Một bác sĩ Việt Nam đoạt giải thưởng luận án TS xuất sắc nhất của Đức
Điều đáng nói là giải thưởng này do Hội đồng xét duyệt chủ yếu gồm các giáo sư của ĐH Heidelberg - một ĐH Y khoa hàng đầu của Đức - quyết định. Tham gia giải thưởng là tất cả các luận án tiến sĩ được hoàn thành từ năm 2005 - 2007 trong toàn nước Đức nhưng chỉ có một giải thưởng duy nhất. Và Lê Minh Khôi đã "ẵm" được giải duy nhất đó, dù anh chưa phải là tiến sĩ y khoa.
Sau đây là cuộc trò chuyện của bác sĩ Lê Minh Khôi xung quanh giải thưởng và công việc.
- Là một bác sĩ Nhi khoa đến từ Việt Nam, làm nghiên cứu sinh tại ĐH Rostock , lĩnh vực nghiên cứu - học tập chính của bạn là gì?
Vì ở Việt Nam tôi chủ yếu làm việc ở chuyên ngành hồi sức cấp cứu nhi khoa nên sang Đức vẫn theo hướng đó. Tuy nhiên, trong hồi sức nhi khoa, tôi quan tâm nhất đến nhiễm trùng huyết (NTH) và suy đa phủ tạng vì đây là những bệnh lý thường gặp trong hồi sức, việc điều trị khó khăn, chi phí tốn kém và tỷ lệ tử vong rất cao.
Ngay cả ở Mỹ hàng năm có đến 500.000 đến 700.000 trường hợp NTH được chẩn đoán và có đến khoảng 250.000 người tử vong vì bệnh này.
Chi phí trung bình cho mỗi ca điều trị NTH ở Mỹ là 22.000 USD, tức mỗi năm nước Mỹ phải chi 16,7 tỷ USD cho việc điều trị bệnh này. Có thể nói nếu chưa hiểu NTH thì chưa thể là bác sĩ hồi sức. Chính vì vậy sang Đức, tôi tập trung nghiên cứu NTH và suy đa cơ quan xảy ra trong NTH. Mục đích ban đầu chỉ là để củng cố những kiến thức miễn dịch sinh lý bệnh của NTH cũng như học tập cách thức điều trị của các nước tiên tiến.
- Để hoàn thành nghiên cứu này Khôi đã mất thời gian bao lâu và có gặp khó khăn gì không?
Khi qua Đức, tôi tập trung nghiên cứu hội chứng suy đa cơ quan xảy ra trong NTH và tập trung vào một trong những cơ quan quan trọng nhất là gan.
Trong NTH, gan không chỉ là mục đích tác động mà còn tham gia vào quá trình phát sinh bệnh. Nếu xảy ra suy gan trong NTH thì việc điều trị cực kỳ khó khăn, tiên lượng bệnh sẽ rất nặng nề. Để thực hiện đề tài này tôi mất hai năm trời và với một thời gian biểu dày đặc (đến nỗi các nghiên cứu sinh Việt Nam bên này cũng phải ớn).
Còn về khó khăn thì có thể nói rất nhiều. Ai cũng biết là cách đào tạo đại học bên mình rất "kinh viện", không tạo cho sinh viên tính tự chủ. Hơn nữa, lần đầu tiên tiếp xúc với những phương pháp nghiên cứu mới, tôi cũng bỡ ngỡ nhưng nhờ các giáo sư, đồng nghiệp cũng như các kỹ thuật viên ở Đức nhiệt mình giúp đỡ, cộng với sự nỗ lực của tình nên công việc cũng thuận lợi.
Giáo sư hướng dẫn tôi là người đã có mấy mươi năm nghiên cứu về lĩnh vực gan mật, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội nghiên cứu Vi tuần hoàn và lưu biến học của Đức nên bà có tổ chức một nhóm nghiên cứu về gan mật (trong đó có cả ghép gan thực nghiệm), theo đó tôi cũng vào quỹ đạo chung.
