Mấy ý kiến về vương triều Mạc trong sách giáo khoa
1. Một số nghiên cứu mới về vương triều Mạc.
Riêng về Vương triều Mạc, từ nhũng năm 1990 đến nay đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học, thu hút đông đảo các nhà sử học có uy tín tham gia, nhiều công trình nghiên cứu đã được ấn hành, như:
- Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chí, Trần Lâm, Nguyễn Bá Văn (1993), Mĩ thuật thời Mạc, Viện Mĩ Thuật xuất bản;
- Viện Sử học (1995), vương Triều Mạc, NXB Khoa học xã hội;
- Nguyễn Văn Sơn (1996), Di tích thời Mạc vùng dương kinh (Hải Phòng), Luận án tiến sĩ Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học;
- Viện sử học và Hội đồng Khoa học Lịch sử TP. Hải Phòng (1996), Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử,
- Đinh Khắc Thuận (1997) Văn bia thời Mạc và đóng góp của nó trong nghiên cứu Lịch sử Việt Nam thế kỉ XVI, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Viện Hán Nôm;
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2000), Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc,
- Đinh Khắc Thuận (2001 ), Lịch sử Triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB Khoa học Xã hội;
- Mạc Đường (2007), Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá Vương triều Mạc. NXB Trẻ;
- NXB Văn hoá dân tộc (2001, tái bản 2007), Hợp biên Thế phả họ Mạc,
- NXB Lao động, Gương sáng dòng họ (Mạc), tập 1 (2002), tập 2 (2004), tập 3 (2008) ...
- Trên trang Web mactoc.net đã đưa khá đầy đủ thông tin về dòng họ Mạc, và các chi họ Mạc và gốc Mạc trong cả nước; đưa ra nhiều ý kiến của các nhà khoa học đánh giá lại các định kiến của một số sử gia trước đây về nhà Mạc.
- Nhà nước đã công nhận Dương Kinh (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) là di tích Văn hoá – Lịch sử quốc gia và đầu tư xây dựng khu Tưởng niệm các vua Nhà Mạc, hoàn thành trong dịp kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội;
Di tích Lăng miếu Mạc Đĩnh Chi tại Long Động, Nam Sách, Hải Dương cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng lại và chính quyền địa phương tổ chức lễ tưởng niệm hàng năm. Kết quả nghiên cứu của các công trình như trên và ý kiến của các giáo sư sử học đầu ngành nhấn mạnh đến một số đánh giá chủ yếu sau:
Mạc Đăng Dung lên ngôi trong hoàn cảnh nhà Lê hoàn toàn suy tàn là tất yếu lịch sử, chính đáng, được dân đón chờ. Theo Đinh Khắc Thuận "tóm lại có 3 sự kiện nổi bật liên quan đến việc đánh giá nhà Mạc. Một là, lên ngôi của Mạc Đăng Dung thường được coi là thoán đoạt, nhưng là sự "thoán đoạt" trong lúc triều nhà Lê hoàn toàn suy sụp; vì vậy không coi hành động của Mạc Đăng Dung là cướp ngôi. Hai là, để tránh thảm hoạ chiến tranh xâm lược, nhà Mạc đã chấp nhận giải pháp đầu hàng có tính nghi thức theo yêu sách của nhà Minh. Ba là, bốn động biên giới nước ta đã bị nhà Minh lấy lại từ trước thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, trái lại đã góp phần quan trọng trong việc ổn đinh tình hình chính trị - xã hội trong nước cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh
Nhà nghiên cứu Huệ Thiên khẳng định: "Mạc Đăng Dung trả đất chứ không hề có việc Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh".
Về chính sách đối ngoại của nhà Mạc với nhà Minh, nhiều nhà nghiên cứu như: Ngô Đăng Lợi, Văn Tạo, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Dương Trung quốc, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật … đã hơn một lần khẳng định: Nhà Mạc thực sự không đầu hàng, Mạc Đăng Dung không hề mang tội phản quốc. Họ Mạc đã thực sự không dâng đất cho nhà Minh. GS. Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh, họ Mạc thi hành chiến lược "thần phục giả vờ độc lập thực sự". Ông đã dẫn Minh sử rằng: "Họ Mạc nộp toàn đất không (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất của nhà Minh từ trước rồi mà tương kế tựu kế đem nộp. Từ thế kỉ XVIII Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình Dư địa chí cũng khẳng định: "Thế thì sáu động họ Mạc đem nộp vờ như đất Như Tích, Phật Đà ở Khâm Châu chỉ vì tên gọi thay đổi khác nhau mà thôi".
