Máy giặt đập liên hợp “Made in Út máy cày”
Nhưng để có được thành công ấy, anh Út đã trải qua bao phen lao tâm khổ tứ. Anh tâm sự: “Tôi làm nghề sửa máy cả chục năm nên bà con trong vùng thường gọi bằng cái tên “Út máy cày”. Những năm gần đây, khi tới mùa thu hoạch, nhiều chủ ruộng phải thuê người cắt lúa với giá cao do thiếu nhân công. Bông lúa khi gặt rồi qua các công đoạn gom, suốt… rơi vãi rất nhiều, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn. Ngay như nhà tôi, mỗi mùa cũng “chịu” mất hàng tạ thóc. Tiếc của, tôi bắt đầu tìm tòi chế tạo và lắp ráp chiếc máy có thể vừa cắt vừa suốt được, không phải qua công đoạn cắt lúa xong rồi gom thành đống đem lên máy để tuốt. Qua hai năm miệt mài nghiên cứu và chế tạo, đến vụ hè thu năm 2006, tôi đưa chiếc máy gặt đập liên hợp do mình sản xuất vào vận hành thử nghiệm trên đồng đất Cao Lãnh và may mắn đã thành công”.
Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gian nan, vất vả vô cùng. Anh bắt đầu “công trình” của mình từ năm 2004. Sau nhiều đêm thức trắng, âm thầm kẻ vẽ trên giấy hình dáng, chi tiết chiếc máy và bắt tay vào hàn, tiện, lắp đặt. Thất bại, tổn thất không nhỏ, đống sắt vụn trong nhà cao như núi. Vợ anh tiếc của “làm mặt” giận nhưng anh vẫn quyết tâm làm. Mãi đến giữa năm 2006, chiếc máy cắt - suốt liên hợp do anh chế tạo đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Lần đầu tiên đưa máy vào sử dụng, anh gặp phải một số trục trặc. Nhiều người đã nghĩ sẽ không thể thành công nhưng anh Út vẫn kiên trì tháo tháo lắp lắp để khắc phục một số nhược điểm của máy. Ngày chiếc máy được đưa vào hoạt động trong tiếng hò reo, vui sướng của bà con xã An Bình, anh Út chỉ lặng lẽ đứng nhìn từ xa và khóc thầm vì sung sướng.
Ưu điểm của máy là ít hao tốn nhiên liệu, chỉ khảong 25 lít dầu máy cắt suốt được 3 ha/ ngày, tỷ lệ hao hụt không đáng kể; máy hoạt động tốt trong điều kiện thân lúa đứng và vẫn hoạt động bình thường cả ban đêm; khi có mưa, cây lúa ướt, đổ ngả và ruộng bị ngập nước không quá 1 tấc, máy vẫn “chạy” êm ru, rất thích hợp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Máy có trọng lượng 1,4 tấn, đường cắt rộng gần 2 m. Nguyên liệu chế tạo máy chỉ gồm động cơ và một số linh kiện đều có sẵn trong nước như ốc, sắt, bạc đạn, xây xích, dây gào, dây cua roa đến nhông chuyền, dụng cụ che chắn an toàn, hạn chế nguy hiểm cho người sử dụng. Chiều quay của bông trục và những kết cấu bên trong của máy cũng được anh Út thiết kế, chế tạo phù hợp. Anh còn sáng chế ra hệ thống chống lún để máy vận hành dễ dàng trên vùng đất ẩm ướt, không bị sa lầy và có hệ thống đèn chiếu sáng để hoạt động vào ban đêm. Máy ít bị hư hỏng, cắt lúa bằng lưỡi thép, có bộ phận điều chỉnh khi cắt lúa cao - thấp nên rất tiện sử dụng mà giá thành chỉ dao động ở mức 80 triệu đồng, nếu lắp loại động cơ của Trung Quốc và 100 triệu đồng nếu lắp đặt loại động cơ máy diezen của Nhật.
Sau khi xem trình diễn, các nhà khoa học và nông dân đã đánh giá rất cao hiệu quả của máy cắt - suốt lúa mang tên “Út máy cày”. Anh Nguyễn Sơn Giang, nông dân ở xã Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) dã đi tham quan nhiều nơi, sau khi được tận mắt nhìn thấy chiếc máy của anh Út, tấm tắc khen: “So với các loại máy khác thì máy của anh Út hiệu quả hơn, thời gian cắt suốt nhanh, ít hao hụt. Giá thành cũng phải chăng”. Còn anh Huỳnh Thanh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) nhận xét: “So với các loại máy khác thì máy cắt - suốt của xưởng cơ khí anh Út mẫu mã trông đẹp hơn, ở những vùng đất sình lầy, lúa ngập mà máy vẫn hoạt động tốt”.
Xưởng cơ khí “Út máy cày” cảu anh Huỳnh Văn Út hiện đang lắp ráp nhiều chiếc máy gặt đập liên hợp để giao cho HTX nông nghiệp và bà con nông dân trong và ngoài huyện. Nói về dự định trong tương lai, anh Út cho biết: “Tôi đang kiến nghị Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng mặt bằng, tăng quy mô sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hoá vào đồng ruộng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian, giảm công lao động, hạn chế rủi ro, thất thoát trong và ngoài thu hoạch, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình…”.