“Mâu thuẫn” phản biện
Lý giải về cái gọi là “mâu thuẫn” trên, có thể thấy: thứ nhất, chưa có chế tài bắt buộc các dự án lớn phải có tư vấn, phản biện, không có sự ràng buộc để các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện điều này.
Thứ hai, chưa có thể chế tài chính đi kèm để động viên các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giám định xã hội. Ví dụ, từ tư vấn phản biện, dự án của Nhà nước có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng thì nhà khoa học tham gia phải được hưởng lợi từ số tiền đó. Một vấn đề đưa ra thẩm định, phản biện cần phải có thời gian, kinh phí để tập hợp lực lượng, đi thực tế cơ sở, điều tra, thí nghiệm… mới có được tư vấn cụ thể, chính xác.
Phản biện của các nhà khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là phản biện độc lập, mang tính khách quan nên phần nào khiến cho đơn vị được phản biện phải “khó chịu”. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thẳng thắn: các nhà khoa học vẫn ở thế bị động, mời thì làm, không thì thôi. Câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều nếu các nhà khoa học mạnh dạn, chủ động đề nghị được tư vấn, phản biện những dự án có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, cũng đã có những nhà khoa học thực sự tâm huyết. Họ mạnh dạn gửi kiến nghị, trình bày ý tưởng lên các cấp lãnh đạo nhưng thay vì ủng hộ, ghi nhận, lại bị quy kết là tác nhân phá hoại, làm cản trở tiến trình phát triển của dự án…
Còn một sự thật nữa, nếu nhà khoa học nói thẳng nói thật nhưng làm mất lòng lãnh đạo thì chỉ được mời tham gia hội đồng tư vấn một lần thôi, lần sau “xin miễn”... Để vai trò phản biện thực sự được phát huy, nhà nước và các nhà khoa học hãy chủ động hơn nữa để tiến lại gần nhau.
Đừng để có vấn đề phát sinh mới tìm đến nhau. Mặt khác, cũng cũng nên có số liệu thống kê chính xác và công bố chính thức về lực lượng, khả năng chuyên môn của các đơn vị, cá nhân trong từng ngành để thuận tiện hơn trong việc mời phản biện khi có vấn đề phát sinh.