Một người thầy đầu tiên
Nhìn lại những ngày đầu thành lập Tổ ngôn ngữ, có thể thấy giáo sư Hoàng Phê đã có nhiều đóng góp tích cực vào các vấn đề nghiên cứu chữ viết (cải tiến chữ Quốc ngữ), vấn đề chuẩn và chuẩn hoá tiếng Việt. Đặc biệt vấn đề chuẩn và chuẩn hoá ngôn ngữ đã được ông nghiên cứu khá sâu sắc và toàn diện. Trên cơ sở lí thuyết coi ngôn ngữ vừa là một phạm trù ngôn ngữ, vừa là một phạm trù xã hội - lịch sử, coi chuẩn ngôn ngữ vừa là nhân tố ổn định lại vừa là nhân tố phát triển, ông đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này.
Cống hiến lớn nhất của giáo sư Hoàng Phê cho ngôn ngữ học Việt Nam là ở lĩnh vực ngữ nghĩa học và từ điển học. Đi sâu nghiên cứu ngữ nghĩa học về lí luận và về thực tiễn tiếng Việt, ngoài nhiệm vụ mở đường cho một chuyên ngành ngôn ngữ học còn mới ở nước ta hồi bấy giờ, còn có mục đích thúc đẩy sự hình thành bộ phận từ điển học và nhằm làm cho công tác biên soạn từ điển giải thích đạt chất lượng tốt nhất.
Công trình Lôgic – ngôn ngữ học khẳng định được rằng có một lôgic của ngôn ngữ học tự nhiên mà con người dùng trong giao tiếp. Phân tích logic của ngôn ngữ tự nhiên qua những cứ liệu với nhiều biểu hiện trong tiếng Việt, trên cơ sở thực tế tiếng Việt, tác giả đã mạnh bạo đề xuất một số khái niệm, một số vấn đề lí thuyết và bước đầu hệ thống hoá chúngt hành một sự phát triển nhất quán về quan điểm lí luận. Cuốn sách chứng tỏ người viết luôn luôn nắm bắt kịp những khuyng hướng học thuật mới trên lĩnh vực này. Ông là một trong số ít người đi tiên phong trong việc nghiên cứu ngữ nghĩa của lời của từ ngữ trong giao tiếp, trong hoàn cảnh phát ngôn cụ thể. Những khái niệm như tiền giả định, hiển ngôn, hàm ngôn, toán tử logic hình thái…ít nhiều đã gắn với tên tuổi của tác giả. Khám phá đặc điểm logic của ngôn ngữ tự nhiên, tác giả đã đề xuất nhiệm vụ xây dựng một bộ môn khoa học chuyên ngành: logic - ngôn ngữ học.
Công trình Chính tả tiếng Việtkhảo sát một cách toàn diện đối tượng theo từng vấn đề chính tả cụ thể, tồnt ại trong cách viết theo các phương ngữ: 1, chính tả các phụ âm đầu; 2, chính tả các phụ âm cuối; 3, chính tả các khuôn vần; 4, chính tả các thanh điệu và 5, chính tả các âm tiết Hán - Việt. Trên cơ sở khảo sát một dung lượng tương đối đồ sộ bao gồm tất cả mọi từ ngữ có vấn đề chính tả, cuốn sách không những đã khái quát mọi đặc điểm chính tả tiếng Việt, mà còn chỉ ra được những quy tắc chính tả giúp cho việc dạy, việc học chính tả một cách có phương pháp, có hệ thống, và giúp cho việc biên soạn từ điển chính tả. Đồng thời với việc công bố các kết quả khảo sát, còn có phần nhận xét và hướng dẫn về chính tả, các bảng thống kê toàn bộ các vấn đề chính tả đối với từng địa phương lớn trong cả nước.
Từ điển vầnthu thập toàn bộ các khuôn vần của âm tiết tiếng Việt. Kèm theo mỗi khuôn vần là toàn bộ các âm tiết và danh sách các từ đơn tiết tương ứng, các từ đa tiết, cũng như mọi đơn vị thành ngữ tính có yếu tố cuối cùng là âm tiết đó. Đây là một tài liệu rất cơ bản đối với việc nghiên cứu ngữ âm học, từ vựng học tiếng Việt và đặc biệt là đối với việc nghiên cứu vần trong thơ ca. Nó có ý nghĩa khoa học không nhỏ, là cơ sở cần thiết và quan trọng cho nhiều công trình nghiên cứu khác về tiếng Việt.
Mọi công trình nghiên cứu khoa học riêng của giáo sư Hoàng Phê cũng như công trình chung đồng tác giả mà giáo sư chủ trì (sẽ đề cập ở phần cuối) đều có đặc điểm chung và chứa đựng một nội dung hết sức phong phú về tư liệu thực tế tiếng Việt đã qua sự lựa chọn tiêu biểu, một cơ sở lí luận được đúc rút vững chắc, kết quả của một sự tham bác và nghiền ngẫm đến thấu triệt những thành tựu và thông tin cập nhật về các vấn đề cơ bản có liên quan, một phương pháp xử lý khoa học tối ưu với mọi dữ liệu và dữ kiện. Cho nên, các sản phẩm khoa học của ông viết ra dù lớn hay nhỏ, mọi kiến giải vấn đề ở chỗ này hay chỗ khác, đều thể hiện một cách nhất quán quan điểm và tư tưởng học thuật của một nhà khoa học có trình độ và bản lĩnh. Nhiều tác phẩm của ông, nhiều luận điểm riêng của ông được những người đi sau nhắc đến, được tiếp tục phát triển, đang có tác dụng dẫn đường trong nghiên cứu tiếng Việt và ngôn ngữ học. Từ cương vị một nhà nghiên cứu, ông thật sự xứng đáng trở thành “người thầy đầu tiên” của giới ngôn ngữ học Việt Nam hiện tại.
