Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 03/12/2008 00:27 (GMT+7)

Một trái tim vì những trái tim

Ðiều cốt lõi là lòng yêu nghề, có tình yêu thương con người sâu sắc. Một phẩm chất hàng đầu là tính trung thực, làm việc nghiêm túc, tính chính xác đến tuyệt đối.

Giáo sư, TSKH Phạm Gia Khải, nguyên là Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam ...Duyên nghiệp

Tôi gặp GS, TSKH Phạm Gia Khải trong căn phòng nhỏ tại Viện Tim mạch. Bên chén trà sen thơm mát, người thầy thuốc suốt đời chỉ có tâm niệm  mang lại hạnh phúc cho người bệnh, đã có những khoảng lặng để nhìn lại những gì đã trải qua trong suốt cuộc đời.

Ông bảo, suốt mấy chục năm, nghề này đã vận vào ông như một định mệnh...

Ông kể: "Từ nhỏ tôi đã rất thương các loài vật nuôi trong nhà. Tôi nhớ hồi mới lên năm tuổi, nhà nghèo, dành dụm mãi, mẹ tôi mới mua được một con chim bồ câu làm thức ăn cho cả nhà. Tôi đã khóc mãi vì thương con vật bé nhỏ. Lúc đó trong trí óc còn non nớt, mình ước có thể làm một việc  để cứu sống được con chim. Và từ đấy, tôi  mơ ước lớn lên mình sẽ làm một nghề gì có thể cứu người và cứu sống những con vật bị thương, mặc dù  ngày đó tôi không biết đó là nghề gì...".

Ông sinh ra ở Hà Nội, cha là một trí thức yêu nước, mẹ là con gái nhà Nông học Nguyễn Công Tiễu, người đã phát hiện tác dụng của bèo hoa dâu (Azolla). Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, người cha lên đường theo kháng chiến, người mẹ ở lại Hà Nội cùng gia đình và tham gia hoạt động cách mạng trong nội thành.  Phạm Gia Khải tham gia công tác liên lạc ở Thành đội Hà Nội. Năm 1953, anh theo học ở trường Trung học của Pháp tại Hà Nội, đỗ Tú tài phần I, anh được sang Pháp học tú tài phần II.

Vì học giỏi, anh được chính phủ Pháp giữ lại, và hứa tạo công ăn việc làm với nhiều đãi ngộ. Trong tâm niệm, anh chỉ muốn đem những kiến thức đã học về phục vụ công cuộc kháng chiến mà cả dân tộc Việt Nam đang đấu tranh gian khổ để giành độc lập tự do, nên anh quyết định về nước.

Anh đã được các đồng chí Phạm Văn Ðồng, Trần Duy Hưng ân cần giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để anh tiếp tục được học tập tại Ðại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp, anh được phân công về làm việc tại bộ môn Nội của trường, vừa làm công tác điều trị, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trong chiến tranh, anh đã từng có mặt tại Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Bình, Vĩnh Linh và có thời gian phục vụ trong bênh viện K69 của chiến trường Trị-Thiên-Huế. Suốt mấy chục năm sau, dù đã làm việc ở nhiều nơi, nhưng Bệnh viện Bạch Mai gần như là ngôi nhà mà anh gắn bó nhiều  nhất.

Giáo sư Khải tâm sự : "Phải nói đó là những năm tháng không thể nào quên, chính nơi đây đã giúp tôi trưởng thành, thấy mình có ích, biết thông cảm với những người bệnh, chia sẻ vui buồn với họ. Khi tôi xác định phải chọn một chuyên ngành thì may mắn được GS Ðặng Văn Chung chọn về học chuyên khoa tim mạch. Thầy đã truyền lại cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề và luôn dạy tôi: "Nghề y là nghề gắn liền với khoa học, cả một đời gắn liền với tấm áo blu trắng...".

Nhớ lại ngày đầu bước chân vào nghề, giọng nói của Giáo sư như nghẹn lại, Vuốt mái tóc bạc trắng, ông kể : " Có một kỷ niệm khi mới ra trường đến giờ vẫn hằn sâu trong tôi. Ðó là một đêm đông ở Hà Nội, mưa rất to, tôi được phân công đi khám bệnh ở bãi Phúc Xá. Khi bước chân vào căn nhà cấp bốn, hở trước, trống sau, gió lạnh thổi từng cơn buốt cóng, một người mẹ trẻ ôm đứa con mới 16 tháng tuổi, ngồi nép vào góc giường. Cháu bé bị sốt cao do viêm phế quản cấp. Tôi đã cố hết sức vận dụng kinh nghiệm đã học để cứu chữa cho cháu, nhưng cháu vẫn qua đời, mẹ cháu gục xuống, còn tôi ôm cháu,  nước mắt chảy ròng ròng. Tôi thương cháu, thấy sự bất lực của bản thân và do bấy giờ thiếu thốn thuốc men và các trang thiết bị cấp cứu. Ám ảnh đó trở thành động lực suốt đời của tôi. Giá như trong điều kiện bây giờ thì những trường hợp đó tôi hoàn toàn có thể cứu sống được cháu bé...".

