Một số bệnh thường gặp ở dê
Bệnh sán dây
Nguyên nhân và cách lây lan: Moniezia expansa và Moniezia benedeni là 2 loại sán dây ký sinh ở ruột dê, có thể dài vài mét, thân nhiều đốt. Các đốt sán phía sau chứa đầy trứng và được thải ra ngoài theo phân. Túi trứng màu trắng, dài 1 đến 1,5cm. Ve, bét ăn phải trứng sán trong đất, trứng sán phát triển thành ấu trùng sán (Cysticercoids). Dê ăn phải ve, bét có ấu trùng sán. Sán dây không hút dinh dưỡng bằng mồm, mà hấp thụ qua biểu bì sán. Khoảng 50 con sán ký sinh có thể làm dê chết.
Triệu chứng: Bệnh thường biểu hiện ở dê trên 6 tháng tuổi, dê còi cọc, xù lông, bụng xệ, chậm lớn... Ta có thể nhìn thấy các đốt sán trong phân.
Điều trị: Dùng Niclosamide, cho uống 50mg/kg thể trọng, có hiệu lực cao và rất an toàn.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là không chăn thả dê ở khu vực ẩm thấp, có ve, bét cư trú và định kỳ 6 tháng một lần tẩy sán bằng thuốc hiệu lực cao cho toàn đàn.
Bệnh đau bụng
Nguyên nhân: Do bị nhiễm giun sán, ngộ độc hoặc ăn thức ăn, nước uống kém phẩm chất, không đảm bảo vệ sinh...
Triệu chứng: Bệnh thường thấy ở dê con. Đường tiêu hoá đau khiến dê cong gù lưng lại, thở nhiều, đi loạng choạng, hoảng loạn, cơn đau tăng dần đến khi dê chết.
Điều trị: Dê lớn uống 1/4 lít dầu gai hoặc 1 cốc rượu mạnh pha vào 2 cốc nước; mỗi giờ cho uống một lần tới khi hết cơn đau. Trường hợp đau dữ dội, dùng thuốc giảm đau như mocfin, chữa bằng cách tẩy giun, sán...
Bệnh axetôn huyết
Nguyên nhân: Do khẩu phần mất cân đối dinh dưỡng hoặc do biến động của hệ thống nội tiết...
Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra ở dê nuôi nhốt, mới đẻ. Dê ốm yếu, dạ dày co bóp yếu và chậm, nhai lại thất thường, cơ bắp co giật, hàm cổ cứng đờ. Con vật đau đớn buồn bã, mắt kém, mắt có ghèn, có mùi axêtôn trong nước tiểu và nước sữa.
Điều trị: Thay đổi khẩu phần thức ăn và dinh dưỡng tốt hơn, cho ăn thêm đường mật, rỉ đường, tiêm coctizon 300mg hoặc hidrococtizon 60-100mg vào bắp thịt. Tiêm glucoza vào tĩnh mạch.
Phòng bệnh: Cho dê mới đẻ ăn cỏ non giàu dinh dưỡng và bổ sung thêm đường, mật, muối khoáng... trong khẩu phần ăn.
Bệnh chướng hơi dạ cỏ
Bệnh do cho dê ăn nhiều thức ăn bị ôi, mốc, nhiều nước, ít xơ và dễ lên men sinh hơi hoặc trong thức ăn có nấm độc; thay đổi loại thức ăn đột ngột (như từ thức ăn thô sang thức ăn thô xanh non ngon chứa nhiều nước, có nấm lên men sinh hơi...). Chướng hơi (thứ cấp) cũng có thể gặp xảy ra khi dê bị cảm lạnh do ướt nước mưa, viêm ruột, bội thực, tắc cuống họng do nuốt phải dị vật như quả táo, cà rốt...
Triệu chứng: Giai đoạn đầu của bệnh, dê mệt mỏi, khó chịu và bỏ ăn. Bụng, đặc biệt là hông bên trái căng, gõ tay vào nghe như tiếng trống. Lâu dần dê đứng xoạc chân, đi loạng choạng, nhu động dạ cỏ yếu dần và mất hẳn. Giai đoạn cuối cùng, dê chảy dãi, mắt trợn ngược và chuyển động tròn, niêm mạc mắt, mồn tím tái, thể hiện cơ thể thiếu ôxy và sắp chết...
Điều trị: Can thiệp kịp thời là rất cần thiết.
Chướng hơi thứ cấp:Can thiệp bằng ống thông dạ cỏ hoặc tháo bỏ dị vật khỏi cuống họng.
Chướng hơi do thức ăn:Cho dê uống 100-200ml dầu ăn, hoặc rượu tỏi. Cho dê hoạt động và chà xát vùng dạ cỏ nhiều lần sau khi uống dầu hoặc rượu tỏi sẽ làm tăng cường nhu động dạ cỏ và thoát hơi. Trường hợp bệnh nặng phải chọc trôca vào dạ cỏ phía trên hông trái để thoát hơi. Sau đó tiêm kháng sinh 3-5 ngày.
Bệnh thiếu máu
Nguyên nhân: Do thiếu sắt, cô ban, nhiễm độc máu...
Triệu chứng: Dê ốm yếu, mệt mỏi, biếng ăn, các niêm mạc nhợt nhạt, bệnh xảy ra ở dê mọi lứa tuổi.
Điều trị: Xét nghiệm ký sinh trùng và điều trị nếu bị cảm nhiễm, bổ sung muối khoáng, cô ban, sắt và tiêm B12...
Phòng bệnh: Thay đổi khẩu phần thức ăn và dinh dưỡng tốt hơn, phòng trị ký sinh trùng.
Nguồn: Kinh tế nông thôn VAC – Chuyên đề dân tộc thiểu số và miền núi, số 29, 18/07/2005