Công trình Từ điển tiếng Việtdo Viện Ngôn ngữ học chủ trì và giáo sư Hoàng Phê chủ biên, cho đến nay đã xuất bản 12 lần, con số in ra đã tới hơn 14 vạn cuốn, là cuốn từ điển giải thích tiếng Việt tốt nhất từ trước tới nay. Từ điển phản ánh thành tựu nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa, vận dụng lí luận và phương pháp của từ điển học thế giới để phân tích, miêu tả nghĩa của các đơn vị từ vựng tiếng Việt trên cơ sở hơn 3 triệu phiếu tư liệu thực tế của việc dùng từ ngữ rút ra từ các tài liệu văn bản sách báo tiếng Việt từ thời trung đại đến nay. Toàn bộ cuốn từ điển có đến 10 vạn lời giải thích (định nghĩa) nghĩa của từ, kèm theo sự hướng dẫn việc dùng từ theo các phong cách và phạm vi sử dụng trong tiếng Việt hiện đại. Vì vậy có thể nói, sau khi cuốn từ điển này ra đời và được phổ biến rộng khắp, chúng ta có những căn cứ cơ sở để nói và viết theo chuẩn mực thống nhất, người nghiên cứu tiếng Việt có điều kiện sử dụng cả một kho từ điển khác (kể cả những từ điển Việt - tiếng nước ngoài) có thể kế thừa đảm bảo được độ chính xác khoa học. Các công trình nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa, các luận án nghiên cúu sinh nhờ đó đã có một chỗ dựa vững chắc về tài liệu thực tế tiếng Việt đầy đủ và đáng tin cậy từ trước tới nay.
Chất lượng và giá trị khoa học của cuốn từ điển đã được dư luận trong nước và cả trên thế giới mặc nhiên thừa nhận. Cái tên “Từ điển Hoàng Phê” mà người dùng từ điển tiếng Việt hiện nay quen gọi chính là sự ghi nhận xứng đáng công lao và tâm huyết của người chủ biên, mặc dù ai cũng biết đó à một công trình tập thể của Viện Ngôn ngữ học.
Trước khi công bố hai công trình Từ điển tiếng Việtvà Logic – ngôn ngữ học, giáo sư Hoàng Phê đã từng đăng trên tạp chí Ngôn ngữ nhiều bài viết như Phân tích ngữ nghĩa (1975), Ngữ nghĩa của lời (1981), Tiền giả định và hàm ý tiềm tàng trong ngữ nghĩa của lời (1982), Logic của ngôn ngữ tự nhiên (qua ngữ nghĩa một số từ thường dùng) (1982), Toán tử logic – tình thái (1984), Thử vận dụng logic mờ nghiên cứu một số vấn đề ngữ nghĩa (1985)…Cũng trên tạp chí Ngôn ngữ, ông còn đăng nhiều bài khác về chuẩn và công tác chuẩn hoá, về công tác từ điển và nhiệm vụ biên soạn từ điển tiếng Việt. Những khi có dịp ra nước ngoài, ông còn phát biểu, thuyết trình những tư tưởng khoa học, những dự định nghiên cứu của mình về lí luận chung và về tiếng Việt. Chẳng hạn ở Nga, những lần làm việc với các học giả ở Viện tiếng Nga, Viện Phương đông và Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô… Trong những cuộc trao đổi khoa học ấy, nhiều học giả nước ngoài đã có nhiều ý kiến đánh giá cao nội dung khoa học, những đóng góp mới của ông trên lĩnh vực nghiên cứu ngữ nghĩa và từ điển học. Bài viết được in trong tuyển tập “Cái mới trong ngôn ngữ học nước ngoài” (bằng tiếng Nga) tập XVI, (1985) là một sự cổ vũ, đồng thời là một sự khẳng định giá trị khoa học của các kiến giải lí thuyết trong tác phẩm của giáo sư Hoàng Phê. Ngoài ra, với những đề tài nghiên cứu trên, ông còn trình bày trong nhiều báo cáo khoa học khác tham gia các hội thảo quốc tế và trong nước.
Giáo sư Hoàng Phê là một nhà khoa học có kiến thức rộng và chuyên môn sâu, cộng với một vốn am hiểu tiếng Việt được tích luỹ vô cùng phong phú, một phương pháp học tập và làm việc không ngừng được cải tiến theo kịp trình độ tiên tiến hiện đại. Gần đến tuổi 80, ông còn đi vào tin học, cốt để có điều kiện sử dụng những phương tiện tin học phục vụ cho công tác nghiên cứu biên soạn từ điển. Ngoài 80 tuổi, ông vẫn ngày đêm làm việc bên máy, viết lách và biên soạn từ điển Hán - Việt cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời. Các công trình, tác phẩm của ông, với chất lượng và giá trị thực tiễn của nó đã qua thử thách của xã hội và phần nào với thời gian, xứng đáng được đánh giá cao về phương diện khoa học.