Họ Mạc đã sử dụng mặt trận ngoại giao để thoát khỏi thảm hoạ xâm lược của nhà Minh. Trong chính sách bang giao với các triều đại Trung Hoa, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn luôn thi hành chính sách mềm dẻo "thần phục giả vờ độc lập thực sự"', ở đây họ Mạc cũng làm như vậy. Chúng ta đều biết, sau khi đại phá 29 vạn quân Thanh, Quang Trung vẫn phải vờ thần phục thiên triều và cử giả vương sang làm lễ trước vua Càn Long nhà Thanh chiến bại để tỏ tình "phụ tử"...
Nhà Mạc dù thất thế phải chạy lên Cao Bằng hơn 80 năm nhưng tuyệt đối không vì lợi ích riêng của Vương triều mà cầu cứu nhà Minh đem quân vào xâm lược nước ta...
Hơn 65 năm trị vì ở Thăng Long, Vương triều Mạc đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, văn hoá, giáo dục nổi bật, nhưng các sử gia phong kiến trước đây thường lờ đi. Nay ta thấy nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời Mạc rất mở mang, yên bình; nghề gốm, mộc, tơ lụa rất phát triển; đặc biệt nhà Mạc đã đẩy mạnh việc mở rộng giao thương đường biển ra thế giới . . . Đạo Phật được chấn hưng; văn hoá giáo dục phát triển mạnh. "Nhà Mạc rất chú trọng phát triển nhân tài trong nước và tổ chức đều đặn các kì thi 3 năm 1 lần, từ khi mới thành lập đến năm tồn tại cuối cùng. Từ năm 1529 thời Mạc Thái tổ đến năm 1592 thời Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên (...) Giáo dục và khoa cử thời Mạc đã tạo ra một đội ngũ quan lại cho bộ máy triều đình, trong đó có không ít người danh vọng rất cao như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khái. Nguyễn Dữ tuy không đỗ đạt nhưng cũng trở thành danh Nho đương thời. Hệ thống giáo dục thời Mạc tạo ra một đội ngũ Nho sĩ đông đảo ở các làng xã, từ đó Hội tư văn được thành lập. Họ có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng cổ lệ phong kiến địa phương" (Wikipedia, 15/5/2010). Tóm lại, như GS. Phan Huy Lê khẳng định "Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc" [3]
2. Vương triều Mạc trong SGK
Một trong những nguyên tắc khi biên soạn SGK Lịch sử và sách tham khảo là "phải bắt nhịp trình độ hiện đại của lịch sử học nước nhà" [4]
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều SGK, giáo trình, sách tham khảo . . . của nhiều nhà xuất bản vẫn chưa cập nhật những thông tin mới, chưa thể hiện những quan điểm, những đánh giá mới của các nhà khoa học để chuyền tải đến giáo viên, học sinh, sinh viên và đông đảo người đọc nói chung.
Riêng về SGK phổ thông, chúng tôi xin có mấy ý kiến cụ thể như sau:
Theo cơ cấu chương trình cũ thì lịch sử Vương triều Mạc được giảng dạy cho học sinh lớp 8. SGK lịch sử 8, tập 2 phần lịch sử Việt Nam (tái bản lần thứ 13) của các tác giả Đinh Xuân Lâm, Phan Đại Doãn, Trương Hữu Quý, NXB GD, không có một phần nào dành riêng để viết về Vương triều Mạc mà chỉ có vài dòng về Vương triều Mạc trong phần "chiến tranh phong kiến Nam triều - Bắc Triều" như sau:
"Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc" (Tr6) "Mãi đến năm 1592 Nam triều mới chiếm được Thăng Long, tập đoàn họ Mạc chạy lên Cao Bằng" (tr7). Một Vương triều trị vì 65 năm, đóng đô ở Thăng Long mà bị bỏ qua? Cách viết này y như các sử gia thời phong kiến nhà Lê. Theo cơ cấu chương trình mới thì lịch sử Vương triều Mạc được đưa vào giảng dạy ở cả hai bậc học là THCS và PTTH.
