Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 29/09/2008 15:42 (GMT+7)

Máy xử lý tôm ngạt khí của một cậu bé

Tìm nguyên nhân tôm ngạt khí

Quê em nhiều nhà sống bằng nghề nuôi tôm, ông nội Tuấn cũng vậy. Tuấn thấy những người nuôi tôm thường đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhưng khó khăn lớn nhất mà em chứng kiến là những nhà nuôi tôm bị mất hàng trăm triệu đồng khi vào cuối vụ, tôm đã lớn nên hay bị ngạt khí mà chết.

Từ đó, Tuấn quyết định tìm hiểu sâu hơn lý do tại sao tôm lại bị ngạt khí, mình phải làm gì để những người nông dân như ông không còn vỡ nợ vì mất mùa...

Việc tìm ra lý do tại sao không quá khó với Tuấn, bởi vì hằng ngày em đã cùng ông lăn lộn với các đầm tôm. Em cho biết, khi tôm đã lớn cần nhiều oxy nên phải cung cấp oxy đủ cho tôm. Điều quan trọng nhất chính là phát hiện sớm lúc tôm bị ngạt để xử lý.

Tuấn cũng đã tìm hiểu xem trên thị trường đã có loại máy nào giúp người nông dân phát hiện tôm bị ngạt khí chưa nhưng không thấy. Từ đó, Tuấn quyết định sáng chế ra máy để phát hiện ra hiện tượng tôm ngạt khí.

Tuấn còn lân la hỏi thêm kinh nghiệm của những người nuôi tôm quanh vùng. Theo kinh nghiệm của những người nuôi tôm truyền lại, tôm chỉ nổi lên mặt nước khi bị thiếu oxy, nếu cung cấp đủ oxy tôm sẽ không bao giờ nổi lên mặt nước. Khi tôm bị ngạt, chúng sẽ nổi lên theo bầy đàn, những con lớn nổi lên trước nên lực tác động lúc đó sẽ rất mạnh. Dựa vào đó, Tuấn đã nghĩ ra việc giăng lưới sắt để tôm đập vào lưới khiến công tắc điện đóng lại và phát ra tín hiệu.

Hoàn thành trong một tháng với 250 nghìn đồng!

Ý tưởng thì đã hình thành từ lâu, nhưng Tuấn chỉ bắt tay vào sáng chế trong kỳ nghỉ hè vừa qua. Chỉ trong tháng 7, chiếc máy phát hiện và xử lýtôm ngạt khí của em đã ra đời. Tháng 8, em đã nộp máy này cho Ban tổ chức để tham gia cuộc thi.

Máy của em gồm các bộ phận như: máy phát tín hiệu, phao để giúp cho máy phát tín hiệu nổi trên mặt nước, bình ắc quy, hai lưới sắt để cảm nhận độ va đập của tôm khi hoạt động trên mặt nước rồi truyền về máy phát tín hiệu. Máy thu tín hiệu sẽ được đặt lều nuôi tôm, có tác dụng thu tín hiệu qua hệ thống rơle và khởi động máy sục khí.

Máy hoạt động theo nguyên lý như sau: Khi thiếu oxy, đàn tôm sẽ nổi trên mặt nước, ánh sáng của đèn pha và bộ kích điện sẽ kích thích cho tôm hoạt động mạnh trên bề mặt của ao hồ, đập vào lưới để truyền về hệ thống cảm biến của máy.

Bộ cảm biến nhận tín hiệu thông qua chuyển động của tôm, sẽ truyền tín hiệu qua hệ thống rơle về máy thu tin hiệu để đóng mạch điện cho máy sục khí làm việc, lượng oxy được kịp thời bổ sung, giúp tôm khỏe mạnh bình thường và sẽ lặn trở lại xuống đáy ao hồ.

Thiết bị có gắn thêm cơ cấu phụ, làm nhiệm vụ báo động chống trộm và báo động tôm nổi lên mặt nước với số lượng lớn.

Tuấn đã thử ở ao tôm nhà mình, cho thấy máy hoạt động tốt. Tuấn cho biết, em chỉ mất 250 nghìn đồng chi phí cho việc sáng tạo máy này. Những vật liệu mà em dùng đều tìm kiếm từ hàng sắt vụn, nhiều thứ giá chỉ vài ba nghìn đồng. Thứ em phải bỏ tiền ra nhiều nhất là chiếc bình ắc quy.

Đam mê sáng tạo, nhưng Tuấn đã từng gặp thất bại trong một lần tham gia sáng tạo tại trường. Lần đó, Tuấn đã sáng chế một chiếc máy hốt rác, nhưng khi đem ra ứng dụng thì không được kết quả như ý muốn.

Năm nay Tuấn đang học lớp 12, trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An. Em rất muốn theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của mình. “Nếu thi đỗ, em sẽ vào học ĐH Bách khoa”, Tuấn nói.

Đánh giá về công trình của Tuấn, GS Nguyễn Đức Khiển, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho rằng, nếu được hoàn thiện, thiết bị có thể ứng dụng rộng rãi vào thực tế đời sống để tránh được thiệt hại, rủi ro cho người nuôi tôm vào cuối kỳ thu hoạch.

Đó cũng là mong ước của Tuấn, em cho biết nếu có điều kiện, em sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để sản xuất đại trà, tạo điều kiện cho những người dân quê em và những người đang nuôi tôm trên khắp cả nước nuôi tôm tốt hơn.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.