- Điều gì khiến Hội đồng duyệt thưởng xuất sắc cho luận án của bạn?
Như trên đã nói, NTH và suy đa cơ quan là một vấn đề nan giải của y học hiện đại. Có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này trong nhiều thập kỷ qua tuy nhiên tỷ lệ tử vong vẫn cao. NTH không phải là hậu quả trực tiếp của vi khuẩn mà là hậu quả của phản ứng cơ thể chống lại sự xâm nhập này. Gần đây người ta phát hiện được một trong những cơ chế quan trọng gây suy đa cơ quan trong NTH là hiện tượng chết tế bào lập trình (apoptose).
Darbepoetin alpha là thuốc đã được dùng điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận, trẻ sơ sinh đẻ non. Gần đây, người ta lại biết cơ chế tác động của nó là chống lại hiện tượng chết tế bào lập trình. Một số nghiên cứu đã chứng tỏ thuốc này có tác dụng bảo vệ não và tim chống lại quá trình chết tế bào lập trình.
Kết hợp hai sự kiện này, tôi nghiên cứu tác dụng của thuốc trong việc làm giảm hiện tượng tổn thương cơ quan trọng NTH. Kết quả cho thấy thuốc này có tác dụng chống tổn thương vi tuần hoàn gan, giảm viêm, giảm chết tế bào, giảm tổn thương gan. Tôi đã công bố phát hiện này trên một tạp chí nghiên cứu bệnh học rất có uy tín của Mỹ là Amercan Journal of Pathology.
Từ phát hiện này, nhóm nghiên cứu của tôi đã tiếp tục xem xét thuốc có tác dụng làm giảm những tổn thương trong quá trình ghép gan, đẩy nhanh sự sinh sản tế bào gan sau ghép thực nghiệm hay không và cũng đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Có thể nói, đây chỉ mới là nghiên cứu thực nghiệm. Để áp dụng trên bệnh nhân, còn cần nhiều nghiên cứu cụ thể hơn nữa mới đi đến kết luận cuối cùng. Tuy nhiên dù sao đây cũng là một phát hiện mới, gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo về tác dụng của Darbepoetin alpha trên gan trong những bệnh lý khác nhau.
- Là một "đại diện của Việt Nam", Khôi nhận thấy có những khoảng cách trong trình độ, nhận thức về y học giữa Việt Nam và thế giới hay không? Nếu có thì làm thế nào để rút ngắn khoảng cách đó?
Nghe câu hỏi này, thật lòng tôi hơi buồn vì khoảng cách giữa y học Việt Nam và thế giới khá dài. Còn phải làm gì để thu hẹp khoảng cách? Câu hỏi này khó trả lời nổi, nhưng trước mắt để đừng tụt hậu quá, không thể không đi ra nước ngoài mà học tập.
Qua quá trình học tập và nghiên cứu, cố gắng thiết lập được những mối liên hệ hợp tác nghiên cứu khoa học là hay nhất. Nếu kết hợp được với các trung tâm đào tạo và nghiên cứu ở nước ngoài thì các công trình nghiên cứu khoa học trong nước sẽ có khả năng phổ biến ra thế giới, được ghi nhận rộng rãi hơn. Qua đó, chắc chắn trình độ y khoa của Việt Nam sẽ dần dần được cải thiện. Không thể đóng cửa ngủ yên với những gì mình có.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như ở mình mà đã có thể thực hiện được những kỹ thuật tiên tiến của thế giới thì đó cũng là điều đáng khâm phục.
- Cuối cùng, Khôi có thể "bật mí" một chút về "giá trị vật chất" của giải thưởng mà Khôi vừa được nhận?
(Cười) Cũng không đến nỗi tệ, bằng khoảng vài ba năm tiền lương của tôi ở Bệnh viện TW Huế.
- Xin cảm ơn Khôi về cuộc trò chuyện này.
Nguồn: T/c Hoạt động khoa học, 8/2007