Tiếng chuông điện thoại trên bàn làm việc vang lên. Nghe xong điện thoại, với nụ cười hiền hậu, Giáo sư nói: "Cuộc điện thoại vừa rồi là của vợ một người bệnh được tôi mổ tim tháng trước, lúc đó tưởng ông ấy không qua được. Ðây là trường hợp một giáo sư, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, cần can thiệp sớm, khi đến trước cửa phòng chụp mạch, đột ngột  tim người bệnh ngừng đập, chúng tôi đã đặt máy tạo nhịp để tim tiếp tục đập và can thiệp nong động mạch, đặt stent (giá đỡ). Ông giáo sư đã được cứu sống. Bây giờ thì ông ấy đã khỏe và xuất viện, bà vợ vừa gọi điện, vừa khóc vì mừng...".    

Dạy học - viết sách - cứu người

Nói tới những đóng góp của GS, TSKH Phạm Gia Khải không thể không nhắc đến những công trình nghiên cứu trong việc điều trị dị tật tim, van tim hẹp bẩm sinh, hẹp eo động mạch chủ, thăm dò điện sinh lý tim, đưa năng lượng sóng radio vào đốt...

Trước năm 1995, nước ta chưa có cơ sở y tế nào thực hiện kỹ thuật nong van hai lá không phải mổ, nong động mạch vành bị hẹp và đặt stent (giá đỡ), bít các lỗ thông bẩm sinh giữa các buồng tim, đốt các ổ phát sinh loạn nhịp tim từ trong tim... Vì thế, tính mạng của những người bị bệnh van hai lá, tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thông liên thất, thông liên nhĩ, rối loạn nhịp tim... luôn bị đe dọa, nhiều  trường hợp bị tử vong. Phương pháp duy nhất có thể cứu họ lúc bấy giờ là phẫu thuật, nhưng hiệu quả của phương pháp này quá thấp, và nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong cao.

Giáo sư Khải có may mắn được phụ trách Viện Tim mạch thời đất nước mở cửa, giao lưu quốc tế nhiều hơn, và được tiếp xúc với những chuyên gia bậc thầy của thế giới về tim mạch, nên đã có điều kiện nghiên cứu, học hỏi làm cho cá nhân ông và ngành Tim mạch Việt Nam có bước tiến bộ và phát triển vượt bậc.

GS Phạm Gia Khải là người chỉ đạo các công trình. Nhưng ông nói,  những  thành  tựu đó không thể tách rời sự đóng góp to lớn của các đồng nghiệp. Cùng với các đồng nghiệp, GS Khải đã biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa, sách chuyên ngành tim mạch có giá trị, như cuốn Bệnh học nội, Ðiều trị học, Thực hành bệnh tim mạch...

Ðã bước vào tuổi 73, nhưng GS Phạm Gia Khải vẫn không quản ngại đến những nơi xa xôi, miền  núi, vùng cao cùng đồng nghiệp đi giảng dạy và giúp các cơ sở tim mạch tại các bệnh viện trong cả nước. Nay ông không còn làm công tác quản lý nhưng hằng ngày căn phòng làm việc của GS Phạm Gia Khải vẫn luôn sáng đèn.

Cán bộ, nhân viên của Viện Tim mạch vẫn luôn cần sự giúp đỡ chỉ bảo của ông và những người bệnh vẫn rất cần đến ông.

Giáo sư "tổng kết" những năm tháng hoạt động của mình trong cụm từ: Dạy học, viết sách và cứu người. Ông đặt ra cho mình nguyên tắc và đó là lẽ sống của ông: Học cả đời, còn sống là còn học. Ngoài lòng ham học thì sự từ tâm và khiêm tốn là những tính cách mà ông cho là rất cần thiết đối với người thầy thuốc.

Sự nghiệp của GS Phạm Gia Khải gắn liền với sự phát triển của những tiến bộ y học trong việc phát hiện, điều trị và khống chế những căn bệnh liên quan đến tim mạch. Ông xứng đáng với các phần thưởng và danh hiệu cao quý Nhà nước trao tặng: Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba, Anh hùng Lao động,  Giải thưởng Nhà nước về Ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.