Ở bậc THCS, lịch sử vương triều Mạc được giảng dạy cho học sinh lớp 7. SGK Lịch sử 7 của tập thể tác giả Phan Ngọc Liên (tổng chủ biên) Nghiêm Đình Vỳ (chủ biên) Đinh Ngọc Bảo, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Phan Quang, NXB GD cũng chỉ viết ngắn gọn một câu về vương triều Mạc như sau: "Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều Mạc" (Tr.107). Rõ ràng các tác giả đã "xoá sổ Vương triều Mạc" [5]
Bắt đầu từ năm học 2006 - 2007 áp dụng chương trình phân ban ở lớp 10. Theo chương trình phân ban mới có 2 cuốn SGK lịch sử. Đó là SGK lịch sử 10 dùng để giảng dạy cho Ban KHTN và Ban cơ bản và SGK Lịch sử 10 nâng cao dùng đễ giảng dạy cho Ban KHXH - NV. Xem qua SGK và sách tham khảo cho thấy:
Một là, SGK Lịch sử 10 của tập thể tác giả: Phan Ngọc Liên (tổng chủ biên) Lương Ninh - Trương Hữu Quýnh (chủ biên) Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Hồng Liên, Nguyễn Cảnh Minh, Nghiêm Đình Vỳ - NXB GD - HN - 2006 đã dành một phần nói về Vương Triều Mạc. Các tác giả đã nói đến những đóng góp của Vương triều Mạc về các mặt xây dựng lại chính quyền, kinh tế. văn hóa. . . Tuy nhiên, khi nói về chính sách đối ngoại của nhà Mạc với nhà Minh các tác giả vẫn viết theo những quan niệm cũ.
Hai là, cuốn sách Giới thiệu giáo án Lịch sử 10 (chương trình cơ bản) của Nguyễn Xuân Trường (chủ biên), NXB Hà Nội 2006. Cuốn sách này được các tác giả giới thiệu thiết kế giáo án nhằm phát huy vai trò chủ động sáng tạo của thầy và trò. Nhưng thực tế tác giả cũng chỉ gợi ý HS trả lời câu hỏi đúng theo nội dung SGK.
Ba là,SGK Lịch sử 10 nâng cao của tập thể tác giả: Phan Ngọc Liên (tổng chủ biên), Lương Ninh, Trương Hữu Quýnh (chủ biên) Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Quang Ngọc, Nghiêm Đinh Vỳ, NXB GD. Sách cũng dành một mục nói về kinh tế, văn hoá: "Nhà Mạc đã tập trung củng cố chính quyền và kỉ cương đất nước bằng cách tổ chức lại bộ máy quan lại. Về cơ bản hệ thống luật pháp hoàn bị của nhà Lê vẫn tiếp tục duy trì nhưng được xem xét và điều chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Tình hình đất nước những năm đầu Vương triều Mạc đã dần đi vào ồn định, kinh tế văn hoá có những dấu hiệu phát triển." (Trang 178 - 179).
Để minh chứng cho nhận định này, SGK còn trích dẫn sử liệu của Đại việt sử kí toàn thư nói về cảnh thái bình thịnh trị thời Mạc.
Rõ ràng, SGK Lịch sử 10 nâng cao đã khắc phục được phần nào hạn chế của SGK Lịch sử 8 trước đây, SGK Lịch sử 7 hiện nay khi nói và nhà Mạc. Tuy nhiên, trong SGK này khi nói về chính sách đối ngoại của nhà Mạc vẫn viết theo quan điểm cũ.
Trong phần câu hỏi, SGK không hỏi gì đến thành tựu mà chỉ hỏi: "Những hạn chế chủ yếu của Triều Mạc là gì? " Phải chăng các tác giả vẫn muốn học sinh ghi nhớ định kiến rằng Triều Mạc chỉ là tiêu cực hạn chế?
Bốn là, cuốn sách hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập Lịch sử 10 (chương trình chuẩn và nâng cao) của tập thể tác giả: Nguyễn Thị Côi (chủ biên) Nguyễn Thị Thế Bình, Nguyễn Thị Bích - NXB ĐH QG TP. HỒ Chí Minh - 2006, vẫn viết y như các sử gia phong kiến xua: " Việc nhà Mạc thực hiện chính sách ngoại giao lúng túng, Mạc Đăng Dung cùng 40 quan lại cởi trần quỳ gối cửa ải Nam Quang dâng sổ sách cắt đất nam động phía Đông cho nhà Minh là việc làm đáng chê trách" ( trang 127).
3. Kiến nghị
Mong rằng các Hội đồng biên soạn, Hội đồng thẩm định SGK, giáo trình Lịch sử và các tác giả liên quan cần lưu ý xem xét, cập nhật các thông tin mới, đánh giá mới về Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc để thể hiện đúng đắn trong các SGK, sách tham khảo;
- Mong các nhà xuất bản trong khi biên tập, duyệt bản thảo cho xuất bản các loại SGK, giáo trình, sách tham khảo và các loại sách và lịch sử Vương triều Mạc cần lưu ý đến những nghiên cứu, đánh giá mới của các nhà khoa học để xem xét, đối chiếu;
- Việc tái bản những những sách về lịch sử theo những quan điểm cũ, cần có lời nói đầu và những chú thích cần thiết để giáo viên, học sinh, sinh viên khi tham khảo tránh được những thành kiến lịch sử và có quan điểm mới, đánh giá mới: khách quan, khoa học, công bằng.