người ơi…

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.