Một vài đặc điểm của nền văn minh Việt
Nhà sử học người Anh, Arnold Toynbee chuyên nghiên cứu các nền văn minh nhân loại cho rằng: Trên thế giới có hàng trăm đất nước, hàng nghìn dân tộc, nhưng chỉ có 34 nền văn minh. Nền văn minh Việt là một trong 34 nền văn minh đó. Nền văn minh Việt ra đời sau nền văn minh Triều 200 năm và trước nền văn minh Nhật 200 năm. Cả ba nền văn minh này đều có sự hấp thụ một phần từ nền văn minh Trung Hoa cổ đại.
Một đặc điểm nổi bật đầu tiên của nền văn minh Việt là sự hình thành dân tộc từ rất sớm. Dân tộc Việt được hình thành từ sự cố kết các bộ tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và thiên tai dịch hoạ. Bởi vậy để có thể tồn tại, ý thức dân tộc của người Việt đã được định hình từ rất sớm. Có thể nói từ sự thúc bách của cuộc sống và cuộc chiến đã tạo nên sự hình thành dân tộc Việt. Qua các thời đại sự cố kết dân tộc ngày càng được chặt chẽ, những cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Minh. . .đã đi vào huyền thoại, trở thành những thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt.
Một nét đặc biệt nữa trong nền văn minh Việt là “sự không chối từ” (chữ dùng của J.Fey). Nền văn minh Việt rất cởi mở trong việc tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm phong phú nền văn minh của mình. Đó là điểm xuyên suốt trong quá trình lịch sử dân tộc Việt, có thể thấy rõ sự đan xen trong văn hoá Việt-Hán, sự hoà nhập trong văn hoá Việt-Pháp, và cả văn hoá Việt-Mỹ. . .Đó là sự hoà nhập chứ không phải hoà tan, một sự chọn lọc tất yếu của những tinh hoa văn hoá. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, với một không gian văn hoá rộng lớn, sự pha trộn ảnh hưởng hấp thụ lẫn nhau là một tất yếu. Chính điều đó đã tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh Việt.
“Sự không chối từ” đó còn là tư tưởng không bài ngoại. Đã có nhiều tôn giáo tới Việt Nam và tôn giáo nào cũng tìm được cho mình những mầm mống tốt khi họ gieo những “hạt giống” vào vùng đất này. Các tôn giáo đến Việt Nam đều có những sắc thái riêng. Thật khó tìm được ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới có một Thiên chúa giáo vừa thờ chúa vừa thờ cúng tổ tiên, và sẽ chẳng bao giờ thấy được một Hồi giáo như ở Việt Nam chỉ được lấy. . .1 vợ(*). Đạo Phật đến với người Việt từ khá sớm, từ thế kỷ thứ II, đem đến tư tưởng sắc sắc không không và quan niệm vô thường trong cuộc đời, nhưng cũng đề cao sự tương cảm (compassion) giữa vạn vật và chúng sinh. Đạo Phật đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn Việt. Ở Việt Nam luôn có tinh thần khoan dung (tolerance) và không hề có chiến tranh tôn giáo.
Nói đến nền văn minh Việt còn là nói đến Hằng Số Mẹ. Hình ảnh người phụ nữ được đề cao, coi trọng và không có sự phân biệt nam nữ như nền văn minh Việt “Tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ”, . . .Kìa dáng ai như dáng mẹ, dáng chị tôi”. Hình ảnh người mẹ, người chị đã trở nên rất thân thuộc trong cuộc sống thường ngày. Tín ngưỡng thờ nữ thần là một đặc trưng cơ bản của cư dân trồng lúa nước. Điều này ta sẽ không thể thấy được trong nền văn minh Trung Hoa rộng lớn với tư tưởng Nho gia trọng nam khinh nữ, hay trong sự phân tầng xã hội bàlamôn một cách gay gắt như Ấn Độ. Và càng không thể tìm được trong nền văn minh trọng dương, ưa chinh phục, ưa mạnh mẽ như người phương Tây.
Huyền thoại về mẹ Âu Cơ đã khơi nguồn cho sự ra đời của dân tộc Việt, người mẹ đã dẫn dắt dân tộc Việt lên non xây dựng cơ đồ. Chính vì thế chế độ mẫu hệ còn để lại chứng tích khá rõ nét trong đời sống xã hội của cư dân Việt.
Có thể kể thêm một nét đặc sắc nữa trong nền văn minh Việt là ngôn ngữ Việt. Một ngôn ngữ với tiếng nói độc âm, có sáu thanh rất giàu nhạc điệu, đủ khả năng diễn tả mọi tư tưởng, tình cảm của người Việt. Trong không gian phương Đông bao trùm bởi sự ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, ngôn ngữ của người Nhật, người Hàn đều là sự cách tân vay mượn từ ngôn ngữ Hán. Ngôn ngữ người Thái, người Malaysia đều là sự ảnh hưởng của ngôn ngữ Ấn. Ngôn ngữ của người Việt đã có sự khác biệt bằng hệ thống chữ La tinh giữa bầu trời văn hoá phương Đông rộng lớn.
Nền văn minh Việt còn là sự thấm đượm tư tưởng trọng thực tiễn, chứ không thực dụng. Người Việt rất coi trọng thiên nhiên, mỗi gốc cây là một vị thần, mỗi ngon núi là một thần linh “núi có Thổ công, sông có Hà bá”. . .Chính bản chất coi trọng thiên nhiên nên người Vịêt luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên. Đó không phải là tư tưởng thần bí (mystique) hay tư tưởng siêu hình (pensée métaphysique). Sự gần gũi với thiên nhiên đã giúp người Việt bám trụ với mảnh đất đầy bão lũ khắc nghiệt.
Tục thờ cúng tổ tiên cũng là một nét riêng rất đặc sắc trong nền văn minh Việt. Đây còn là một mặt của chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam . Tục thờ cúng tổ tiên là sự thấm nhuần lòng yêu thương con người, sự biết ơn đối với cha anh. Không những thế đó còn là sự kính trọng đối với những vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh. . .Tục thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào tâm hồn Việt, nó không phải là một tôn giáo mà là một nét riêng trong bản sắc văn hoá Việt.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập với thế giới, mỗi dân tộc cần nhìn nhận lại mình trước khi tham gia vào cuộc chơi. Vốn liếng của mỗi dân tộc không là gì khác mà chính là nền văn minh của họ. Dân tộc Việt cũng vậy, chúng ta có một nền văn minh thật tuyệt vời, điều đó đòi hỏi mỗi con người đất Việt phải biết gìn giữ và phát huy. Làm sao trong quá trình hội nhập vào đại dương nhân loại, soi xuống đó ta vẫn thấy được hình bóng của nền văn minh Việt, vẫn thấy được dáng dấp của cây tre mảnh mai gầy guộc nhưng đầy sức sống đến lạ kỳ như chính dân tộc Việt Nam .
……………..
(*) Quy định của đạo Hồi là đàn ông có thể lấy 4 vợ.
Nguồn: Kiến thức ngày nay (số 547)